| Hotline: 0983.970.780

Niềm vui ngắn chẳng tày gang

Thứ Sáu 23/05/2025 , 06:29 (GMT+7)

HÀ TĨNH Lúa vụ xuân 2025 đạt năng suất cao nhưng thời tiết những ngày gần thu hoạch mưa giông, gió lốc khiến niềm vui của bà con ngắn chẳng tày gang.

Cánh đồng lúa vàng ruộm ở thôn Vĩnh An, xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) những ngày này nhộn nhịp tiếng máy gặt cả ngày lẫn đêm. Do số lượng máy ít, trong khi nhu cầu thu hoạch cấp bách nên việc tranh thủ gặt đêm là giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo lịch thời vụ sản xuất hè thu.

Để tránh nắng nóng, bà con tranh thủ gặt đêm nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hoạch. Ảnh: Thanh Nga.

Để tránh nắng nóng, bà con tranh thủ gặt đêm nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hoạch. Ảnh: Thanh Nga.

8h tối ngày 20/5, 3 thành viên gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng nhanh chóng có mặt ở cánh đồng ngay cạnh tỉnh lộ 550 để chờ tới lượt máy gặt thu hoạch diện tích lúa của nhà mình. Theo ông, ban ngày số hộ đặt lịch máy gặt nhiều nên phải xếp lịch tranh thủ vào buổi đêm. Với 4 sào của gia đình, thời gian gặt chỉ vài giờ đồng hồ, giá thuê máy là 150.000 đồng/sào.

“Năm nay lúa vùng này được mùa. Như gia đình tôi ước đạt 3,3 – 3,4 tạ/sào lúa tươi. Tôi sẽ để lúa lại ăn một nửa, còn một nửa đem bán, bù chi phí đầu tư”, ông Hoàng nói.

Là một trong những địa phương được xem là vựa lúa của Hà Tĩnh, vụ xuân năm 2025, huyện Can Lộc gieo cấy trên 9.100ha, trong đó có hơn 3.000ha sản xuất tập trung. Năm nay, Can Lộc tiếp tục sử dụng các giống chủ lực, phù hợp thổ nhưỡng địa phương, có ưu thế vượt trội về năng suất và chất lượng như Nếp 98, Hà Phát, VNR20, Bắc Thịnh...

Theo lãnh đạo huyện Can Lộc, từ ngày 13/5, một số địa phương bắt đầu gặt, đến nay đã thu hoạch đạt hơn 2.000ha, tập trung tại các xã Phú Lộc, Xuân Lộc, Kim Song Trường, Khánh Vĩnh Yên, Thiên Lộc... Qua đánh giá bước đầu, năng suất bình quân toàn huyện ước đạt 64 tạ/ha, cao hơn vụ xuân năm 2024 là 0,54 tạ/ha, lúa gặt xong được thương lái thu mua ngay tại ruộng với giá 7.000/kg, cao hơn cùng kỳ năm trước gần 1.000 đồng/kg.

Chị Nguyễn Thị Huyền ở xã Khánh Vĩnh Yên phấn khởi chia sẻ: “Năm nay gia đình sản xuất gần 1ha lúa Nếp 98 và Bắc Thịnh. Thời tiết nhiều thời điểm tuy không thuận lợi, sâu bệnh nhiều nhưng chúng tôi phòng trừ kịp thời nên kết quả thu hoạch đạt cao. Ước năng suất lúa tươi đạt khoảng 80 tạ/ha, giá bán tại ruộng trên dưới 7.000 đồng/kg, như vậy trừ chi phí đầu tư, gia đình còn lãi hơn 30 triệu đồng”.

Nhiều diện tích lúa bị đổ khiến niềm vui nông dân không trọn vẹn. Ảnh: Thanh Nga.

Nhiều diện tích lúa bị đổ khiến niềm vui nông dân không trọn vẹn. Ảnh: Thanh Nga.

