Ông Đỗ Thế Đỗ ở xã Khoái Châu (Hưng Yên) cho biết, ông vừa cắt bán cho thương lái 1 tạ nhãn quả với giá mở vườn 25.000 đồng/kg, vẫn còn 10 tấn nhãn nữa sẽ chín, cho thu hoạch hết vào cuối tháng 7 này nên chắc chắn giá bán không thay đổi. Ông Đỗ nói chắc nịch như vậy vì đây là một trong rất ít vườn nhãn chín sớm tự nhiên nhất tỉnh, trong khi phải sang tháng 8 Hưng Yên mới có nhãn cho thu hoạch rộ.

Giống nhãn của ông Đỗ cho thu hoạch sớm 25 ngày so với các vườn nhãn chín đại trà. Ảnh: Hải Tiến.
Thu nhập tăng gấp đôi nhờ giống nhãn chín sớm
Để có được vườn nhãn chín sớm quý hiếm nêu trên, ông Đỗ kể, ông chuyển đổi đất trồng ngô sang chuyên canh nhãn từ năm 1994, nhiều năm sau đó nhãn liên tục được giá, thu nhập luôn đạt gấp 3 - 4 lần canh tác cây ngô trên cùng diện tích. Nhờ đó ông đã có vốn tích tụ được 5 mẫu (1,8 hecta) ruộng của nông dân địa phương để mở rộng trồng nhãn.
Nhưng từ sau năm 2017, giá nhãn quả bắt đầu giảm dần, hiệu quả canh tác xuống rất thấp, có năm tiền bán nhãn chỉ đủ mua phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Vì thế ông Đỗ phải chặt bỏ bớt 2 mẫu nhãn đang kỳ khai thác kinh doanh để thay bằng các cây trồng cho thu nhập cao hơn.
Phải tới năm 2021, ông Đỗ mới vỡ lẽ huyện Khoái Châu (cũ), bao gồm xã Khoái Châu (mới) được nổi danh là vựa nhãn chín muộn của tỉnh do trồng giống nhãn muộn Miền Thiết, ít mất mùa, dễ thâm canh, cho quả to đều, cùi dày, chín tập trung. Tuy nhiên giống nhãn Miền Thiết có nhược điểm vỏ quả dày, giòn, mã xấu, khó tăng cao giá bán, nhất là vào những năm được mùa nhãn.
Mặt khác, vì nhãn chín tập trung, cho sản lượng quả lớn trong thời gian ngắn, gây áp lực cho công tác tiêu thụ nên làm giảm giá bán, giảm hiệu quả đầu tư sản xuất.

Vườn nhãn của ông Đỗ chín sớm 35 ngày so với nhãn chính vụ. Ảnh: Hải Tiến.
Để khắc phục những tồn tại trên, ông Đỗ phải bỏ ra rất nhiều ngày đi hỏi thăm khắp các vườn nhãn trong khu vực nhằm tìm ra giống nhãn vừa chín sớm, vừa cho chất lượng quả ngon để trồng thay thế giống nhãn trong vườn nhà...
Tình cờ vào một buổi trưa giữa năm 2022, ông Đỗ thấy có một số cây nhãn của hộ dân bên sông Hồng cho quả ăn khá ngon, chín sớm hơn thường lệ khoảng 1 tháng. Không bỏ lỡ cơ hội, ông liền tìm vào chủ hộ hỏi mua bằng được các mắt nhãn trên những cây chín sớm mang về ghép cải tạo cho vườn nhãn Miền Thiết của gia đình.
Kết quả sau 3 năm, ông Đỗ đã có được hơn 1 hecta 2 giống nhãn chín sớm nêu trên. Trong đó, một giống hạt hơi to nhưng chất lượng khá ngon, đặc biệt cho thu hoạch sớm hơn đại trà (nhãn chín chính vụ) từ 32 - 35 ngày. Giống còn lại chỉ chín sớm hơn các trà nhãn chính vụ 25 ngày, đổi lại quả ăn rất ngon, mỏng vở, mềm, mã sáng đẹp, dễ tách, ráo cùi, hương thơm, vị ngọt sắc... Nhờ đó, ông Đỗ đã rải vụ thu hoạch cho vườn nhãn của mình được hơn 1 tháng, tăng được 2 lần thu nhập so với các trà nhãn chín chính vụ chín trong tháng 7 âm lịch tại địa phương.

