| Hotline: 0983.970.780

Nuôi trâu bão hòa, ngựa thịt lên ngôi

Chủ Nhật 28/07/2024 , 15:20 (GMT+7)

LÀO CAI Trong khi nghề nuôi trâu dần bão hòa, chăn nuôi ngựa làm thực phẩm mở ra hướng đi mới cho bà con vùng cao trong phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập.

Bà Lương Thị Dinh chăm sóc đàn ngựa của gia đình. Ảnh: HĐ.

Bà Lương Thị Dinh chăm sóc đàn ngựa của gia đình. Ảnh: HĐ.

Với lợi thế về đất đai, khí hậu và chịu khó học hỏi, bà con dân tộc thiểu số ở vùng cao Lào Cai đã mạnh dạn phát triển chăn nuôi ngựa thương phẩm, mở ra hướng đi mới để giảm nghèo bền vững.

Gia đình bà Lương Thị Dinh ở thôn Bản Qua, xã Bản Qua (huyện Bát Xát, Lào Cai) mỗi năm thu nhập khoảng 150 triệu đồng từ việc nuôi ngựa vỗ béo để bán làm thực phẩm cho các nhà hàng, khách sạn, thương lái có nhu cầu. Cũng chính từ mô hình này, gia đình bà đã trở thành hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Lào Cai.

Là một trong những hộ tiên phong phát triển mô hình chăn nuôi ngựa, bà Lương Thị Dinh chia sẻ, những năm trở lại đây, giá bán trâu giảm xuống thấp, thị trường không ổn định, thêm vào đó những quả đồi, rừng trong thôn được quản lý chặt chẽ, không cho thả rông nên việc nuôi trâu dần trở nên khó khăn. 

Qua tìm hiểu trên thị trường, gia đinh bà thấy nuôi ngựa thịt, ngựa sinh sản có triển vọng, phù hợp với điều kiện thực tế tại gia đình, địa phương và giá bán lại cao. Mặt khác, lợi thế của nuôi ngựa thịt là nhu cầu thực phẩm chế biến từ ngựa ngày càng tăng cao, nhất là thắng cố ngựa, món ẩm thực nổi tiếng. 

Việc trồng cỏ voi tạo nguồn thức ăn cho đàn ngựa, giảm công sức chăm sóc, cát cỏ. Ảnh: HĐ.

Việc trồng cỏ voi tạo nguồn thức ăn cho đàn ngựa, giảm công sức chăm sóc, cát cỏ. Ảnh: HĐ.

Cuối năm 2016, từ nguồn vốn của gia đình, bà quyết định đầu tư mua 3 con ngựa về làm giống. Thời gian đầu bà rất lo ngựa không phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương sẽ còi cọc, kém phát triển. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ ngành nông nghiệp giới thiệu về đặc tính sinh trưởng, phát triển của con ngựa, bà đã yên tâm tập trung chăm sóc ngựa, mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi. 

Gia đình bà Lương Thị Dinh đã xây dựng chuồng nuôi kiên cố kết hợp chăn thả bán tự nhiên mỗi khi nông nhàn, sau thu hoạch cây lương thực. Gia đình bà còn trồng nhiều diện tích cỏ voi quanh nhà, bờ ao, trên nương để có nguồn thức ăn ổn định và giảm công sức phải đi cắt cỏ cho ngựa ăn.

"So với những loài vật khác, con ngựa ít dịch bệnh hơn, song công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc vẫn được gia đình chú trọng, thường xuyên theo dõi sức khỏe của mỗi con ngựa. Để đàn ngựa phát triển tốt, đối với chuồng trại phải vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát, thức ăn cho ngựa phải sạch sẽ, không bị mốc, ôi thiu…", bà Lương Thị Dinh chia sẻ kinh nghiệm. 

Qua đúc rút kinh nghiệm, nắm chắc những kỹ thuật chăn nuôi ngựa, gia đình bà chủ động mua thêm ngựa về vỗ béo, đủ tuổi, cân nặng thì xuất bán. Với sự chăm chỉ và áp dụng phương pháp chăn nuôi khoa học, có thời điểm đàn ngựa của gia đình bà phát triển trên 20 con, trị giá hàng trăm triệu đồng.

Kết hợp nuôi nhốt và chăn thả bán tự nhiên đảm bảo đặc tính của con ngựa. Ảnh: H.D. 

Kết hợp nuôi nhốt và chăn thả bán tự nhiên đảm bảo đặc tính của con ngựa. Ảnh: H.D. 

Hiện nay, mỗi năm, gia đình bà xuất bán từ 8-15 con với giá dao động từ 15-30 triệu đồng/con tùy cân nặng. Qua đó, đã đem lại thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm, đã trừ chi phí. Số tiền này giúp gia đình bà mua sắm vật dụng sinh hoạt gia đình, chăm lo cho các con học hành...

Bên cạnh đó, gia đình bà Lương Thị Dinh còn tận dụng nguồn nước để đào ao nuôi cá kết hợp du lịch trải nghiệm. Với trên 3.000m2 nước mặt, gia đình bà thả các loại cá chép, cá trắm, cá lăng... phục vụ thú vui câu cá của người dân trên địa bàn.

Gia đình bà không thu tiền dịch vụ câu theo giờ, mà thu nhập đến từ việc khách có nhu cầu mua cá do mình câu được. Với giá bán từ 100.000 đồng/kg tùy từng loại, với cách bán cá này giúp gia đình bà mỗi năm có thêm khoảng 50 triệu đồng.

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi có giá trị kinh tế cao để phát triển kinh tế gia đình đặc biệt mô hình nuôi ngựa làm thực phẩm, gia đình bà Lương Thị Dinh đã trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Lào Cai.

Mô hình chăn nuôi, vỗ béo ngựa đã mở ra hướng đi mới cho bà con vùng cao huyện Bát Xát học theo khi chăn nuôi trâu đang dần bão hòa, giá bán thấp...

Xem thêm
Phát hiện bệnh dại, địa phương tổ chức truy bắt chó thả rông

QUẢNG NGÃI Sau khi phát hiện 2 con chó dương tính với bệnh dại, xã Ia Tơi (tỉnh Quảng Ngãi) đã hướng dẫn người dân tiêm phòng và triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.

Nhãn chín sớm giá 25.000 đồng/kg, gấp đôi chính vụ

HƯNG YÊN Tự chọn lọc được giống nhãn chín sớm hơn trà chính vụ khoảng 1 tháng, ông Đỗ bán được nhãn quả với giá 25.000 đồng/kg, gấp đôi nhãn chính vụ.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nông nghiệp Hải Phòng kỳ vọng đột phá sau sáp nhập

HẢI PHÒNG Sau hợp nhất, thế mạnh về biển của Hải Phòng và nông nghiệp công nghệ cao của Hải Dương hứa hẹn sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới, giúp phát huy được các tiềm năng.

Tiết kiệm hơn 30% chi phí phân bón nhờ phương pháp dúi phân

SƠN LA Phương pháp bón dúi phân kết hợp kỹ thuật cấy hàng rộng - hàng hẹp giúp giảm thất thoát, giảm số lần bón phân, chi phí phân bón giảm khoảng 30%, hạn chế sâu bệnh.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tuyên truyền chống IUU

Vĩnh Long Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là trách nhiệm của ngư dân, cơ quan chức năng và toàn xã hội.

Điểm sáng nghiên cứu khoa học gắn với bảo tồn đa dạng sinh học

Cần Thơ Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, từng bước giúp Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng lập cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học, phục vụ lưu trữ các thông tin cần thiết.

Bình luận mới nhất