Từng bị xem nhẹ trong các chiến lược nông nghiệp quốc gia, cây dừa, đặc biệt là dừa tươi đã vươn lên trở thành một trong những mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chỉ đứng sau sầu riêng và thanh long.
Trên bản đồ nông sản xuất khẩu, sau hơn một thập kỷ nỗ lực từ các địa phương, doanh nghiệp và Hiệp hội Dừa Việt Nam, loại trái cây gắn liền với đời sống văn hóa miền Nam đang dần khẳng định chỗ đứng mới.

Bà Trần Lệ Hoa, Phó ban Khoa học xã hội (Hiệp hội Dừa Việt Nam). Ảnh: Nguyễn Thủy.
Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, năm 2024, xuất khẩu dừa tươi đạt 390 triệu USD, chiếm 31% tổng kim ngạch xuất khẩu dừa. Đáng chú ý, Hoa Kỳ và Trung Quốc - hai thị trường lớn nhất thế giới đều đã chính thức mở cửa cho dừa tươi Việt Nam.
Sự chuyển mình này là kết quả từ sự đồng hành của nhiều bên. Từ một ngành canh tác manh mún, chủ yếu trồng xen trong vườn nhà, dừa Việt Nam đã phát triển thành chuỗi giá trị hoàn chỉnh với hơn 250 cơ sở chế biến, trong đó 80 doanh nghiệp sản xuất sâu. Những trang trại dừa quy mô cũng bắt đầu xuất hiện, kéo theo nhu cầu về giống, kỹ thuật canh tác và đầu tư hạ tầng.
Tuy nhiên, để giữ vững đà tăng trưởng và cạnh tranh với các quốc gia mạnh về dừa như Thái Lan, Philippines hay Indonesia, ngành dừa Việt Nam vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ.
Bà Trần Lệ Hoa, Phó ban Khoa học xã hội (Hiệp hội Dừa Việt Nam) chỉ ra một trong những rào cản lớn là quy mô sản xuất ngành hàng dừa còn nhỏ lẻ. Dừa hiện được trồng tại 16 tỉnh, thành phố nhưng chủ yếu dưới hình thức xen canh khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc thu mua đồng đều về giống, kích cỡ và chất lượng.
Việc vận chuyển chủ yếu bằng xe máy và ghe thô sơ làm tăng chi phí logistics, trong khi khâu bảo quản sau thu hoạch còn lạc hậu với các kho chứa tạm bợ do hộ dân làm chủ.
Thêm vào đó, thương hiệu dừa Việt vẫn còn mờ nhạt so với các đối thủ trong khu vực. Trong khi Thái Lan đã phát triển quy trình đóng gói tự động, chuẩn hóa nhãn mác thì phần lớn dừa Việt Nam vẫn được sơ chế thủ công. Nhận diện thương hiệu yếu khiến giá thành sản phẩm gặp bất lợi trên các kệ hàng quốc tế dù chất lượng không thua kém.

Ngành hàng dừa có tiềm năng lớn để phát triển. Ảnh: Bảo Thắng.
Trước thực tế đó, bà Hoa cho rằng cần nhanh chóng xác lập hành lang pháp lý cho mô hình trồng dừa tập trung nhằm tạo điều kiện tiếp cận tín dụng và tham gia chuỗi xuất khẩu chính ngạch.
Một giải pháp căn cơ khác là chuẩn hóa giống dừa. Các địa phương cần phối hợp cùng hợp tác xã, doanh nghiệp để xác định và công nhận giống đầu dòng, hướng dẫn lai tạo giống đảm bảo chất lượng và phù hợp với từng vùng sinh thái.
Bên cạnh đó, cần xây dựng quy trình chăm sóc và kiểm soát phân bón, tránh tình trạng thâm canh thiếu bền vững làm ảnh hưởng đến chất lượng nước dừa. Yếu tố này được xem là then chốt với mặt hàng dừa tươi.
Việc xây dựng thương hiệu vùng cũng là bước đi không thể thiếu, song song với quá trình tổ chức lại sản xuất. Mỗi giống dừa cần được định danh rõ ràng gắn với chỉ dẫn địa lý, thông tin chủ sở hữu giống và mã số vùng trồng. Những hoạt động quảng bá tại hội chợ quốc tế, kết nối với các sàn thương mại điện tử và nhà nhập khẩu lớn cần được tổ chức quy mô, bài bản hơn.
Từ năm 2023, Hiệp hội Dừa Việt Nam đã thử nghiệm kênh truyền thông riêng trên Zalo để cập nhật nhu cầu thu mua từ đối tác nước ngoài - một bước đi nhỏ nhưng thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ở tầm chiến lược, việc đưa cây dừa vào chương trình hành động quốc gia về phát triển cây công nghiệp chủ lực là tiền đề then chốt. Điều này không chỉ giúp thống nhất quy hoạch vùng trồng mà còn tạo cơ sở để các bộ ngành ban hành chính sách ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng, logistics, chế biến và khoa học kỹ thuật.
Tín hiệu tích cực thời gian qua theo bà Hoa là ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt đầu tư vào công nghệ và sản phẩm mới, từ dừa nguyên trái, dừa gọt kim cương đến dừa cắt khắc bằng laser. Nhờ đó, dừa Việt Nam đã có mặt tại hơn 40 quốc gia. Nhưng để giữ được chỗ đứng, sản phẩm cần ổn định hơn về chất lượng, mẫu mã và trên hết là câu chuyện thương hiệu đủ sức lay động người tiêu dùng toàn cầu.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, người tiêu dùng càng quan tâm đến giá trị bền vững của sản phẩm. Dừa không chỉ là thức uống mà còn đại diện cho vùng đất, văn hóa và con người Việt Nam. Nếu khai thác được những giá trị vô hình ấy, ngành dừa Việt Nam không những mở rộng thị trường xuất khẩu mà còn góp phần lan tỏa bản sắc quốc gia trên từng trái dừa thành phẩm.
Việt Nam hiện có khoảng 200.000 ha dừa, đứng thứ 7 thế giới về diện tích. Với chu kỳ ra trái ngắn, dừa mang lại lợi nhuận cao, dễ chế biến và tiêu thụ đa dạng. Ngoài ra, các sản phẩm từ cây dừa như xơ dừa, lá dừa... có thể được sử dụng trong nhiều ngành hàng chế biến, mỹ nghệ hoặc tận dụng làm giá thể trong sản xuất trồng trọt.