Phát triển mạnh trang trại chăn nuôi
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa, hiện địa phương này có 364 trang trại chăn nuôi lớn nhỏ. Trong đó, chăn nuôi heo có 153 trang trại; dê, cừu có 11 trang trại; trâu, bò có 84 trang trại; gia cầm 120 trang trại.

Người chăn nuôi bò, dê, cừu tại Khánh Hòa đẩy mạnh cải tạo giống thông qua thụ tinh nhân tạo. Ảnh: Phương Chi.
Tính đến thời điểm hiện tại, Khánh Hòa có tổng đàn gia súc 822.406 con, gồm đàn trâu bò có 191.761 con; đàn lợn có 413.445 con; tổng đàn gia cầm 5,4 triệu con; đàn dê, cừu có 217.200 con, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa, sở dĩ đàn dê cừu trên địa bàn tỉnh này tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước là do thịt dê và cừu có xu hướng tăng mạnh. Hiện, giá dê hơi dao động từ 120.000 - 130.000đ/kg, tăng 18.400đ/kg so cùng kỳ; cừu hơi hiện có giá từ 100.000 - 105.000đ/kg, tăng 13.800 đồng/kg so cùng kỳ; giá các sản phẩm gia súc khác và gia cầm vẫn ổn định như trước đây.
Hiện, Khánh Hòa duy trì các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi như: Chuỗi liên kết chăn nuôi bò, dê, cừu thịt, gia cầm (gà, vịt công nghệ cao và vịt chạy đồng); Chuỗi heo đen, gà bản địa và chuỗi giữa hộ nuôi với doanh nghiệp lớn như CP, CJ. Các chuỗi này tập trung ở địa bàn tỉnh Ninh Thuận cũ.
Đối với sản phẩm chăn nuôi chủ lực như lợn, gia cầm ở Khánh Hòa chủ yếu thực hiện liên kết theo hình thức gia công giữa người dân với các doanh nghiệp FDI. Một số cơ sở chăn nuôi đạt chứng nhận VietGAHP nhưng chưa hình thành chuỗi liên kết bền vững, sản phẩm còn phụ thuộc vào thương lái và thị trường tự do, các chuỗi này tập trung ở địa bàn Khánh Hoà cũ.

Khánh Hòa có tổng đàn dê, cừu hơn 217 nghìn con. Ảnh: Phương Chi.
Hướng đến chăn nuôi bền vững
Tại Khánh Hòa, chuỗi liên kết chăn nuôi heo giữa Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam và Công ty CJ Vina Agri chủ yếu áp dụng công nghệ hiện đại như trại lạnh, hệ thống cho ăn, uống tự động, máy ép phân giảm tải hầm biogas góp phần bảo vệ môi trường.
Trong chăn nuôi bò, dê, cừu người dân đẩy mạnh cải tạo giống thông qua thụ tinh nhân tạo. Riêng tỷ lệ bò lai đạt trên 58% và sử dụng dê đực Bách Thảo, Boer, cừu Úc để lai tạo, kết hợp nuôi nhốt, vỗ béo bằng cỏ trồng và thức ăn hỗn hợp.
“Hiện tại, hơn 360 trang trại chăn nuôi lớn nhỏ trên địa bàn Khánh Hòa chiếm phần lớn là các trang trại có áp dụng công nghệ cao”, ông Thịnh cho biết.
Từ đầu năm 2025 đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa đã tham mưu, cấp 3 giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh. Trong đó, cấp 1 giấy cho sản xuất giống thủy sản, 1 giấy chăn nuôi heo sinh sản và 1 giấy chăn nuôi đà điểu, nâng tổng số cơ sở an toàn dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh lên 34 cơ sở.

Khánh Hòa hiện đang duy trì 5 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ảnh: Phương Chi.
Trong thời gian tới, ngành chức năng sẽ tham mưu Sở Nông nghiệp và Môi trường Khánh Hòa trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025 - 2030 theo Quyết định số 888/QĐ-BNN-CN ngày 28/2/2025 của Bộ NN-PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phục vụ quản lý lĩnh vực chăn nuôi giai đoạn 2025 - 2030.
Tiếp tục tham mưu Sở Nông nghiệp và Môi trường Khánh Hòa trình UBND tỉnh để trình HĐND Ban hành Nghị quyết chính sách đặc thù hỗ trợ di dời các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào khu giết mổ tập trung trên địa bàn bàn giai đoạn 2025 - 2030; tham mưu Sở Nông nghiệp và Môi trường Khánh Hòa trình UBND tỉnh đề án “Phát triển sản phẩm dê, cừu thành sản phẩm Halal”.
Ông Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa: “Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục tham mưu Sở Nông nghiệp và Môi trường Khánh Hòa giải quyết hồ sơ đăng ký dự án cơ sở giết mổ hỗn hợp gia súc, gia cầm tập trung với quy mô công suất 600 con heo/ngày, 100 con trâu bò/ngày và 2.900 con gia cầm/ngày do Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Chăn nuôi Nhân Thuận Phát làm chủ đầu tư”.