Theo thống kê của Cơ sở dữ liệu Bảo vệ Hành tinh (năm 2015), diện tích các khu bảo tồn trên cạn, vùng nước nội địa, ven biển và biển của Việt Nam chỉ chiếm khoảng hơn 8% (gồm 7.58% khu bảo tồn trên cạn và vùng nước nội địa, 0.49% khu bảo tồn biển và ven biển), trong khi mục tiêu Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định - diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên đất liền phấn đấu đạt 9% diện tích lãnh thổ đất liền; diện tích các vùng biển, ven biển được bảo tồn đạt từ 3-5% diện tích vùng biển tự nhiên của quốc gia.

Khu Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Doi Chỏi, xã Phú Diên, huyện Phú Vang, thành phố Huế. Ảnh: WWF.
Trong Khung Đa dạng Sinh học Toàn cầu Côn Minh - Montreal (KMGBF) được các bên thông qua tại Hội nghị COP15 Công ước Đa dạng sinh học (CBD) năm 2022, OECM được xác nhận là một giải pháp khả thi bên cạnh các khu bảo tồn để đạt mục tiêu 30×30 (tới năm 2030, ít nhất 30% các khu vực trên cạn, vùng nước nội địa, ven biển và biển, đặc biệt là các khu vực có tầm quan trọng đặc biệt đối với đa dạng sinh học và các chức năng và dịch vụ hệ sinh thái, được bảo tồn và quản lý hiệu quả thông qua các hệ thống các khu bảo tồn đại diện sinh thái, được kết nối tốt và quản lý công bằng và các biện pháp bảo tồn khu vực hiệu quả khác).
Để góp phần đạt được các mục tiêu tham vọng hơn của KMGBF, Việt Nam cần chủ động thúc đẩy việc mở rộng các biện pháp bảo tồn ra ngoài các khu bảo tồn chính thức và áp dụng các biện pháp bảo tồn khu vực hiệu quả khác ngoài khu bảo tồn (OECM) để tạo cơ hội phát triển và mở rộng quy mô.
Bảo tồn, sinh kế, phục hồi hệ sinh thái rừng tự nhiên
Hiện nay, quy trình công nhận OECM dựa trên sự đồng thuận, tự nguyện của chủ sở hữu và không ràng buộc thay đổi về chủ thể quản lý hay phương thức quản lý. OECM giúp bổ sung cho mạng lưới các khu bảo tồn hiện có, ghi nhận vai trò và bảo vệ công sức của cộng đồng, các tổ chức tư nhân, địa phương và các bên liên quan khác cho dù diện tích khu vực thuộc quyền quản lý được sử dụng với mục đích khác.
Bên cạnh việc giúp nâng cao vị thế của các bên trong hoạt động bảo tồn, OECM cũng mở ra cơ hội phát triển các cơ chế tài chính bền vững từ nhiều nguồn. Qua đó, thúc đẩy sự tham gia đa bên trong quá trình hoạch định chính sách và thực hiện các mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học ở các cấp.

