| Hotline: 0983.970.780

Thịt lợn ế ẩm chưa từng có

Thứ Sáu 25/07/2025 , 14:14 (GMT+7)

QUẢNG NGÃI Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng ở Quảng Ngãi, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi. Các tiểu thương bán thịt lợn cũng rơi vào cảnh ế ẩm chưa từng có.

9 giờ sáng, tại chợ trung tâm tỉnh Quảng Ngãi (phường Cẩm Thành), quầy thịt của bà Nguyễn Thị Xuân vẫn bày đủ loại ba rọi, sườn non, cốt lết… nhưng khách mua chỉ lác đác.

“Tôi phải giảm 30% lượng thịt nhập mỗi ngày. Dù giá đã hạ, thịt có kiểm dịch, người mua vẫn e ngại, chủ yếu bán cho khách quen. Có hôm ngồi đến trưa cũng chỉ bán được vài ký”, bà Xuân thở dài.

Sức mua thịt lợn giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Võ Hà.

Sức mua thịt lợn giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Võ Hà.

Không riêng chợ trung tâm, nhiều chợ khác cũng rơi vào cảnh tương tự. Tại chợ Chùa (xã Nghĩa Hành), nơi nằm trong vùng dịch, nhiều sạp thịt đã tạm nghỉ vì bán không nổi.

Bà Phạm Thị Lan Hương chia sẻ: “Trước đây mỗi ngày tôi bán 5 – 6 con lợn, giờ chưa hết nổi một con. Người lạ hầu như không dám mua, chỉ còn bán cầm chừng cho mối quen”.

Chợ Hàng Rượu (phường Trương Quang Trọng) cũng ảm đạm không kém. Trước dịch, nơi này có hàng chục người bán thịt lợn, giờ chỉ còn vài sạp bám trụ. Giá thịt đã giảm từ 20.000 – 30.000 đồng/kg nhưng sức mua vẫn giảm tới 80%. Nhiều tiểu thương lo không cầm cự được nếu tình trạng này kéo dài bởi chi phí vận chuyển, thuê sạp vẫn phải gánh hằng ngày.

Các hộ chăn nuôi điêu đứng vì dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp. Ảnh: Võ Hà.

Các hộ chăn nuôi điêu đứng vì dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp. Ảnh: Võ Hà.

Thời gian qua, dịch tả lợn Châu Phi bùng phát và lan rộng tại Quảng Ngãi, ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ đến hộ chăn nuôi mà còn đến hàng trăm tiểu thương kinh doanh mặt hàng thịt lợn bởi tâm lý e dè của người tiêu dùng.

“Trước kia thịt lợn là nguyên liệu chủ yếu trong các món ăn nhưng nay nhà tôi chuyển sang dùng cá, tôm, thịt bò, thịt gà… Thói quen ăn sáng sử dụng các món có thịt lợn như bánh mì, bún cũng phải thay đổi. Khi nào dịch được kiểm soát thì mới mua lại”, chị Nguyễn Thị Thủy (phường Nghĩa Lộ) chia sẻ.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi, từ ổ dịch đầu tiên ngày 27/6 tại xã Nghĩa Giang, đến nay dịch đã lan ra 1.685 cơ sở chăn nuôi thuộc 243 thôn ở 34 xã, phường. Toàn tỉnh đã phải tiêu hủy 9.610 con lợn, tương đương khoảng 580 tấn.

Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng ở Quảng Ngãi. Ảnh: Võ Hà.

Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng ở Quảng Ngãi. Ảnh: Võ Hà.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, ngành nông nghiệp và môi trường Quảng Ngãi đã phối hợp với chính quyền địa phương phun tiêu độc khử trùng, lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn người dân phòng chống dịch. Tỉnh đã cấp 920 lít hóa chất, 1.000 liều vacxin để khoanh vùng, hạn chế lây lan dịch bệnh. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch đã giúp giảm tình trạng người dân vứt xác lợn bừa bãi, hạn chế nguy cơ ô nhiễm và phát tán mầm bệnh.

Trong lúc ngành chức năng căng mình dập dịch, những sạp thịt ở chợ vẫn mong chờ tín hiệu tích cực. Hơn ai hết, tiểu thương hi vọng dịch sớm được khống chế để miếng thịt lợn an toàn trở lại với mâm cơm hằng ngày của người dân.

Hiện Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi đang xây dựng phương án tiêu hủy tập trung, đảm bảo vệ sinh môi trường, đồng thời đề xuất bổ sung kinh phí phòng chống dịch. Công tác kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn, nhất là ở khu vực giáp ranh được yêu cầu siết chặt. Các lò giết mổ phải thường xuyên được kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.

Ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi tuyệt đối không chủ quan. Cần vệ sinh chuồng trại thường xuyên, theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi và báo ngay cho cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu bất thường.

“Chính quyền hai cấp phải rà soát đàn lợn, giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, xử lý kịp thời ổ dịch. Người dân phải phối hợp tiêu hủy đúng quy trình, tuyệt đối không giấu dịch, không tự ý giết mổ, vận chuyển hay buôn bán lợn bệnh. Chỉ cần một mắt xích lỏng lẻo, công sức phòng dịch sẽ đổ sông đổ bể", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền yêu cầu.

Xem thêm
Bị xử phạt 5,5 triệu đồng do vứt xác lợn chết ra môi trường

TUYÊN QUANG Từ 19 đến 22/7, tỉnh Tuyên Quang buộc phải tiêu hủy 5.481 con lợn mắc dịch tả lợn Châu Phi tại 376 hộ thuộc 114 thôn, 22 xã, với tổng trọng lượng hơn 304 tấn.

Thử nghiệm khắc phục vùng trồng sầu riêng bị nhiễm cadimi

ĐỒNG THÁP Đồng Tháp - địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất ĐBSCL tiên phong thử nghiệm mô hình giải độc cadimi, mở ra hướng canh tác bền vững và an toàn.

Nhà máy đường An Khê mở rộng thêm 2.000 hecta mía nguyên liệu mỗi vụ

GIA LAI Theo kế hoạch, mỗi vụ sản xuất Nhà máy đường An Khê sẽ mở rộng diện tích vùng nguyên liệu mía thêm 2.000 hecta.

Thiếu dữ liệu, nông hộ cà phê khó đáp ứng quy định EUDR

Hơn 600.000 nông hộ cà phê Việt Nam đối mặt thách thức lớn khi EU siết yêu cầu truy xuất và chống mất rừng từ cuối năm 2025.

Tiết kiệm hơn 30% chi phí phân bón nhờ phương pháp dúi phân

SƠN LA Phương pháp bón dúi phân kết hợp kỹ thuật cấy hàng rộng - hàng hẹp giúp giảm thất thoát, giảm số lần bón phân, chi phí phân bón giảm khoảng 30%, hạn chế sâu bệnh.

Thanh Hóa kiểm soát IUU, hướng tới phát triển bền vững

Ban Quản lý cảng cá Thanh Hóa kiểm soát IUU, giám sát sản lượng thủy sản, hướng tới phát triển nghề cá bền vững và bảo vệ nguồn lợi biển.

Nghệ An ì ạch gỡ nút thắt ERPA: Vướng cơ chế hay do năng lực?

Quá trình thực hiện thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính (ERPA) tại Nghệ An khá ì ạch, đây là nội dung do Quỹ bảo vệ phát triển rừng làm đầu tàu.

Bình luận mới nhất