Đồng Tháp là thủ phủ chăn nuôi gia cầm ở ĐBSCL với hơn 28 triệu con. Trong khi nhiều giống gà thịt gặp khó khăn về giá, gà tre đặc sản địa phương vẫn ổn định. Đặc biệt, gà tre lai hiện được bà con lựa chọn nhờ dễ nuôi, chi phí thấp và lợi nhuận cao.

Ông Dương Thanh Bình sở hữu bí quyết lai tạo gà tre giống chất lượng thịt thơm ngon được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn đăng ký bảo hộ. Ảnh: Minh Đảm.
Một trong những nông dân tiêu biểu tại Đồng Tháp với mô hình nuôi gà tre giống là ông Dương Thanh Bình, ngụ tại xã Tân Hòa. Bước ngoặt đến vào năm 2019, do dịch tả heo Châu Phi hoành hành, ông đành bỏ nghề chăn nuôi heo, lựa chọn mô hình sản xuất giống gà tre lai.
Với hơn 4 năm kiên trì chọn lọc và lai giống giữa gà tre rừng và gà tre đá, ông đã tạo ra dòng gà tre mới có ngoại hình đẹp, thịt ngon, trọng lượng cao, khắc phục được các nhược điểm trước đây như chân xanh, mồng thấp, ít thịt.
Đàn gà được lai tạo theo hướng chọn lọc đặc biệt: 50% gà tre rừng kết hợp 50% giống tre đá ở trong và ngoài tỉnh, đảm bảo các tiêu chí như lường đôi, chân vàng, màu lông đẹp, mồng cao, trọng lượng trên 1kg/con. Giống gà tre thế hệ F5 hiện nay của ông có chất lượng thịt cao, da vàng giòn, thịt mềm thơm rất được ưa chuộng trên thị trường.
Sau khoảng 100 ngày nuôi, gà mái đạt trọng lượng khoảng 1,2kg/con, gà trống đạt trọng lượng khoảng 1,6 kg/con. Giống gà tre do ông Dương Thanh Bình lai tạo đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn đăng ký bảo hộ độc quyền.
Hiện trang trại quy mô 100.000 con giống bố mẹ, được đầu tư chuồng ấp hiện đại trị giá 2 tỷ đồng, cung cấp khoảng 600.000 con giống mỗi tháng. Cơ sở còn hỗ trợ người nuôi gà về thức ăn, thuốc thú y, máng ăn, hướng dẫn kỹ thuật và kết nối đầu ra.
Theo đề tài nghiên cứu cấp tỉnh của GS.TS Nguyễn Trọng Ngữ, Phó Hiệu trưởng Trường Nông nghiệp - Đại học Cần Thơ, giá bán giống gà tre lai này tương đối ổn định trong thời gian qua. Trong khi đó, chi phí đầu tư chuồng trại, chăn nuôi thấp (52.000-58.000 đồng/kg), con giống tốt, gà thịt có độ đồng đều cao, quy trình tiêm vacxin phù hợp. Hệ số chuyển hóa thức ăn FCR khá tốt (từ 2,8-3,0).

Gà nuôi từ 95-100 ngày có trọng luọng bình quân hơn 1,2 kg/con. Ảnh: Minh Đảm.
Mặt khác, khối lượng khi xuất chuồng trung bình đạt tới 1,2 kg (cao hơn 300 gram so với gà tre thuần chủng). Thịt thơm ngon, ức dày, lông sáng, mào đẹp, đồng đều, thịt dẻo ngọt. Thời gian nuôi ngắn (khoảng 95 ngày). Giống gà này hiện đang chiếm 70% thị trường gà tre. Gà tre lai có sức đề kháng tốt khi được tiêm phòng đầy đủ nên tỷ lệ nuôi sống rất cao, đặc biệt có khả năng tiêu thụ nước với độ mặn 0,2 g/l.
Người chăn nuôi như ông Trần Hoàng Thắng (ở xã Gò Công Đông) đánh giá cao giống gà tre này nhờ khả năng thích nghi, tăng trưởng nhanh, thịt ngon, giá bán ổn định từ 60.000-67.000 đồng/kg, trong khi giá thành bình quân khoảng 65.000 đồng/con, mang lại lãi hơn 10.000 đồng/con.
Gà tre Đồng Tháp được nuôi nhiều ở các xã phía đông của tỉnh. Nhiều nhất là các xã Mỹ Tịnh An, Lương Hòa Lạc, Vĩnh Bình... với tổng đàn hơn 2,7 triệu con.
Về bí quyết chăn nuôi gà tre thành công, ông Dương Thanh Bình chia sẻ: “Để nuôi gà tre thành công, theo tôi cần chú trọng 4 yếu tố sau đây: Nhất giống, nhì môi (môi trường), tam mồi, tứ nước.
Khi bà con chọn được giống tốt cần phải đảm bảo môi trường chăn nuôi sạch sẽ, thức ăn phù hợp vì nhiều loại nuôi hệ số chuyển hóa thấp và cuối cùng phải cung cấp nước sạch, nước không được có quá nhiều clo dễ gây bệnh đường ruột cho gà. Ngoài ra, người chăn nuôi cũng chú trọng tiêm phòng đầy đủ cho đàn gà”.
Sự ổn định về thị trường, khả năng thích nghi cao và chất lượng thịt ngon đã giúp gà tre lai trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều hộ chăn nuôi tại Đồng Tháp. Từ một giống gà bản địa được lai tạo cải tiến, gà tre lai không chỉ góp phần đa dạng hóa vật nuôi mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững cho nông dân.
Mô hình của ông Dương Thanh Bình là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng lớn của giống gà này. Khi được đầu tư bài bản và khai thác đúng cách, gà tre lai hoàn toàn có thể trở thành mũi nhọn trong ngành chăn nuôi gia cầm của vùng ĐBSCL.