Tại Hội nghị lần thứ 15 của các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (CBD COP15), Việt Nam đã cam kết thực hiện Mục tiêu 30x30 tại Khung Đa dạng sinh học toàn cầu (GBF) Côn Minh-Montreal: Bảo tồn và quản lý hiệu quả ít nhất 30% diện tích đất liền, vùng nước nội địa, biển và vùng ven biển vào năm 2030.
Tiếp đó, tại COP16, một trong những bước phát triển quan trọng là việc rà soát và hoàn thiện kỹ thuật Khung giám sát, chuẩn hóa và tăng cường việc theo dõi, báo cáo về kết quả bảo tồn đa dạng sinh học của các quốc gia.
Việt Nam hiện đang triển khai đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo Quyết định số 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm cập nhật chiến lược phù hợp với các mục tiêu toàn cầu.
Đa dạng sinh học nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Ông Thibault Ledecq, Giám đốc Bảo tồn, WWF-Việt Nam. Ảnh: WWF.
Đa dạng sinh học là vốn tự nhiên, là nền tảng cho an ninh lương thực, ứng phó biến đổi khí hậu, sinh kế của hàng triệu người dân và tiềm năng tăng trưởng xanh.
Khung Đa dạng sinh học toàn cầu (GBF) Côn Minh-Montreal và Các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) được nhìn nhận như hai trụ cột song hành, bổ trợ lẫn nhau. Nhiều mục tiêu GBF tương đồng với các mục tiêu SDGs và đồng thời, đóng góp cho SDGs thông qua thúc đẩy nông - lâm - ngư nghiệp bền vững.
Tôi cho rằng, trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam cần coi bảo tồn thiên nhiên là nhân tố thiết yếu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Năm 2025 là thời điểm quan trọng để đánh giá tiến độ thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (NBSAP). Trong đó, NBSAP Tracker sẽ là công cụ cho phép Việt Nam so sánh, tham chiếu với các xu hướng toàn cầu, học hỏi bài học quốc tế, góp phần nâng cao mức độ tương thích giữa các mục tiêu quốc gia và GBF, từ đó tăng khả năng đóng góp vào mục tiêu toàn cầu đến năm 2030.
Trong giai đoạn 2025-2030, WWF-Việt Nam sẽ triển khai kế hoạch hỗ trợ thí điểm công nhận các khu vực có biện pháp bảo tồn hiệu quả khác (OECM) tại Việt Nam, ghi nhận diện tích bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu vực ngoài khu bảo tồn vào báo cáo của quốc gia. Khi đó, Việt Nam sẽ trở thành một thành viên tích cực đóng góp cho các mục tiêu toàn cầu.
Nhân Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2025, WWF-Việt Nam kêu gọi vai trò tiên phong của các cá nhân và tổ chức trong công tác bảo tồn: từ việc đưa bảo tồn đa dạng sinh học vào Nghị trường, đến ủng hộ, lồng ghép bảo tồn vào chính sách, phát triển kinh tế - để chiến lược bảo tồn đi từ “trách nhiệm” thành “cơ hội phát triển”.
Cùng hợp tác cho mục tiêu song hành

Ông Daniel Herrmann, Giám đốc quản lý mảng chính sách khí hậu, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ). Ảnh: GIZ.
Việt Nam cùng theo đuổi song song mục tiêu SDGs và GBF tới năm 2030 là minh chứng cho thấy quyết tâm hướng tới một tương lai thịnh vượng và bền vững cho đất nước.
Phát triển bền vững mà không tính đến đa dạng sinh học sẽ làm suy yếu chính nền tảng của sự phát triển. Việc tích hợp bảo tồn vào quy hoạch phát triển, thông qua các khu bảo tồn, hạ tầng xanh, nông nghiệp bền vững và các giải pháp dựa vào thiên nhiên, giúp tăng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu và thiên tai, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính.
Hơn nữa, việc áp dụng cách tiếp cận toàn xã hội là vô cùng quan trọng, nhằm thống nhất về các phương thức hiện thực hóa phát triển bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học, cũng như hợp tác và điều phối với tất cả các bên liên quan trong suốt quá trình thực hiện.
Thông qua các chương trình do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) và Bộ Kinh tế và Hành động vì Khí hậu (BMWK) tài trợ thông qua Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI), GIZ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-MT trong các hoạt động hợp tác kỹ thuật, bao gồm tư vấn chính sách về bảo tồn thiên nhiên, điều chỉnh cho phù hợp và đồng bộ giữa GBF và NBSAP; nâng cao năng lực về tài chính bền vững cho các khu bảo tồn, du lịch có trách nhiệm, bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng và ứng dụng công nghệ số trong giám sát, bảo vệ rừng.
Chuyên môn của GIZ với vai trò là cơ quan thực hiện hợp tác kỹ thuật với Việt Nam thay mặt Chính phủ Đức nằm ở lĩnh vực tăng cường năng lực. GIZ sẽ phối hợp cùng Bộ NN-MT để thúc đẩy quản lý tổng hợp các khu bảo tồn có hệ sinh thái đa dạng, tập trung vào việc nâng cao năng lực thể chế và kỹ thuật cho công tác quản lý tổng hợp các khu bảo tồn có hệ sinh thái đa dạng tại Vườn quốc gia Hoàng Liên, Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long và Vườn quốc gia Xuân Liên.
Chúng tôi cũng sẽ thúc đẩy OECM tại Việt Nam và đưa ra các đề xuất cho công tác giám sát đa dạng sinh học trong nước, nhằm đáp ứng các cam kết đối với GBF. Những nỗ lực này sẽ đóng góp trực tiếp vào việc thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học của Việt Nam và các mục tiêu của GBF.
Xác định khu vực tiềm năng và thí điểm triển khai OECM