Cùng chung niềm vui được mùa, ông Nguyễn Thế Minh, cùng trú xã Khánh Vĩnh Yên cho biết, với năng suất và giá cả như hiện tại, nông dân không chỉ đảm bảo lương thực ăn cả năm mà còn có thêm thu nhập để đóng tiền học cho con và đầu tư sản xuất vụ hè thu sắp tới.

Trái ngược với sự phấn khởi của nông dân Thạch Hà, Can Lộc, không ít bà con ở huyện Hương Sơn nuối tiếc khi “trời cho chộ (thấy) mà không cho ăn”, bởi cách đây khoảng 1 tuần, hàng trăm ha lúa sắp đến ngày thu hoạch ở các xã Sơn Bằng, Tân Mỹ Hà, An Hòa Thịnh, Châu Bình… bị gió lốc xô đổ, ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng.

Ông Nguyễn Hữu Đông, Chủ tịch UBND xã An Hòa Thịnh cho hay, vụ xuân năm nay toàn xã sản xuất 530ha lúa, năng suất thu hoạch ước chỉ đạt khoảng 55 tạ/ha, giảm hơn 4 tạ/ha so với vụ xuân năm 2024.

Việc thu hoạch lúa bị ngã đổ gặp khó khăn, đội chi phí. Ảnh: Thanh Nga.

Việc thu hoạch lúa bị ngã đổ gặp khó khăn, đội chi phí. Ảnh: Thanh Nga.

“Đáng ra là được mùa nhưng vì gặp gió lốc nên khoảng 200ha lúa của 19 thôn đều bị đổ ngã, ảnh hưởng năng suất. Chưa kể chi phí thu hoạch của bà con cũng bị đội lên từ 50.000 – 60.000 đồng/sào nên tính ra lợi nhuận không đáng kể”, ông Đông nói.

Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Hà Tĩnh, đến ngày 21/5, toàn tỉnh đã thu hoạch được gần 7.000ha lúa, năng suất ước đạt 61,75 tạ/ha (vụ xuân 2024 đạt 61,18 tạ/ha). Các huyện Can Lộc, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh… tiếp tục giữ tốp đầu về năng suất.

Xem thêm
Cần chuyển từ lượng sang chất và giá trị gia tăng trong chăn nuôi gia cầm

Ngành gia cầm Việt Nam cần chuyển sang tư duy kinh tế để đảm bảo phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế trong và ngoài nước.

Doanh nghiệp 'khát' nhân sự thú y

ĐBSCL Do nguồn cung nhân lực thú y hạn chế, đồng thời yêu cầu tuyển dụng cao và thị trường lao động cạnh tranh khiến doanh nghiệp khó giữ chân người giỏi.

Hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ canh tác sầu riêng

ĐẮK LẮK Chiều 12/5, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk ký hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong canh tác sầu riêng.

Tối ưu vận hành liên hồ chứa bằng công nghệ và dữ liệu

Khi tài nguyên nước trở nên khan hiếm và biến động khó lường, ngành thủy lợi chủ động tái cấu trúc cách thức quản lý dựa trên nền tảng công nghệ và dữ liệu.

'Hồi sinh' giống lúa mùa đặc sản quý hiếm

LONG AN Từ những dòng gen sót lại trên vùng trũng nhiễm phèn ở vùng biên giới Long An, các nhà khoa học phục tráng thành công giống lúa huyết rồng bản địa quý hiếm.

Nuôi biển tiên tiến - xu hướng tất yếu: [Bài cuối] Nhà khoa học đồng hành

Theo PGS.TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, việc nuôi biển xa bờ ứng dụng công tiên tiến, công nghệ cao là xu hướng và tất yếu.

Trồng đưng ở đầm ngập mặn

Đầm ngập mặn ở Phổ Thạnh đang dần được phủ xanh bởi những cây đưng, giúp bảo vệ đất, tạo ra môi trường thuận lợi để sản xuất muối sạch, chất lượng cao.