Tiêu hủy lợn nhiễm bệnh hàng ngày
Mấy năm nay, mặc dù đã có vaccine phòng dịch tả lợn Châu Phi, tuy nhiên, không phải người chăn nuôi nào cũng mạnh dạn bỏ chi phí tiêm phòng cho đàn vật nuôi của mình. Chưa kể, một bộ phận người dân, chủ yếu ở khối chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ thiếu ý thức trong phòng chống dịch, chăn nuôi không đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học dẫn đến dịch tả lợn Châu Phi âm ỉ phát sinh, gây thiệt hại nặng nề.

Việc tiêu hủy lợn sơ sài làm tăng nguy cơ lây lan dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Thanh Nga.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, 3 - 4 năm nay mặc dù không phát sinh ổ dịch quy mô lớn, song dịch tả lợn Châu Phi chưa thể khống chế triệt để. Diễn biến dịch càng phức tạp hơn khi chính quyền hai cấp kiện toàn, đi vào hoạt động thì ở cấp xã cán bộ có chuyên môn về chăn nuôi thú y đang thiếu trầm trọng, gây khó khăn cho công tác phát hiện, khuyến cáo, chỉ đạo các giải pháp phòng chống dịch.
Bà Đặng Thị Ngọc, Trưởng phòng Kinh tế xã Yên Hòa khẳng định, dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến cực kỳ phức tạp. Từ 1/7 đến nay trên địa bàn xã tiêu hủy 347 con lợn, với trọng lượng hơn 26 tấn và gần như này nào cũng có lợn phải tiêu hủy.
“Giai đoạn này chúng tôi đã hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm công tác tiêu độc khử trùng, xuất chuồng đối với những con đã đủ trọng lượng xuất bán. Đặc biệt, khuyến cáo bà con không tái đàn, tăng đàn khi đang có dịch. Trường hợp phát hiện bà con tái, tăng đàn khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn sinh học sẽ xem xét không đề xuất hỗ trợ thiệt hại đối với gia súc tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi, nhằm tăng tính răn đe”, bà Ngọc nhấn mạnh.

Hầu như ngày nào cũng có lợn nhiễm dịch tả Châu Phi phải đưa đi tiêu hủy. Ảnh: Thanh Nga.
Theo thống kê từ Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Hà Tĩnh, từ năm 2021 đến năm 2023, Hà Tĩnh có trên 18.200 con lợn bị dịch tả lợn Châu Phi, buộc tiêu hủy. Cuối năm 2024 đến nay, dịch bệnh này tiếp tục bùng phát lây lan nhanh tại nhiều địa phương trên địa bàn với gần 3.000 con lợn bị mắc bệnh, phải tiêu hủy, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi.
“Qua theo dõi vẫn có tình trạng người dân chủ quan không khai báo dịch, tự mua thuốc về điều trị cho gia súc, thậm chí vứt gia súc mắc bệnh ra môi trường, làm tăng nguy cơ lan rộng dịch tả lợn Châu Phi, ảnh hưởng đến môi trường. Chính quyền cấp xã cần quan tâm chỉ đạo công an vào cuộc nhằm phát hiện, xử phạt trường hợp vi phạm để răn đe”, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị.
Thiếu quỹ đất
Việc thường xuyên xảy ra tình trạng vứt xác lợn bệnh xuống sông suối, ao hồ, kênh mương một phần do ý thức người dân hạn chế, phần nữa quỹ đất phục vụ tiêu hủy gia súc mắc bệnh tại các địa phương hiện đang rất khan hiếm.
Khu vực sau Nghĩa trang Nhà Trơn của thôn Hoa Ích Lâm, xã Đức Thịnh (thuộc xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ cũ) nhiều năm nay được người dân tận dụng làm bãi chôn lấp lợn bị dịch tả Châu Phi. Mọi công đoạn chôn lấp đều được địa phương thực hiện một cách thủ công, sơ sài.

