| Hotline: 0983.970.780

Quản lý nghiêm ngặt quy hoạch, không để sầu riêng phát triển 'nóng'

Thứ Bảy 24/05/2025 , 13:10 (GMT+7)

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, cần nâng tỷ lệ cấp mã vùng lên 70-80% để phát triển ngành sầu riêng bền vững, giữ ổn định xuất khẩu và tăng sức cạnh tranh quốc tế.

Chiều 24/5, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững tại thành phố Buôn Ma Thuột.

Hội nghị tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, có sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan như Công Thương, Tài chính, Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước cùng đại diện nhiều tỉnh, thành phố trồng sầu riêng sẽ tham dự trực tiếp hoặc trực tuyến. Đặc biệt, hội nghị còn có sự đóng góp ý kiến, chia sẻ từ những chủ thể trực tiếp trong chuỗi sản xuất sầu riêng từ các doanh nghiệp và HTX tham gia xây dựng vùng nguyên liệu, cơ sở đóng gói đến nhà xuất khẩu.

Ngày 21/5, Trung Quốc đã phê duyệt, mở rộng danh sách mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được phép xuất khẩu vào thị trường này. Ảnh minh họa.

Ngày 21/5, Trung Quốc đã phê duyệt, mở rộng danh sách mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được phép xuất khẩu vào thị trường này. Ảnh minh họa.

Sự kiện nhằm tìm giải pháp gỡ vướng trong tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực chế biến và kiểm soát chất lượng sầu riêng xuất khẩu. Qua đó, các tham luận chuyên đề tập trung vào tình hình sản xuất và mở cửa thị trường sầu riêng Việt Nam; thực trạng tiêu thụ, hệ thống kiểm nghiệm an toàn thực phẩm; và tham luận từ các doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, hội nghị lần này không chỉ mang tính tổng kết, mà sẽ đóng vai trò “bàn tròn chính sách” để xác lập một chiến lược dài hơi cho ngành hàng sầu riêng, mặt hàng đang mang lại giá trị xuất khẩu hàng tỷ USD mỗi năm.

Tất cảTổng thuật

17 giờ 00 phút

Quản lý nghiêm ngặt quy hoạch, không để sầu riêng phát triển 'nóng'

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy yêu cầu quản lý nghiêm ngặt quy hoạch, không để việc phát triển

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy yêu cầu quản lý nghiêm ngặt quy hoạch, không để việc phát triển "nóng" sầu riêng làm tổn hại đến cân bằng sinh thái và an toàn sản xuất.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: Ngành sầu riêng cần khẩn trương rà soát lại các vùng trồng phù hợp, tránh tình trạng mở rộng tự phát, lạm dụng đất rừng và đất dốc. Ông yêu cầu quản lý nghiêm ngặt quy hoạch, không để việc phát triển "nóng" làm tổn hại đến cân bằng sinh thái và an toàn sản xuất.

Theo Bộ trưởng, hiện diện tích sầu riêng được cấp mã số vùng trồng chỉ chiếm khoảng 20-25% tổng diện tích cả nước, một tỷ lệ còn khá thấp. Nếu nâng được tỷ lệ này lên mức 70-80%, giá trị xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sẽ tăng mạnh, tạo lợi thế rõ rệt trong cạnh tranh quốc tế.

Bên cạnh đó, việc siết chặt quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói là yêu cầu cấp thiết. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh phải xác định rõ trách nhiệm của từng chủ sở hữu mã số theo đúng quy định, đồng thời phát triển hệ thống kiểm soát nội bộ tại từng địa phương. Việc kiểm tra định kỳ, xử lý nghiêm các hành vi gian lận mã số sẽ được quy định rõ trong Thông tư sắp ban hành.

Về xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ, người đứng đầu ngành nông nghiệp đề nghị huy động sự tham gia đồng bộ từ các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và nông dân. Ông gợi ý nghiên cứu mô hình quản lý vải thiều tại Bắc Giang, nơi đã thiết lập được hệ thống truy xuất minh bạch, để thử nghiệm áp dụng với sầu riêng. Ngoài ra, có thể học hỏi thêm kinh nghiệm quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả quản trị chuỗi.

Để ngành sầu riêng phát triển ổn định và bền vững, Bộ trưởng kêu gọi hỗ trợ doanh nghiệp hình thành chuỗi liên kết khép kín, trong đó cần khuyến khích đầu tư kho lạnh, trung tâm logistics và cơ sở sơ chế hiện đại. Đây là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường xuất khẩu.

Về truyền thông, ông đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho hợp tác xã và nông dân về quy trình canh tác bền vững và trách nhiệm trong việc duy trì mã số đã được cấp. Việc Trung Quốc cấp gần 1.000 mã mới là kết quả đáng ghi nhận, song việc giữ được các mã này ổn định lâu dài là trách nhiệm trực tiếp của các địa phương.

Cuối cùng, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy yêu cầu các địa phương thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn sản xuất và xuất khẩu sầu riêng để Bộ Nông nghiệp và Môi trường có cơ sở điều chỉnh chính sách phù hợp.

16 giờ 45 phút

Minh bạch chuỗi giá trị bắt đầu từ chất lượng phân bón

neu-xac-dinh-sau-rieng-la-san-pham-chu-luc-quoc-gia-can-co-dau-tu-thoa-dang-171308_448

Ông Nguyễn Tri Kỷ (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông, khẳng định, chưa bao giờ doanh nghiệp có cơ hội phát triển tốt như hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc trong các ngành hàng nông nghiệp của Việt Nam.

Ông Nguyễn Tri Kỷ cho rằng, một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay là kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào, đặc biệt là phân bón. Ông chỉ ra thực trạng đang diễn ra tại một số địa phương, khi một số loại phân bón nhập khẩu chưa được kiểm tra về ngưỡng an toàn của các kim loại nặng như Cadimi, thủy ngân, Asen.

Tuy nhiên, theo ông, việc giải quyết vấn đề này không đơn thuần chỉ là siết chặt quản lý, mà cần đi kèm với các giải pháp hỗ trợ và đồng hành cùng nông dân và doanh nghiệp.

Ông đề xuất cần tăng cường kiểm soát chất lượng phân bón ngay từ khâu nhập khẩu và lưu hành trên thị trường. Đồng thời, cần đẩy mạnh sản xuất phân hữu cơ từ nguồn nguyên liệu nội địa như phế phụ phẩm nông nghiệp, để vừa thân thiện môi trường, vừa giảm chi phí cho người sản xuất. Song song đó là việc tổ chức các chương trình tập huấn, nâng cao kỹ thuật cho nông dân, giúp họ sử dụng phân bón đúng cách, an toàn và hiệu quả hơn.

Ông Kỷ cũng nhấn mạnh, một trong những điểm nghẽn hiện nay là thiếu sự phối hợp hiệu quả giữa các bên liên quan. “Chúng ta cần một cơ chế phối hợp đồng bộ giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân thì mới có thể xử lý tận gốc các vấn đề hiện nay”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông nói.

