Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm được thành lập năm 1968 theo Nghị định số 24/CP ngày 9/2/1968 của Hội đồng Chính phủ, đến nay đã được 40 năm. Với việc thành lập Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam theo quyết định số 220/2005/QĐ-TTg ngày 9/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm được thành lập lại trên cơ sở sát nhập một số đơn vị trực thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam trước đây vào Viện.
Việc tổ chức lại là nhằm tập trung nguồn lực, nâng cao năng lực và trình độ khoa học công nghệ của ngành trồng trọt; góp phần nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản hàng hoá Việt Nam trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế. Hiện nay, Viện hoạt động theo quyết định số 73/2008/QĐ-BNN ngày 13/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, với trụ sở chính được đặt tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.
Viện là đơn vị sự nghiệp khoa học công lập trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về lĩnh vực cây lương thực và cây thực phẩm, chủ yếu là cây lúa, cây đậu đỗ và cây có củ. Viện đồng thời thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nông nghiệp cho vùng đồng bằng sông Hồng.
Về cơ cấu tổ chức hiện tại, bên cạnh Ban Giám đốc và 3 phòng chức năng (Khoa học - HTQT, Tổ chức - Hành chính và Tài chính - Kế toán), Viện có 4 bộ môn nghiên cứu (Bộ môn Công nghệ sinh học, Bộ môn Cây thực phẩm, Bộ môn Canh tác và Bộ môn Sinh lý sinh hoá - Chất lượng nông sản). Viện còn có 7 trung tâm nghiên cứu, trong đó có 5 trung tâm đóng tại Thanh Trì - Hà Nội: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa lai, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đậu đỗ, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có củ, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp và Trung tâm chuyển giao công nghệ và Khuyến nông; 2 trung tâm tại Gia Lộc - Hải Dương: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa thuần, Trung tâm Thực nghiệm cây lương thực và cây thực phẩm.
40 năm là một chặng đường dài. Ngày hôm nay, chúng ta ghi nhớ công lao đặt nền móng xây dựng Viện của Cố Tiến sĩ Nông học Lương Định Của và Kỹ sư Hồ Đắc Song, những người đi tiên phong cùng tập thể cán bộ công nhân viên xây dựng Viện trong những ngày đầu gian khổ, khi cả nước hào hùng chống Mỹ cứu nước. Cố Viện trưởng Lương Định Của đã lãnh đạo Viện từ năm 1968 đến năm 1975.
Tiếp theo là Viện trưởng KS. Hồ Đắc Song trong 2 năm 1976 - 1977. Cố Giáo sư Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng kế tục đảm đương trách nhiệm Viện trưởng trong suốt 21 năm. Quyền Viện trưởng KS. Nguyễn Quốc Tuấn lãnh đạo Viện từ tháng 6/1999 đến 2004. Tiếp theo là Viện trưởng PGS.TS. Nguyễn Tấn Hinh, Viện trưởng PGS. TS. Tạ Minh Sơn, Viện trưởng PGS.TS. Nguyễn Văn Tuất. Hiện tại, chúng tôi là những người kế tục đang cùng tập thể cán bộ công chức tiếp tục sự nghiệp phát triển của Viện. Chúng tôi cũng ghi nhớ công lao của các đồng chí đã từng tham gia Ban Giám đốc: Cố TS. Nguyễn Lộc, KS. Nguyễn Kim, TS. Đinh Văn Cự, GS.TS. Nguyễn Xuân Linh, PGS.TS. Phạm Xuân Tùng; các đồng chí lãnh đạo các phòng, các bộ môn, các đồng chí cán bộ công nhân viên đã lao động quên mình để xây dựng Viện trong suốt 40 năm qua. Chúng tôi đang kế thừa và sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của Viện là đoàn kết, trung thực trong nghiên cứu khoa học và lao động sáng tạo, phấn đấu hoàn thành thật tốt nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao.
Nhìn lại chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển, hôm nay chúng ta có thể phấn khởi và tự hào rằng: Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự phấn đấu kiên trì và bền bỉ của tập thể cán bộ công nhân viên qua nhiều thế hệ, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã có những bước tiến dài vững chắc.
