Tạm thời giữ nguyên mô hình cũ
Trước thời điểm sáp nhập tỉnh, 2 Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị có sự khác nhau trong mô hình tổ chức hoạt động ở một số đơn vị trực thuộc.
Tại tỉnh Quảng Trị (cũ), các trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật (TT-BVTV), trạm khuyến nông và trạm chăn nuôi và thú y (CN-TY) hoạt động độc lập.
Còn tại tỉnh Quảng Bình (cũ), trạm TT-BVTV và trạm khuyến nông được tổ chức thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp (trực thuộc huyện quản lý), là đơn vị sự nghiệp; trạm CN-TY hoạt động độc lập, là đơn vị quản lý nhà nước chuyên ngành.

Sau sáp nhập tỉnh, các mô hình tổ chức hoạt động của ngành nông nghiệp Quảng Trị sẽ tạm thời được giữ nguyên. Ảnh: Võ Dũng.
Theo ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Trị (mới), để đảm bảo hoạt động thông suốt sau sáp nhập, Sở Nông nghiệp và Môi trường 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị (cũ) thống nhất đề xuất tạm thời giữ nguyên mô hình hoạt động của các đơn vị đã được tổ chức từ trước.
Cụ thể, các trạm TT-BVTV, trạm khuyến nông, trạm CN-TY ở phía Nam (tỉnh Quảng Trị cũ) trực thuộc Chi cục TT-BVTV, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục CN-TY. Khu vực phía Bắc (tỉnh Quảng Bình cũ) có 8 trung tâm dịch vụ nông nghiệp được chuyển cho Sở Nông nghiệp và Môi trường trực tiếp tiếp quản lý. Các trạm CN-TY được giữ nguyên, hoạt động độc lập.
Như vậy, các lĩnh vực TT-BVTV, CN-TY, khuyến nông tại tỉnh Quảng Trị hiện đang tồn tại 2 mô hình tổ chức. Một số đơn vị quản lý nhà nước chuyên ngành sẽ do các chi cục quản lý. Trong khi đó, các trung tâm dịch vụ nông nghiệp sẽ trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh quản lý. Theo đề án được thống nhất, cả 2 mô hình tổ chức này đều do nhà nước đảm bảo chi ngân sách thường xuyên.
Như vậy, cùng là đơn vị quản lý nhà nước chuyên ngành nhưng sau sáp nhập, một số trạm TT-BVTV trở thành đơn vị sự nghiệp dưới tên gọi trung tâm dịch vụ nông nghiệp. Trong khi đó, một số trạm TT-BVTV vẫn trực thuộc Chi cục TT-BVTV và là đơn vị quản lý nhà nước chuyên ngành.
Lý giải về sự tồn tại song song hai mô hình hoạt động này, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Trị cho hay, trước mắt, mô hình này sẽ được vận hành thông suốt ngay sau khi sáp nhập tỉnh để đảm bảo các nhiệm vụ chuyên môn không bị gián đoạn. Khi việc sắp xếp, bố trí nhân sự về cơ bản đã ổn định, ngành nông nghiệp và môi trường sẽ trình UBND tỉnh Quảng Trị phương án điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tiễn.
Cũng theo ông Tuấn, thời gian tới, các trung tâm dịch vụ nông nghiệp sẽ được tổ chức lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tuy nhiên, hình thức tổ chức cụ thể thế nào sẽ được xem xét cụ thể để vừa phù hợp với thực tiễn vừa đúng quy định của pháp luật.
Sẽ sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả
Trước khi đề án mới được đề xuất và thực hiện, có nhiều ý kiến của những người trong cuộc xung quanh vấn đề tổ chức lại mô hình hoạt động của các đơn vị ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị.
Ông Hoàng Đoán trước đây là Chủ tịch UBND xã Hải Thái, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Sau sáp nhập và tổ chức, sắp xếp lại cán bộ, ông Đoán hiện là Trưởng phòng Kinh tế xã Cồn Tiên, tỉnh Quảng Trị. Sau nhiều năm cùng người dân chống chọi với dịch tả lợn Châu Phi, ông Đoán rút ra kết luận, dịch bệnh động vật lây lan với tốc độ rất nhanh và thiệt hại rất lớn. Nếu không có cơ quan ngành dọc đủ trình độ chuyên môn, chuyên sâu thì việc phòng chống dịch sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Các trạm chăn nuôi và thú y tại Quảng Trị đang hoạt động độc lập và cho thấy hiệu quả. Ảnh: Võ Dũng.
