Trong bối cảnh thời tiết diễn biến bất thường, thiên tai, dịch bệnh gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành nông nghiệp, Nghị quyết mới vừa được HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua ngày 17/7/2025, có hiệu lực từ 27/7/2025, mang theo nhiều kỳ vọng hồi sinh cho nền nông nghiệp đất mỏ.
Hỗ trợ từ giống cây, vật nuôi đến thủy sản
Nghị quyết quy định mức hỗ trợ rất cụ thể cho từng loại cây trồng, vật nuôi và mô hình sản xuất, tùy theo mức độ thiệt hại. Điểm sáng là mức hỗ trợ cao, sát thực tế và có tính đến từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Ninh thăm mô hình nuôi biển sau bão. Ảnh: Nguyễn Thành.
Với cây trồng, tùy vào thời điểm gieo trồng và tỷ lệ diện tích thiệt hại, nông dân có thể nhận được hỗ trợ từ 2 triệu đồng đến 60 triệu đồng/ha. Đơn cử: diện tích gieo trồng trên 45 ngày, bị thiệt hại trên 70% được hỗ trợ 10 triệu đồng/ha; vườn cây lâu năm đã đến thời kỳ kinh doanh, bị thiệt hại mất khả năng phục hồi, được hỗ trợ tới 30 triệu đồng/ha. Đặc biệt, cây giống giai đoạn vườn ươm từ nguồn vật liệu quý hiếm, nếu bị thiệt hại, được hỗ trợ đến 60 triệu đồng/ha. Đây là mức hỗ trợ cao nhất từ trước đến nay.
Với lâm nghiệp, những diện tích trồng rừng sản xuất, rừng giống, rừng nguyên liệu cũng được đưa vào diện hỗ trợ. Rừng trồng trên đất lâm nghiệp đã qua nửa chu kỳ khai thác, bị thiệt hại trên 70%, được hỗ trợ đến 15 triệu đồng/ha. Với vườn giống lâm nghiệp, mức hỗ trợ lên đến 20 triệu đồng/ha.
Với thủy sản, mức hỗ trợ dao động từ 15 triệu đồng đến 60 triệu đồng/ha diện tích nuôi bị thiệt hại, tùy vào mô hình: nuôi ao hồ, nuôi lồng bè hay nuôi treo. Đây là tín hiệu tích cực cho các địa phương ven biển, nơi thường xuyên hứng chịu gió bão và triều cường như Móng Cái, Cô Tô, Vân Đồn...
Người dân cần được tập huấn để hiểu quyền lợi của mình, biết cách làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ, tránh tâm lý “ngại giấy tờ” hoặc bỏ qua quyền lợi chính đáng.
Với vật nuôi, tỉnh hỗ trợ từ 30.000 đồng/con đối với gia cầm, 1,5 triệu đồng/con đối với lợn trên 88 ngày tuổi và 12 triệu đồng/con bò sữa trưởng thành. Đặc biệt, người nuôi ong mật cũng được hỗ trợ 500.000 đồng/đàn ong nếu thiệt hại.
Điểm mới đáng chú ý là doanh nghiệp nhỏ và vừa (không bao gồm doanh nghiệp quốc phòng, an ninh) có hoạt động sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp bị thiệt hại cũng được hỗ trợ với mức gấp 1,5 lần mức hộ dân. Điều này phản ánh nhận thức đúng đắn của tỉnh về vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị nông nghiệp hiện đại, từ cung ứng đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm. Ví dụ, một doanh nghiệp nuôi cá trong lồng bè, nếu bị thiệt hại trên diện tích 100m³ nước, sẽ được hỗ trợ 45 triệu đồng, thay vì 30 triệu như hộ dân. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, mà còn giữ vững nguồn cung nông sản, việc làm cho lao động địa phương.
Chính sách đi vào lòng dân nhưng cần triển khai hiệu quả
Ông Phạm Văn Dương, hộ nuôi cá song trên vùng biển đặc khu Vân Đồn, cho biết, Nghị quyết mới với mức hỗ trợ cao hơn so với trước sẽ giúp người nuôi trồng thủy sản có thêm động lực để vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, mỗi hộ dân cần đảm bảo an toàn tài sản của mình trước khi bão đổ bộ để hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra.
Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Biển, Hải đảo và Thủy sản, Kiểm ngư Quảng Ninh, chia sẻ, Nghị quyết lần này là sự cụ thể hóa kịp thời chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh, với mức hỗ trợ cao nhất từ trước tới nay cho lĩnh vực thủy sản. Không chỉ hỗ trợ lồng bè bị bão đánh hỏng, nghị quyết còn tính đến các mô hình nuôi treo, nuôi đáy, nuôi trong bể, cả giống thủy sản cũng được hỗ trợ rất rõ ràng. Đây là cú hích để bà con ngư dân vững tin sản xuất.
Tuy nhiên, để nghị quyết này đi vào cuộc sống, đòi hỏi sự minh bạch, kịp thời trong xác minh thiệt hại và giải ngân. Quá trình xác định mức độ thiệt hại cần sự vào cuộc đồng bộ của ngành nông nghiệp, chính quyền cơ sở, cán bộ kỹ thuật và đặc biệt là người dân.