| Hotline: 0983.970.780

Giảm mật độ gieo sạ, tăng cường sử dụng giống lúa xác nhận

Thứ Năm 01/12/2022 , 10:05 (GMT+7)

PHÚ YÊN Để giảm chi phí đầu vào, ngành nông nghiệp Phú Yên yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nông dân giảm lượng giống và sử dụng giống lúa xác nhận để gieo sạ.

Giảm lượng giống gieo sạ để giảm chi phí

Hiện nay, nhiều vùng sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh Phú Yên nông dân vẫn còn tập quán sạ dày và chưa chú trọng sử dụng giống lúa xác nhận để gieo sạ. Trong khi đó, cơ quan chuyên môn khẳng định, việc giảm lượng lúa giống gieo sạ không chỉ đỡ tốn giống, tốn không chăm sóc, mà còn hạn chế lượng phân bón, sâu bệnh; hạn chế sử dụng thuốc BVTV.

Nông

Nông dân cần giảm lượng giống gieo sạ để giảm chi phí đầu vào. Ảnh: Kim Sơ.

Việc sử dụng giống xác nhận để gieo sạ sẽ giúp ruộng lúa phát triển đồng đều, hạn chế sâu bệnh và cỏ dại, năng suất tăng từ 10 - 20%, tăng phẩm chất và giá trị hạt gạo.

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, trong năm 2022, diện tích giảm lượng giống gieo sạ trên địa bàn đạt 51,7% (diện tích lúa cả năm), trong đó diện tích gieo sạ từ 100kg/ha trở xuống chiếm 13,7%. Diện tích sử dụng giống lúa từ cấp xác nhận trở lên khoảng 36.999ha, chiếm tỷ lệ 71,6% diện tích gieo sạ.

Tại hội nghị tổng kết sản xuất trồng trọt năm 2022 và triển khai vụ đông xuân 2022 - 2023 trên địa bàn tỉnh mới đây, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên đề nghị các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền cho nông dân giảm giống và sử dụng giống lúa xác nhận gieo sạ để giảm chi phí đầu vào trong sản xuất.

Theo kế hoạch, năm 2023, Phú Yên sản xuất 54.800ha lúa, năng suất 71,3 tạ/ha, sản lượng gần 391.000 tấn. Trong đó, tỷ lệ sử dụng giống lúa nguyên chủng, xác nhận 1, xác nhận 2, hạt F1 trên 70% diện tích và giảm lượng giống gieo sạ dưới 100kg/ha khoảng 20% diện tích.

Chủ động chuyển đổi sản xuất

Để chủ động sản xuất lúa vụ đông xuân 2022 - 2023 sắp tới, ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên lưu ý các địa phương cần rà soát diện tích, chủ động cân đối nguồn nước, khoanh vùng sản xuất và tập trung chỉ đạo sản xuất theo từng vùng (xứ đồng).

Nông dân cần gieo sạ với mật độ hợp lý để hạn chế sâu bệnh hại lúa. Ảnh: Kim Sơ.

Nông dân cần gieo sạ với mật độ hợp lý để hạn chế sâu bệnh hại lúa. Ảnh: Kim Sơ.

Cụ thể, đối với xứ đồng chủ động và an toàn về nguồn nước, cần chỉ đạo gieo sạ gọn, tập trung, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh cao. Vùng có nguy cơ thiếu nước cần xây dựng phương án phòng, chống hạn để chủ động khai thác, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế thấp nhất tác động do hạn gây ra vào cuối vụ.

Đối với vùng có thể chuyển đổi từ đất lúa sang cây trồng cạn ngắn ngày khác, các địa phương, cơ sở sản xuất cần hướng dẫn, tuyên truyền người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa để tăng hiệu quả sản xuất, hạn chế thiệt hại do thiếu nước tưới.

Vùng có khả năng thiếu nước tưới vào cuối vụ cần thực hiện chuyển đổi mùa vụ hoặc dừng sản xuất để tránh thiệt hại do nắng hạn gây ra. Trên đất lúa thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cần quy hoạch bố trí gieo trồng tập trung cùng nhóm cây trồng để dễ điều tiết nguồn nước tưới và áp dụng cơ giới hoá.

Trước khi gieo sạ, các địa bàn cần tập trung công tác cày dầm sớm, kết hợp tu sửa, nạo vét kênh mương nội đồng; tổ chức các đợt ra quân đồng loạt diệt chuột, ốc bươu vàng và vệ sinh đồng ruộng. Ruộng gieo sạ cần đánh mương rãnh sâu để tiêu thoát nước tốt khi gặp mưa.

