| Hotline: 0983.970.780

Cách nào ngăn người dân vào rừng bẫy bắt, chăn thả gia súc?

Thứ Hai 28/04/2025 , 13:27 (GMT+7)

Tỉnh Điện Biên cần phát triển các mô hình sinh kế thay thế, tăng cường theo dõi, giám sát cộng đồng nhằm giảm thiểu xung đột với công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Sáng 28/4, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Điện Biên và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tổ chức Hội thảo kỹ thuật Nghiên cứu điểm chăn thả vật nuôi và bẫy bắt các loài động vật hoang dã trong rừng đặc dụng tại tỉnh Điện Biên.

Ông Đoàn Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (phải) và ông Lò Hồng Phong, Phó Giám đốc Sở NN-MT tỉnh Điện Biên (trái), đồng chủ trì cuộc họp. Ảnh: Kiều Chi.

Ông Đoàn Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (phải) và ông Lò Hồng Phong, Phó Giám đốc Sở NN-MT tỉnh Điện Biên (trái), đồng chủ trì cuộc họp. Ảnh: Kiều Chi.

Ông Đoàn Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, nhấn mạnh: Tình trạng chăn thả gia súc và bẫy bắt động vật hoang dã trong các khu rừng đặc dụng hiện nay gây ra những tác động đáng lo ngại đối với công tác bảo tồn, làm gián đoạn quá trình của hệ sinh thái, mất môi trường sống của các loại động vật ăn cỏ khác, cũng như gia tăng nguy cơ lây truyền bệnh từ động vật sang người. 

Báo cáo thu thập dữ liệu đánh giá hiện trạng, đề xuất giải pháp giảm thiểu hoạt động chăn thả vật nuôi và bẫy bắt động vật hoang dã tại tỉnh Điện Biên sẽ xây dựng nền tảng vững chắc cho Chiến lược quốc gia về chống bẫy bắt và chăn thả vật nuôi trong các khu rừng đặc dụng.

Chăn nuôi tự do trong rừng đặc dụng

Theo báo cáo của nhóm chuyên gia, Khu Dự trữ Thiên nhiên (KDTTN) Mường Nhé tổ chức khoảng 800 đợt tuần tra mỗi năm và phát hiện từ 10-15 bẫy, chủ yếu là bẫy dây và bẫy cạm. 

PGS. TS Đồng Thanh Hải, Đại học Lâm nghiệp, phát biểu báo cáo đánh giá hiện trạng. Ảnh: Kiều Chi. 

PGS. TS Đồng Thanh Hải, Đại học Lâm nghiệp, phát biểu báo cáo đánh giá hiện trạng. Ảnh: Kiều Chi. 

Khảo sát trên toàn huyện Mường Nhé cũng cho thấy 11 xã đều diễn ra hoạt động chăn thả vật nuôi tự do kết hợp trông coi, chủ yếu gồm trâu, bò và dê. Trong đó, xã Mường Nhé có quy mô chăn thả tự do lớn nhất với 3.135 con trâu, 1.540 con bò và 400 con dê.

Tỷ lệ diện tích chăn thả vật nuôi tại các xã vùng đệm Mường Nhé, Leng Su Sìn, Chung Chải, Nậm Kè được ghi nhận có xâm lấn vào KDTTN Mường Nhé, gây suy giảm thảm thực vật và ô nhiễm đất, nguồn nước. 

Đáng lưu ý, đa phần người thực hiện hành vi đặt bẫy được cho là không phải cư dân bản địa, gây khó khăn trong việc phát hiện, xử lý vi phạm do tính chất ẩn danh và di động của đối tượng.

Ông Diệp Văn Chính, Giám đốc KDTTN Mường Nhé, thông tin, ngoài khu vùng đệm, tình trạng dắt trâu vào các bãi cỏ tranh trong khu lõi giáp biên giới Việt - Lào đang diễn ra với quy mô lớn. Thực tế cho thấy việc sử dụng súng săn, súng kíp và súng hơi cồn để bắt trâu, thậm chí kích điện lén lút, đều là những hành vi phạm pháp khó kiểm soát. Đây là trách nhiệm của các chủ rừng trong việc quản lý, thắt chặt quy định chăn thả trong rừng đặc dụng.

Phát triển sinh kế tập trung, tạo nguồn thu nhập thay thế

PGS. TS Đồng Thanh Hải, trưởng nhóm chuyên gia, cho biết, tỉnh Điện Biên đã tích cực lồng ghép công tác quản lý bẫy vào các chương trình như chi trả dịch vụ môi trường rừng (PES), tạo nguồn thu nhập thay thế cho người dân và giảm áp lực lên động vật hoang dã.

