| Hotline: 0983.970.780

Thách thức xuất khẩu thủy sản: [Bài 1] Sóng lớn

Chủ Nhật 11/05/2025 , 11:15 (GMT+7)

Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang đối mặt thách thức từ thuế đối ứng của Mỹ, quy định môi trường nghiêm ngặt và yêu cầu truy xuất nguồn gốc tại các thị trường lớn.

Rào cản thuế quan, biến động giá cả

Ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Baseafood (Bà Rịa - Vũng Tàu), nhận định, Trung Quốc ngày càng siết chặt điều kiện xuất khẩu thủy sản, đặc biệt yêu cầu mã số định danh trong danh sách cơ sở được phép. Quy định này khiến xuất khẩu tiểu ngạch và các doanh nghiệp quy mô nhỏ, thiếu tính hệ thống, bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Sơ chế bạch tuộc xuất khẩu ở Công ty Đông Dương (thành phố Vũng Tàu). Ảnh: Lê Bình.

Sơ chế bạch tuộc xuất khẩu ở Công ty Đông Dương (thành phố Vũng Tàu). Ảnh: Lê Bình.

Sau Tết Nguyên đán, thị trường 1,4 tỷ dân cũng giảm sút nhu cầu tiêu thụ tôm các loại do có sự thay đổi trong thói quen chi tiêu của tầng lớp trung lưu. “Sự cạnh tranh từ các sản phẩm thủy sản giá rẻ hơn và mức độ ưu tiên tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm khác có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu tôm sang Trung Quốc”, bà Lê Hằng, đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dự đoán.

VASEP nhận định, chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang làm gia tăng chi phí xuất khẩu, gây áp lực lên doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Đồng thời, sức mua tại thị trường Mỹ có xu hướng giảm, ảnh hưởng đến triển vọng tiêu thụ trong năm 2025. Bên cạnh đó, nguy cơ bị áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp cũng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc duy trì lợi thế cạnh tranh tại thị trường xứ cờ hoa. 

Thêm vào đó, xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng đến giá nguyên liệu đầu vào cũng như chi phí vận chuyển.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang với các mức thuế trả đũa ngày càng tăng, tạo ra những biến động lớn trong dòng chảy thương mại toàn cầu, đặc biệt là trong ngành thủy sản. Với vị thế là quốc gia sản xuất và xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ mất thị phần tại Mỹ, buộc họ phải chuyển hướng sang các thị trường khác như châu Á, châu Âu và giảm nhập khẩu thủy sản từ các nước, trong đó có Việt Nam. Việt Nam sẽ bị thiệt hại kép khi vừa bị giảm sản lượng xuất khẩu, vừa phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm thủy sản Trung Quốc ở các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc,…

Giá nguyên liệu có thể biến động khi Trung Quốc giảm nhập khẩu, kéo theo việc doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với sự biến động giá cả và yêu cầu khắt khe hơn về xuất xứ hàng hóa, gây khó khăn trong xuất khẩu. 

Thêm vào đó, sự gia tăng của giá thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu, chi phí vận chuyển và logistics khiến chi phí sản xuất thủy sản tăng đáng kể. Khi chi phí đầu vào cao hơn, giá bán sẽ tăng, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam so với các đối thủ trên thị trường thế giới.

Trong khi đó, các quốc gia sản xuất thủy sản lớn như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Ecuador đang đẩy mạnh sản lượng cũng như cải thiện chất lượng sản phẩm. Điều này tạo ra áp lực cạnh tranh gay gắt về giá cả, chất lượng và tiêu chuẩn xuất khẩu, làm giảm lợi thế của thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. 

Quy định về môi trường, xuất xứ khắt khe hơn

Biến đổi khí hậu đang làm thay đổi môi trường sống của các loài thủy sản, đặc biệt là thủy sản nuôi trồng. Nước biển dâng, nhiệt độ thay đổi và nguồn nước ô nhiễm có thể gây ra dịch bệnh, làm giảm chất lượng, sản lượng nguyên liệu thủy sản, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng xuất khẩu. 