Đồng thời, ông cũng bày tỏ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Với ông, không chỉ riêng Đắk Nông mà các địa phương khác cũng sẽ được hưởng lợi nếu chúng ta xây dựng được một hệ sinh thái sản xuất nông nghiệp bền vững - nơi mà chất lượng sản phẩm bắt đầu từ chất lượng đất, phân bón, và cả sự minh bạch trong chuỗi giá trị.

16 giờ 25 phút

Tiền Giang gặp khó trong quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói

Tiền Giang là một trong những tỉnh sản xuất cây ăn quả trọng điểm của khu vực ĐBSCL với khoảng 88.000ha, trong đó diện tích trồng sầu riêng là 24.500ha.

Ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tiền Giang, cho biết, theo định hướng của tỉnh, đến năm 2025, diện tích trồng sầu riêng đạt khoảng 15.000ha. Tuy nhiên, thời gian qua, do giá sầu riêng tăng cao nên người dân Tiền Giang đã đẩy mạnh diện tích trồng sầu riêng cao hơn gần 10.000ha so với kế hoạch.

neu-xac-dinh-sau-rieng-la-san-pham-chu-luc-quoc-gia-can-co-dau-tu-thoa-dang-171655_878

Thời gian qua, do giá sầu riêng tăng cao nên người dân Tiền Giang đã đẩy mạnh diện tích trồng sầu riêng cao hơn gần 10.000ha so với kế hoạch. Ảnh minh họa.

Theo đó, để phát triển ngành hàng sầu riêng theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng và phê duyệt Đề án phát triển cây sầu riêng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 và Dự án xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sầu riêng đến năm 2030.

Hiện nay, Tiền Giang có 155 mã số vùng trồng với diện tích gần 7.000ha và 66 mã số cơ sở đóng gói. Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm khoảng 25% so với diện tích sản xuất sầu riêng thực tế của tỉnh.

Theo ông Trần Hoàng Nhật Nam, công tác quản lý mã số vùng trồng tại địa phương đang gặp nhiều bất cập do thiếu nguồn nhân lực và kinh nghiệm, dẫn đến tình trạng sử dụng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói không trung thực.

“UBND tỉnh Tiền Giang đã thành lập tổ liên ngành để tăng cường kiểm tra qua đó phát hiện và xử lý các vi phạm nhưng công tác xử lý vi phạm vẫn gặp nhiều khó khăn về mặt pháp lý”, ông Trần Hoàng Nhật Nam phát biểu.

Theo đó, đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tiền Giang kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường hỗ trợ địa phương thành lập phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn để kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm cho sầu riêng.

Ông Trần Hoàng Nhật Nam cũng đề xuất các cơ quan chức năng thường xuyên cung cấp thông tin về sản lượng xuất khẩu sầu riêng theo vùng trồng và cơ sở đóng gói, qua đó quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói hiệu quả hơn.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tiền Giang cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường sớm xây dựng và ban hành tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng các loại trái cây tươi xuất khẩu, đặc biệt là sầu riêng.

16 giờ 05 phút

Gỡ hàng rào kỹ thuật không khó, nếu nông dân đồng hành

neu-xac-dinh-sau-rieng-la-san-pham-chu-luc-quoc-gia-can-co-dau-tu-thoa-dang-165501_163

Đại diện Hoàn Vũ Laboratory, ông Jony Hoàng Vũ (ảnh), cho biết, để có được thị trường xuất khẩu bền vững, cần đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Hoàn Vũ Laboratory đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp và nông dân Việt Nam trong việc đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt là đối với các thị trường khó tính như châu Âu.

Doanh nghiệp này đang vận hành hai trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về phân tích và sinh học phân tử, nhằm phát triển các sản phẩm mới như thuốc bảo vệ thực vật sinh học để hỗ trợ nông nghiệp Việt Nam.

Về các tiêu chí kỹ thuật của các nước nhập khẩu, ông Jony Hoàng Vũ khẳng định “gỡ là dễ”, nếu nông dân cùng đồng hành với doanh nghiệp, với các cơ quan quản lý. “Tôi khẳng định 99,92% các lô hàng sẽ thành công”. Ngoài ra, ông Jony lưu ý việc xác định nguồn gốc, tuân thủ quy trình kỹ thuật.

15 giờ 55 phút

Tối ưu hóa lợi thế để phát triển bền vững ngành sầu riêng

Việt Nam đang sở hữu những điều kiện thuận lợi để phát triển ngành sầu riêng, với khả năng cung ứng quanh năm nhờ vùng sản xuất trải dài trên hơn 10 vĩ độ. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng này và đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường nhập khẩu, ngành sầu riêng cần được chuẩn hóa toàn diện từ khâu canh tác đến quản lý mã vùng trồng.

neu-xac-dinh-sau-rieng-la-san-pham-chu-luc-quoc-gia-can-co-dau-tu-thoa-dang-164013_479

Theo ông Võ Quan Huy (ảnh), Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, thị trường sầu riêng toàn cầu năm 2025 có giá trị khoảng 200 tỷ USD và có thể đạt 400 tỷ USD vào năm 2035, với tốc độ tăng trưởng trung bình hơn 7% mỗi năm. Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng tăng cao, việc đảm bảo nguồn cung ổn định quanh năm là một lợi thế quan trọng của Việt Nam.

Tuy nhiên, quá trình sản xuất trong nước vẫn còn thiếu sự chuẩn hóa. Một số trường hợp cho thấy dù không sử dụng hóa chất bị cấm, nhưng sản phẩm vẫn phát hiện tồn dư vượt ngưỡng do không kiểm soát đầy đủ các yếu tố đầu vào. Từ thực tế này, vấn đề đặt ra là cần sớm xây dựng và ban hành quy trình canh tác sầu riêng chuẩn, đặc biệt cho phân khúc chất lượng cao, nhằm đảm bảo đồng bộ kỹ thuật trên diện rộng và đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường nhập khẩu.

Cùng với việc ban hành quy trình canh tác, việc minh bạch thông tin đầu vào cũng được nhấn mạnh. Đáng chú ý là hiện tượng tồn dư Cadimi trong sản phẩm tại một số khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có thể bắt nguồn từ đặc điểm thổ nhưỡng và phân bón. Do đó, cần ghi rõ hàm lượng Cadimi trên bao bì sản phẩm phân bón để người dân có thể lựa chọn phù hợp.

Một giải pháp khác nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm cuối được ông Huy nêu, là xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói, bao gồm cả người sản xuất, thương nhân và doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu đầu vào. Việc kiểm soát tốt từng mắt xích trong chuỗi giúp hạn chế rủi ro và duy trì chất lượng ổn định.

Cuối cùng, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được xem là khâu then chốt trong bảo đảm chất lượng xuất khẩu. Hiện cả nước có 1.396 mã vùng trồng sầu riêng được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng con số này vẫn còn khiêm tốn so với diện tích trồng khoảng 180.000ha. Việc tăng cường kiểm soát các chủ sở hữu mã vùng và cơ sở đóng gói là cần thiết để nâng cao tính minh bạch, truy xuất nguồn gốc và duy trì uy tín của sầu riêng Việt Nam trên thị trường quốc tế.

15 giờ 40 phút

Cần thành lập trung tâm kiểm dịch thực vật ngay tại vùng nguyên liệu lớn

neu-xac-dinh-sau-rieng-la-san-pham-chu-luc-quoc-gia-can-co-dau-tu-thoa-dang-164425_423

Bà Nguyễn Thái Thanh (ảnh), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm, cho biết, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình xuất khẩu sầu riêng, đặc biệt là do thiếu văn bản hướng dẫn sau thu hoạch. Bà bày tỏ sự vui mừng khi được Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định rằng thông tư hướng dẫn của ngành sẽ sớm được ban hành và triển khai ngay, không có độ trễ.

Theo bà, hiện nay chưa có thông tư hướng dẫn chính thức về xử lý sau thu hoạch đối với sầu riêng, nhiều doanh nghiệp không biết phải tìm sản phẩm xử lý sau thu hoạch ở đâu cho đúng yêu cầu kỹ thuật của nước nhập khẩu, phải “vừa đi vừa dò đường”.

Một vấn đề khác được bà Thanh nêu là Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc sẽ kết thúc giai đoạn 5 năm đầu tiên vào tháng 7 tới. Bà đặt câu hỏi liệu có kế hoạch cụ thể nào cho giai đoạn tiếp theo hay không, để các doanh nghiệp có thể tiếp tục đầu tư và duy trì hoạt động xuất khẩu sầu riêng tươi. Đồng thời, đối với sầu riêng cấp đông, Việt Nam mới ký Nghị định thư vào cuối năm 2024, nhưng đến nay vẫn chưa có bộ tiêu chí kỹ thuật cũng như thông tư hướng dẫn cụ thể.

Trong khi đó, tỷ lệ kho xưởng và cơ sở đủ điều kiện cấp đông hiện chỉ chiếm khoảng 10% tổng hệ thống xử lý sau thu hoạch của ngành sầu riêng - tức là cứ 1.000 cơ sở thì chỉ có khoảng 100 có năng lực cấp đông và tách múi.

Với đà tăng trưởng mạnh của sản lượng sầu riêng, bà Thanh đặt vấn đề liệu hệ thống kho lạnh, cấp đông hiện tại có đủ năng lực đáp ứng hay không. Do đó, bà kiến nghị cần có chính sách ở tầm vĩ mô, từ các bộ, ban, ngành liên quan, đặc biệt là cơ chế ưu đãi về tín dụng để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy cấp đông, cơ sở xử lý sau thu hoạch trong các khu công nghiệp, vùng chuyên canh. Bà cho rằng đây là vấn đề vô cùng cấp thiết, nhất là trong bối cảnh vụ thu hoạch chính của Đắk Lắk có thể lên tới 400.000 tấn chỉ trong vòng 2 tháng, gây áp lực lớn cho hệ thống tiêu thụ và bảo quản.

neu-xac-dinh-sau-rieng-la-san-pham-chu-luc-quoc-gia-can-co-dau-tu-thoa-dang-164510_579

Vụ thu hoạch chính của Đắk Lắk có thể lên tới 400.000 tấn chỉ trong vòng 2 tháng, gây áp lực lớn cho hệ thống tiêu thụ và bảo quản. Ảnh minh họa.

Một kiến nghị cụ thể được bà Thanh đưa ra là cần thành lập trung tâm kiểm dịch thực vật ngay tại vùng nguyên liệu lớn như Đắk Lắk để kiểm tra trước khi hàng lên container, thay vì đưa ra cửa khẩu rồi mới kiểm dịch như hiện nay. “Chúng tôi đang làm cả ba khâu: vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến, thị trường xuất khẩu. Nếu cứ phải đưa hàng lên cửa khẩu chờ kiểm dịch, chi phí đội lên và rủi ro hư hỏng là rất cao”, bà nói.

Về giải pháp cấp cơ sở, bà đề xuất lựa chọn một số hợp tác xã tiêu biểu tại huyện, tỉnh để xây dựng mô hình điển hình về quy trình sản xuất an toàn, tích hợp dữ liệu nhằm giám sát chất lượng. Bên cạnh đó, cần lựa chọn các cơ sở đóng gói đủ uy tín để thực hiện xét nghiệm Cadimi, Vàng O theo đúng quy định, và kết nối các đơn vị đủ năng lực chế biến đóng gói đạt chuẩn nhằm đảm bảo thực hành đầy đủ các bước trong chuỗi xuất khẩu. Bà cũng cho biết doanh nghiệp đã chủ động liên kết khoanh vùng và xét nghiệm Cadimi trong đất để kiểm soát từ gốc.

15 giờ 30 phút

Nhà sáng lập Nafoods: Dự kiến xuất khẩu 5.000 tấn sầu riêng

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, nhà sáng lập Công ty Cổ phần Nafoods Group, khẳng định sẽ đi tiên phong trong chế biến sâu quả sầu riêng. Ông Hùng khẳng định, diện tích sầu riêng không cần mở rộng thêm, điều cần thiết là đáp ứng tiêu chí kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu. Tiếp đó là gia tăng giá trị quả sầu riêng bằng sầu riêng đông lạnh, sầu riêng chế biến làm kem, làm thực phẩm...

neu-xac-dinh-sau-rieng-la-san-pham-chu-luc-quoc-gia-can-co-dau-tu-thoa-dang-163101_821

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, nhà sáng lập Công ty Cổ phần Nafoods Group, khẳng định sẽ “đi tiên phong” trong việc gia tăng giá trị sầu riêng.

“Tôi tin rằng, nếu làm tốt khâu chế biến thay vì chỉ dựa vào xuất khẩu quả tươi thì mục tiêu hơn 3 tỷ USD là hoàn toàn có thể đạt được, thậm chí lên đến con số 5 tỷ USD”, ông Hùng nói.

Về thị trường, ông Hùng nhận định Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của sầu riêng Việt Nam. “Có ý kiến nói đến thị trường châu Âu, châu Mỹ hoặc nước nào đó, thì tôi cho rằng sầu riêng sang đó để phục vụ khách hàng Trung Quốc ở đó mà thôi. Trừ khi chúng ta có công nghệ chế biến sâu, còn không thì không thể gia tăng giá trị cho ngành hàng này”.

Nhà sáng lập Nafoods khẳng định sẽ “đi tiên phong” trong việc gia tăng giá trị sầu riêng, mục tiêu là 5.000 tấn sầu riêng gồm các loại: quả tươi, đông lạnh, chế biến sâu.

Về các giải pháp và kiến nghị để phát triển ngành sầu riêng bền vững, ông Hùng đề nghị Bộ trưởng Đỗ Đức Duy và Cục Trồng trọt và BVTV hỗ trợ các doanh nghiệp như Nafoods tiếp cận và sử dụng các giống cây sầu riêng chất lượng cao, đặc biệt là giống Musang King.

Về chuỗi giá trị: Cần cải thiện quy trình thu hoạch, bảo quản và chế biến sâu để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.

Về chế biến: Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ chế biến, đa dạng hóa sản phẩm như kem, thực phẩm từ sầu riêng.

Về quản lý đầu vào: Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo an toàn và bền vững.

Về kiểm tra, kiểm định: Đề xuất cơ chế hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào hệ thống kiểm tra, kiểm định chất lượng sản phẩm.

15 giờ 15 phút

Hỗ trợ xây phòng kiểm định sầu riêng tại vùng trọng điểm

Ông Trần Minh Châu, đại diện Công ty TNHH Giám định chất lượng Vinacontrol, cho biết, đơn vị hiện đang thực hiện kiểm tra hàm lượng cadimi trong sầu riêng - một trong những chỉ tiêu quan trọng trong quy trình kiểm soát chất lượng trước khi xuất khẩu. Tuy nhiên, theo khảo sát từ thực tiễn, nhiều vùng trồng sầu riêng trọng điểm hiện nay vẫn chưa có phòng thử nghiệm nào được chỉ định và công nhận. Đây là rào cản lớn đối với các nhà vườn và doanh nghiệp xuất khẩu trong việc đáp ứng yêu cầu kỹ thuật từ thị trường nhập khẩu.

bo-truong-do-duc-duy-chu-tri-hoi-nghi-thao-go-vuong-mac-nang-cao-nang-luc-san-xuat-sau-rieng-154258_677

Vinacontrol đã lên kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thử nghiệm sầu riêng tại các địa phương trọng điểm, trong đó có Đắk Lắk. Ảnh minh họa.

Trước thực trạng đó, Vinacontrol đã lên kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thử nghiệm sầu riêng tại các địa phương trọng điểm, trong đó có Đắk Lắk - tỉnh có diện tích sầu riêng lớn nhất cả nước. Trả lời câu hỏi về chính sách hỗ trợ khi đặt phòng thử nghiệm tại địa phương, ông Châu cho biết, Vinacontrol rất mong muốn nhận được sự đồng hành từ Bộ và chính quyền tỉnh để chủ động triển khai sớm.

Đáp lại, Bí thư Tỉnh ủy Tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung khẳng định, đây là tín hiệu tích cực, phù hợp với nội dung mà tỉnh đã đề xuất với Bộ trưởng Đỗ Đức Duy trước đó, nhằm nâng cao năng lực kiểm soát nội bộ cho ngành hàng sầu riêng. Tỉnh cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Vinacontrol triển khai xây dựng phòng thử nghiệm tại địa bàn, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp có quy mô và năng lực xuất khẩu như Vinacontrol đầu tư vào hệ thống kiểm định chất lượng tại chỗ.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đánh giá cao vai trò và uy tín của Vinacontrol - đơn vị đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm định, giám định nông sản. Ông hoan nghênh kế hoạch mở cơ sở tại Đắk Lắk và khẳng định Bộ hoàn toàn ủng hộ, đồng thời đề nghị tỉnh tạo điều kiện thuận lợi nhất, nhất là về thủ tục đất đai - vấn đề thường gặp khó khăn trong triển khai thực tế. Bộ trưởng cũng yêu cầu các cục, vụ liên quan ngay khi có thông báo triển khai cần cử đoàn kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kịp thời, tháo gỡ mọi vướng mắc cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng mong muốn đẩy nhanh tiến độ, xây dựng và đưa phòng thử nghiệm vào vận hành trước mùa thu hoạch chính vụ tháng 8-9. Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp, cơ sở tham gia xây dựng hệ thống thử nghiệm không chỉ phục vụ xuất khẩu, mà còn hỗ trợ dịch vụ test nhanh tại vườn, giúp nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp kiểm soát chất lượng ngay từ khâu đầu. Đây là điều kiện quan trọng để phục vụ việc rà soát, cấp mã số vùng trồng và nâng cao chất lượng sầu riêng ngay từ giai đoạn canh tác, thay vì chỉ kiểm tra vào thời điểm xuất khẩu.

15 giờ 05 phút

'Bắt tay' Thái Lan chinh phục thị trường sầu riêng Trung Quốc

bo-truong-do-duc-duy-chu-tri-hoi-nghi-thao-go-vuong-mac-nang-cao-nang-luc-san-xuat-sau-rieng-152915_948

Theo ông Mai Xuân Thìn (ảnh), Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Rồng Đỏ, Thái Lan vẫn đi trước Việt Nam một bước trong việc phát triển chuỗi giá trị sầu riêng và mở rộng thị phần tại Trung Quốc. Ngay cả khi quốc gia này gặp sự cố về dư lượng vàng O đầu năm 2025, Việt Nam cũng bị “vạ lây” khi quốc gia nhập khẩu siết chặt hơn quy trình kiểm nghiệm.

“Đây là tín hiệu cho thấy, nếu muốn phát triển bền vững, Việt Nam không nên đi một mình. Chúng ta hoàn toàn có thể bắt tay với Thái Lan, cùng xây dựng thương hiệu khu vực để tiếp cận sâu hơn vào thị trường gần 1,4 tỷ dân này”, ông Thìn nhận định.

Hiện nay, Trung Quốc ưu tiên nghiêm ngặt vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm. Chính phủ nước này tăng cường truyền thông về chất lượng nông sản nhập khẩu, góp phần tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng trong nước. “Nếu Thái Lan và Việt Nam có thể đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng, người tiêu dùng Trung Quốc chắc chắn sẽ ủng hộ mạnh hơn”, ông Thìn nói tiếp.

Trong phân khúc thị trường, sầu riêng hiện chủ yếu hướng tới nhóm trung và cao cấp, khi mức giá bán lẻ tại Trung Quốc vẫn còn khá cao so với thu nhập bình quân. Ông Thìn cho rằng đa phần người dân Trung Quốc vẫn chưa có cơ hội thưởng thức loại trái cây này, do đó dư địa mở rộng vẫn rất lớn. Với tổng diện tích khoảng 180.000ha, ngành sầu riêng Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để nâng cấp sản xuất và mở rộng vùng trồng đạt chuẩn.

Về sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn tập trung vào xuất khẩu sầu riêng tươi - đúng với thị hiếu phổ biến trên thế giới. “Thực phẩm chế biến có giá trị cao nhưng chỉ phù hợp với nhóm khách hàng nhất định, chưa chắc tạo được nhu cầu phổ thông như trái tươi”, ông Thìn đánh giá.

neu-xac-dinh-sau-rieng-la-san-pham-chu-luc-quoc-gia-can-co-dau-tu-thoa-dang-160559_735

Doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn tập trung vào xuất khẩu sầu riêng tươi - đúng với thị hiếu phổ biến trên thế giới. Ảnh minh họa.

