Nước ngọt hay nước mặn đều nuôi được
Cách đây 1 năm tôi nói muốn thực tế việc nuôi cà ra nhưng anh bảo chưa hoàn thiện quy trình nuôi, kết quả chưa như ý nên hẹn đến sang năm 2025 hãy đến.
Đúng hẹn, anh Trần Văn Vân, Giám đốc Công ty CP Quốc tế Minh Phú (MICFOOD), đón tôi về thăm 108 ha cà ra (cua lông) hợp tác nuôi với Tập đoàn Geleximco ở Nam Thịnh, Tiền Hải (tỉnh Thái Bình cũ, nay là tỉnh Hưng Yên). Tình cờ chuyến đi này lại có đoàn khách Trung Quốc do ông Châu Đức Trung của Công ty Thành Chi Thái đến thăm trang trại để giới thiệu về công nghệ nuôi cua lông mới nhất tại Trung Quốc và tìm cơ hội hợp tác với anh trong năm tới.

Anh Trần Văn Vân (bên trái) giới thiệu cua lông nuôi ở Hưng Yên cho ông Châu Đức Trung - chuyên gia Trung Quốc. Ảnh: Dương Đình Tường.
Đến tận đầu giờ chiều chúng tôi mới tới nơi. Đó là một khu vực bãi bồi cửa biển nơi con sông Hồng đổ vào biển Đông với hàng trăm cái ao được quy hoạch thẳng tắp như những ô bàn cờ, vây xung quanh là rừng ngập mặn. Các ao đất kiểu này trước đây vốn dùng để nuôi tôm, rất phù hợp để chuyển đổi sang nuôi cua lông, chỉ cải tạo nhẹ bằng cách vây bạt nhựa xung quanh bờ để cua khỏi bò ra.
Trên trời cò, cuốc bay từng đàn, dưới đất châu chấu, cào cào nhảy tanh tách. Một công nhân nhấc cái lưới bát quái lên, đổ đám cà ra đang bám đặc bên trong vào một cái chậu lớn. Ông Châu Đức Trung cầm một vài con lên ngắm nghía rồi khen Việt Nam nuôi cua rất tốt. Mới chỉ nuôi 5 tháng, vẫn còn 2 lần lột xác nữa để lớn thêm đến kích cỡ tối đa, béo hơn và lên gạch nhưng cua lông đã đạt kích cỡ trung bình 150-200 gram/con. Cua lông có thể nuôi ở môi trường nước ngọt hoặc nước lợ. Trang trại tuy dẫn nước ngọt vào ao nhưng vì nền đất nhiễm mặn nên có lúc độ mặn của nước lên tới 7.5‰ mà chúng vẫn thích nghi và phát triển tốt.

Thu hoạch thử cua lông bằng lưới bát quái. Ảnh: Dương Đình Tường.
“Tôi đã ký hợp đồng xuất khẩu cua lông, số lượng khách nước ngoài đặt hàng lên đến cả ngàn tấn. Cua lông nuôi ở Việt Nam có thể đạt kích cỡ 200-350 gram/con trong khi ở Trung Quốc loại như thế được giữ lại bán ở nội địa với giá rất cao, chỉ xuất loại hai, loại ba sang Việt Nam nên chúng có trọng lượng tương đối nhỏ”, anh Trần Văn Vân giới thiệu.
Đã khá thành công với chuỗi cung ứng cá nước ngọt chất lượng cao nuôi trên các hồ chứa thủy lợi, thủy điện mang thương hiệu "cá Sông Đà", mới đây anh đã đầu tư vào con cà ra với định hướng khai thác vùng nước ngọt rộng lớn ở phía Bắc để cung cấp nội địa và xuất khẩu. Tháng 3/2023, anh thử nghiệm thả 7 ha cà ra ở Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương (cũ), đồng thời liên kết với một số hộ thả vài hecta nữa ở các tỉnh, thành. Tuy nhiên, lúc đó do anh chưa làm chủ được về chất lượng giống và kỹ thuật nuôi thì vẫn là những gom góp vụn vặt trên mạng hay học mót từ người này người nọ nên kết quả không như ý, chỉ thu được 3 tấn/7 ha, bán nội địa với giá trung bình 500.000đ/kg, lãi khiêm tốn.
Sang Trung Quốc tầm sư
Sau vụ ấy anh sang Trung Quốc, tìm tới tập đoàn Hảo Nhuận ở tỉnh Giang Tô để hợp tác nhận chuyển giao công nghệ nuôi và công nghệ chọn giống cua lông. Đây là một tập đoàn lớn chuyên về cua lông với 1.500 nhân viên, mỗi năm sản xuất 80 tấn cua bột cung cấp khoảng 20% lượng giống cho thị trường nội địa Trung Quốc; ngoài ra còn sản xuất thuốc thủy sản, thức ăn cho cua lông; chế biến, đóng hộp cua lông với sản lượng khoảng 45.000 tấn/năm. Sau khi nhận chuyển giao kỹ thuật, công nghệ chọn giống và cho sinh sản cua lông anh mới hiểu tại sao Trung Quốc lại thành công đến vậy.