“Sau sáp nhập, Phòng Kinh tế xã Cồn Tiên hiện không còn cán bộ nào có chuyên môn sâu về lĩnh vực thú y. Trong điều kiện xã có diện tích rộng và tổng đàn vật nuôi lớn như hiện nay, sắp tới, nếu cán bộ thú y xã cũng nghỉ việc thì sẽ rất khó khăn. Tôi nghĩ, duy trì ngành dọc, hoạt động độc lập sẽ phù hợp hơn là đưa trạm CN-TY sáp nhập thành lập các trung tâm dịch vụ nông nghiệp”, ông Đoán chia sẻ.
Điều ông Đoán nói về ngành thú y cũng phù hợp với thực tiễn đang diễn ra tại tỉnh Quảng Trị hiện nay. Trước đây, có thời điểm các trạm CN-TY, TT-BVTV, khuyến nông tại Quảng Bình (cũ) được tổ chức thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp trực thuộc huyện quản lý. Tuy nhiên, tháng 7/2024, khi xuất hiện những bất cập, trạm CN-TY đã được tách ra, trực thuộc Chi cục CN-TY hoạt động độc lập theo ngành dọc.
Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục CN-TY tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện toàn tỉnh có 9 trạm CN-TY trực thuộc ngành dọc và về cơ bản đều hoạt động rất hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh. Đây là lý do khiến ông Tám cho rằng cần duy trì các trạm CN-TY hoạt động độc lập, trực thuộc Chi cục CN-TY, đóng vai trò cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.
Tương tự đối với lĩnh vực TT-BVTV, nhiều người cho rằng sự tồn tại riêng biệt của các trạm sẽ tốt hơn cho công tác phòng chống dịch bệnh. Sau khi chấm dứt hoạt động của chính quyền cấp huyện, việc giữ lại ngành dọc sẽ giúp quản lý con người tốt hơn và tạo ra hệ thống “chân rết” tại các khu vực, giúp việc phát hiện phòng chống dịch bệnh cây trồng hiệu quả hơn. Nếu đơn vị này vẫn nằm trong trung tâm dịch vụ nông nghiệp thì sẽ nảy sinh những điều bất hợp lý. Trong khi trạm TT-BVTV có chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước thì các trạm khuyến nông đóng vai trò chuyển giao công nghệ, triển khai mô hình và là các đơn vị sự nghiệp…

Tái cấu trúc mô hình tổ chức cho phù hợp với thực tiễn, đúng quy định pháp luật theo hướng tinh gọn, hiệu quả đang là ưu tiên của ngành nông nghiệp và môi trường tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Võ Dũng.
Ông Trần Minh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục TT-BVTV Quảng Trị bảo lưu ý kiến cần tách bạch hoạt động của các trạm TT-BVTV.
“Tách trạm TT-BVTV khỏi trung tâm dịch vụ nông nghiệp, trực thuộc Chi cục TT-BVTV sẽ phù hợp cho công tác quản lý và chỉ đạo. Lúc đó, các trạm sẽ thành các “chân rết” giúp phát hiện và triển khai các phương án phòng chống dịch bệnh được kịp thời. Nếu các trạm TT-BVTV nhập vào các trung tâm trực thuộc Sở thì chỉ làm nhiệm vụ phối hợp với Chi cục thôi”, ông Tuấn nêu quan điểm.
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Trị cho hay, theo định hướng, các trung tâm dịch vụ nông nghiệp sẽ sớm được xem xét tổ chức lại theo hướng một trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp tỉnh và có các chi nhánh khu vực hoặc duy trì như mô hình của tỉnh Quảng Trị (cũ) nhằm tinh gọn đầu mối, tách bạch nhiệm vụ quản lý nhà nước cũng như cung ứng dịch vụ sự nghiệp công nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội.