Giữ rừng bằng đôi tay trần
Giữa trưa hè bỏng rát, khi mặt trời như thiêu đốt từng tấc đất, bà Đinh Thị Mến, thôn Tập Ninh, xã Gia Vân, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) vẫn lặng lẽ bước dọc triền đê, đôi tay gầy guộc nhặt từng mảnh rác, túi nylon, vỏ chai nhựa. Mồ hôi chảy ròng ròng dưới vành nón lá bạc màu, nhưng ánh mắt bà vẫn ánh lên niềm vui. “Cái đẹp ở đây không chỉ là non nước, mà là chỗ sạch sẽ để đàn voọc yên ổn, chim trời quay về”, bà cười móm mém, giọng nhẹ như gió thoảng qua rặng lau.

Bà Đinh Thị Mến (trái) trò chuyện với cán bộ kiểm lâm của ban quản lý. Ảnh: Bảo Thắng.
Ở Vân Long, bà Mến không phải người duy nhất góp tay gìn giữ cảnh quan. Nơi bến thuyền từng tấp nập, còn nhiều người như bà. Ngoài thời gian đưa khách du lịch tham quan vịnh bằng thuyền, người phụ nữ ngoài 60 tuổi cùng “tổ tự quản” chủ yếu ở trên bờ, cùng bảo ban nhau vệ sinh môi trường, bảo tồn cảnh quan cho khu đầm ngập nước.
Người ta quen gọi nhóm của bà Mến là những người giữ bình yên cho Vân Long, khu đất ngập nước rộng hơn 3.500ha, Ramsar thứ 9 của Việt Nam. Nhưng họ không phải cán bộ kiểm lâm, càng không mang danh chức gì. Họ nằm trong số những người đầu tiên tham gia HTX Du lịch sinh thái Vân Long, vừa có thêm thu nhập từ du lịch, vừa tự ý thức phân bổ nhau chèo thuyền giữa những vách núi đá vôi, để quan sát sinh cảnh sống cho các loài chim và đặc biệt là voọc mông trắng - loài đặc hữu của Vân Long.
Hơn 20 năm trước, khi tỉnh thông báo thành lập khu bảo tồn, bà Mến là một trong số ít người đầu tiên sẵn sàng trả lại 5 mẫu ruộng màu mỡ, tài sản quý nhất, để nhường chỗ cho vùng lõi sinh cảnh. “Không giữ đất, nhưng giữ được rừng. Rừng mà mất thì đến đời con cháu cũng chẳng còn gì để ngắm”, bà nói, mắt không rời triền núi nơi đàn voọc thường xuất hiện vào sớm tinh mơ.
Có lẽ với người phụ nữ đã gắn bó cả đời với khu đất ngập nước trên địa bàn Gia Viễn, bảo tồn không nằm trong khẩu hiệu. Nó hiện hữu qua từng động tác: nhắc khách không vứt rác, thì thầm bằng thứ tiếng Anh vụng về “Don’t litter”, hay cúi đầu cảm ơn người đã gom rác vào những chiếc túi để sẵn trên thuyền.

Lối vào khu du lịch luôn gọn gàng, sạch sẽ. Ảnh: Bảo Thắng.
Di sản sống giữa lòng đồng bằng
Ít ai ngờ vùng đầm nước Vân Long lại là kết quả của bàn tay con người. Những năm 1960, tuyến đê dài hơn 30km được đắp bên tả ngạn sông Đáy nhằm trị thủy. Dòng chảy bị chặn lại, biến vùng đất hoang hóa thành một bể trũng, nơi nước tụ về, cây mọc lên, chim trời kéo đến. Và rồi voọc mông trắng, loài linh trưởng từng nằm bên bờ tuyệt chủng, chọn nơi này làm chốn dung thân.
Anh Đinh Văn Quỳnh, cán bộ Ban quản lý Rừng đặc dụng Hoa Lư - Vân Long kể rằng, đầu những năm 2000, tỉnh từng tính phương án di dân để bảo tồn. Nhưng khi chi phí lên tới hơn 300 tỷ đồng, chính quyền chuyển hướng: chọn cách làm cộng đồng làm nòng cốt. Mô hình “dân làm bảo tồn” ra đời từ đó. Thay vì chặt cây, bắt chim, người dân kể chuyện về voọc, đá vôi và lau lách, chở khách bằng mái chèo chậm rãi giữa sương mai.
Vân Long mỗi mùa mang một sắc thái. Tháng 5 đến tháng 7 là mùa sen, mặt nước phủ hồng, mùi hương dìu dịu. Mùa này, khách nội địa đến đông. Còn từ tháng 11 đến tháng 4, khi chim di trú về tránh rét, Vân Long đón khách quốc tế. Trong cái lạnh se sắt, từng nhịp chèo khua trên mặt nước, bóng chim lướt qua chân trời, đầm lặng như khúc thiền ngân giữa đất trời.
Đến Vân Long bây giờ thật khó hình dung hơn 20 năm trước, đường vào nơi đây còn là đường đất. Khách muốn vào phải chuyển xe, đi bộ lội bùn. Không nhà nghỉ, người dân mời khách ngủ nhờ, ăn cơm nhà. Chính từ đó, hạt mầm du lịch cộng đồng được gieo. Người dân học làm hướng dẫn viên, học nói vài câu tiếng Anh, học cách kể chuyện bằng giọng quê, bằng chính tình yêu với nơi mình sống.
Một trong những người đầu tàu là ông Trần Xuân Quang, Giám đốc HTX Dịch vụ Vân Long, cựu chiến binh, thường bị đùa là “vác tù và hàng tổng”. Nhà ai chưa thông, ông đến gõ cửa. Hộ nào còn lăn tăn, ông nhẫn nại giải thích. “Giữ môi trường là giữ lấy sinh kế của chính mình”, ông nói, giọng mộc mạc.
Từ đó, nhiều sáng kiến ra đời như “Tuần lễ du lịch xanh”, “Ngày Chủ nhật xanh”, “Nhặt rác đổi sách”… Dù tên gọi khác nhau, mục tiêu đều nhằm hướng tới tạo sinh kế bền vững cho người dân, giữ lấy cảnh quan, bảo vệ đa dạng sinh học - thứ vốn không thể tái tạo nếu để mất.

