| Hotline: 0983.970.780

Lợn chết như ngả rạ, nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng

Thứ Bảy 26/07/2025 , 21:39 (GMT+7)

LÀO CAI Tại xã Quy Mông hàng chục hộ dân đang rơi vào cảnh điêu đứng khi dịch tả lợn Châu Phi bùng phát. Lợn bệnh, lợn chết la liệt, nhiều trang trại đã trống chuồng.

Lợn chết như ngả rạ, nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng. Ảnh: Thanh Tiến.

Lợn chết như ngả rạ, nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng. Ảnh: Thanh Tiến.

Nước mắt người chăn nuôi

Thời điểm này, dịch tả lợn Châu Phi đã và đang bùng phát mạnh tại xã Quy Mông, tỉnh Lào Cai, gây ra thiệt hại nặng nề cho các hộ chăn nuôi. Hàng loạt trang trại rơi vào cảnh trắng chuồng, đẩy nhiều gia đình vào tình cảnh khó khăn, nợ nần khi toàn bộ vốn liếng, công sức đầu tư có nguy cơ mất trắng.

Tại thôn Tân Thịnh, một trong những điểm nóng của dịch, chúng tôi gặp ông Hoàng Văn Giang đang rầu rĩ bên khu chuồng trại vừa mới được đầu tư kiên cố, với đàn lợn gần 80 con đang tuổi ăn tuổi lớn có trọng lợn trung bình gần 30 kg/con, hiện đã chết khoảng 1/3, nhiều con nhiễm bệnh đang ngắc ngoài chờ chết. Các lực lượng chức năng địa phương đang hỗ trợ gia đình ông tiêu độc khử trùng chuồng trại, tiêu hủy lợn chết. Nguy cơ trắng đàn là rất lớn.

Ông Giang xót xa, “gia đình tôi mới đầu tư xây dựng chuồng trại, vào lợn được hơn một tháng thôi. Thế nhưng chỉ trong vòng 5-6 ngày, dịch bệnh từ các hộ xung quanh đã lan tới. Nhà tôi cũng đã cố gắng phòng dịch, ngày nào cũng phun khử trùng, rắc vôi bột cẩn thận, nhưng không thể chống lại được”.

Trang trại chăn nuôi của gia đình ông Giang (giữa) có lợn đang chết hàng loạt. Ảnh: Thanh Tiến.

Trang trại chăn nuôi của gia đình ông Giang (giữa) có lợn đang chết hàng loạt. Ảnh: Thanh Tiến.

Gia đình ông Giang đã đầu tư vào khu chuồng trại này trên 200 triệu đồng, vì đất dốc nên phải xây kè. Đây là lứa lợn đầu tiên, riêng tiền con giống đã hết gần 160 triệu đồng cho 80 con lợn giống. Chưa tính tiền thức ăn chăn nuôi trong hơn một tháng qua vẫn còn nợ tại đại lí cám.

Giờ một số đã chết, số còn lại cũng đang mắc bệnh, chỉ chờ lực lượng ở thôn, xã xuống hỗ trợ tiêu hủy. Tính ra đợt này, nhà ông Giang mất trắng hơn 300 triệu đồng. Mong muốn lớn nhất của gia đình bây giờ là nhà nước có chính sách hỗ trợ cho bà con một phần kinh phí để bù đắp thiệt hại, để còn có vốn mà gượng dậy.

Chỉ tay vào dãy chuồng trống, ông tiếp lời: “Đàn lợn bắt đầu có triệu chứng lạ, da nổi những nốt đỏ rồi bỏ ăn. Chỉ một, hai ngày sau là chúng lăn ra chết. Có con hôm trước còn ăn khỏe, hôm sau đã chết cứng. Bà con nông dân chúng tôi chỉ mong chăn nuôi để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nhưng dịch bệnh thế này con giống cũng không giữ được, mọi hy vọng đều tiêu tan.”

Các lực lượng tại địa phương hỗ trợ gia đình thiệt hại thu gom tiêu hủy lợn chết. Ảnh: Thanh Tiến.