Liên quan đến dư lượng kim loại nặng, đặc biệt là cadimi, ông Thìn cho biết, các vùng trồng tại miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên chưa ghi nhận nhiều cảnh báo, nhờ điều kiện thổ nhưỡng và kiểm soát đầu vào tốt hơn. “Người dân có thể yên tâm phần nào, nhưng điều quan trọng là cả hệ thống sản xuất cần hành động chủ động, kiểm soát rủi ro ngay từ khâu đầu”, ông nhấn mạnh.

14 giờ 55 phút

Nếu xác định sầu riêng là sản phẩm chủ lực quốc gia, cần có đầu tư thỏa đáng

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức công nhận thêm 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam là kết quả của cả một quá trình nỗ lực chủ động từ phía Việt Nam, chứ không phải điều xảy ra một cách ngẫu nhiên.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: “Nếu xác định sầu riêng là sản phẩm chiến lược quốc gia thì cũng phải có sự đầu tư thỏa đáng”.

Trong suốt giai đoạn khó khăn vừa qua, Bộ và các cơ quan chuyên ngành đã tích cực hành động, xây dựng quy trình, hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật, nhằm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nghiêm ngặt từ phía bạn hàng Trung Quốc. Đây là minh chứng cho thấy Việt Nam không ngồi yên chờ đợi, mà luôn chủ động và cầu thị trong hợp tác quốc tế.

Bộ trưởng cũng cho biết, thỏa thuận giữa hai bên thể hiện rõ thiện chí cùng nhau tháo gỡ các vướng mắc kỹ thuật, đồng thời phối hợp truyền thông hợp lý để tránh ảnh hưởng tới tâm lý của người tiêu dùng Trung Quốc. Trong tuần tới, một đoàn công tác của Bộ sẽ sang làm việc trực tiếp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn đọng như quy trình kiểm tra, thông quan, kiểm soát mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy xuất khẩu sầu riêng Việt Nam.

Một trong những ý kiến được Bộ trưởng đặc biệt tâm đắc là từ đại diện Công ty Chánh Thu, cho rằng sầu riêng Việt Nam hiện có chất lượng ngon, sạch, không hề thua kém Thái Lan hay Malaysia. Đây là kết quả của sự tham gia đồng bộ từ nhiều thực thể trong chuỗi giá trị, từ người nông dân, cán bộ kỹ thuật, đến hệ thống thu mua và đóng gói. Tuy nhiên, để cạnh tranh được trên thị trường quốc tế, ngoài yếu tố chất lượng và an toàn, sản phẩm còn cần được chuẩn hóa về mẫu mã, hình thức trình bày để tạo sự hấp dẫn từ cảm quan màu sắc, đến thương hiệu.

Bộ trưởng đánh giá cao đề xuất này và giao Cục Bảo vệ thực vật cùng Cục Trồng trọt nghiên cứu, tham mưu các giải pháp chuẩn hóa.

Về định hướng dài hạn, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề xuất cần có nghiên cứu bài bản để hình thành chuỗi ngành hàng sầu riêng bền vững, từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ đến xây dựng thương hiệu quốc gia. Ông cho biết, Bộ vừa tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết 57 về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, và sẵn sàng đặt hàng các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp phối hợp thực hiện các dự án khoa học - công nghệ nhằm phát triển những ngành hàng chủ lực.

“Nếu xác định sầu riêng là sản phẩm chiến lược quốc gia thì cũng phải có sự đầu tư thỏa đáng”, Bộ trưởng nói, đồng thời ghi nhận các đề xuất đặt hàng từ phía doanh nghiệp để sớm cụ thể hóa thành các chương trình hành động.

14 giờ 40 phút

Ngành hàng sầu riêng Việt Nam có nhiều lợi thế so với Thái Lan

Trong đợt xét duyệt ngày 21/5, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt thêm 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng Việt Nam. Như vậy, tính đến hiện tại, Việt Nam đã có 1.396 mã vùng trồng và 188 cơ sở đóng gói được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.

Theo bà Ngô Tường Vy, Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất - Nhập khẩu trái cây Chánh Thu, thông tin vui này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam xóa tan nỗi lo về vấn đề xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Đó cũng là tín hiệu khả quan để để kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

bo-truong-do-duc-duy-chu-tri-hoi-nghi-thao-go-vuong-mac-nang-cao-nang-luc-san-xuat-sau-rieng-153200_410

Bà Ngô Tường Vy, Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất - Nhập khẩu trái cây Chánh Thu, tham luận tại Hội nghị.

Chia sẻ về vấn đề năng lực cạnh tranh của thương hiệu sầu riêng Việt Nam trên thị trường quốc tế, bà Ngô Tường Vy khẳng định Việt Nam có nhiều lợi thế so với Thái Lan về điều kiện tự nhiên cũng như kỹ thuật sản xuất, thu hoạch, xử lý của nông dân và công nhân. Tuy nhiên, để phát huy lợi thế này cần có sự quản lý đồng bộ hơn từ các cấp chính quyền và doanh nghiệp.

Để có thể cải thiện chuỗi cung ứng sầu riêng, đại diện doanh nghiệp cho rằng các vùng nguyên liệu rất cần có sự hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ hơn việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, chính các doanh nghiệp cũng cần loại bỏ hoàn toàn các chất cấm như chất vàng O trong quá trình chế biến, đồng thời tìm kiếm nguồn cung cấp nguyên liệu an toàn. Đồng thời, người dân và cơ quan quản lý cần có ý thức, trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện chuỗi giá trị sầu riêng, tránh các vấn đề như chất vàng O trong tương lai.

“Ngành hàng sầu riêng cần xây dựng thương hiệu quốc gia để người tiêu dùng Trung Quốc biết đến sản phẩm sầu riêng Việt Nam nhiều hơn. Cùng với đó, việc hợp tác liên ngành để nghiên cứu và phát triển các sản phẩm bảo quản sầu riêng nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của Việt Nam cũng là yếu tố quan trọng cần được quan tâm trong thời gian tới”, bà Ngô Tường Vy cho hay.

14 giờ 25 phút

Gia Lai đề nghị sớm có chế tài xử lý vi phạm mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp cho biết, địa phương có diện tích trồng sầu riêng khoảng 7.900ha, trong đó 3.300ha đã cho sản phẩm với sản lượng 42.000 tấn.

Tỉnh đã được cấp 54 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích 1.280ha, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, và 5 mã số cơ sở đóng gói sản phẩm với công suất 350-370 tấn quả tươi mỗi ngày.