Các địa phương, cơ sở sản xuất cần theo dõi sát tình hình thời tiết và căn cứ điều kiện cụ thể từng vùng để xác định lịch thời vụ phù hợp; chỉ đạo xuống giống tập trung, gọn, lưu ý khả năng gặp mưa thời kỳ gieo sạ để chủ động tiêu thoát nước.

Khâu làm đất cũng rất quan trọng trong sản xuất lúa. Ảnh: KS.

Khâu làm đất cũng rất quan trọng trong sản xuất lúa. Ảnh: Kim Sơ.

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, về khung thời vụ gieo sạ, khuyến cáo đối với khu vực chủ động tưới trong hệ thống thuỷ nông các hồ đập, tập trung từ ngày 20/12 đến 10/1. Tùy theo thời gian sinh trưởng của từng giống lúa và điều kiện cụ thể bố trí gieo sạ gọn, tập trung theo từng vùng để thu hoạch lúa khoảng trung tuần tháng 4/2023.

Các khu vực cao, ngoài hệ thống thuỷ nông các hồ đập thuộc các huyện Tuy An, Sơn Hoà, Sông Hinh, Đồng Xuân và các thị xã Đông Hòa, Sông Cầu, có thể tiến hành gieo sạ từ đầu tháng 12/2022.

Các vùng trũng thấp, cuối nguồn nước thuộc huyện Tuy An, Thị xã Đông Hoà, TP Tuy Hoà..., khuyến cáo lịch gieo sạ từ ngày 1 - 10/1/2023 để tránh lũ lụt, ngập úng gây hư hại, mất giống. Vùng nước rút quá chậm sau ngày 10/1/2023 có thể gieo mạ để cấy, tranh thủ thời gian và rút ngắn thời gian sinh trưởng, lúa trỗ bông sớm.

Phú Yên khuyến cáo các địa phương cần ưu tiên sử dụng các giống lúa chất lượng cao, chiếm tỷ lệ khoảng 25 - 30% diện tích; sử dụng giống lúa chịu mặn, chịu hạn ở những vùng thường bị xâm nhập mặn, thiếu nước. Các xã, HTX chủ động bố trí 3 - 5% diện tích để sản xuất lúa giống cung ứng cho nhu cầu tại địa phương.

Xem thêm
Khởi công trang trại heo 300 tỷ đồng

GIA LAI Dự án sau khi đi vào hoạt động sẽ là mô hình hiện đại, thân thiện với môi trường, góp phần vào phát triển kinh tế và an sinh xã hội tại địa phương.

Cháu bé 3 tuổi tử vong do bệnh dại

GIA LAI Bị chó hoang cắn, tuy nhiên gia đình không đưa đến cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm phòng vacxin khiến cháu bé 3 tuổi tử vong ngay sau đó.

Đi giữa ngàn xanh

GIA LAI Khoát hơn nửa vòng tay, Rô Krik nói: ‘Giờ đây, xã Đất Bằng đã khoác lên mình một màu xanh bất tận, màu xanh của ấm no, đủ đầy và ngập tràn hạnh phúc".

Sống chung với khô hạn: [Bài 2] Tưới tiên tiến giảm áp lực nguồn nước

Những năm qua, người dân Ninh Thuận đua nhau lắp đặt các thiết bị tưới tiên tiến nhằm tiết kiệm nước, thích ứng với nắng nóng, khô hạn kéo dài.

Biến lá khóm thành tơ sợi

TIỀN GIANG Mỗi ngày, anh Nguyễn Ngọc Quyền ở Tiền Giang thu gom 2 tấn lá khóm để sản xuất 15kg tơ sợi cung ứng cho các nhà máy đánh bông, dệt vải.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường vùng nuôi trồng thủy sản: [Bài 1]  Áp dụng kiến thức tập huấn vào thực tiễn

Những kiến thức từ các lớp tập huấn được người dân tiếp thu, vận dụng vào quá trình nuôi trồng thủy sản của gia đình, giúp gia tăng hiệu quả hơn trước.

'Cuộc chiến' giữ rừng phòng hộ: [Bài 4] Nhân rộng diện tích rừng FSC

Đồng Nai Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc là đơn vị lâm nghiệp đầu tiên trong tỉnh Đồng Nai được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế FSC.