Chính vì thế, bên cạnh các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá và các quy định nghiêm ngặt về tiêu chuẩn chất lượng), Mỹ và EU cũng kiểm tra nghiêm ngặt hơn các tiêu chuẩn về môi trường, lao động, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm thủy sản nhập khẩu, như quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), tiêu chuẩn C-TPAT (Customs-Trade Partnership Against Terrorism),…

Mỹ đã áp dụng Đạo luật Bảo vệ động vật có vú ở biển (MMPA), yêu cầu các quốc gia xuất khẩu hải sản phải chứng minh quy trình đánh bắt không gây hại đến động vật biển và chứng minh những quy định quản lý tương đồng với Mỹ.

Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam buộc phải thích nghi với những quy định nếu muốn xuất khẩu thủy sản tại các thị trường lớn. Ảnh: Lê Bình.

Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam buộc phải thích nghi với những quy định nếu muốn xuất khẩu thủy sản tại các thị trường lớn. Ảnh: Lê Bình.

Tổ chức NOAA Hoa Kỳ bước đầu đưa thông báo sơ bộ là không công nhận tương đương cho ngành hải sản Việt Nam, đồng nghĩa với việc nếu không đáp ứng yêu cầu của NOAA đúng thời hạn, thì hải sản Việt Nam sẽ bị cấm nhập khẩu vào Mỹ từ ngày 1/1/2026. Đây là một thách thức lớn đối với ngành cá ngừ, do Mỹ là thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam, đồng thời tác động domino lên các sản phẩm khai thác khác như mực, bạch tuộc…

“Nếu không đáp ứng, các mặt hàng này có nguy cơ bị từ chối nhập khẩu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Sự phối hợp giữa Chính phủ, doanh nghiệp và ngư dân trong việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững là yếu tố sống còn để giữ vững thị trường, thúc đẩy tăng trưởng”, bà Lê Hằng nhấn mạnh.

Các chứng nhận bền vững như ASC (Aquaculture Stewardship Council) và MSC (Marine Stewardship Council) sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào EU.

Ngoài ra, các quy định của EU cũng yêu cầu cải tiến quy trình nuôi trồng, bảo vệ hệ sinh thái biển và các nguồn lợi thủy sản, đảm bảo không gây hại cho động vật hoang dã và môi trường sống tự nhiên. Điều này thúc đẩy ngành thủy sản trong nước chuyển biến nhanh hơn mô hình sản xuất bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định vị thế thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Xem thêm
Đại lý thức ăn chăn nuôi tại Chương Mỹ giúp nông dân phát triển kinh tế

Mô hình đại lý thức ăn chăn nuôi tại Chương Mỹ giúp nông dân phát triển kinh tế bền vững, gắn kết doanh nghiệp và người chăn nuôi.

Người đàn ông tử vong sau hai lần bị chó cắn

BÀ RỊA - VŨNG TÀU Một người đàn ông 48 tuổi ở thành phố Phú Mỹ tử vong với các dấu hiệu nghi mắc bệnh dại, sau hai lần bị chó cắn nhưng không tiêm phòng.

‘Bông hậu’ VNR88 trên cánh đồng lúa đông xuân

QUẢNG TRỊ Năm nay, năng suất lúa vụ đông xuân tại Quảng Trị giảm sút. Tuy nhiên, giống lúa VNR88 lại trở thành điểm nhấn trên những cánh đồng với năng suất vượt trội. VNR88 sẽ là một trong những giống làm mới cánh đồng lúa tỉnh Quảng Trị.

Hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ canh tác sầu riêng

ĐẮK LẮK Chiều 12/5, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk ký hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong canh tác sầu riêng.

Tối ưu vận hành liên hồ chứa bằng công nghệ và dữ liệu

Khi tài nguyên nước trở nên khan hiếm và biến động khó lường, ngành thủy lợi chủ động tái cấu trúc cách thức quản lý dựa trên nền tảng công nghệ và dữ liệu.

Nhàn nhã nhờ thiết bị bay không người lái

HÀ TĨNH Ứng dụng thiết bị bay không người lái vào sản xuất nông nghiệp không chỉ giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế mà còn bảo vệ sức khỏe và môi trường.

Cứu hộ cá thể gấu ngựa gần 20 tuổi

HẢI PHÒNG Vừa qua, Tổ chức Động vật Châu Á và Chi cục Trồng trọt và Kiểm lâm Hải Phòng cứu hộ thành công một cá thể gấu ngựa gần 20 tuổi do người dân nuôi.