Thiếu quỹ đất phục vụ tiêu hủy gia súc mắc bệnh, nhiều địa phương chôn lấp sơ sài cạnh mương nước, thậm chí chôn ngay trong vườn nhà. Ảnh: Thanh Nga.
Theo quy định, địa điểm hố chôn được khuyến cáo phải cách nhà dân, giếng nước, nguồn nước khu chuồng nuôi động vật tối thiểu 30m. Tuy nhiên, nhiều hộ dân hiện đang thực hiện chôn lấp trong nhà mà chưa đảm bảo các quy định.
Do không có đường để xe ô tô, máy xúc vào nên hố được người dân đào thủ công bằng cuốc, xẻng. Có những thời điểm nắng nóng, đất khô cằn nên người dân đã đào hố và chôn lợn chết ngay bên cạnh mương nước. Đây chính là nguồn gốc khiến mầm bệnh dễ dàng lây lan và phát tán. Phát sinh dịch tả lợn Châu Phi từ đầu tháng 5/2025, đến thời điểm này, thôn Hoa Ích Lâm đã có hơn 20 hộ có gia súc bị dịch.
Phó Trưởng thôn Hoa Ích Lâm, ông Đinh Văn Thành cho biết, do địa phương không có quỹ đất dự trữ để quy hoạch điểm chôn lấp lợn bị dịch nên thôn phải đào lại những hố cũ đã chôn lợn chết ở các năm trước để chôn lấp thời điểm này.
“Vì thực hiện thủ công nên có khi chúng tôi phải chọn vị trí gần mương nước cho dễ đào. Cũng không biết nguyên nhân lây lan dịch bệnh từ đâu nhưng khoảng ngày 15/5 tôi đi tiêu hủy lợn cho nhà khác về sau đó ít ngày, đàn lợn 8 con, trọng lượng hơn 2 tạ của gia đình tôi cũng bị bệnh và chết”, ông Thành nói.
Chung thực trạng thiếu quỹ đất tiêu hủy lợn nhiễm bệnh, tại thôn Liên Phố, xã Đồng Tiến (thuộc xã Thạch Hội, TP Hà Tĩnh cũ), khu vực chôn lấp lợn chết nằm sát Nghĩa trang Cồn Lềng, ngay bên cạnh đường giao thông, nhiều người qua lại nhưng không có biển cảnh báo. Thậm chí, do dịch bệnh đang lan rộng, diễn biến phức tạp nên xã Đồng Tiến buộc phải hướng dẫn các hộ có quỹ đất vườn nhà, trang trại rộng thực hiện tiêu hủy ngay trong vườn nhà để đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Gia đình bà Nguyễn Thị Cúc, ở thôn Liên Phố, xã Đồng Tiến (xã Thạch Hội cũ) vừa có 2 con lợn bị dịch tả Châu Phi phải chôn cách chuồng nuôi chưa đến 3m. Bà Cúc cho biết, dù biết chôn lợn chết trong vườn không đảm bảo quy định, ảnh hưởng môi trường, khó khống chế dịch bệnh nhưng quỹ đất của xã, thôn dành cho việc chôn lợn chết không có nên gia đình đành nhắm mắt chôn bừa.
“Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị xã bố trí, quy hoạch một vùng chôn lấp riêng để người dân triển khai tiêu hủy đúng cách nhưng địa phương vẫn chưa bố trí được. Không có bãi chôn lấp, không có lực lượng hỗ trợ nên vẫn có tình trạng người dân vứt lợn chết ra môi trường mà không tiêu hủy, khiến cho dịch bệnh càng lây lan”, bà Nguyễn Thị Cúc nói.
Việc tiêu hủy lợn nhiễm bệnh đúng quy định đóng vai trò rất quang trọng trong việc ngăn chặn dịch lây lan diện rộng. Hiện nay có 2 biện pháp tiêu hủy chính là chôn và đốt. Tuy nhiên, việc đốt vừa không có lò chuyên dụng lại tốn kém tiền bạc nên phương án tiêu hủy bằng chôn lấp vẫn là giải pháp tối ưu.

Các địa phương cần bổ sung quỹ đất dự phòng phục vụ tiêu hủy lợn chết do dịch tả Châu Phi. Ảnh: Thanh Nga.
“Trong quy định tiêu hủy, lợn chết phải được cho vào bao, buộc chặt miệng bao và tập trung bao chứa vào một chỗ để phun khử trùng trước khi vận chuyển đến địa điểm tiêu hủy. Địa điểm hố chôn được khuyến cáo phải cách nhà dân, giếng nước, nguồn nước khu chuồng nuôi động vật tối thiểu 30 m và có đủ diện tích. Đặc biệt, hố chôn xác động vật phải có biển cảnh báo người ra vào khu vực.
Tuy nhiên, hiện nay quỹ đất phục vụ tiêu hủy gia súc mắc bệnh đang hạn chế. Thời gian tới, các xã cần ưu tiên rà soát, bổ sung quỹ đất dự phòng, đồng thời áp dụng các biện pháp tiêu hủy an toàn, hạn chế phát tán dịch bệnh, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng”, ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Hà Tĩnh nhấn mạnh thêm.