Bên cạnh đó, nhận thức cộng đồng về tác động tiêu cực của việc bẫy bắt động vật hoang dã đã đạt được những kết quả tích cực, thông qua các chương trình vận động và ký cam kết bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Khu vực bãi chăn thả tự do của người dân tại huyện Mường Nhé. Ảnh: KDTTN Mường Nhé. 

Khu vực bãi chăn thả tự do của người dân tại huyện Mường Nhé. Ảnh: KDTTN Mường Nhé. 

Về hoạt động chăn thả, một số hộ gia đình đã bắt đầu áp dụng mô hình chăn nuôi bán thâm canh, kết hợp với trồng cỏ, cho thấy tiềm năng chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững. Ngoài ra, một số mô hình sinh kế thay thế như trồng dược liệu, nuôi ong, trồng rừng đã được triển khai; nhiều thanh niên địa phương cũng đã đi làm xa, tạo sự dịch chuyển nguồn lao động. 

Ông Nguyễn Đình Cương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé kiến nghị Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm sớm nâng cao chế tài xử lý và áp dụng các quy định cấm chăn thả trong khu bảo vệ nghiêm ngặt. Sở NN-MT tỉnh Điện Biên cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về ranh giới rừng đặc dụng, phân biệt rõ giữa khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu quản lý hệ sinh thái. 

Kết thúc cuộc họp, các bên nhất trí sẽ cần ban hành các chính sách hỗ trợ sinh kế thay thế có trọng tâm, cụ thể hóa các mô hình du lịch sinh thái, tập trung vào các lĩnh vực như trồng dược liệu dưới tán rừng; xác định được hoạt động lồng ghép quản lý chăn thả vào các chương trình như PES, Giảm phát thải khí nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD+) là hướng đi khả thi, nhằm phát triển kinh tế địa phương song song với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

11 xã tại huyện Mường Nhé trong phạm vi đánh giá gồm: Quảng Lâm, Pá Mỳ, Nậm Kè, Mường Toong, Huổi Lếch, Nậm Vì, Mường Nhé, Chung Chải, Leng Su Sìn, Sen Thượng, Sín Thầu.

Xem thêm
Thịt vịt suối xóm Nhàng da vàng như da gà

'Dù có bị bịt mắt nhưng em vẫn nhận ra được miếng thịt vịt suối xóm Nhàng, xã Kim Thượng', Hà Thị Yến, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn, người gốc Kim Thượng khẳng định.

Cá tra sạch bệnh nhờ thú y ‘bắt mạch’ từ con giống

ĐỒNG THÁP Với chuỗi quy trình thú y nghiêm ngặt và liên kết sản xuất chặt chẽ, Đồng Tháp đảm bảo cá tra sạch bệnh, an toàn thực phẩm từ khâu giống đến xuất khẩu.

Vải chín sớm Phương Nam giảm diện tích nhưng sản lượng tăng

QUẢNG NINH Do ảnh hưởng của bão và dự án đường ven sông nên diện tích trồng vải chín sớm Phương Nam năm nay giảm gần 100 ha. Bù lại, vải đậu quả sai hơn năm trước.

Người nuôi thủy sản chưa yên tâm về chất lượng giống

HẢI DƯƠNG Vùng Đồng bằng sông Hồng có tiềm năng lớn phát triển nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, việc không chủ động được nguồn giống chất lượng là rào cản khai thác thế mạnh này.

Sống chung với khô hạn: [Bài 1] Chuyển đổi cây trồng, 'thần tài' gõ cửa

Ninh Thuận là vùng đất thường xuyên thiếu nước tưới trong mùa khô, do vậy chuyển đổi cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn là việc không thể không làm.

Khởi động dự án áp dụng giải pháp phân hủy rơm rạ trên đồng ruộng

CẦN THƠ Dự án nhằm phát triển các giải pháp phân hủy rơm rạ trên đồng ruộng, tăng cường sức khỏe đất và giảm phát thải trong canh tác lúa.

Nữ tỷ phú cá tra ở vùng đất Đồng Tháp Mười

Đồng Tháp Vượt qua khó khăn, bà Nguyễn Thị Lý trở thành tỷ phú nhờ liên kết doanh nghiệp và nguồn vốn hỗ trợ ngân hàng, xây dựng quy trình nuôi cá tra xuất khẩu.