Trên địa bàn tỉnh có 11 doanh nghiệp, 16 hợp tác xã và 3 nông hộ tham gia đầu tư trồng và liên kết sản xuất sầu riêng với tổng diện tích gần 2.900ha.

bo-truong-do-duc-duy-chu-tri-hoi-nghi-thao-go-vuong-mac-nang-cao-nang-luc-san-xuat-sau-rieng-151149_323

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp đề nghị sớm có chế tài xử lý vi phạm mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Về khó khăn hiện tại, ông Tiệp cho biết, có thể gói gọn trong các ý sau: Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, ứng dụng khoa học công nghệ hạn chế. Liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ chưa bền vững. Việc thiết lập, xây dựng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói chưa đáp ứng được nhu cầu. Chưa có quy định pháp lý và chế tài xử phạt các vi phạm liên quan đến mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Tỉnh Gia Lai kiến nghị sớm ban hành quy định về chế tài xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; Ban hành quy định về hệ thống cơ quan chuyên ngành cấp tỉnh, cấp xã thực hiện nhiệm vụ thiết lập, xây dựng và quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói; Sớm ban hành tiêu chuẩn chất lượng trái cây Việt Nam nhằm đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn xuất khẩu; Sớm ban hành quy trình về thiết lập, xây dựng và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.

14 giờ 15 phút

Chuẩn hóa mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để giữ thị trường xuất khẩu

Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho biết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Văn bản đặt ra yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt đối với cả vùng trồng và cơ sở đóng gói, từ điều kiện canh tác, ghi chép truy xuất đến kiểm soát an toàn thực phẩm và sinh vật gây hại.

bo-truong-do-duc-duy-chu-tri-hoi-nghi-thao-go-vuong-mac-nang-cao-nang-luc-san-xuat-sau-rieng-144720_633

Nông sản Việt nói chung, sầu riêng nói riêng, buộc phải nâng chuẩn nếu muốn duy trì tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Ảnh minh họa.

Theo đó, vùng trồng muốn được cấp mã phải sản xuất tập trung một loại cây trồng, áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP hoặc tương đương), sử dụng BVTV đúng quy định và duy trì vệ sinh đồng ruộng. Cơ sở đóng gói cần đảm bảo sơ chế theo quy trình một chiều, có biện pháp phòng chống tái nhiễm, đầy đủ hồ sơ về nguồn gốc sản phẩm và hóa chất sử dụng.

Dự thảo đưa ra 3 phương án phân cấp cơ quan có thẩm quyền cấp mã số: cấp tỉnh, cấp xã hoặc linh hoạt theo điều kiện địa phương. Với sản phẩm xuất khẩu, dữ liệu mã số sẽ được tổng hợp để phục vụ đàm phán và kiểm tra theo yêu cầu từ nước nhập khẩu.

Việc giám sát mã số sẽ được thực hiện định kỳ hàng năm, cập nhật kết quả lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Cơ quan địa phương có quyền tạm dừng hoặc thu hồi mã số nếu phát hiện vi phạm trong quá trình giám sát hoặc có thông báo từ đối tác nhập khẩu.

Thông tư cũng đề xuất áp dụng mã số cho thị trường nội địa nhằm từng bước đồng bộ hệ thống, đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc toàn diện. Các địa phương sẽ được yêu cầu xây dựng kế hoạch triển khai, bố trí nguồn lực và tập huấn cho các tổ chức, cá nhân liên quan.

Đây được xem là bước đi cần thiết trong bối cảnh nhiều thị trường ngày càng siết chặt tiêu chuẩn nhập khẩu, buộc nông sản Việt phải nâng chuẩn nếu muốn duy trì tăng trưởng xuất khẩu bền vững.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy lưu ý hội nghị về khâu vệ sinh an toàn thực phẩm với sầu riêng. Người đứng đầu ngành Nông nghiệp và Môi trường cho biết, ngay khi phát hiện vi phạm, các cơ quan có thẩm quyền trong nước cũng có thể thu hồi mã vùng trồng hoặc mã đóng gói, không cần chờ đến ý kiến của đối tác nước ngoài.

14 giờ 05 phút

Mở rộng vùng trồng nhưng thiếu năng lực sản xuất - Rủi ro lớn với thương hiệu sầu riêng quốc gia

bo-truong-do-duc-duy-chu-tri-hoi-nghi-thao-go-vuong-mac-nang-cao-nang-luc-san-xuat-sau-rieng-144354_613

Ông Vũ Phi Hổ (ảnh), đại diện Công ty Cổ phần Sầu riêng Tây Nguyên (Sarita), cho biết, với thương hiệu Sarita, công ty định vị là sầu riêng 100% Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm từ Thái Lan tại các thị trường trọng điểm như Trung Quốc (quả tươi, quả cấp đông), Úc (sầu riêng nguyên trái cấp đông và múi cấp đông). Mới đây, Sarita đã hoàn tất công hàm với đối tác Đức và đang trong quá trình phát triển thị trường châu Âu.

Trong năm đầu tiên xuất khẩu, Sarita đạt sản lượng 6.000 tấn, bao gồm cả quả tươi và đông lạnh, với nguồn nguyên liệu được thu mua từ 1.600 hộ dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. 

Tuy nhiên, ông Hổ chia sẻ, hành trình xuất khẩu không hề dễ dàng. Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc kiểm nghiệm lô hàng xuất khẩu. Năm 2024, chi phí kiểm nghiệm là 400.000 đồng/mẫu, nhưng khi mở rộng xuất khẩu với sản lượng lên tới container thì chi phí kiểm nghiệm cộng dồn lên tới 40 triệu đồng/container. Với kế hoạch xuất khẩu khoảng 200 container/năm, chi phí kiểm nghiệm có thể lên tới hàng chục tỷ đồng - gánh nặng lớn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, tình trạng nhiều cơ sở đóng gói không được Bộ Nông nghiệp và Môi trường cấp phép vẫn ngang nhiên hoạt động tại Đắk Lắk, trong khi phía Trung Quốc chỉ công nhận đơn vị được Tổng cục Hải quan nước này phê duyệt. Điều này dẫn tới sự nhập nhằng thật - giả, ảnh hưởng tới tính minh bạch và công bằng trong hoạt động xuất khẩu.

Về vùng nguyên liệu, ông Hổ đồng tình với nhận định từ Cục Trồng trọt, rằng nhiều vùng trồng mở mới đang gặp khó khăn trong quản lý kỹ thuật, đặc biệt là kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Tình trạng canh tác manh mún, thiếu bài bản - người dân tự học hỏi, “cóp nhặt mỗi chỗ một ít” để áp dụng vào vườn mình - khiến việc kiểm soát chất lượng trở nên phức tạp khi mở rộng quy mô. Việc mở rộng vùng trồng nhưng thiếu năng lực sản xuất là rủi ro lớn đối với thương hiệu sầu riêng quốc gia. Ngoài ra, hệ thống dữ liệu vùng trồng còn thiếu, quy chuẩn sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chưa đồng nhất.

bo-truong-do-duc-duy-chu-tri-hoi-nghi-thao-go-vuong-mac-nang-cao-nang-luc-san-xuat-sau-rieng-145002_420

Chỉ khi đảm bảo chất lượng đồng đều, minh bạch và có đạo đức kinh doanh, trái sầu riêng Việt Nam mới có thể giữ vững vị thế trên thị trường trong và ngoài nước. Ảnh minh họa.

