| Hotline: 0983.970.780

Chủ động nhiều phương án bảo vệ đàn vật nuôi trước mùa mưa bão

Thứ Sáu 25/07/2025 , 11:27 (GMT+7)

Tỉnh Quảng Ninh đang triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại trong mùa mưa bão.

Người dân đã thay đổi nhận thức

Mùa mưa bão năm 2025 được Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định sẽ gay gắt hơn nhiều so với trung bình nhiều năm. Không chỉ tần suất bão tăng mà lượng mưa lớn, dồn dập trong thời gian ngắn cũng có thể gây lũ quét, sạt lở, úng ngập trên diện rộng.

Ông Hoàng Văn Cường đã xây dựng hệ thống chuồng trại chắc chắn để bảo vệ đàn gà Tiên Yên. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ông Hoàng Văn Cường đã xây dựng hệ thống chuồng trại chắc chắn để bảo vệ đàn gà Tiên Yên. Ảnh: Nguyễn Thành.

Trong bối cảnh đó, công tác phòng, chống thiên tai trong chăn nuôi, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho vật nuôi đang được tỉnh Quảng Ninh coi là một trong những nhiệm vụ cấp thiết, gắn liền với yêu cầu giữ vững tăng trưởng ngành nông nghiệp.

Trong những năm gần đây, tình trạng thiệt hại do thiên tai gây ra đối với đàn gia súc, gia cầm đã không còn là chuyện hiếm gặp. Mỗi đợt mưa bão đi qua không chỉ làm đổ sập chuồng trại, cuốn trôi vật nuôi mà còn để lại nguy cơ dịch bệnh lan rộng, khiến người chăn nuôi lâm vào cảnh trắng tay. Bởi vậy, với dự báo thời tiết năm nay đầy bất thường, ngành chức năng của Quảng Ninh đã sớm ban hành hướng dẫn cụ thể nhằm giúp người dân chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Tại xã Đông Ngũ, ông Hoàng Văn Cường, chủ trại gà hơn 2000 con, không giấu được sự cẩn trọng khi kể về những ngày mưa bão năm ngoái. “Cứ đầu tháng 6 là tôi bắt đầu kiểm tra lại chuồng trại, vét mương thoát nước, lót nền cao lên thêm 30cm nữa. Bây giờ không đợi mưa tới mới lo chống đỡ như trước nữa”, ông Cường chia sẻ.

Theo ông Cường, thay vì chỉ làm chuồng tạm, nhiều hộ chăn nuôi tại địa phương đã đầu tư chuồng trại kiên cố, có mái che chống gió, tường chống nước tràn. Thức ăn cũng được chuẩn bị sẵn sàng trong các bao kín, kê cao, đủ cho 15 ngày. Một số hộ còn trữ cả nước sạch và máy phát điện đề phòng khi lưới điện bị cắt trong bão.

“Chúng tôi còn được thú y xã hướng dẫn tiêm phòng, chăm sóc khẩu phần dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho đàn gà. Mọi thứ được lên kế hoạch từ sớm, có bài bản. Không còn tâm lý trông chờ như trước đây nữa”, ông Cường nói thêm.

Từ chỉ đạo tới hành động

Trao đổi với phóng viên, bà Chu Thị Thu Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh, khẳng định: “Chăn nuôi là một trong những ngành dễ tổn thương nhất khi thiên tai xảy ra. Với mục tiêu bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân và giữ ổn định đầu vào thực phẩm, chúng tôi đã yêu cầu các địa phương kích hoạt các biện pháp phòng chống thiên tai cho chăn nuôi ngay từ đầu tháng 7”.

Theo bà Thủy, Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Ninh đã ban hành Văn bản số 5590/SNN&MT-CNTY hướng dẫn cụ thể từng bước cho người chăn nuôi trong cả ba giai đoạn: trước, trong và sau mưa lũ.

Cán bộ thú y cơ sở hỗ trợ người dân tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Ảnh: Nguyễn Thành.

Cán bộ thú y cơ sở hỗ trợ người dân tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Ảnh: Nguyễn Thành.