Ông Jake Brunner, Quyền đại diện Trưởng Tổ chức Bảo tồnThiên nhiên Quốc tế (IUCN) tại Việt Nam. Ảnh: IUCN.
Việc ghi nhận và thúc đẩy OECM tại Việt Nam không chỉ góp phần thực hiện cam kết toàn cầu 30x30 - GBF, mà còn bảo vệ hiệu quả những hệ sinh thái bị bỏ sót như vùng đá vôi bị cô lập, đồng cỏ ngập nước theo mùa hay bãi bồi ven biển - vốn chưa nằm trong hệ thống khu bảo tồn hiện tại.
Hiện OECM đã được đưa vào NBSAP, song chưa có khung pháp lý rõ ràng. Do đó, Việt Nam cần hoàn thiện quy định, tăng cường năng lực các bên, xác định khu vực tiềm năng và thí điểm triển khai OECM.
OECM có thể triển khai trên nhiều khu vực nằm ngoài khu bảo tồn chính thức: từ rừng tự nhiên do công ty lâm nghiệp quản lý, vùng canh tác sen-lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, vùng thực hành nông lâm kết hợp ở Tây Nguyên đến các bãi bồi ven đô như Bãi Giữa (TP Hà Nội), Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh).
Với bất cứ một cấu trúc mới mẻ nào, cũng cần có quá trình vừa tìm tòi vừa thực hiện. Chúng tôi đang tích cực phối hợp với các tổ chức và Bộ NN-MT triển khai mục tiêu 30x30, trong đó cần: (i) Tăng cường năng lực cho các đối tác trong nước về OECM; (ii) Xây dựng lộ trình triển khai dựa trên kinh nghiệm của GIZ và IUCN; (iii) Xác định các khu OECM tiềm năng dựa vào dữ liệu Danh lục Đỏ và Khu vực Đa dạng Sinh học Trọng yếu (KBA); (iv) Thí điểm triển khai và báo cáo kết quả; (v) Rà soát, sửa đổi quy định sau khi hoàn tất việc tái cấu trúc các đơn vị liên quan ở cấp trung ương và địa phương.
Thúc đẩy các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học theo cách tiếp cận bao trùm

Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam. Ảnh: UNDP.
Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2025 phát đi lời kêu gọi đầy ý nghĩa "Sống hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững". Chúng tôi nhìn nhận, phát triển không thể chỉ đo bằng tốc độ tăng trưởng kinh tế, mà còn bao trùm khả năng duy trì hệ sinh thái, bảo vệ môi trường sống và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Việt Nam đã thể hiện vai trò tiên phong trong việc lồng ghép đa dạng sinh học vào chiến lược phát triển quốc gia. Năm 2025 là cơ hội để đẩy mạnh mối liên kết giữa phát triển và bảo tồn, đặt thiên nhiên vào trung tâm của các chiến lược phát triển bền vững.
Để góp phần giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế, UNDP đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác Trung ương và địa phương nhằm thúc đẩy các giải pháp thuận thiên, nâng cao hiệu quả quản lý các khu bảo tồn và hỗ trợ các hoạt động bảo tồn do cộng đồng dẫn dắt. Những nỗ lực này giúp Việt Nam tiến gần hơn đến các Mục tiêu Phát triển Bền vững như SDG 13 (Hành động về khí hậu), SDG 14 (Tài nguyên và Môi trường biển), SDG 15 (Tài nguyên và Môi trường trên đất liền), và SDG 1 (Xóa nghèo).
UNDP cũng hỗ trợ Chính phủ thực hiện NBSAP thông qua hướng dẫn kỹ thuật và kết nối nguồn tài chính, đánh giá rủi ro từ loài ngoại lai xâm hại đối với hệ sinh thái và cộng đồng, phối hợp lồng ghép đa dạng sinh học vào các lĩnh vực như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, du lịch...
Chúng tôi cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong việc thúc đẩy các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học theo cách tiếp cận bao trùm, dựa trên cơ sở khoa học và gắn kết chặt chẽ với các ưu tiên của quốc gia.