Tuy nhiên, một câu hỏi đang được đặt ra là làm cách nào để thay thế DAP một cách hiệu quả nhất?
Thay DAP bằng các loại phân đơn
Theo Cục Trồng trọt, nếu nông dân bón phân đơn, thì tổng chi phí các loại phân bón là 3.208.500 đ/ha. Trong khi đó, nếu bón phân có sử dụng DAP, thì chi phí phân bón lên tới 4.413.000 đ/ha, cao hơn 1.204.500 đ so với phương pháp trên, mà năng suất, chất lượng cây trồng lại như nhau. Như vậy, về mặt kinh tế, bón phân đơn hiệu quả hơn hẳn so với bón phân có dùng DAP.
Các loại phân đơn có thể dùng thay thế DAP là urê, lân nung chảy hoặc super lân. Các loại phân này hiện có giá thấp hơn nhiều so với DAP và trong nước đã sản xuất được toàn bộ hay phân nửa. Theo đó, nông dân có thể mua phân đơn, tự phối chế theo các tỷ lệ hướng dẫn và bón trực tiếp cho cây trồng mà không cần phải qua khâu tái chế.
Nếu căn cứ vào hàm lượng đạm trong phân urê là 45-46%N, hàm lượng phân super đơn (super Lâm Thao và Long Thành), hoặc phân lân nung chảy (Văn Điển hoặc Ninh Bình) là 16,0-17,0% P2O5, thì có thể thay DAP như sau: 0,4 kg urê + 2,8 kg super lân (hay lân nung chảy) = 1 kg DAP; 1 kg urê + 7 kg super lân (hay lân nung chảy) = 2,5 kg DAP.
Ở vùng ĐBSCL, nông dân thường sử dụng loại phân NPK 16-16-8 (16%N + 16% P2O5 + 8% K2O). Như vậy, 1 bao DAP 50 kg để bón cho lúa có thể thay thế bằng 1 bao NPK 16-16-8 (50 kg) cộng với 100 kg super lân (hoặc lân nung chảy). Hoặc 1 bao DAP 50 kg cũng có thể thay thế bằng cách dùng 1 bao urê 50 kg cộng với 55 kg lân (nung chảy hay super đều được).
Một điều đáng chú ý là ngoài tác dụng thay thế DAP, nếu sử dụng super lân hoặc hay lân nung chảy thì ngoài lân (P), các loại phân lân trên còn cung cấp thêm cho cây trồng các nguyên tố dinh dưỡng trung lượng khác như Ca, S, Si (hoặc Mg, Ca) ...
Tăng hiệu quả sử dụng phân bón
Ngoài việc thay thế DAP, nông dân cũng cần phải quan tâm tới việc nâng cao hiệu quả sử dụng các lọai phân bón khác như đạm, lân... Thực tế hiện nay, hiệu suất sử dụng đạm mới chỉ đạt mức 35-40%, và lân từ 40-45%. Như vậy, nếu tăng được hiệu suất sử dụng đạm và lân, thì sẽ tiết kiệm được lượng phân nhập khẩu, hạn chế được nguy cơ ô nhiễm từ môi trường.
Theo ông Phan Huy Thông, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, trong danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở nước ta hiện có một số loại phân bón khi sử dụng phối hợp với phân đạm, sẽ có khả năng làm tăng hiệu suất sử dụng đạm từ 25-50%, thông qua việc giảm tác dụng của men phân giải Ureaza, men làm mất đạm, tăng khả năng lưu dẫn N cho cây. Các loại phân bón có công dụng này là Wehg, Agrotain, NEB 26... Khi bón các loại phân này cho lúa và một số loại cây trồng khác, có thể giảm 1/4-1/2 lượng đạm so với lượng dùng thông thường, mà cây vẫn cho năng suất cao, chất lượng tốt.
Việc tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ truyền thống như phân chuồng, phân xanh, phân rác, than bùn được ủ theo đúng phương pháp, hay các loại phân hữu cơ khoáng, phân hữu cơ sinh học, phân vi sinh, phân hữu cơ vi sinh, cũng có tác dụng tốt trong việc phân giải lân từ khó tiêu sang dễ tiêu để cây trồng có thể hấp thụ lân từ đất được nhiều hơn. Một số loại phân vi sinh hoặc hữu cơ vi sinh như HUĐVIL, Komix vi sinh vi lượng, Komix BL2, Bio-Plant ..., ngoài tác dụng trên, còn có tác dụng cố định đạm, tăng lượng đạm cho cây trồng.
Sử dụng bổ sung các loại phân bón có chứa yếu tố Silic (phân bón Silica), ngoài việc làm tăng khả năng cứng cây, chống đổ ngã, tăng khả năng quang hợp, cũng có tác dụng cân đối dinh dưỡng, nâng cao hiệu suất sử dụng các yếu tố dinh dưỡng đa lượng NPK.
Bên cạnh đó, nông dân cũng nên sử dụng các loại phân bón chậm tan để cây trồng sử dụng một cách từ từ, qua đó tăng hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng, giảm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường. Sử dụng phân bón chậm tan theo phương pháp trộn hợp, các chất được bọc trong các mạng lưới với các kích thước mắt lưới khác nhau, do đó, rất an toàn và có thể điều chỉnh khả năng nhả chậm thông qua việc điều chỉnh kích thước các mắt lưới. Phương pháp độc đáo này đang được các tổ chứx WHO, FAO, và các nước nông nghiệp phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Canada, Úc..., nghiên cứu và đưa vào sử dụng.