Những hải trình không ngơi nghỉ
Trước yêu cầu cấp bách về việc gỡ ‘thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC), Chi cục Kiểm ngư Vùng I đã đẩy mạnh các hoạt động tuần tra, kiểm soát trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Bất chấp điều kiện thời tiết phức tạp, các tàu kiểm ngư đã liên tục vươn khơi, thực thi pháp luật một cách quyết liệt, mang lại những kết quả tích cực.
Ngay sau khi hoàn tất các công tác chuẩn bị, từ giữa tháng 4/2025 đến nay, các tàu Kiểm ngư KN-106, KN-108, KN-196, KN-198 cùng xuồng KN-1112 đã liên tục thực hiện 4 chuyến tuần tra lớn và nhiều đợt tuần tra của Trạm Kiểm ngư Bạch Long Vĩ.

Từ đầu năm 2025 đến nay, lực lượng kiểm ngư Vùng I đã kiểm tra gần 200 lượt tàu cá trên vịnh Bắc Bộ, xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm. Ảnh: Đinh Mười.
Lực lượng kiểm ngư đã hiện diện thường xuyên của lực lượng chức năng trên các ngư trường trọng điểm, đặc biệt là khu vực phía Nam đảo Bạch Long Vĩ và vùng biển phía Đông Hòn Mắt, Hòn La. Điều này không chỉ nhằm mục đích kiểm tra, mà còn tạo ra một thông điệp mạnh mẽ về sự nghiêm minh của pháp luật, góp phần răn đe các hành vi vi phạm và nâng cao ý thức tuân thủ của ngư dân.
Trong các chuyến tuần tra trên biển, có tổng cộng, 82 lượt công chức, thuyền viên đã tham gia với 80 ngày hoạt động trên biển, trong quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng đã quan sát được 684 lượt phương tiện nghề cá, trong đó có 664 lượt tàu cá Việt Nam.
Với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, các đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra 187 phương tiện, qua đó phát hiện và lập hồ sơ xử lý 33 trường hợp vi phạm, bao gồm 23 tàu cá Việt Nam và 10 tàu cá nước ngoài.
Đối với tàu cá trong nước, các lỗi vi phạm phổ biến được ghi nhận gồm: không mang theo giấy tờ tùy thân, giấy đăng ký tàu, giấy phép khai thác; thiếu chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng; không có hoặc không ghi nhật ký khai thác; không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS). Một số trường hợp còn hoạt động sai nghề so với giấy phép, chủ yếu là các tàu đăng ký nghề câu, rê nhưng thực tế lại sử dụng lưới kéo.
Chi cục đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 3 trường hợp với tổng số tiền 66,5 triệu đồng. 14 trường hợp khác có mức độ vi phạm nghiêm trọng hơn, trong đó có 2 trường hợp vi phạm lỗi nghiêm trọng theo Nghị định 38/2024/NĐ-CP, đã được chuyển hồ sơ lên Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư để xử lý theo thẩm quyền. Hai trường hợp hoạt động sai vùng đã được bàn giao cho Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh.

Cùng với việc phát hiện, xử lí vi phạm, lực lượng kiểm ngư đã luôn sát cánh với ngư dân, tặng áo ao và phao cho ngư dân yên tâm bám biển. Ảnh: Đinh Mười.
Đặc biệt, lực lượng kiểm ngư đã xử lý dứt điểm 10 tàu cá nước ngoài cùng 40 thuyền viên xâm phạm vùng biển Việt Nam để khai thác thủy sản. Các tàu này sau khi bị lập biên bản, ghi nhận bằng chứng đã bị buộc rời khỏi vùng biển Việt Nam.
Một trong những kết quả tích cực và đáng ghi nhận nhất là trong 6 tháng qua, qua công tác tuần tra, kiểm soát và thông tin phối hợp, chưa phát hiện tàu cá nào của các địa phương trong khu vực vịnh Bắc Bộ vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài.
Vừa thực thi nhiệm vụ, vừa tuyên truyền pháp luật
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Vùng I, song song với việc thực thi pháp luật, các đoàn công tác của chi cục còn đóng vai trò là những tuyên truyền viên tích cực trên biển. Mỗi khi tiếp cận tàu cá, các kiểm ngư viên đều dành thời gian phổ biến các quy định mới của pháp luật, đặc biệt là Luật Thủy sản 2017 và các nghị định, thông tư hướng dẫn.
Ngư dân được giải thích về tác hại của việc sử dụng các ngư cụ cấm có tính hủy diệt, được hướng dẫn cách ghi nhật ký khai thác một cách chính xác. Chi cục Kiểm ngư Vùng I đã phát 300 tờ rơi tuyên truyền, yêu cầu 158 thuyền trưởng ký cam kết tuân thủ pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Lực lượng kiểm ngư cùng các lực lượng thực thi pháp luật trên biển cùng lan tỏa phong trào “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” ở vịnh Bắc Bộ. Ảnh: Đinh Mười.
Hưởng ứng phong trào “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển”, các tàu kiểm ngư đã trở thành những “sứ giả” mang tình cảm từ đất liền đến với bà con. Từ đầu năm 2025 đến nay, khoảng 154 lá cờ Tổ quốc, 60 phao tròn và 110 áo phao đã được trao tận tay các ngư dân đang hoạt động trên biển. Những món quà nhỏ nhưng ý nghĩa này không chỉ hỗ trợ ngư dân về vật chất mà còn là nguồn động viên tinh thần to lớn, giúp họ thêm vững tin vươn khơi, bám biển.
Theo Chi cục Kiểm ngư Vùng I, dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, công tác chống khai thác IUU vẫn còn một số thách thức, khó khăn khi tình trạng nguồn lợi thủy sản suy giảm, thiếu hụt lao động có chuyên môn vẫn là nguyên nhân sâu xa dẫn đến một số vi phạm. Bên cạnh đó, một số quy định về xử phạt bổ sung còn khó áp dụng trong thực tế trên biển, cần được nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp hơn.
Tuy vậy, với những kết quả đã đạt được, Chi cục Kiểm ngư Vùng I tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt trên mặt trận chống khai thác IUU trên vịnh Bắc Bộ. Bằng sự quyết liệt trong hành động và sự mềm dẻo trong tuyên truyền, lực lượng kiểm ngư đang góp phần quan trọng vào mục tiêu chung là xây dựng một ngành thủy sản Việt Nam có trách nhiệm và bền vững.