Các lực lượng tại địa phương hỗ trợ gia đình thiệt hại thu gom tiêu hủy lợn chết. Ảnh: Thanh Tiến.

Cách đó không xa, gia đình bà Nguyễn Thị Quỳnh ở cùng thôn cũng đang chịu chung cảnh ngộ. Bà Quỳnh là một hộ chăn nuôi truyền thống lâu năm, cuộc sống gia đình chủ yếu trông chờ vào đàn lợn và trâu, bò. Dịch tả lợn Châu Phi ập đến đã gần như xóa sổ trang trại lợn.

Bà Quỳnh giãi bày: “nhà tôi có 13 con lợn thịt, con nào cũng tầm hơn 1 tạ rồi, chỉ chờ ngày xuất chuồng. Vậy mà khi chúng có dấu hiệu bị bệnh, người cứ sốt đỏ lên, bỏ ăn rồi hôm sau là chết. Gia đình đã báo ngay cho chính quyền địa phương, thú y xã cũng đã xuống kiểm tra, xác nhận lợn bị dịch. Những con lợn nái có trọng lượng khủng thậm chí phải đập chuồng mới có thể đưa ra ngoài mang đi tiêu hủy.”

Đến nay, gia đình bà Quỳnh đã bị tiêu hủy hơn 1,8 tấn lợn. Đau xót hơn cả là 3 con lợn nái to, có trong lượng trung bình gần 3 tạ/con cũng nhiễm bệnh chết. Nhà chị đã nuôi lợn từ nhiều năm nay, cứ lợn mẹ đẻ lợn con, gối đầu hết lứa này đến lứa khác. Vậy mà chỉ một đợt dịch, tất cả đã bị xóa sổ. Còn chục con lợn con lít nhít còn sót lại, gia đình vẫn cho chúng ăn cám cầm cự. Nếu chúng chết, sẽ báo xã và thực hiện tiêu hủy.

Bà Quỳnh xót xa nhìn những con lợn con còn xót lại. Ảnh: Thanh Tiến.

Bà Quỳnh xót xa nhìn những con lợn con còn xót lại. Ảnh: Thanh Tiến.

Tình cảnh của gia đình ông Giang, bà Quỳnh chỉ là 2 trong số hơn 30 hộ dân đang điêu đứng vì dịch bệnh tại xã Quy Mông. Bao mồ hôi, công sức, vốn liếng vay mượn đổ vào chuồng trại với hy vọng về một cuộc sống đủ đầy hơn. Nhưng giờ đây, tất cả những gì còn lại chỉ là những dãy chuống trống rỗng và gánh nặng nợ nần.

Nỗ lực khoanh vùng dập dịch

Theo báo cáo của UBND xã Quy Mông, ổ dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên được phát hiện vào ngày 8/7/2025 tại hộ ông Bùi Văn Lân, thôn Tân Việt. Ngay sau khi nhận được kết quả xét nghiệm dương tính từ Trung tâm FiveLab vào ngày 9/7, chính quyền xã đã nhận định tình hình vô cùng cấp bách. Đến ngày 10/7, dịch bệnh đã có dấu hiệu lây lan nhanh trong cộng đồng.

Tính đến ngày 25/7/2025, toàn xã có 10/30 thôn xuất hiện ổ dịch; 35 hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh. Tổng số lợn đã tiêu hủy là hơn 250 con, với tổng trọng lượng lên tới gần 13 tấn.

Trước tình hình diễn biến phức tạp, cả hệ thống chính trị của xã Quy Mông đã vào cuộc một cách quyết liệt. Ngay trong ngày 8/7, lãnh đạo xã đã trực tiếp xuống các hộ để chỉ đạo công tác phòng chống dịch. Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và Hội đồng tiêu hủy lợn đã được thành lập khẩn trương. Công văn về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch đã được ban hành để chỉ đạo toàn diện trên địa bàn.

Tại xã Quy Mông, đến nay đã có 10/30 thôn phát hiện ổ dịch. Ảnh: Thanh Tiến.

Tại xã Quy Mông, đến nay đã có 10/30 thôn phát hiện ổ dịch. Ảnh: Thanh Tiến.

