| Hotline: 0983.970.780

Chuối Việt Nam: Từ cây trồng phổ biến đến giấc mơ tỷ đô

Thứ Sáu 18/07/2025 , 11:37 (GMT+7)

Sản lượng lớn nhưng giá trị chưa tương xứng, ngành chuối đối mặt áp lực chuẩn hóa và chuyển sang sản xuất xanh, công nghệ cao để tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường.

Áp lực chuẩn hóa và nâng tầm giá trị

Chuối là một trong những loại cây ăn quả phổ biến nhất tại Việt Nam, được trồng rộng khắp các vùng sinh thái từ trung du miền núi phía Bắc đến đồng bằng Nam Bộ.

Với diện tích canh tác hơn 161.000 ha và sản lượng gần 3 triệu tấn năm 2024, chuối hiện không chỉ là trái cây có sản lượng cao nhất trong nhóm cây ăn quả chủ lực mà còn là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Ông Nguyễn Như Cường: Đến nay chỉ có sầu riêng vươn lên thành sản phẩm trái cây duy nhất lọt vào nhóm xuất khẩu tỷ đô. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Nguyễn Như Cường: Đến nay chỉ có sầu riêng vươn lên thành sản phẩm trái cây duy nhất lọt vào nhóm xuất khẩu tỷ đô. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Số liệu của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật , các vùng trồng chuối lớn nhất hiện nay gồm Đồng bằng sông Cửu Long (39.000 ha), Đông Nam bộ (25.000 ha), Trung du miền núi phía Bắc (26.100 ha), và Đồng bằng sông Hồng (21.900 ha). Năng suất chuối bình quân đạt 207,3 tạ/ha, trong đó Đông Nam bộ nổi bật với năng suất lên đến 344,8 tạ/ha - cao nhất cả nước, phản ánh mức độ đầu tư và áp dụng kỹ thuật tương đối cao tại khu vực này.

Không dừng ở sản xuất nội địa, chuối Việt Nam đã vươn ra thị trường thế giới một cách mạnh mẽ. Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu gần 625.000 tấn chuối sang Trung Quốc, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng lượng chuối quốc gia này nhập khẩu. Bên cạnh đó, sản phẩm chuối Việt Nam còn hiện diện tại nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, ASEAN (Malaysia, Singapore), EU và Trung Đông.

Dư địa thị trường cho chuối Việt Nam đã rộng mở, nhưng chính điều đó đặt ra yêu cầu khắt khe hơn về tiêu chuẩn. Ông Nguyễn Như Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) khuyến cáo, để duy trì thị phần hiện tại và mở rộng thị phần có giá trị cao, ngành hàng chuối cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, kiểm soát chặt quy trình canh tác, đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và đáp ứng đầy đủ yêu cầu kiểm dịch thực vật của từng quốc gia.

Các diễn giả chia sẻ tại Tọa đàm 'Giá trị khác biệt tạo nên lợi thế cạnh tranh' (trong khuôn khổ Diễn đàn 'Giải pháp tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm trái cây có lợi thế: Chanh leo, chuối, dứa, dừa' do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức ngày 18/7). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Các diễn giả chia sẻ tại Tọa đàm "Giá trị khác biệt tạo nên lợi thế cạnh tranh" (trong khuôn khổ Diễn đàn "Giải pháp tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm trái cây có lợi thế: Chanh leo, chuối, dứa, dừa" do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức ngày 18/7). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hiện phần lớn chuối xuất khẩu vẫn ở dạng thô, tỷ lệ chuối chế biến còn hạn chế. Trong bối cảnh các thị trường nhập khẩu ngày càng tăng rào cản kỹ thuật thì giá trị gia tăng từ sản phẩm chế biến sâu (như chuối sấy, chuối ép, bột chuối, snack chuối) là chìa khóa để Việt Nam thoát khỏi thế bị động về giá cả, đồng thời kéo dài chuỗi giá trị và tăng sức cạnh tranh.

Định hướng đến năm 2030, ngành hàng chuối sẽ duy trì diện tích từ 165.000 đến 175.000 ha, sản lượng từ 2,6 đến 3 triệu tấn, tức không mở rộng quá nhiều về diện tích mà tập trung nâng cao hiệu quả và giá trị trên đơn vị canh tác.

Lối đi mới cho ngành hàng chuối

Một số mô hình sản xuất quy mô lớn tại Việt Nam đang cho thấy hướng đi mới đầy tiềm năng: Phát triển cây chuối bằng công nghệ cao, theo đuổi một tiêu chuẩn chất lượng duy nhất, xuyên suốt toàn bộ chuỗi từ giống, canh tác, thu hoạch đến truy xuất nguồn gốc.

Thay vì linh hoạt theo từng thị trường hay tiêu chuẩn nhập khẩu, hướng đi này (như Công ty Unifarm theo đuổi) đặt ra một tiêu chuẩn thống nhất, lấy thị trường quốc tế làm mục tiêu ngay từ đầu.

