Từ giống bản địa đến đặc sản có thương hiệu
Ngan sao là giống ngan bản địa đặc hữu của huyện Đầm Hà (cũ), tỉnh Quảng Ninh, nổi bật với thân nhỏ, mào đỏ và lông khoang đen, trắng, xanh. Thịt ngan sao nổi tiếng thơm ngon, chín mềm, ngọt đặc trưng. Được biết, giống ngan bản địa này được những thế hệ nông dân duy trì và lựa chọn giống xuyên suốt qua nhiều năm, giữ nguyên chất lượng sản phẩm tự nhiên.

Anh Đinh Văn Thắng (áo vàng), Giám đốc HTX Thắng Huệ, chia sẻ về quy trình nuôi ngan sao. Ảnh: Nguyễn Thành.
Với chu kỳ sinh trưởng 4-5 tháng, ngan sao thường đạt trọng lượng khoảng 3,5-4,5 kg mỗi con, trong đó ngan đực to hơn ngan cái, cho thịt chắc hơn. Giá bán hiện dao động từ 100.000-120.000 đồng/kg, cao hơn so với ngan thông thường, phản ánh rõ chất lượng vượt trội và thị trường ổn định.
Hiểu rằng, nuôi đơn lẻ dễ dẫn đến rủi ro thiếu ổn định và khó khăn về tiêu thụ, năm 2019, các hộ nông dân địa phương đã thành lập Tổ hợp tác nuôi ngan sao thương phẩm tại xã Đại Bình, nay là xã Đầm Hà, quy tụ 11 thành viên liên kết chăn nuôi theo vùng giống, lịch xuất chuồng và quy trình đồng nhất.
Theo đó, người dân phối hợp phân chia lịch vào giống, lịch xuất bán để tránh ùn tắc sản phẩm, đồng thời giữ ổn định chất lượng toàn bộ đàn chuồng. Mỗi năm, tổ hợp tác cung cấp khoảng 50.000-60.000 con ngan sao thương phẩm ra thị trường.
HTX Thắng Huệ (xã Đầm Hà) là điển hình liên kết thành công, chuyên nuôi ngan bố mẹ, cung cấp trứng giống và dịch vụ ấp trứng thuê cho các hộ chăn nuôi. Anh Đinh Văn Thắng, Giám đốc HTX Thắng Huệ, chia sẻ, HTX không chỉ bao tiêu sản phẩm mà còn xây dựng chuỗi giá trị tiền thành phẩm đến đầu ra ổn định. Nhờ đó, sản lượng tiêu thụ hàng năm đều được đảm bảo.
Ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi
HTX Thắng Huệ đã đầu tư hệ thống máy hút chân không để đóng gói thịt ngan, tăng thời gian bảo quản đồng thời nâng tầm giá trị sản phẩm khi tiếp cận thị trường hiện đại. Việc kết hợp nuôi bố mẹ, cung ứng giống, bán trứng và thành phẩm theo dây chuyền khép kín giúp tăng giá trị, bảo đảm đầu ra lâu dài với doanh thu ổn định.
Năm 2023, sản phẩm ngan sao của tổ hợp tác Đại Bình và HTX Thắng Huệ được công nhận OCOP 3 sao. Đây là bước đầu tiên để định vị thị trường rộng hơn và đẩy mạnh công nhận thương hiệu địa phương. Sản phẩm được cấp mã số mã vạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm do CDC Quảng Ninh cấp phép, đồng thời có bao bì chuyên nghiệp, hút chân không giúp người tiêu dùng tin tưởng hơn.
Địa phương đang tiếp tục quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, kêu gọi đầu tư hạ tầng và mở rộng chuỗi liên kết nhằm định hình vùng chăn nuôi đặc sản cấp tỉnh.

Ngan sao Đầm Hà có giá bán dao động từ 100.000-120.000đ/kg. Ảnh: Nguyễn Thành.
Ngan sao Đầm Hà giờ trở thành nguồn thu chính cho hộ dân tham gia liên kết. Tổ hợp tác và HTX đã giúp nhiều gia đình tại xã Đầm Hà cải thiện thu nhập, giảm nghèo và gắn kết sản xuất hàng hóa liên tục. Khi sản phẩm đã có đầu ra ổn định, nhiều hộ dân chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang mô hình trang trại, nền tảng đặt nền móng xây dựng du lịch trải nghiệm, nhà hàng ẩm thực đặc sản và góp phần vào xây dựng nông thôn mới.
Thời gian tới, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn, hướng dẫn người dân xây dựng chuồng trại khép kín và bảo đảm điều kiện đất đai cho sản xuất chăn nuôi tập trung.
Cùng với đó, cần mở rộng đối tác tiêu thụ và xúc tiến thương mại đến các tỉnh thành lân cận như Hải Phòng, Hà Nội hay thậm chí xa hơn, để người tiêu dùng biết đến ngan sao Đầm Hà như đặc sản vùng Đông Bắc.
Nếu tiếp tục phát triển định hướng này, nâng cao chất lượng giống, mở rộng vùng chăn nuôi tập trung và kết nối thị trường sâu rộng, ngan sao có thể trở thành sản phẩm chủ lực, không chỉ làm giàu cho nhiều hộ dân mà còn xây dựng thương hiệu chăn nuôi đặc sản nổi bật của Quảng Ninh.