Để giảm chi phí sản xuất, các nhà khoa học đã khuyến khích bà con nên thay thế phân DAP (nhập khẩu toàn bộ từ nước ngoài) sang các loại phân khác giá rẻ hơn mà hiệu quả sử dụng vẫn tương đương.
Thực tế sinh động
Tính đến cuối tháng 5 này, nông dân Kiên Giang đã xuống giống được 180 ngàn ha lúa hè thu, đạt gần 70% kế hoạch. Đây cũng là thời điểm chuẩn bị bón phân đợt 2 cho lúa. Theo tiến sĩ Trần Thanh Nam, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang, nếu nông dân bón phân đơn, thì tổng chi phí các loại phân bón cho 1 ha là 3.208.500 đồng. Trong khi đó, nếu bón phân có sử dụng DAP, thì chi phí phân bón lên tới 4.413.000 đồng/ha, cao hơn 1.204.500 đồng so với phương pháp trên, mà năng suất, chất lượng cây trồng lại như nhau. Về mặt kinh tế, bón phân đơn hiệu quả hơn hẳn.
Kỹ sư Lê Văn Tuyền, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Hiệp cho biết: Thông thường những năm trước nông dân ở đây sử dụng 180 kg urê + 100 kg DAP và 50 kg kali/ha/vụ, thì từ vụ hè thu này họ giữ nguyên lượng urê, kali nhưng thay thế 100 kg phân DAP bằng 300 kg super Lâm Thao hoặc Long Thành. Tính ra, giảm được 30% chi phí sản xuất. Lâu nay nhiều nông dân có thói quen sử dụng loại phân NPK 16-16-8 (16%/N + 16% P205 + 8% K20).
Như vậy, một bao DAP 50 kg để bón cho lúa có thể thay thế bằng 1 bao NPK 16-16-8 (50kg) cộng với 100 kg super lân (hoặc lân nung chảy). Ngoài tác dụng thay thế DAP, nếu sử dụng super lân hoặc lân nung chảy thì ngoài lân (P) các loại phân lân trên còn cung cấp thêm cho cây lúa các nguyên tố dinh dưỡng trung lượng khác như Ca, S, Si... Bổ sung các loại phân bón có chứa yếu tố silic làm tăng khả năng cứng cây, chống đổ ngã, tăng khả năng quang hợp, đồng thời cân đối dinh dưỡng. Bên cạnh đó, nông dân cũng nên sử dụng các loại phân bón chậm tan để cây trồng “tiêu hóa” một cách từ từ, qua đó tăng hiệu quả sử dụng chất dinh dưỡng, giảm chi phí.
Nông dân hưởng ứng
Anh Bùi Hoàng Cần, nông dân ấp Kiên Bình, xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất, nói: Thực ra, ngay từ vụ ĐX 2007 – 2008, gia đình tôi đã áp dụng biện pháp bón đơn để giảm tỷ lệ DAP. Kinh nghiệm cho thấy, vụ hè thu thời tiết thất thường, xâm nhập mặn, mưa bão nên chi phí sản xuất tăng gấp rưỡi, thậm chí có nơi gấp đôi vụ đông xuân, chủ yếu về phân bón. Thế nên, thay thế DAP bằng các loại phân khác nhưng năng suất, sản lượng lúa vẫn bảo đảm là điều cần thiết, rất có lợi cho nông dân. Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ nhiệm HTXNN kênh 3A, xã Tân An, huyện Tân Hiệp, cho rằng: Trong tình hình giá phân bón tăng cao, hầu hết bà con xã viên của 41 HTXNN trên địa bàn huyện đã chủ động thay DAP theo hướng dẫn nêu trên. Ước tính, chỉ riêng vụ hè thu này, Tân Hiệp giảm hơn 20 tỷ đồng chi phí phân bón.
PGS.TS Nguyễn Bảo Vệ, Trưởng bộ môn Khoa học và Cây trồng, Trường Đại học Cần Thơ, nói: Thực tế cho thấy, với hơn nửa triệu ha đất canh tác lúa 2 vụ/năm, hiệu suất sử dụng đạm của nông dân tỉnh Kiên Giang mới chỉ đạt mức 35 – 40%, và lân từ 40 – 45%. Như vậy, nếu tăng được hiệu suất sử dụng đạm và lân, thì sẽ tiết kiệm được hàng trăm ngàn USD/vụ, thay vì phải nhập khẩu phân DAP, hạn chế được ô nhiễm môi trường. Song, cái khó là phải làm cho nông dân thấy tận mắt để họ làm theo. Thế nên, các Trung tâm Khuyến nông của tỉnh cần nhân rộng mô hình, có thêm các điểm trình diễn và tăng cường tập huấn giúp bà con nắm bắt được những tác dụng của việc thay thế DAP.