Từ thực tế đó, ông Hổ kiến nghị các cơ quan quản lý cần cập nhật thông tin, hướng dẫn đầy đủ, đặc biệt tại tỉnh Đắk Lắk, địa phương có diện tích sầu riêng lớn, để đảm bảo vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Đồng thời, cần có biện pháp kiểm soát các cơ sở đóng gói, tránh để xảy ra tình trạng hàng không đủ điều kiện vẫn được xuất khẩu, làm ảnh hưởng đến uy tín của cả ngành.

Theo ông Hổ, ngành sầu riêng đang được nhìn nhận chủ yếu ở góc độ xuất khẩu, nhưng bản chất phải đặt trách nhiệm với người tiêu dùng lên hàng đầu - kể cả với người tiêu dùng trong nước. “Nếu hàng bị trả từ biên giới rồi lại bán cho dân mình thì không thể gọi là tôn trọng người tiêu dùng”, ông nói, và nhấn mạnh rằng: chỉ khi đảm bảo chất lượng đồng đều, minh bạch và có đạo đức kinh doanh, trái sầu riêng Việt Nam mới có thể giữ vững vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.

13 giờ 55 phút

Cơ cấu lại ngành hàng theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm đông lạnh và chế biến sâu

Tham luận tại Hội nghị, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Trồng trọt và BVTV (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết, thị trường xuất khẩu chính của sầu riêng Việt Nam là Trung Quốc (năm 2024 chiếm 97,2%), do đó kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng khi có bất kỳ sự biến động nào từ thị trường Trung Quốc.

bo-truong-do-duc-duy-chu-tri-hoi-nghi-thao-go-vuong-mac-nang-cao-nang-luc-san-xuat-sau-rieng-143056_289

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Trồng trọt và BVTV (Bộ Nông nghiệp và Môi trường).

Lãnh đạo Cục Trồng trọt và BVTV thông tin thêm, năm 2025, Việt Nam vẫn là nhà cung cấp sầu riêng lớn thứ hai cho Trung Quốc nhưng có sự sụt giảm nghiêm trọng tới 71,3% về lượng và 74% về kim ngạch. Thị phần sầu riêng của Việt Nam tại Trung Quốc giảm từ 42,1% (năm 2024) xuống còn 28,2%.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc yêu cầu rất khắt khe về kiểm soát an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, sầu riêng xuất khẩu phải được phê duyệt mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; không nhiễm sinh vật gây hại; đảm bảo an toàn thực phẩm về dư lượng thuốc BVTV, kim loại nặng, Vàng O, vi sinh vật, chất cấm khác.

Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, ngành hàng sầu riêng Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn trong quá trình phát triển. Trong những năm gần đây, diện tích trồng và sản lượng sầu riêng tăng trưởng nóng, kéo theo sự mở rộng nhanh chóng quy mô xuất khẩu. Điều này cũng đặt ra áp lực lớn về kiểm soát chất lượng và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật ngày càng nghiêm ngặt từ thị trường Trung Quốc.

Để khắc phục những hạn chế trên, một số giải pháp đã và đang được Việt Nam triển khai như xây dựng mô hình kiểm soát cadmium trong canh tác, tăng cường quản lý sử dụng vật tư nông nghiệp, rà soát và hoàn thiện quy định về quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, phòng thử nghiệm; xử lý cảnh báo vi phạm và khôi phục mã số; làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ vướng mắc trong xuất khẩu; đồng thời phối hợp với địa phương, doanh nghiệp để giám sát và nâng cao tuân thủ quy định kỹ thuật.

Lãnh đạo Cục Trồng trọt và BVTV cho rằng, trong thời gian tới, cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp cả trước mắt và lâu dài. Trước mắt là hoàn thiện cơ sở pháp lý, kỹ thuật và quy trình kiểm soát toàn chuỗi sản xuất - xuất khẩu; nâng cao năng lực kiểm soát an toàn thực phẩm, tăng cường phòng thử nghiệm đạt chuẩn quốc tế, tổ chức đoàn công tác sang Trung Quốc để đàm phán kỹ thuật, mở rộng thị trường và thúc đẩy xúc tiến thương mại.

Về lâu dài, cần cơ cấu lại ngành hàng theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm đông lạnh và chế biến sâu; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, xây dựng thương hiệu quốc gia; nâng cấp hệ thống logistics, tổ chức lại chuỗi liên kết và nâng cao năng lực thực thi của doanh nghiệp và địa phương.

Việc tổ chức thực hiện cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và chính quyền địa phương. Bộ Nông nghiệp và Môi trường giữ vai trò chủ trì, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tập trung vào hoàn thiện cơ sở pháp lý, đẩy mạnh nghiên cứu - chuyển giao công nghệ, tổ chức đàm phán với Trung Quốc để phê duyệt mới và khôi phục mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, đồng thời mở rộng đàm phán với các thị trường khác.

UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm toàn diện về quy hoạch vùng trồng phù hợp, kiểm soát diện tích, hướng đến phát triển tập trung, quy mô lớn, thuận lợi cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao; đồng thời giám sát việc cấp, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, thúc đẩy hình thành chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ, hỗ trợ xây dựng kho lạnh, đầu tư chế biến sâu và đảm bảo truy xuất nguồn gốc.

13 giờ 45 phút

Giữ vững sầu riêng xuất khẩu: Siết quản lý, mở thị trường

Ông Nguyễn Thiên Văn, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết, theo số liệu thống kê từ 2015-2024, diện tích sầu riêng cả nước tăng nhanh từ 32.000ha (năm 2015) lên hơn 178.000ha vào năm 2024 (trung bình mỗi năm tăng 16.300 ha/năm). Trong đó, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Tiền Giang, Đồng Nai và Đắk Nông là các tỉnh có diện tích sầu riêng lớn nhất cả nước.

Riêng Đắk Lắk, diện tích sầu riêng đã đạt 38.800ha, chiếm 21,7% diện tích sầu riêng của cả nước. Tốc độ tăng sản lượng sầu riêng khoảng 126 nghìn tấn/năm. Sản lượng sầu riêng năm 2024 đạt trên 1,5 triệu tấn.

bo-truong-do-duc-duy-chu-tri-hoi-nghi-thao-go-vuong-mac-nang-cao-nang-luc-san-xuat-sau-rieng-140752_378

Ông Nguyễn Thiên Văn, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, kiến nghị Xây dựng đề án phát triển sầu riêng chất lượng cao gắn với việc xây dựng thương hiệu quốc gia, lấy tỉnh Đắk Lắk làm điểm.

Quyền Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Xây dựng đề án phát triển sầu riêng chất lượng cao gắn với việc xây dựng thương hiệu quốc gia, lấy tỉnh Đắk Lắk làm điểm.

