Trong nhiều năm qua, bất chấp nỗ lực của các cơ quan chức năng, tình trạng khai thác thủy sản tận diệt vẫn diễn biến phức tạp. Trên các dòng sông Hồng, sông Chảy hay trên vùng hồ Thác Bà thuộc địa phận tỉnh Lào Cai, người dân vẫn bắt gặp những chiếc thuyền thực hiện hành vi đánh bắt tận diệt bằng kích điện.

Tình trạng sử dụng lưới mắt nhỏ, vó đèn đánh bắt trên vùng hồ Thác Bà vẫn còn. Ảnh: Thanh Tiến.
Chỉ với một bộ kích điện, những đối tượng vi phạm có thể biến một vùng nước rộng lớn thành “khu vực chết”, nơi tất cả các loài thủy sinh từ cá lớn đến con tép nhỏ, từ trứng cá đến các sinh vật phù du, đều bị tiêu diệt hoặc mất khả năng sinh sản.
Ngoài ra, trên hồ Thác Bà, việc sử dụng các loại lưới mắt nhỏ, vó đèn hoạt động như những chiếc máy hút, vơ vét cạn kiệt mọi mầm sống dưới nước, không cho các loài thủy sản non có cơ hội trưởng thành. Nguy hiểm hơn, một số đối tượng còn sử dụng cả hóa chất độc hại, chất nổ, gây ra những tổn thương không thể phục hồi cho môi trường nước và đa dạng sinh học.
Hậu quả của vấn nạn này không chỉ là sự suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản, đẩy nhiều gia đình ngư dân vào cảnh khó khăn vì “không còn cá để bắt”, mà còn phá vỡ chuỗi thức ăn tự nhiên, gây ô nhiễm nguồn nước, làm suy thoái hệ sinh thái.
Trước thực trạng đáng báo động đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) vừa ra văn bản số 4673 gửi UBND tỉnh Lào Cai về việc tăng cường công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Văn bản nêu rõ, Bộ NN-MT đánh giá cao và ghi nhận sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương đối với công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên lòng hồ Thác Bà trong thời gian qua. Nhằm phát huy hiệu quả của những hoạt động nêu trên, góp phần duy trì và phát triển sinh kế cho người dân sống phụ thuộc nguồn lợi thủy sản tại hồ Thác Bà nói riêng và các thủy vực khác trên địa bàn tỉnh, Bộ NN-MT đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương ưu tiên thực hiện một số nội dung như: ban hành Danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản; Danh mục khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Điều 17, Nghị định số 136/2025/NĐCP ngày 12/6/2025 của Chính phủ quy định phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.
Tổ chức thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, trong đó đối tượng thả cần phù hợp điều kiện môi trường tự nhiên và bảo đảm cân bằng sinh thái ở mỗi loại hình thủy vực.
Hỗ trợ người dân tổ chức thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản phù hợp nguyện vọng và điều kiện thực tế tại mỗi khu vực, bảo đảm nguồn lợi thủy sản được khai thác bền vững, hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường.
Tiếp tục tổ chức các đoàn công tác liên ngành thực hiện tuần tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; chấm dứt tình trạng sử dụng kích thước mắt lưới sai quy định, kích điện, nghề, ngư cụ cấm,... để khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản tại hồ Thác Bà cũng như các thủy vực khác trên địa bàn tỉnh.

Dụng cụ kích điện đánh bắt cá vẫn chưa thể xử lí triệt để. Ảnh: Thanh Tiến.
Ngay sau khi có chỉ đạo từ Bộ NN-MT, UBND tỉnh Lào Cai đã nhanh chóng triển khai một kế hoạch hành động tổng thể nhằm huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị.
Giao cho Sở NN-MT là tham mưu cho UBND tỉnh ban hành “Danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng” và “Danh mục khu vực cấm khai thác có thời hạn”. Tạo ra một hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể để các lực lượng chức năng có cơ sở vững chắc khi thực thi công vụ và để người dân biết rõ đâu là lằn ranh không được phép vượt qua.
Thời gian tới sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn liên ngành tăng cường tuần tra, kiểm soát. Chính quyền cấp xã, phường được giao trách nhiệm phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo Nghị định số 38/2024/NĐ-CP. Đặc biệt, lực lượng Công an tỉnh sẽ vào cuộc, tập trung điều tra, triệt phá các đường dây sản xuất, buôn bán, tàng trữ và sử dụng trái phép các công cụ hủy diệt như xung điện, chất nổ, hóa chất độc hại…
Bên cạnh việc ngăn chặn vấn nạn đánh bắt tận diệt, tỉnh Lào Cai chủ trương huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và cộng đồng dân cư cùng tham gia vào công tác phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, giúp ngư dân hiểu rõ tác hại của việc khai thác tận diệt và vai trò của họ trong việc bảo vệ “nồi cơm” của chính mình. Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình “đồng quản lý”, nơi cộng đồng được trao quyền và trách nhiệm cùng với chính quyền trong việc bảo vệ một khu vực mặt nước nhất định. Khi người dân trở thành người chủ thực sự, họ sẽ là những người giám sát hiệu quả nhất, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến nguồn lợi thủy sản mà họ đang trực tiếp hưởng lợi.