Đến nay, tại trụ sở chính ở Gia Lộc - Hải Dương trên diện tích 150 ha, Viện đã có cơ sở vật chất khang trang, bao gồm nhà làm việc trung tâm và hệ thống các phòng thí nghiệm hiện đại, nhà lạnh, hệ thống nhà lưới, đồng ruộng thí nghiệm và sản xuất giống cây trồng được quy hoạch, thiết kế, đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh. Từ đầu năm 2006, Viện có thêm cơ sở nghiên cứu tại Thanh Trì với diện tích 55 ha, có hệ thống nhà làm việc, phòng thí nghiệm, đồng ruộng tương đối hoàn chỉnh cho nghiên cứu lúa thuần và lúa lai, cây đậu đỗ, cây có củ, nghiên cứu hệ thống nông nghiệp và để triển khai hoạt động chuyển giao công nghệ và khuyến nông. Viện hiện có 4 Phó giáo sư, 22 Tiến sỹ, 55 Thạc sỹ, 144 cán bộ đại học trong tổng số 347 biên chế.
Trong suốt 40 năm qua, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm luôn bám sát và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, đặc biệt nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ về cây lương thực và cây thực phẩm.
Ngay từ ngày đầu thành lập, Viện đã đi đầu trong việc nghiên cứu và khuyến cáo biện pháp xây dựng bờ vùng, bờ thửa, cấy chăng dây thẳng hàng cho lúa, đặt cơ sở kỹ thuật cho thâm canh lúa tại các tỉnh phía Bắc. Viện cũng đã chọn tạo và đóng góp cho sản xuất nhiều giống lúa mới thâm canh, góp phần cùng đất nước giải quyết nạn thiếu lương thực vào cuối những năm 80. Cũng trong thời kỳ này, Viện đã chọn tạo thành công nhiều giống táo mới, được chuyển giao và phát triển ở nhiều vùng trong cả nước.
Đây còn là thời kỳ Viện đã nghiên cứu thành công và giới thiệu với các địa phương biện pháp sản xuất khoai tây bằng hạt, sau này trở thành biện pháp sản xuất khoai tây bằng hạt lai. Trong thập kỷ 90, sau gần 20 năm nghiên cứu và tạo giống, Viện đã đưa ra phục vụ sản xuất các giống lúa mới thâm canh có hàm lượng protein trong gạo cao tới 11%, so với hàm lượng protein trung bình ở phần lớn các giống lúa chỉ 7 - 8%, đồng thời là các giống lúa đầu tiên trên thế giới thuộc loại này.
Năm 2003, kỷ niệm 35 năm thành lập, lúc đó Viện có 59 giống cây trồng và 7 quy trình kỹ thuật được công nhận cấp quốc gia và cho phép áp dụng trong sản xuất. Trong thời gian từ 2003 đến nay, Viện có thêm 12 giống cây trồng được công nhận chính thức và 24 giống được công nhận tạm thời.
Kế thừa thành tựu nghiên cứu và phát triển lúa, cây có củ, cây đậu đỗ của các đơn vị trước năm 2006 trực thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam, nay Viện đang quản lý 99 giống cây trồng các loại và 11 quy trình kỹ thuật được công nhận chính thức. Trong đó có: 40 giống lúa thuần, 4 giống lúa lai, 11 giống lạc, 10 giống đậu tương, 4 giống đậu xanh, 6 giống khoai tây, 4 giống khoai lang, 4 giống cà chua, 2 giống dưa chuột, 1 giống cải bắp, 1 giống bí xanh, 7 giống táo, 1 giống ổi, 1 giống nhãn và 1 giống khế. Trong số 11 tiến bộ kỹ thuật được công nhận cấp nhà nước, có quy trình sản xuất khoai tây bằng hạt, quy trình sản xuất khoai tây bằng hạt lai F1, biện pháp gieo thẳng lúa cho đồng bằng sông Hồng, biện pháp nhân giống nhãn bằng mắt ghép, kỹ thuật che phủ nilon cho lạc, biện pháp kỹ thuật trồng khoai lang luồn lúa, biện pháp kỹ thuật trồng xen lạc với sắn ở miền Bắc, qui trình sản xuất hạt lúa lai F1.
