
Ông Đoàn Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Kiều Chi.
Ngày 23/5, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ NN-MT) phối hợp cùng Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tổ chức Hội thảo đánh giá hiện trạng chăn thả động vật và bẫy bắt động vật hoang dã tại các khu rừng đặc dụng, đề xuất các giải pháp quản lý và bảo tồn.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Đoàn Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, cho biết Việt Nam luôn quan tâm và chú trọng đến công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học thông qua xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về thiết lập các khu rừng đặc dụng, cơ chế, chính sách phục vụ khai thác, sử dụng bền vững cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và môi trường.
Vừa qua, Bộ NN-MT đã hưởng ứng thông điệp Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 2025, nhấn mạnh rõ thiên nhiên và đa dạng sinh học là nền tảng cốt lõi của sự sống, phát triển bền vững cho con người.
Trong thời gian qua, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm đã phối hợp với IUCN triển khai những nghiên cứu liên quan đến sáng kiến Thiên nhiên cho Sức khỏe (N4H) về hiện trạng chăn thả động vật và bẫy bắt động vật hoang dã, nhằm đề xuất những biện pháp giảm thiểu tình trạng chăn thả vật nuôi vào các khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng, và ngăn chặn hoạt động sử dụng bẫy dây để săn bắt động vật hoang dã phục vụ cho hoạt động buôn bán động vật trái phép.

Trưởng đại diện IUCN Việt Nam khẳng định nhu cầu cần có những chính sách, chế tài xử phạt nghiêm ngặt về vấn nạn đặt bẫy động vật hoang dã. Ảnh: Kiều Chi.
Theo ông Jake Brunner, Trưởng đại diện IUCN Việt Nam, đã có các bài học thành công đáng kể về cải thiện sinh kế và đời sống của người dân để giảm thiểu hoạt động chăn thả gia súc trong rừng, đơn cử là khu bảo tồn Vân Long, Vườn quốc gia Bạch Mã, Yok Don. Ông cho rằng, dù việc thay đổi thói quen chăn thả tự do của người dân là một thách thức lớn, nhưng hoàn toàn có thể giải quyết.
Đối với vấn đề đặt bẫy động vật hoang dã, ông Jake Brunner nhận định đây là một bài toán khó. Nhiều ý kiến cho rằng cần tăng cường việc gỡ bỏ bẫy, thực tế cho thấy việc này yêu cầu rất nhiều nguồn lực, lại không mang lại kết quả bền vững - số lượng bẫy được gỡ bỏ tương đương với số bẫy đặt mới.
"Một thông điệp rõ ràng mà chúng tôi muốn nhấn mạnh: không thể chấp nhận việc bẫy bắt động vật hoang dã dưới bất cứ hình thức nào", Trưởng đại diện IUCN Việt Nam chia sẻ.
Theo đánh giá dữ liệu từ 46 khu rừng đặc dụng, khung pháp lý và chính sách về bẫy bắt động vật hoang dã và chăn thả vật nuôi trong các khu rừng đặc dụng còn thiếu thống nhất giữa các nghị định, chế tài hành chính chiếm ưu thế, mức phạt thấp, các văn bản pháp luật còn chồng chéo. Luật Lâm nghiệp chưa có hướng dẫn dành cho khu vùng đệm; các Nghị định thiếu hành vi, phân cấp; Luật Bảo vệ Môi trường không đề cập trực tiếp đến bẫy bắt/chăn thả.
Về chăn thả vật nuôi tại các khu rừng đặc dụng, 36/46 đơn vị (78,3%) ghi nhận chăn thả, tổng hơn 45.000 con, trong đó KDTTN Mường Nhé có số lượng vật nuôi trong rừng nhiều nhất. Chăn thả tự do ghi nhận trên 85,7% rừng đặc dụng, 58% Ban quản lý rừng đặc dụng báo cáo vùng đệm không có bãi chăn thả quy hoạch.
Về bẫy bắt động vật hoang dã, 39/46 đơn vị (chiếm 83%) xác nhận có đặt bẫy. Tổng số bẫy thu giữ 2020-2024 hơn 170.000 cái, ghi nhận phổ biến nhất là bẫy dây thòng lọng và bẫy kẹp. Xu hướng bẫy thu giữ tại một số Vườn quốc gia tăng nhẹ 2020-2022 và ổn định từ năm 2023, các khu khu Chư Mom Rây, Yok Don, Phong Điền tăng rõ rệt. Hiện tượng đặt bẫy chủ yếu diễn ra tại phân khu phục hồi sinh thái và khu bảo vệ nghiêm ngặt do người dân xã giáp ranh, và người dân địa phương khác.
Đặc biệt, 46/46 khu còn thực hiện tuần tra thủ công, không áp dụng công nghệ. 50% số lượng khu ghi nhận bẫy bắt, 8 khu ghi nhận chăn thả, chỉ 9 khu xử lý vi phạm (39% số khu có vi phạm).
Lộ trình hành động được đề xuất gồm ba giai đoạn: (i) Ngắn hạn, rà soát, bổ sung luật và nghị định, tăng cường; Trung hạn, thí điểm mô hình quản lý cộng đồng, ứng dụng công nghệ giám sát, thiết lập cơ chế hợp tác quốc tế; (iii) Dài hạn, nhân rộng mô hình cộng đồng, tích hợp chính sách rừng đặc dụng vào chiến lược kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống giám sát thông minh.