Anh Trần Văn Vân bên những con cua lông nuôi được 5 tháng. Ảnh: Dương Đình Tường.
“Thứ nhất, họ nghiên cứu rất kỹ các đặc điểm sinh học và môi trường sống của con cua lông nên tạo ra được môi trường nuôi gần nhất với môi trường tự nhiên mà chúng sống. Thứ hai, họ làm chủ được công nghệ chọn giống, công nghệ nuôi, cứ 1 kg cua bột có khoảng 120.000 con cua con trong khi đó tập đoàn này sản xuất mỗi năm tới 80 tấn cua bột. Hiện mỗi năm Trung Quốc nuôi được khoảng 800.000 tấn cua lông thương phẩm và xuất sang Việt Nam khoảng hơn 1.000 tấn.
Trong khi đó ở Việt Nam cà ra (cua lông) là một loại cua bản địa sinh sồng nhiều trên các con sông ở miền Bắc và miền Trung. Với điều kiện tự nhiên như vậy ta hoàn toàn có thể nuôi được cua lông bởi các lợi thế như giá đất thuê rẻ, giá nhân công rẻ, giá thức ăn rẻ tuy nhiên lại không làm chủ được công nghệ chọn giống, công nghệ nuôi và tích tụ ruộng đất quy mô lớn để áp dụng máy móc như Trung Quốc. Hơn 1 năm qua tôi đã tập trung vào nuôi cua lông và có những thành công bước đầu, dự kiến năng suất vụ này sẽ đạt 1-1,5 tấn/ha”, anh Vân cho hay.
Cua lông đẻ vào tháng 11, 12 và tháng 11, 12 năm sau có thể cho lên ao nuôi thương phẩm nhưng phù hợp nhất là thả vào tháng 1, 2 nuôi đến tháng 9 thì thu hoạch. Chúng có thể chịu được nhiệt độ ở mức nước trên mặt đóng băng, còn nóng thì không được quá 33 độ C trong thời gian 5 ngày.

Giá thu mua cà ra tại các hộ dân từ 360.000đ/kg đến 420.000đ/kg tùy kích cỡ. Ảnh: Dương Đình Tường.
Trong quá trình nuôi anh Vân ký hợp đồng thuê chuyên gia Trung Quốc sang hướng dẫn, chuyển giao công nghệ. Thức ăn của cua lông là cám công nghiệp có bổ sung thêm các loại ốc bươu vàng, ốc vặn. Trung bình mỗi ngày trang trại tiêu thụ 1-2 tấn ốc bươu vàng với giá thu mua chỉ 3.500đ/kg. Ốc bươu vàng sống cứ thả sống xuống ao, cua lông sẽ tự tìm cách kẹp vỡ vỏ để ăn. Cua lông có thể trở thành khắc tinh của ốc bươu vàng, giúp kìm chế sự phá hoại của chúng trên những ruộng lúa.
Ngoài 108 ha tự nuôi, anh Vân còn liên kết với các hộ dân ở nhiều tỉnh để cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật nuôi khoảng 30 ha nữa.
"Giờ nuôi tôm, nuôi cá truyền thống đang gặp nhiều vấn đề về dịch bệnh và giá thương phẩm thấp dẫn đến hiệu quả thấp trong khi cà ra rất khỏe chưa phát hiện bệnh tại Việt Nam, lại có giá thương phẩm rất cao, chỉ có điều phải quản lý được môi trường nước thật tốt, có giống tốt, có kỹ thuật nuôi là có lãi hơn hẳn các mô hình cũ. Hiện tôi đang tổ chức thu mua cà ra cho các hộ dân với giá 360.000đ/kg đến 420.000đ/kg tùy kích cỡ trong khi đó chi phí đầu tư chiếm khoảng 40-45%. Với nuôi cua lông, tiền thức ăn chỉ chiếm 20-25%, còn lại là tiền giống, cải tạo ao, công chăm sóc, điện. Như chi phí cho điện dùng để bơm nước, chạy máy quạt oxy ở trang trại này hiện mỗi tháng 80-100 triệu đồng nên chúng tôi đang lắp hệ thống điện mặt trời để thay thế để có thể tiết kiệm hơn về dài hạn”.
Cà ra chỉ sinh sản được trong mùa đông khi nhiệt độ xuống thấp dưới 18 độ C nên phân bố tự nhiên ở Việt Nam từ miền Bắc đến đèo Hải Vân của miền Trung, tập trung nhiều ở các con sông lớn ở miền Bắc như sông Hồng, sông Mã, sông Thái Bình, sông Trà Lý, sông Cầu…