Mỗi tỉnh một mô hình
Việc sắp xếp lại các trung tâm dịch vụ nông nghiệp phù hợp với chính quyền địa phương 2 cấp là chủ trương xuyên suốt, được sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị và người dân. Tuy nhiên hiện các địa phương đang triển khai theo những phương án khác nhau, chưa theo một mô hình chuẩn.
Tại tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh này đã ban hành Quyết định số 2069/QĐ-UBND thành lập 26 trung tâm dịch vụ nông nghiệp mới trên cơ sở tổ chức lại các trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện, thị xã, thành phố hiện có. Theo Quyết định trên, các trung tâm dịch vụ nông nghiệp được chuyển về trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh quản lý.

26 trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện (cũ) được chuyển về trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hóa quản lý. Ảnh: Nguyễn Dũng.
Theo đó, các trung tâm dịch vụ nông nghiệp chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp về tổ chức, biên chế và hoạt động của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, đồng thời chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Biển đảo và Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường.
Các trung tâm dịch vụ nông nghiệp được tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế - kỹ thuật về trồng trọt, bảo vệ thực vật; chăn nuôi, thú y, vệ sinh môi trường; công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật áp dụng công nghệ mới vào nông nghiệp và các chương trình công tác khác đã được phê duyệt. Điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo tình hình dịch bệnh trên cây trồng và dịch bệnh động vật trên địa bàn liên khu vực xã, phường. Thông báo kịp thời và đề xuất chủ trương, hướng dẫn biện pháp kỹ thuật phòng chống trên địa bàn, đồng thời báo cáo về cho chi cục chuyên ngành của tỉnh theo từng lĩnh vực quản lý. Xây dựng, duy trì hệ thống điều tra, phát hiện, cảnh báo, cơ sở dữ liệu và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch hại cây trồng, dịch bệnh động vật trên địa bàn phụ trách theo quy định.
Tại tỉnh Nghệ An, ngày 26/6/2025, UBND tỉnh này đã ban hành Quyết định 1859/QĐ-UBND chuyển giao các trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, thị xã, thành phố về Trung tâm Khuyến nông thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Nghệ An.
Quyết định này bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2025. Các trung tâm dịch vụ nông nghiệp nói trên được chuyển tên thành trạm dịch vụ nông nghiệp. Tiếp đó, ngày 4/7/2025, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành Quyết định số 80/QĐ-TTKN quy định tạm thời chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và địa bàn phụ trách của các trạm dịch vụ nông nghiệp trực thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An. Hiện nay, tổng số cán bộ của 20 trạm dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An là 279 người, trong đó có 13 lao động hợp đồng.
Được biết, sau khi sắp xếp lại, Trạm Dịch vụ nông nghiệp Kỳ Sơn có số xã phụ trách nhiều nhất với 12 xã, còn hai trạm phụ trách ít đơn vị nhất là Trạm Dịch vụ nông nghiệp Hoàng Mai và Thái Hòa với mỗi đơn vị phụ trách 3 phường, xã. Về cơ bản, chức năng và nhiệm vụ của các trạm dịch vụ nông nghiệp không có sự thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, các trạm sẽ không còn pháp nhân riêng, không có con dấu, tài khoản riêng như trước đây kể từ ngày 1/7/2025.

Tỉnh Nghệ An đưa 20 trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện (cũ) về Trung tâm Khuyến nông tỉnh (thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường) quản lý và chuyển thành... trạm dịch vụ nông nghiệp tương đương cấp phòng của Trung tâm Khuyến nông. Ảnh: Đình Tiệp.
Đối với tỉnh Hà Tĩnh, ngày 25/6/2025, UBND tỉnh này ban hành Quyết định số 1548/QĐ-UBND chuyển các trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng, vật nuôi trực thuộc UBND cấp huyện trước đây sang trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường.
Theo Quyết định trên, có 12 trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng, vật nuôi trực thuộc UBND cấp huyện được chuyển về trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh.
Các trung tâm này sẽ là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường, chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp, toàn diện của Sở Nông nghiệp và Môi trường. Đồng thời chịu sự chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Cũng tại Quyết định này, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh sau khi tiếp nhận các đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng đề án giải thể 12 trung tâm. Theo đó, chuyển chức năng, nhiệm vụ, nhân sự liên quan đến thú y và bảo vệ thực vật về Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi; chuyển toàn bộ chức năng, nhiệm vụ và nhân sự còn lại về Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh.
Lo "lỗ hổng" ở cơ sở
Việc sắp xếp các trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, thị xã, thành phố (cũ) hiện vẫn còn một số ý kiến băn khoăn từ những người trong cuộc và cả người dân.
Đơn cử như tại tỉnh Nghệ An, việc chuyển giao các trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, thị xã, thành phố về Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã có không ít lo ngại về những bất cập có thể phát sinh.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, toàn bộ cán bộ bán chuyên trách phụ trách lĩnh vực thú y ở xã đã không còn. Lĩnh vực này ở xã (mới) được giao cho phòng kinh tế xã cử người phụ trách.

Dịch bệnh liên tiếp xuất hiện ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời gian gần đây. Ảnh: Việt Khánh.
“Tuy nhiên, để có chuyên môn sâu về mảng thú y thì chưa ai dám khẳng định chắc chắn. Vì thế, chuyên môn sâu về công tác chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh ở cơ sở của đội ngũ này vẫn là một dấu hỏi. Sự phối hợp giữa các trạm dịch vụ nông nghiệp và các xã mới trên địa bàn ít nhiều cũng sẽ thiếu đi thông tin đồng bộ, có thể dẫn đến các biện pháp, giải pháp trong phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm ở địa phương đạt hiệu quả không cao”, một cán bộ ngành nông nghiệp ở Nghệ An lo lắng.
Liên quan đến mảng bảo vệ thực vật, cán bộ phụ trách mảng nông nghiệp ở các xã có chuyên môn ra sao về lĩnh vực này vẫn còn là câu hỏi cần lời giải bởi cần phải đáp ứng được yêu cầu trong công tác điều tra, dự tính, dự báo sâu bệnh hại, có thể dẫn đến công tác chỉ đạo phòng trừ có hiệu quả không cao. Đặc biệt hiện chưa có quy chế phối hợp làm việc cụ thể giữa xã và trạm nên việc trao đổi thông tin, số liệu còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng.
Chủ tịch UBND một xã thuộc địa bàn huyện Thanh Chương (cũ) cũng nêu quan điểm, không phải ngẫu nhiên mà thời gian từ tháng 6 đến nay tình trạng dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi phát sinh khá phức tạp trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
“Theo tôi, tình trạng bệnh dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện ở hàng loạt địa phương, sâu bệnh hại lúa… không phải ngẫu nhiên phát sinh nhiều trong giai đoạn này. Có thể có nguyên nhân từ việc đã xuất hiện ‘lỗ hổng’ dưới cơ sở trong lĩnh vực vừa nêu so với trước đây”, vị Chủ tịch xã đặt vấn đề.