Với các thành tựu và đóng góp cho đất nước, Viện đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động các hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Độc lập hạng Ba năm 1998 và Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2003. Nhiều tập thể và cá nhân của Viện cũng được phong tặng các danh hiệu và giải thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng lao động cho Cố Tiến sĩ nông học Lương Định Của, Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN cho Cố GS.VS. Vũ Tuyên Hoàng, Giải thưởng lúa Quốc tế Koshihikari cho Cố GS.VS. Vũ Tuyên Hoàng và Giải thưởng của Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế IRRI cho KS. Mai Thị Miên. Giải thưởng cấp Nhà nước về lúa lai cho PGS.TS Nguyễn Trí Hoàn. Gần đây, TS. Nguyễn Thị Chinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đậu đỗ của Viện vinh dự được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tăng Giải thưởng Tài năng sáng tạo nữ. Hai nhà chọn giống đã có thời gian hoặc đang công tác tại Viện là PGS. Phan Hùng Diêu và PGS. TS. Tạ Minh Sơn đã được tặng thưởng Danh hiệu Anh hùng lao động.
Phát huy truyền thống 40 năm xây dựng và phát triển, Viện xác định nhiệm vụ trọng tâm cho giai đoạn mới là:
1. Xây dựng Viện thành Trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu của nước ta về cây lương thực và cây thực phẩm, đáp ứng yêu cầu cung cấp luận cứ khoa học, công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia, phát triển nông nghiệp hàng hoá, bền vững và thân thiện với môi trường.
2. Xây dựng tiềm lực KHCN của Viện; nghiên cứu và chuyển giao nhanh các TBKT phù hợp với các vùng sinh thái khác nhau, đặc biệt là cho vùng ĐBSH, nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm nông nghiệp lớn, có năng suất cao, chất lượng tốt, giá thành hạ, nâng cao tỷ trọng và sức cạnh tranh của nông sản hàng hoá đối với thị trường trong nước và quốc tế; nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, lao động và nguồn vốn; tăng nhanh thu nhập và cải thiện đời sống của người dân.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế đòi hỏi tính cạnh tranh cao về sản phẩm khoa học, cùng với việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo qui định tại Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã sắp xếp lại nguồn nhân lực thành 3 phòng quản lý, 4 bộ môn nghiên cứu, 5 trung tâm nghiên cứu chuyên ngành và 2 trung tâm thực nghiệm và sản xuất. Chúng tôi tin tưởng rằng với lực lượng cán bộ khoa học hùng hậu hiện có, được bố trí và sử dụng hợp lý, được sự chỉ đạo và giúp đỡ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cùng các cơ quan liên quan, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng là một trung tâm khoa học nông nghiệp của quốc gia và khu vực, góp phần quan trọng trong chiến lược bảo đảm anh ninh lương thực, đóng góp xứng đáng vào việc xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam văn minh hiện đại.
Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Bộ Nông nghiệp qua các thời kỳ và Bộ Nông nghiệp - PTNT ngày nay, sự giúp đỡ quý báu của Bộ Khoa học Công nghệ và các Bộ, Ngành có liên quan; gần đây là sự lãnh đạo và quan tâm trực tiếp của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, sự phối hợp có hiệu quả của các đơn vị nghiên cứu trong Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và các Viện, trường khác trong cả nước. Viện cũng nhận được sự quan tâm và giúp đỡ thường xuyên của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương; của Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện Gia Lộc; của Lãnh đạo xã Liên Hồng, Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội và của Lãnh đạo xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội. Viện còn nhận được sự giúp đỡ và hợp tác của nhiều cơ quan nghiên cứu, các trường đại học nông nghiệp, cao đẳng khác trong cả nước, của các tổ chức quốc tế và cơ quan của nhiều quốc gia trên thế giới. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn về sự giúp đỡ và hợp tác quý báu đó. |