OECM bổ sung hiệu quả cho mạng lưới khu bảo tồn hiện có, ghi nhận và phát huy vai trò của cộng đồng và các bên liên quan trong bảo tồn đa dạng sinh học. Ảnh: WWF.
Việc công nhận và lồng ghép OECM vào hệ thống bảo tồn quốc gia giúp các cộng đồng và tổ chức địa phương tiếp cận dễ dàng hơn với các chương trình đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, cũng như cơ hội hợp tác với các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế. Nhờ đó, năng lực trong bảo tồn, giám sát đa dạng sinh học và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên sẽ được cải thiện, hiệu quả bảo tồn ngoài khu bảo tồn truyền thống được nâng cao.
OECM tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn và phát huy tri thức bản địa, là một phần không thể tách rời của các hệ sinh thái mà cộng đồng đang gìn giữ thông qua các hoạt động bảo tồn do cộng đồng dẫn dắt, các giá trị văn hóa, nghi lễ truyền thống, và mối quan hệ gắn bó giữa con người với thiên nhiên được duy trì và truyền lại cho thế hệ sau.
Các khu vực OECM, khi được công nhận chính thức, có thể đa dạng hóa sinh kế của cộng đồng và chủ thể quản lý theo hướng thân thiện với môi trường từ phát triển du lịch sinh thái, tăng thu nhập từ các dịch vụ môi trường, sản xuất nông - lâm - thủy sản bền vững.
Tiềm năng OECM tại thành phố Huế
Qua rà soát sơ bộ của WWF-Việt Nam, các khu vực rừng cộng đồng, khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản ngoài diện tích khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai (thành phố Huế) có nhiều tiềm năng trở thành các OECM. Ví dụ như Khu vực rừng cộng đồng tại thôn Lê Triêng II, xã Hồng Trung, huyện A Lưới với diện tích 675,4 ha (vào năm 2013) thuộc vùng đệm nằm ngoài Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền. Khu vực rừng này được phân định ranh giới địa lý rõ ràng, cónhiều loài động, thực vật nguy cấp quý hiếm như lim, sến, kiền kiền, giổi, nai, mang, gà lôi, ...Nhiều loài thực vật và động vật đang trên đà phục hồi với nỗ lực tuần tra, bảo vệ của cộng đồng địa phương.

Bản đồ một số OECM tiềm năng tại thành phố Huế. Ảnh: WWF.
Một khu vực khác tại địa bàn thành phố Huế là Khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản Doi Chỏi, xã Phú Diên, huyện Phú Vang, có diện tích khai thác sử dụng chung là 632,6ha và được UBND huyện Phú Vang giao cho Chi hội nghề cá Thạnh Mỹ - Phú Diên trực tiếp quản lý. Khu vực này không chỉ là nơi sinh sống của nhiều loài cá khác nhau như: cá đuối, cá cháo, cá thát lát, cá suốt, …mà còn là nơi cung cấp thức ăn và môi trường sống cho nhiều loài chim quý hiếm như: diệc lửa, cò trắng, cò ruồi, ó cá,...
Các khu vực này đều nằm ngoài các khu bảo tồn, được phân định ranh giới rõ rằng, có giá trị đa dạng sinh học cao đáp ứng yêu cầu của một ứng viên OECM tiềm năng. OECM cũng tạo điều kiện để thúc đẩy sự công nhận vai trò và đóng góp quan trọng trong quản lý tài nguyên đa dạng sinh học của các chủ thể quản lý ngoài hệ thống khu bảo tồn nhà nước, bao gồm cộng đồng địa phương, doanh nghiệp tư nhân, tổ chức xã hội và sự phối hợp giữa các chủ thể này.
Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực tăng cường bảo tồn gắn với phát triển bền vững, OECM cần được Chính phủ và các bên liên quan quan tâm đúng mức, đầu tư chính sách và nguồn lực phù hợp để phát huy hiệu quả tối đa. Bên cạnh đó, hợp tác đa bên, giữa cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức phi chính phủ, khu vực tư nhân và cộng đồng địa phương sẽ là chìa khóa để triển khai các mô hình OECM thí điểm, xây dựng hướng dẫn công nhận và cơ chế hỗ trợ cụ thể.
Tại Việt Nam chưa có khu vực nào chính thức được công nhận là OECM, mặc dù nhiều khu vực có tiềm năng. Quy hoạch Đa dạng sinh học quốc gia (2021-2030) đã xác định cụ thể các mục tiêu quan trọng như: chuyển tiếp 3 hành lang đa dạng sinh học hiện có, hình thành 7 hành lang đa dạng sinh học, 10 cảnh quan sinh thái quan trọng, 22 khu vực đa dạng sinh học cao, 10 vùng đất ngập nước quan trọng cấp quốc gia. Các khu vực này đều có tiềm năng lớn để công nhận là OECM.