Ấn tượng giống lúa ĐT68
Vụ hè thu năm 2024, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Đồng Tâm (Quảng Ngãi) phối hợp với HTX Nông nghiệp Bình Quý 2 (xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) triển khai mô hình trình diễn giống lúa ĐT68 trên diện tích 8ha. Đến thời điểm này, lúa trong mô hình đã chuẩn bị thu hoạch. Bông lúa to, hạt xếp sít, tỷ lệ hạt chắc cao, giống ĐT68 đang hứa hẹn mang lại cho bà con nông dân một mùa vụ bội thu.

Đây là vụ thứ 3, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Đồng Tâm triển khai các mô hình trình diễn giống lúa ĐT68 ở tỉnh Quảng Nam. Ảnh: L.K.
Được tiếp cận từ vụ hè thu 2023, sau quá trình sản xuất, nhận thấy giống ĐT68 có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống lúa đại trà ở địa phương nên nhiều hộ dân đã tiếp tục sử dụng để canh tác. Theo dõi qua từng vụ, bà con đánh giá giống ĐT68 rất dễ canh tác, sinh trưởng, phát triển khỏe trong nhiều điều kiện thời tiết bất lợi cũng như các chân đất khác nhau. Bên cạnh đó, giống ĐT68 cũng tiết kiệm được lượng phân bón so với các giống khác khoảng 30%.
Ông Nguyễn Hường (trú xã Bình Quý) cho biết, đây là vụ thứ 3 gia đình ông sử dụng giống lúa ĐT68 để canh tác trên diện tích hơn 8 sào (sào 500m2). Trong cả 3 vụ, giống lúa này đều làm cho ông rất hài lòng. Trong đó, ấn tượng đầu tiên là lúa rất sạch sâu bệnh. Cho đến nay, chưa thấy đối tượng sinh vật gây hại xuất hiện trên giống lúa ĐT68 gây ảnh hưởng đến năng suất.
“Ở vụ hè thu, trong khi các giống lúa khác phải phun phòng bệnh khô vằn thì giống ĐT68 không cần phải phun. Bên cạnh đó, lúa rất cứng cây. Vừa qua trên địa bàn xuất hiện nhiều đợt giông, lốc nhưng đám ruộng nhà tôi không hề bị đổ ngã. Một ưu điểm không thể không nhắc đến nữa là năng suất. Vụ này lúa ĐT68 ước đạt từ 75 – 80 tạ/ha, cao hơn các giống lúa đại trà gần 10 tạ/ha", ông Hường phấn khởi.
Không chỉ ở huyện Thăng Bình mà nhiều nông dân ở các huyện khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng đánh giá cao giống lúa ĐT68. Ông Nguyễn Văn Tâm (trú thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) chia sẻ, ngoài những ưu điểm nói trên, giống lúa ĐT68 còn có chất lượng gạo ngon, có mùi thơm nhẹ. “Ngay từ lần đầu sản xuất, tôi đã rất ưa chuộng giống lúa này và giới thiệu cho nhiều người khác ở trong thôn. Bây giờ diện tích lúa sử dụng giống ĐT68 ở địa phương tôi cũng đang được mở rộng và chắc chắn sẽ còn phát triển trong thời gian tới”.