Về tình hình chung, Việt Nam đã xuất khẩu sầu riêng sang 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, với thị trường chính là Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cho rằng, hiện còn nhiều thách thức và hạn chế của ngành sầu riêng. Cụ thể là tỷ lệ vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu còn thấp; Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất còn hạn chế, chất lượng chưa đồng đều; Liên kết chuỗi giá trị còn lỏng lẻo, cơ sở hạ tầng sản xuất chưa đồng bộ; Sản phẩm chủ yếu là chế biến thô, chưa nâng cao giá trị gia tăng; Một số vi phạm về an toàn thực phẩm và gian lận trong sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm.

Trên cơ sở đó, ông Văn đề nghị: Hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục cho các loại trái cây, đặc biệt là sầu riêng, để đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Thành lập các Trung tâm kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, Trung tâm kiểm dịch thực vật và cơ sở chiếu xạ tại tỉnh Đắk Lắk để giám sát, kiểm soát dư lượng các hoạt chất.

13 giờ 30 phút

Sầu riêng trước yêu cầu tái cơ cấu để phát triển bền vững

Tại Hội nghị phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đánh giá, sầu riêng là một trong những mặt hàng nông sản tăng trưởng ấn tượng nhất trong thập kỷ qua. Diện tích trồng sầu riêng đã tăng gần 6 lần, lên gần 180.000ha, trong đó riêng tỉnh Đắk Lắk chiếm hơn 30.000ha, đưa loại quả này trở thành trái cây chủ lực trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

bo-truong-do-duc-duy-chu-tri-hoi-nghi-thao-go-vuong-mac-nang-cao-nang-luc-san-xuat-sau-rieng-135241_964

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu khai mạc Hội nghị phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững.

Bước ngoặt lớn diễn ra vào tháng 7/2022, khi Việt Nam ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc. Chỉ sau 2 năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã vượt 3 tỷ USD, đưa sầu riêng trở thành một trong những sản phẩm chiến lược trong cơ cấu xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, Bộ trưởng cảnh báo về những hệ lụy từ phát triển nóng, đặc biệt là các dấu hiệu bất ổn trong 4 tháng đầu năm 2025. Những mâu thuẫn đang ngày càng bộc lộ rõ rệt: giữa tốc độ mở rộng sản xuất và khả năng tổ chức chuỗi cung ứng; giữa yêu cầu kiểm soát chất lượng của thị trường nhập khẩu và năng lực đáp ứng còn hạn chế trong nước.

“Nếu không sớm tái cơ cấu, ngành hàng sầu riêng có nguy cơ đánh mất niềm tin từ khách hàng và làm tổn hại đến uy tín nông sản Việt Nam”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.

Trước thực trạng này, tư lệnh ngành Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các địa phương, doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng tập trung vào một số giải pháp trọng tâm trong hội nghị chiều 24/5.

Trước hết, cần phân tích toàn diện nguyên nhân của sự tăng trưởng nóng, từ đó nhận diện rõ những nguy cơ tiềm ẩn trong quản lý chất lượng, vùng trồng và khả năng truy xuất nguồn gốc. Việc siết chặt kiểm tra tại các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc, cho thấy yêu cầu ngày càng cao về minh bạch và tiêu chuẩn hóa trong chuỗi cung ứng.

Song song với đó, ngành cần nhanh chóng nâng cao năng lực kiểm nghiệm, kiểm dịch, và truy xuất tại các vùng trồng và cơ sở đóng gói. Đây là khâu then chốt để đảm bảo trái sầu riêng Việt Nam giữ vững được thị phần trong các thị trường trọng điểm.

bo-truong-do-duc-duy-chu-tri-hoi-nghi-thao-go-vuong-mac-nang-cao-nang-luc-san-xuat-sau-rieng-135039_748

Sầu riêng là một trong những mặt hàng nông sản tăng trưởng ấn tượng nhất trong thập kỷ qua. Ảnh minh họa.

Bên cạnh các giải pháp nội tại, Bộ trưởng cũng kêu gọi tăng cường chia sẻ bài học kinh nghiệm từ các quốc gia xuất khẩu sầu riêng thành công như Thái Lan và Malaysia, những nước đã xây dựng được mô hình quản lý vùng trồng hiệu quả, logistics đồng bộ và chuỗi giá trị bền vững.

Đặc biệt, cần xây dựng chiến lược dài hạn cho ngành hàng, tập trung vào phát triển thị trường tiêu thụ mới, đầu tư vào chế biến sâu và từng bước đưa sầu riêng Việt Nam thành thương hiệu quốc gia.

Cuối cùng, ông Đỗ Đức Duy đề nghị các đơn vị, địa phương tham gia góp ý kiến cho dự thảo Thông tư về quản lý mã số vùng trồng, công cụ quan trọng giúp minh bạch hóa chuỗi cung ứng và tạo nền tảng cho xuất khẩu chính ngạch.

Hội nghị là một bước đi cần thiết nhằm rà soát lại toàn bộ hệ thống sản xuất - xuất khẩu sầu riêng, từ đó thiết lập các chuẩn mực mới hướng tới phát triển bền vững, nâng cao giá trị và giữ vững vị thế cho nông sản Việt trên bản đồ thế giới.

Xem thêm
Rủi ro dịch bệnh bùng phát vì... tiếc tiền tiêm vaccine cho gia súc

Chăn nuôi nhỏ lẻ gây khó khăn lớn trong việc phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh trên gia súc ở vùng cao Bát Xát (Lào Cai).

Xuất hiện 2 ổ dịch tả lợn Châu Phi, Nam Định tổng lực dập dịch

Tỉnh Nam Định phát công văn hỏa tốc yêu cầu các địa phương tổng lực dập dịch sau khi xuất hiện 2 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại 2 xã thuộc 2 huyện.

Hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ canh tác sầu riêng

ĐẮK LẮK Chiều 12/5, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk ký hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong canh tác sầu riêng.

Tối ưu vận hành liên hồ chứa bằng công nghệ và dữ liệu

Khi tài nguyên nước trở nên khan hiếm và biến động khó lường, ngành thủy lợi chủ động tái cấu trúc cách thức quản lý dựa trên nền tảng công nghệ và dữ liệu.

'Hồi sinh' giống lúa mùa đặc sản quý hiếm

LONG AN Từ những dòng gen sót lại trên vùng trũng nhiễm phèn ở vùng biên giới Long An, các nhà khoa học phục tráng thành công giống lúa huyết rồng bản địa quý hiếm.

Xây dựng vùng nuôi nhuyễn thể chuẩn quốc tế, nâng giá trị xuất khẩu

Việt Nam đẩy mạnh xây dựng vùng nuôi nhuyễn thể theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến phát triển bền vững và nâng tầm xuất khẩu trên thị trường thủy sản toàn cầu.

Thiếu hành động quyết liệt, rừng đặc dụng vẫn là 'bãi săn' động vật hoang dã

Đại diện các ban quản lý rừng đặc dụng ưu tiên siết chặt kiểm soát bẫy bắt, thiết lập quy định chăn thả, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và quản lý cộng đồng.