Nhiều người dân sống quanh khu đầm Vân Long có thêm thu nhập từ hướng dẫn du lịch. Ảnh: Bảo Thắng.
Tương lai từ nhịp sống chậm
Ở nhiều nơi, bảo tồn là nhiệm vụ của cơ quan chức năng. Nhưng tại Vân Long, đó là việc của mỗi người dân. Họ không có văn bản, không khẩu hiệu, mà có hành động cụ thể: treo bảng nhắc nhở, phát mũ cho học sinh đi nhặt rác, tổ chức thi kể chuyện về voọc, phát sách tranh về vùng đất ngập nước cho trẻ em.
Ông Nguyễn Văn Linh, Phó giám đốc Ban quản lý Rừng đặc dụng Hoa Lư - Vân Long nói: “Vân Long không thể có hôm nay nếu thiếu cộng đồng. Họ coi vùng đất này là máu thịt của mình”. Tới đây, ban quản lý sẽ phối hợp cùng các tổ chức quốc tế mở rộng không gian sinh cảnh, phục hồi vùng đệm, đảm bảo đàn voọc có chỗ sinh sống, giữ vững danh hiệu Danh lục xanh toàn cầu mà IUCN công nhận.
Theo định hướng mới của tỉnh, Vân Long sẽ phát triển theo hướng “sinh thái chậm”. Trong đó, ưu tiên trải nghiệm, gìn giữ bản sắc, không để du lịch làm mất đi sự yên ả vốn có. Các tour mới gắn với đời sống bản địa: chèo thuyền lúc bình minh, thăm làng làm lau khô, nghe chuyện đá vôi từ người già trong làng. Tất cả đều mang chất mộc, chậm mà sâu.
Cùng lúc, hạ tầng được nâng cấp đồng bộ: từ lối dẫn, bến thuyền, trung tâm hỗ trợ du khách, nhưng vẫn tuyệt đối giữ nguyên cảnh quan. Từng phiến đá, vạt lau, bến nước, tất cả đều được tính kỹ trong bản thiết kế. Nhưng nếu chỉ có thiết kế, chưa chắc giữ được hồn.

Người dân sống quanh khu vực tự bảo nhau kiểm tra sinh cảnh trong khu đầm ngập nước. Ảnh: Bảo Thắng.
Thứ giữ được Vân Long, suốt hơn hai thập kỷ, không phải là những con số đầu tư, càng không phải các quy hoạch bài bản trên giấy. Mà là những người như bà Mến, ông Quang, những con người biết cúi xuống nhặt rác, biết ngẩng lên chỉ cho du khách thấy dấu chim trời, vết chân voọc in trên mỏm đá vào buổi sớm tinh mơ. Họ giữ di sản như giữ ký ức của chính mình, và truyền lại nó bằng nhịp chèo chậm rãi, bằng cái nhìn lặng lẽ từ sau vành nón bạc màu.
Bọn trẻ lớn lên ở đây không học bảo tồn qua sách. Chúng học bằng cách cùng cha kéo thuyền, nghe bà kể chuyện voọc, và thấy mẹ mình lội qua rặng lau gom từng túi nylon. Đó là bài học sống động hơn mọi tấm pano treo ngoài cổng vườn quốc gia.
Một ngày nào đó, Vân Long có thể có thêm nhiều cầu gỗ, bến thuyền, trung tâm đón khách. Nhưng sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu thiếu đi cái cúi đầu nhẹ nhàng của người chèo đò khi gặp khách, hay cái vẫy tay tiễn biệt đầy lưu luyến của đứa trẻ đứng bên bờ lau.
Chiều buông. Mặt nước loang loáng ánh bạc. Từ phía chân núi đá, một tiếng voọc vọng lại như lời chào rất khẽ. Mái chèo chạm nước. Và ở đó, nơi lau sậy rì rào trong gió, vẫn có những con người đang âm thầm giữ bình yên cho “vịnh không sóng”, bằng đôi tay trần và một trái tim không cần lý do để yêu lấy vùng đất này.