Nông dân đánh giá cao những đặc tính của giống ĐT68. Ảnh: L.K.
Ông Trần Văn Hải, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Đồng Tâm cho biết, giống ĐT68 đã được Bộ NN-PTNT công nhận lưu hành chính thức. Trong 3 vụ gần đây, Công ty đã tổ chức sản xuất thử nghiệm trên diện rộng ở nhiều địa phương của tỉnh Quảng Nam như Phú Ninh, Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc... và được bà con nông dân cũng như ngành chức năng đánh giá cao.
“Đây là giống lúa trung, ngắn ngày, vụ đông xuân khoảng 110 – 115 ngày, vụ hè thu 90 – 95 ngày, cho năng suất bình quân từ 80 – 90 tạ/ha trong vụ đông xuân và từ 70 – 75 tạ/ha trong vụ hè thu. Bông lúa hạt xếp sít, dày, tỷ lệ hạt chắc trên bông cao từ 140 – 170 hạt. Với những kết quả đạt được từ các mô hình, chúng tôi mong muốn ngành chức năng tỉnh Quảng Nam cũng như các địa phương xem xét, đưa vào cơ cấu giống để Công ty có điều kiện triển khai nhân rộng trong thời gian tới”, ông Hải đề nghị.
Hà Phát 3 tạo đột phá về năng suất
Ở Quảng Nam nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Đồng Tâm cũng được người dân biết đến khi sở hữu nhiều giống lúa năng suất, chất lượng, trong đó có giống Hà Phát 3. Tại Quảng Nam, hiện giống lúa này đã có mặt ở hầu hết các huyện, thành phố trên địa bàn với diện tích sản xuất lên đến hàng nghìn ha.
Với đặc tính cứng cây, chống đổ ngã tốt, chống chịu nhiều đối tượng sâu bệnh, màu lá đòng đẹp, bông to, được thị trường ưa chuộng, những năm qua, giống lúa Hà Phát 3 luôn mang lại cho nông dân những vụ mùa thắng lợi. Riêng xã Bình Quý (huyện Thăng Bình, Quảng Nam), giống lúa Hà Phát 3 đã từng tạo “cơn sốt” khi cho năng suất đạt ngoài kỳ vọng ngay từ vụ sản xuất đầu tiên.

Bông lúa ĐT68 có hạt to, dày, xếp sít, tỷ lệ hạt chắc trên bông cao. Ảnh: L.K.
Ông Lê Văn Lợi, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Quý 2 cho hay, tại địa phương, hầu hết diện tích đất canh tác lúa đều là đất cát pha, nghèo dinh dưỡng. Do vậy những năm trước, năng suất lúa bình quân ở đây chỉ quanh mức 50 – 60 tạ/ha. Đến vụ đông xuân 2019 – 2020, HTX đã mạnh dạn đưa giống Hà Phát 3 về địa phương trồng thử nghiệm.
“Trong vụ sản xuất năm đó, sau khi thu hoạch, giống lúa Hà Phát 3 đem lại năng suất lên đến 70 tạ/ha, một con số chưa từng có ở địa phương. Chính vì thế đến nay, giống lúa Hà Phát 3 vẫn luôn được người dân ưu tiên sử dụng với diện tích khá lớn và mang lại hiệu quả kinh tế cao”, ông Lợi chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Xuân Bảy, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thăng Bình, những năm qua, ngành nông nghiệp địa phương thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng giống triển khai nhiều mô hình trình diễn các giống lúa mới để có sự đánh giá về tính thích nghi trên các đồng đất của huyện. Đối với giống lúa Hà Phát 3, qua sản xuất, bà con nông dân trong huyện đều đánh giá có hiệu quả cao và đưa vào sản xuất đại trà.
“Riêng về giống lúa ĐT68, qua ghi nhận ý kiến của bà con và thực tế trên mô hình, tôi nhận thấy đây là giống cho năng suất tương đối cao. Bên cạnh đó, lợi thế của giống này là thời gian sinh trưởng ngắn, thích hợp sản xuất được cả 2 vụ đông xuân và hè thu.
Hiệm giống này chưa được đưa vào cơ cấu. Với tiềm năng về năng suất, sinh trưởng, phát triển, tôi đề nghị Công ty tiếp tục thực hiện các mô hình trình diễn ở nhiều địa phương khác. Từ đó có đánh giá cụ thể để báo cáo với Hội đồng Khoa học Sở NN-PTNT đưa vào cơ cấu giống triển vọng, từng bước đưa vào cơ cấu giống chủ lực”, ông Bảy đề nghị.