Dịch xuất hiện liên tục tại nhiều địa phương
Quảng Ninh đang bước vào giai đoạn cam go khi dịch tả lợn Châu Phi bất ngờ bùng phát trở lại với mức độ lan rộng và diễn biến phức tạp.
Theo báo cáo số 534/BC-CNTY của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tính đến 16 giờ ngày 26/7/2025, toàn tỉnh đã ghi nhận dịch bệnh tại 19 hộ dân, thuộc 11 thôn/khu phố, ở 5 xã, phường, buộc phải tiêu hủy tổng cộng 184 con lợn với tổng khối lượng gần 9 tấn.

Lực lượng chức năng tiến hành cân đo và tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi tại xã Điền Xá. Ảnh: Nguyễn Thành.
Riêng ngày 26/7, dịch bệnh phát sinh tại 12 hộ dân thuộc 4 thôn, khu mới trên địa bàn phường An Sinh và xã Quảng Hà. Tại phường An Sinh, một trong những điểm nóng hiện tại, có tới 11 hộ dân phát sinh ổ dịch mới tại các khu Ba Xã, Đìa Mối, Khê Thượng, khiến 94 con lợn bị tiêu hủy, khối lượng lên đến 5.825 kg.
Tại xã Quảng Hà, ổ dịch được ghi nhận tại hộ ông Nguyễn Văn Hà, thôn 5, khiến toàn bộ đàn lợn 9 con (gồm 1 nái và 8 con con) bị tiêu hủy toàn bộ theo quy trình nghiêm ngặt.
Trao đổi với phóng viên, bà Chu Thị Thu Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh, nhận định: "Diễn biến dịch lần này có xu hướng lan nhanh, xuất hiện đồng thời tại nhiều địa phương, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên diện rộng nếu không kiểm soát kịp thời".
Ông Nguyễn Văn Hà cho biết: "Đàn lợn gia đình tôi đang nuôi khỏe mạnh phát hiện bỏ ăn, sốt, rồi chết nhanh chóng. Cán bộ thú y đến lấy mẫu xét nghiệm, chưa đầy một ngày sau có kết quả dương tính virus dịch rả lợn Châu Phi. Toàn bộ bị đưa đi tiêu hủy".
Dịch tả lợn Châu Phi khiến người chăn nuôi mất trắng về kinh tế. Bên cạnh đó, điều khiến người dân lo lắng về khả năng tái đàn trong thời gian tới.
Ứng phó bằng mọi nguồn lực
Trước tình hình cấp bách, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch từ tỉnh đến cơ sở. Cụ thể, 700 lít hóa chất khử trùng đã được xuất cấp khẩn cấp hỗ trợ phường An Sinh thực hiện vệ sinh chuồng trại, khu vực ổ dịch và môi trường xung quanh. Đồng thời, các tổ công tác phòng chống dịch bệnh động vật cũng được thành lập và phân công xuống địa bàn để trực tiếp hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch.
Bà Chu Thị Thu Thủy khẳng định: "Chúng tôi đã ban hành hướng dẫn chi tiết về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, từ giám sát đàn vật nuôi, kiểm tra lâm sàng, lấy mẫu xét nghiệm, đến tiêu độc khử trùng môi trường. Đồng thời, phối hợp với UBND các xã, phường tổ chức tiêu hủy lợn bệnh đúng quy định, đảm bảo không để mầm bệnh phát tán ra ngoài cộng đồng".

19 hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Nguyễn Thành.
Theo đánh giá của Chi cục, phần lớn các ổ dịch xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô từ vài con đến vài chục con, điều kiện chuồng trại còn hạn chế, công tác kiểm soát dịch bệnh chưa bài bản. Đặc biệt, sau thời gian dài không xuất hiện dịch, một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan, không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch như vệ sinh chuồng trại, rắc vôi bột, phun hóa chất định kỳ.
Với điều kiện thời tiết mùa hè mưa nắng thất thường, môi trường ẩm thấp, cùng việc vận chuyển gia súc không được kiểm soát chặt tại một số khu vực giáp ranh, nguy cơ dịch tiếp tục phát sinh và lan rộng trong thời gian tới là rất lớn.
Trước nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng, ngành nông nghiệp tỉnh kêu gọi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, giám sát cơ sở; người chăn nuôi phải nâng cao ý thức phòng dịch, thực hiện nghiêm các biện pháp kỹ thuật, báo cáo kịp thời khi có dấu hiệu bất thường.