Giống nhãn chín sớm do ông Đỗ chọn lọc được ghép trên các gốc nhãn Miền Thiết trồng từ năm 1994. Ảnh: Hải Tiến.
"Đón sóng" du lịch
Dự án khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, sân golf Khoái Châu (Hưng Yên) đã được khởi công, nhưng theo người dân ở xã Khoái Châu (mới), may mắn có khá ít diện tích nhãn trên địa bàn bị thu hồi, giải phóng mặt bằng cho triển khai dự án. Đây là cơ hội lớn để nhà nông địa phương tăng cao thu nhập từ trồng nhãn nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của du khách quốc tế và trong nước đến tham quan, nghỉ dưỡng sau khi các công trình này hoàn thành, đi vào hoạt động.
Theo đó, ông Đỗ sẽ không ngừng tìm tòi thêm nhiều giống nhãn chín lệch vụ ưu tú, nhất là các dòng chín sớm hoặc muộn hơn giống Miền Thiết đang trồng phổ biến tại địa phương để ngày càng tạo ra được nhiều sản phẩm nhãn ngon hơn, rải vụ thu hoạch dài hơn để tăng cao hơn nữa giá trị, thu nhập từ cây nhãn.
Cạnh đó, ông Đỗ còn có kế hoạch khôi phục lại diện tích trồng nhãn như trước đây (1,8 hecta) và thâm nhãn đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, kết hợp xử lý một số diện tích nhãn chín chính vụ cho ra hoa, đậu quả trái vụ theo cơ cấu, tỷ lệ hợp lý để bất kể thời gian nào cũng có sẵn nhãn trong vườn hái bán.

Nhãn chín sớm vẫn cho cùi quả dày, thơm, ngọt sắc. Ảnh: Hải Tiến.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hưng Yên, địa phương này hiện có khoảng 5.500 hecta nhãn cho thu hoạch, trong đó khu vực Hưng Yên (cũ) khoảng 4.900 hecta, khu vực Thái Bình (cũ) ước đạt 900 hecta. Thời điểm này nhãn đang ở giai đoạn tăng trọng quả, khả năng năm nay sẽ được mùa nhãn, cho sản lượng quả khoảng 50.000 tấn, tăng 20 - 25% so năm 2024. Các xã trồng nhiều nhãn của Hưng Yên (mới) gồm Tân Hưng, Khoái Châu, Triệu Việt Vương, Tiên Hoa, Tiên Lữ và phường Hồng Châu.
Để bảo toàn sản lượng nhãn đến khi thu hoạch, các địa phương cần hướng dẫn nông dân, theo dõi chặt chẽ các đối tượng dịch hại phát sinh gây hại quả nhãn như bệnh sương mai, thán thư, sâu đục cuống quả, rệp sáp và ruồi đục quả. Đồng thời thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại quả nhãn theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh.
Chú ý phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc “4 đúng”, đảm bảo thời gian cách ly tối thiểu với từng loại thuốc sau phun phòng trừ. Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoá học khi cần thiết hoặc áp lực sâu bệnh quá cao. Các vùng trồng cây ăn quả đã được cấp mã số vùng trồng cần tuân thủ chặt chẽ theo quy định để tiếp tục được duy trì mã số.
Thông tin từ các nhà vườn trồng nhãn cho biết trong 2 ngày 21 - 22/7, bão số 3 (Wipha) không gây gió mạnh tại khu vực Khoái Châu và không gây thiệt hại đáng kể cho các vườn nhãn do hiện nhãn trà chính vụ quả vẫn còn non, cuống quả chắc chắn, phải hơn 1 tháng nữa mới tới vụ thu hoạch nhãn đại trà. Các diện tích nhãn chín sớm cũng không bị rụng quả do gió bão không mạnh và thổi 1 chiều, các chụp quả không bị lắc, va đập.