Ngoài ra, UBND xã đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn như Trạm Dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp Trấn Yên, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Chăn nuôi Thú y, Thủy sản tỉnh Lào Cai để triển khai các biện pháp chuyên môn. 20 lít thuốc tiêu độc khử trùng đã được cấp phát, các hộ dân được hướng dẫn phun khử trùng chuồng trại 2 lần/ngày, hạn chế tối đa người ra vào khu vực có dịch.

Lực lượng an ninh cơ sở, dân quân và trưởng các thôn bản được huy động tối đa để giám sát, tuyên truyền, ngăn chặn tuyệt đối việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh. Chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn tàng cường khuyến cáo các hộ chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học…

Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch vẫn đang rất cam go, số hộ dân có lợn nhiễm bệnh tiếp tục gia tăng. Nguy cơ dịch bệnh lây lan rất cao.

Bên cạnh những nỗ lực khoanh vùng, đạp dịch tại chỗ, xã Quy Mông đã có những đề xuất, kiến nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Sở Tài chính sớm trình UBND tỉnh phương án hỗ trợ kinh phí cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại và kinh phí cho công tác phòng chống dịch. Đồng thời, xã cũng đề nghị các cơ quan chuyên môn của tỉnh tiếp tục cử cán bộ về chỉ đạo kỹ thuật và cấp phát thêm thuốc khử trùng để dập dịch triệt để.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Lương, Phó chủ tịch UBND xã Quy Mông, Dịch tả lợn Châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp, để lại những hậu quả nặng nề về kinh tế và tinh thần cho người dân. Hơn lúc nào hết, người chăn nuôi nơi đây đang rất cần sự chung tay, hỗ trợ từ các cấp, các ngành để vượt qua giai đoạn khó khăn này, để họ có thể sớm ngày gượng dậy, tái đàn và ổn định cuộc sống.

Xem thêm
Chăn nuôi lợn tuần hoàn, công nghệ cao để an toàn, bền vững

HẢI PHÒNG Mô hình chăn nuôi tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao là một điển hình thành công mà còn mở ra hướng đi bền vững, tất yếu cho người chăn nuôi tại Hải Phòng.

Thử nghiệm khắc phục vùng trồng sầu riêng bị nhiễm cadimi

ĐỒNG THÁP Đồng Tháp - địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất ĐBSCL tiên phong thử nghiệm mô hình giải độc cadimi, mở ra hướng canh tác bền vững và an toàn.

Nhà máy đường An Khê mở rộng thêm 2.000 hecta mía nguyên liệu mỗi vụ

GIA LAI Theo kế hoạch, mỗi vụ sản xuất Nhà máy đường An Khê sẽ mở rộng diện tích vùng nguyên liệu mía thêm 2.000 hecta.

Cần hoàn thiện thông tin về nông hộ để ngành cà phê đáp ứng quy định EUDR

Hơn 600.000 nông hộ cà phê Việt Nam đối mặt thách thức lớn khi EU siết yêu cầu truy xuất và chống mất rừng từ cuối năm 2025.

Tiết kiệm hơn 30% chi phí phân bón nhờ phương pháp dúi phân

SƠN LA Phương pháp bón dúi phân kết hợp kỹ thuật cấy hàng rộng - hàng hẹp giúp giảm thất thoát, giảm số lần bón phân, chi phí phân bón giảm khoảng 30%, hạn chế sâu bệnh.

Độc đáo nghề 'vuốt bụng cá' kiếm tiền triệu mỗi ngày

Cần Thơ Những con cá thát lát cườm bố mẹ nặng cả ký được vớt từ ao lên, kỹ thuật viên nhanh chóng bắt và vuốt mạnh bụng cá, dòng trứng phun ra màu vàng óng.

Cần Thơ trồng 5 ha rừng ngập mặn trên đất bãi bồi ven biển

Trồng và bảo vệ rừng hiện không còn là nhiệm vụ của ngành nông nghiệp và môi trường mà trở thành trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Bình luận mới nhất