Những nội dung này không dừng ở việc nâng nền chuồng, che chắn mà còn đặt ra yêu cầu cao hơn về tiêm phòng, kiểm dịch, xử lý môi trường và thậm chí cả phương án tái đàn hậu thiên tai. “Chúng tôi quán triệt phương châm bốn tại chỗ: lực lượng, phương tiện, hậu cần và chỉ huy. Trong đó, vai trò của cán bộ thú y xã, thôn đặc biệt quan trọng vì là người gần dân nhất, nắm rõ từng hộ chăn nuôi”.

Đáng chú ý, theo bà Thủy, năm nay tỉnh cũng sẽ kiểm tra nghiêm ngặt việc vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm giữa các vùng, đặc biệt là vùng có dịch hoặc có nguy cơ phát sinh dịch. Những vật nuôi bị chết do thiên tai bắt buộc phải tiêu hủy, chôn lấp theo đúng quy trình, có tiêu độc, khử trùng đầy đủ, tuyệt đối không để lan bệnh ra môi trường.

Để tiếp sức cho người dân sau thiên tai, Quảng Ninh đã có kế hoạch triển khai Nghị định 09/2025/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại. Theo bà Chu Thị Thu Thủy, ngoài việc thống kê thiệt hại, Chi cục cũng sẽ phối hợp với các địa phương rà soát các cơ sở cung cấp giống, hóa chất xử lý môi trường, vắc xin, đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định.

“Quan điểm của chúng tôi là xử lý nhanh, gọn, không để dịch chồng dịch. Thiên tai là khó tránh, nhưng hậu quả nặng hay nhẹ phụ thuộc rất lớn vào sự chủ động của cả hệ thống từ cơ quan quản lý tới từng hộ chăn nuôi”, bà Thủy khẳng định.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ cả chính quyền và người dân, Quảng Ninh đã sẵn sàng để bảo vệ đàn vật nuôi, cũng là bảo vệ sinh kế của hàng vạn nông hộ trước thiên nhiên ngày một cực đoan.

Xem thêm
Bị xử phạt 5,5 triệu đồng do vứt xác lợn chết ra môi trường

TUYÊN QUANG Từ 19 đến 22/7, tỉnh Tuyên Quang buộc phải tiêu hủy 5.481 con lợn mắc dịch tả lợn Châu Phi tại 376 hộ thuộc 114 thôn, 22 xã, với tổng trọng lượng hơn 304 tấn.

Thử nghiệm khắc phục vùng trồng sầu riêng bị nhiễm cadimi

ĐỒNG THÁP Đồng Tháp - địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất ĐBSCL tiên phong thử nghiệm mô hình giải độc cadimi, mở ra hướng canh tác bền vững và an toàn.

Nhà máy đường An Khê mở rộng thêm 2.000 hecta mía nguyên liệu mỗi vụ

GIA LAI Theo kế hoạch, mỗi vụ sản xuất Nhà máy đường An Khê sẽ mở rộng diện tích vùng nguyên liệu mía thêm 2.000 hecta.

Thiếu dữ liệu, nông hộ cà phê khó đáp ứng quy định EUDR

Hơn 600.000 nông hộ cà phê Việt Nam đối mặt thách thức lớn khi EU siết yêu cầu truy xuất và chống mất rừng từ cuối năm 2025.

Tiết kiệm hơn 30% chi phí phân bón nhờ phương pháp dúi phân

SƠN LA Phương pháp bón dúi phân kết hợp kỹ thuật cấy hàng rộng - hàng hẹp giúp giảm thất thoát, giảm số lần bón phân, chi phí phân bón giảm khoảng 30%, hạn chế sâu bệnh.

Chứng nhận MarinTrust: Cánh cửa giúp bột cá Việt vượt rào cản IUU

TP.HCM Sáng 24/7, Chi hội Bột cá, dầu cá Bà Rịa - Vũng Tàu và Phân viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam tổ chức tập huấn chứng nhận MarinTrust và thực hành IUU.

Nghệ An ì ạch gỡ nút thắt ERPA: Vướng cơ chế hay do năng lực?

Quá trình thực hiện thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính (ERPA) tại Nghệ An khá ì ạch, đây là nội dung do Quỹ bảo vệ phát triển rừng làm đầu tàu.

Bình luận mới nhất