
Những con ngựa bạch của Hợp tác xã Mý Dao. Ảnh: H.Đ.
Nuôi ngựa bằng dược liệu
Từ lợi thế về điều kiện tự nhiên của Sìn Hồ (Lai Châu), một số hộ dân đã quyết định đầu tư nuôi ngựa sinh sản theo hướng an toàn sinh học và thành lập Hợp tác xã Mý Dao để quản lý, chăn nuôi cho bài bản.
Ông Giàng Xuân Cường, Giám đốc Hợp tác xã Mý Dao chia sẻ, giữa năm 2024, hợp tác xã đã mua 17 con ngựa bạch giống, giá trị 1 tỷ đồng và đầu tư hệ thống chuồng trại để chăn nuôi. Loài vật nuôi này rất phù hợp với khí hậu, địa hình vùng cao nên sinh trưởng phát triển nhanh đồng thời có những con ngựa đến nay đã sinh sản.
Từ số ngựa ban đầu, đến nay, đàn ngựa của hợp tác xã đã tăng lên 30 con và cho thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng mỗi tháng.
Tuy vậy, chăn nuôi quy mô lớn ở vùng cao còn gặp nhiều khó khăn. Song không vì thế, những thành viên hợp tác xã thiếu đi sự sáng tạo trong chăn nuôi.
Theo đó, ngoài chăn nuôi bán tự nhiên, cho ngựa ăn ở đồng cỏ, những con ngựa bạch của hợp tác xã còn được ăn bổ sung dược liệu. Chính vì điều đặc biệt này, sản phẩm ngựa của hợp tác xã rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
“Quy trình chăn nuôi ngựa bạch được hợp tác xã xây dựng bài bản, theo hướng hữu cơ và khép kín. Các yếu tố từ con giống, nguồn thức ăn, vệ sinh chuồng trại đến dịch bệnh… đều được kiểm soát. Con ngựa được chăn thả tự nhiên tại các triền đồi, đồng thời bổ sung thảo dược bản địa như lá đương quy, đẳng sâm… vào khẩu phần ăn để tăng đề kháng, thay thế kháng sinh thông thường”, ông Giàng Xuân Cường cho biết thêm.
Hợp tác xã còn phối hợp với cán bộ thú y kiểm tra sức khỏe, tiêm phòng cho từng cá thể ngựa để đảm bảo vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt.

Các con ngựa bạch được cho ăn sâm đương quy. Ảnh: H.Đ.
Thúc đẩy chăn nuôi vùng cao
Hiện nay, Hợp tác xã Mý Dao chăn nuôi theo quy trình khép kín, từ khâu chọn con giống, phối giống, chăm sóc, đến chế biến sản phẩm từ ngựa bạch.
“Với quy trình chăm sóc nghiêm ngặt, đảm bảo vệ sinh thú y giúp tăng giá trị sản phẩm mà còn góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập cho các thành viên hợp tác xã. Hiện nay, hợp tác xã có các sản phẩm cao xương, nội tạng sấy khô… để cung cấp cho thị trường dược liệu”, ông Giàng Xuân Cường cho hay.
Các thành viên hợp tác xã cũng đặt kỳ vọng khi được đầu tư lớn hơn sẽ giúp tăng quy mô, mở rộng thị trường. Đồng thời, có thể nhân rộng mô hình nuôi ngựa bạch tại nhiều địa phương có điều kiện tương đồng Sìn Hồ. Qua đó, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi. Hiện, mỗi lao động tham gia mô hình chăn nuôi ngựa bạch có thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Số tiền tuy không lớn nhưng đối với người dân vùng cao, khoản tiền mặt này giúp chi trả cho nhiều công việc trong gia đình.
Ông Lê Bá Sơn, Chủ tịch UBND xã Sìn Hồ đánh giá mô hình chăn nuôi ngựa bạch của Hợp tác xã Mý Dao là một hướng đi kinh tế mới và là điểm tựa để địa phương hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái, kinh tế xanh, nông thôn thông minh.
“Tới đây, để nhân rộng mô hình này, xã lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số để giúp người dân có cơ hội phát triển thế mạnh chăn nuôi”, ông Lê Bá Sơn chia sẻ.
Hợp tác xã Mý Dao áp dụng chăn nuôi ngựa bạch theo hướng an toàn sinh học, sử dụng phế phẩm chăn nuôi để trồng rau hữu, đồng thời kết hợp làm du lịch cho du khách đến tham quan, trải nghiệm, từ đó thúc đẩy tiêu thụ sảm phẩm.