Ông Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch Unifarm đánh giá, điểm nổi bật của cách tiếp cận này là sự kiên định trong thiết kế chiến lược. Mỗi giai đoạn sản xuất, từ chọn giống, quản lý vùng trồng đến xử lý sau thu hoạch đều được xác định rõ mục tiêu, có tiêu chí đánh giá cụ thể và điều chỉnh theo tín hiệu thị trường. Từ đó, người trồng không chỉ sản xuất để bán mà còn tham gia vào chuỗi giá trị dài hơn, nơi chất lượng và sự ổn định là yếu tố then chốt để xây dựng thương hiệu chuối Việt.

Giá trị xuất khẩu chuối năm 2024 ước đạt 378 triệu USD, tương ứng khoảng 2.400 USD/ha - con số chưa tương xứng với tiềm năng thật sự của ngành hàng này. Các chuyên gia cho rằng nếu ứng dụng công nghệ cao, phát triển giống chuối mới có khả năng kháng bệnh héo rũ Panama, đồng thời tổ chức sản xuất quy mô lớn gắn với chế biến và logistics hiện đại, ngành hàng chuối Việt Nam có thể bứt phá.

Mục tiêu đạt 20.000 USD/ha là tham vọng nhưng không phải là bất khả thi nếu toàn chuỗi cùng vận hành theo cùng một tiêu chuẩn chất lượng.

Ngành hàng chuối Việt Nam có thể vươn lên thành nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta. Ảnh minh họa.

Ngành hàng chuối Việt Nam có thể vươn lên thành nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta. Ảnh minh họa.

Trong bối cảnh toàn cầu ngày càng quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng và an toàn môi trường, việc sản xuất chuối theo hướng xanh - sạch - bền vững sẽ là lợi thế cạnh tranh lâu dài cho Việt Nam. Đặc biệt, các thị trường cao cấp như EU và Nhật Bản ngày càng yêu cầu không chỉ về chất lượng quả mà còn về trách nhiệm xã hội, truy xuất vùng trồng và tác động môi trường trong suốt quá trình sản xuất.

Từ cây trồng phổ biến, chuối đang từng bước trở thành ngành hàng có chiến lược phát triển rõ ràng, quy mô lớn và tiềm năng xuất khẩu bền vững. Những năm tới, ngành hàng chuối Việt Nam không thể dừng lại ở vai trò nguồn cung mà cần định vị là một trong những trung tâm sản xuất chuối có tầm ảnh hưởng toàn cầu cả về sản lượng, chất lượng lẫn công nghệ sản xuất.

PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cho biết, Viện đang nghiên cứu công nghệ bảo quản phù hợp với các loại trái cây dễ hư hỏng như chanh leo, chuối, dứa.

Viện đã làm chủ nhiều công nghệ nổi bật như tạo màng sinh học kéo dài thời gian bảo quản, sấy bơm nhiệt, sấy thăng hoa, cấp đông siêu tốc và chế biến puree chuối với chi phí thấp. Viện sẵn sàng tư vấn, chuyển giao công nghệ phù hợp với quy mô và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp nhằm nâng cao chuỗi giá trị và năng lực bảo quản nông sản.

Xem thêm
Trại lợn lớn gây mùi, rò rỉ nước thải ra môi trường

QUẢNG NINH UBND xã Đường Hoa yêu Công ty Cổ phần Chăn nuôi Greentech không tăng đàn và thực hiện giảm quy mô đàn khi chưa hoàn thiện hệ thống xử lý về môi trường.

Quảng Ngãi: Xử phạt nhiều trường hợp vứt xác lợn nhiễm bệnh ra môi trường

Nhiều trường hợp vứt xác lợn chết ra môi trường tại Quảng Ngãi đã bị phát hiện, xử lý. Chính quyền địa phương và ngành thú y siết chặt kiểm tra, ngăn dịch lây lan.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nông nghiệp Hải Phòng kỳ vọng đột phá sau sáp nhập

HẢI PHÒNG Sau hợp nhất, thế mạnh về biển của Hải Phòng và nông nghiệp công nghệ cao của Hải Dương hứa hẹn sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới, giúp phát huy được các tiềm năng.

Chăm sóc chanh leo bằng điện thoại, quả sai trĩu

SƠN LA Áp dụng đồng bộ quy trình canh tác tự động hiện đại, vườn chanh lep của anh Hưởng phát triển rất tốt, quả sai trĩu, việc chăm sóc cũng rất nhàn nhã.

Kiểm ngư Vùng 5: Không có vùng xám trong chống khai thác IUU

Lực lượng Kiểm ngư Vùng 5 quyết liệt tuần tra, xử lý vi phạm trên biển, khẳng định không có ngoại lệ, không có vùng xám trong chống khai thác IUU.

Siết chặt bảo vệ rừng trong mùa khai thác hạt ươi

ĐÀ NẴNG Mùa ươi không chỉ giúp bà con cải thiện sinh kế mà còn là thử thách cho công tác bảo vệ rừng, đòi hỏi trách nhiệm của cả người dân và lực lượng chức năng.

Bình luận mới nhất