Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN-MT Quảng Ninh), tính đến hết tháng 6/2025, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 5,9 triệu con, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt gần 49.000 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ và tăng 1,7% so với kế hoạch báo cáo tiến độ 6 tháng.

Cụm trang trại xanh hiện đại Nuôi heo Công nghê cao Hải Hà (trại Hải Hà) tại huyện Hải Hà (cũ), tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Cường Vũ.
Công tác phòng, chống dịch bệnh được thực hiện nghiêm túc, đặc biệt đối với các bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục. Nhiều trang trại đã ứng dụng hệ thống chuồng kín, công nghệ IoT, tự động hóa trong quản lý, chăm sóc đàn vật nuôi. Các chính sách hỗ trợ về vay vốn, kỹ thuật tiếp tục được triển khai, góp phần giúp ngành chăn nuôi phục hồi nhanh sau thiên tai, dịch bệnh.
Tuy nhiên, lãnh đạo Chi cục thẳng thắn nhìn nhận thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần tập trung giải quyết trong 6 tháng cuối năm như: Chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh chiếm tới 96%, phần lớn chưa có hệ thống xử lý chất thải, gây ô nhiễm môi trường nông thôn; hoạt động nhỏ lẻ không kê khai đàn, không tiêm phòng đầy đủ làm khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh.
Bên cạnh đó, hệ thống thú y cấp xã bị ảnh hưởng do sắp xếp lại mô hình chính quyền 2 cấp, thiếu cán bộ chuyên môn về chăn nuôi thú y, làm chậm trễ giám sát và báo cáo dịch bệnh. Chi phí đầu vào tăng, giá con giống gia cầm tăng 10-15%, điện tăng 5%.
Trong khi, giá sản phẩm đầu ra chưa ổn định, tỷ suất lợi nhuận thấp, ảnh hưởng đến tâm lý tái đàn của người chăn nuôi. Rủi ro thiên tai và dịch bệnh vẫn tiềm ẩn, có thể gây thiệt hại đột biến. Hạ tầng giết mổ, chế biến chưa hoàn chỉnh, hợp tác giữa các thành phần trong ngành còn hạn chế, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định.

Trang trại gà của ông Đoàn Văn Chiến (thôn Tập Đoàn, phường Yên Tử) được nuôi theo công nghệ nhà lạnh, tiên tiến nhất hiện nay. Ảnh: Cường Vũ.
Bà Chu Thị Thu Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh, cho biết, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025, với chỉ tiêu tổng đàn gia súc, gia cầm đạt hơn 5,8 triệu con, sản lượng thịt hơi đạt 103.000 tấn, ngành chăn nuôi Quảng Ninh sẽ tập trung triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm.
Đầu tiên là tăng cường quản lý chăn nuôi nông hộ, kiểm soát dịch bệnh. Chi cục sẽ phối hợp với cán bộ các địa phương vận động người chăn nuôi kê khai đàn, tiêm phòng đầy đủ. Hỗ trợ kỹ thuật xử lý chất thải, bảo vệ môi trường nông thôn. Tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh, ngăn chặn chăn nuôi tự phát gây rủi ro lây lan dịch bệnh. Triển khai tiêm phòng định kỳ, kiểm tra vệ sinh thú y các cơ sở giết mổ, đảm bảo an toàn thực phẩm từ chăn nuôi.
Về ổn định chi phí đầu vào, hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ, Sở NN-MT cùng các cấp ngành, địa phương sẽ đề xuất hỗ trợ bà con tiếp cận giống chất lượng, chính sách vay vốn ưu đãi, giảm áp lực chi phí cho hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, đăng ký làm việc với các doanh nghiệp, trang trại lớn về kế hoạch sản xuất, tháo gỡ khó khăn trong kiểm dịch, thị trường tiêu thụ. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng giết mổ, chế biến.
"Ngành Nông nghiệp tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các địa phương bố trí quỹ đất, khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng trang trại sản xuất với quy mô công nghiệp, tập trung, tạo ra sản phẩm chất lượng an toàn trong chăn nuôi", bà Thủy cho hay.
Với các giải pháp đồng bộ, kịp thời, ngành chăn nuôi Quảng Ninh kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển bền vững, góp phần đảm bảo nguồn cung thực phẩm và nâng cao đời sống người dân.
Hiện, toàn tỉnh Quảng Ninh có 26 doanh nghiệp, 24 hợp tác xã và 240 trang trại chăn nuôi được cấp chứng nhận kinh tế trang trại, 28 cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP, 15 cơ sở được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh. Một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã có những bước đầu tư bài bản như: Công ty TNHH Phú Lâm, Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường.