| Hotline: 0983.970.780

Tàu cá thiếu lao động trầm trọng: [Bài 1] Nghề nguy hiểm, thu nhập thấp

Thứ Hai 21/04/2025 , 07:04 (GMT+7)

Nghề biển được xem là 'nghề nguy hiểm' bởi rủi ro luôn rình rập, thu nhập lại bấp bênh khiến lao động chẳng còn mấy ai tha thiết gắn bó.

Hiểm nguy rình rập

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Định, hiện tỉnh này gần 6.000 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên được đăng ký tham gia hoạt động khai thác; trong đó, vùng bờ có  hơn 1.900 tàu, vùng lộng 847 tàu và vùng khơi hơn 3.200 tàu. Với lực lượng tàu cá kể trên, ngành khai thác thủy sản Bình Định phải cần đến khoảng 45.000 lao động nghề biển.

“Tàu cá đánh bắt xa bờ hiện đang thiếu lao động đi biển trầm trọng. Tùy nghề, mỗi tàu cần có từ 6-15 lao động phục vụ trong mỗi chuyến biển. Ví như nghề câu cần 5-6 lao động, nghề lưới vây thì cần từ 12-15 lao động mới đủ nhân lực hành nghề”, ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, cho biết.

Ông Bình cho rằng, nguyên nhân thiếu lao động đi biển là do nghề đi biển vất vả, nguy hiểm mà thu nhập không cao hơn các nghề khác. Thêm vào đó, gần đây ngành công nghiệp phát triển mạnh, mọc lên nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp tạo ra nhiều việc làm, nhiều lao động bỏ biển lên bờ kiếm việc làm. Trước đây, nghề biển là nghề cha truyền con nối, con trai mới khoảng 15 tuổi đã theo cha đi biển. Bây giờ, con cái các ngư phủ không còn được ông cha khuyến khích theo nghề biển mà cho học hành đến nơi đến chốn, rồi kiếm việc làm ở thành phố.

Một nguyên nhân khác khiến lao động nghề biển bị thiếu là do nghề này rủi ro, nguy hiểm bủa vây. Có thời điểm nghề cá ở Bình Định báo động tình trạng tai nạn tàu cá. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn tàu cá được ngành chức năng xác định do biển Đông là luồng hàng hải quốc tế, tàu thuyền đi lại rất nhộn nhịp, nên nhiều tàu khai thác tại các khu vực đan xen giữa ngư trường khai thác và tuyến đường hàng hải dẫn đến dễ xảy ra tai nạn đâm va, đặc biệt là vào ban đêm.

Nghề lưới vây phải cần đến từ 12-15 lao động mới đủ phục vụ một chuyến biển: Ảnh: V.Đ.T.

Nghề lưới vây phải cần đến từ 12-15 lao động mới đủ phục vụ một chuyến biển: Ảnh: V.Đ.T.

Thêm nữa, ngư trường đánh bắt ở những vùng biển xa bờ thường xuyên phải đối mặt với bão tố và lốc xoáy. Trong khi chiếm trên 97% tàu cá của Bình Định là tàu vỏ gỗ, trong đó có hơn 35% số tàu đã “già nua”, có hơn 10 năm hoạt động nên đã rệu rã. Tàu cá có độ tuổi trên 10 năm là đã tiềm ẩn nguy hiểm về tính liên kết, sức bền của kết cấu thân tàu, cũng như khả năng chịu tác động của sóng gió và ngoại lực bên ngoài. Máy chính được lắp đặt trên tàu cá tại Bình Định chiếm phần lớn là máy cũ đã qua sử dụng. Chất lượng kém của máy tàu thường gây ra những hỏng hóc bơm cao áp, nghẹt kim phun; hỏng bơm nước biển, thiếu nhớt, hư hỏng hộp số… dẫn tới tàu bị sự cố khi đang hoạt động trên biển.

“Trước những thực tế kể trên, lao động nghề biển ngày càng hao hụt, khiến tàu cá ngày càng thiếu bạn thuyền. Tuy nhiên, nhờ các chủ tàu cá năng động, tìm mọi cách lôi kéo bạn thuyền để tàu không phải nằm bờ. Nhờ đó, sản lượng khai thác thủy sản trong 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt hơn 62.000 tấn, đạt 21,45% kế hoạch năm, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Trong đó, cá ngừ đại dương đạt  hơn 3.900 tấn, đạt 28,11% kế hoạch năm”, ông Nguyễn Công Bình cho hay.

Thu nhập bèo bọt

Thường xuyên đối mặt với hiểm nguy là vậy nhưng thu nhập của lao động đi biển rất bèo bọt. Bởi, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, trong khi tàu cá đánh bắt xa bờ ngày càng nhiều nên sản lượng đánh bắt của tàu cá ngày càng suy giảm, dẫn tới thu nhập của thuyền viên kém theo.

Ngư dân Trần Văn Thiện, chủ tàu cá BĐ 97665 TS hành nghề câu cá ngừ đại dương kiêm nghề mành chụp ở phường Hoài Hương (thị xã Hoài Nhơn) cho biết, thu nhập của nghề đánh bắt hải sản ngày càng ít ỏi. Do biển càng ngày càng “vắng” cá nên tàu chạy lòng vòng cả ngày chẳng tìm ra luồng cá nào. Bên cạnh đó, thời tiết ngày càng bất thuận, biển đầy sóng gió nên tàu chạy rất hao nhiên liệu, trong khi sản lượng đánh bắt thấp nên chuyến biển nào đủ bù tổn đã là may mắn.

Lao động đi biển vất vả, nguy hiểm mà thu nhập không cao hơn các nghề khác. Ảnh: V.Đ.T.

Lao động đi biển vất vả, nguy hiểm mà thu nhập không cao hơn các nghề khác. Ảnh: V.Đ.T.

“Chuyến biển trước tàu của tôi cập bờ sau Tết Nguyên đán bị lỗ mất 50 triệu đồng. Chuyến biển ấy tôi mua 4,7 tấn dầu, chi phí hơn 93 triệu đồng và mua 650 cây đá cùng sắm lương thực thực phẩm cho thuyền viên hết gần 150 triệu đồng. Chuyến biển ấy tàu của tôi đánh bắt được hơn 3 tấn mực xà và hơn 1 tấn cá ngừ đại dương, mực xà bán được 25.000đ/kg còn cá ngừ đại dương bán được 95.000đ/kg, tổng thu được 156 triệu đồng, chỉ mới đủ bù tổn, còn tiền “mua bạn” gần 50 triệu đồng kể như tôi bị lỗ đứt”, anh Thiện chia sẻ.

Những năm gần đây, nghề đánh bắt xa bờ không còn như xưa là thuyền viên được chia phần tùy theo sản lượng đánh bắt. Khi ấy nguồn lợi thủy sản trên biển còn dồi dào, sản lượng đánh bắt mỗi chuyển biển rất đạt nên thuyền viên được chia tiền “đi bạn” khá nhiều, đủ bù công sức lao động họ bỏ ra.

Những năm gần đây hầu hết tàu cá sản lượng đánh bắt không đạt, thậm chí có nhiều chuyển biển chủ tàu phải chịu lỗ tổn nên không có lãi để chia cho thuyền viên đi bạn. Do đó, hiện nay trước mỗi chuyến biển chủ tàu phải “mua bạn” theo hình thức đưa trước cho mỗi thuyền viên mỗi người 5-7 triệu đồng. Nếu chuyến biển ấy tàu đánh bắt đạt sản lượng cao, trừ tiền phí tổn chủ tàu còn lãi nhiều, thuyền viên vẫn được chia phần trong thu nhập của chuyến biển mà không phải trừ số tiền ứng trước. Nếu chuyến biển ấy chủ tàu bị lỗ tổn thì thuyền viên cũng không phải trả lại tiền đã được ứng trước.

Anh Long, một lao động nghề biển, tâm sự: “Thu nhập nghề biển bây giờ thất bát lắm, lúc được lúc không. Lúc được thì mỗi thuyền viên đi bạn nhận được 5-7 triệu đồng. Nếu biển không có cá, chủ tàu neo tàu nằm bờ thì lao động nghề biển cũng đành ở không cả mấy tháng trời. Những lao động nghề biển khi lên bờ thì không biết việc gì làm”.

Theo ông Trần Văn Thiện, chủ tàu cá BĐ 97665 TS, thời gian gần đây, do đánh bắt không đạt sản lượng nên thu nhập của lao động nghề biển thấp quá, nhiều lao động trẻ không trụ được với nghề nên đầu quân vào các khu công nghiệp làm công nhân có thu nhập ổn định hơn, khiến nghề biển thiếu lao động trầm trọng, chủ tàu muốn có thuyền viên phải “mua bạn”.

“Trước đây, thuyền viên làm việc trên các tàu cá người ta gọi là đi bạn, bởi thuyền viên gắn bó cả trong quá trình làm nghề. Còn bây giờ, sự gắn bó ấy đã không còn, nên chủ tàu muốn có thuyền viên phải “mua bạn”, có nghĩa là đưa trước họ một số tiền để họ đi bạn cho tàu của mình, sau mỗi chuyến biển họ còn được chia phần nếu tàu đánh bắt có lãi”, ông Thiện giải thích.

“Về lâu dài, cần có chính sách giảm bớt số lượng tàu thuyền, đặc biệt là nghề cá ven bờ; đào tạo chuyên môn hóa, ứng dụng công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại nhằm giảm bớt sức người trong nghề đánh bắt thủy sản để giải quyết tình trạng thiếu lao động nghề biển”, ông Nguyễn Công Bình, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Bình Định.

Xem thêm
Giảm 2.000 đàn ong do mưa rét kéo dài

HÀ TĨNH Do ảnh hưởng thời tiết mưa rét kéo dài, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) giảm 2.000 đàn ong so với năm 2024.

Hợp tác nhiều bên phòng chống hiệu quả bệnh dại

5 năm qua, sự hợp tác giữa địa phương, tổ chức chuyên môn, doanh nghiệp, chủ nuôi, cộng đồng… đã tạo nên thành công trong phòng chống bệnh dại ở Đức Huệ, Long An.

Ngư dân 'giải nghệ', trồng dừa làm giàu

BÌNH ĐỊNH Khi nghề biển cho thu nhập bấp bênh, ông Thâm liền ‘giải nghệ’ về làm nông với 100 cây dừa xiêm và 1.500m2 đất trồng rau, mỗi năm kiếm trên 200 triệu đồng.

Tổ khuyến nông cộng đồng 'gần dân, sát ruộng, am hiểu thực tiễn'

TRÀ VINH Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã là lực lượng nòng cốt trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Ruộng đồng nứt nẻ, nguy cơ hạn hán diện rộng tại Bắc Kạn

Bắc Kạn Nhiều cánh đồng tại tỉnh Bắc Kạn không có nước, mặt đất nứt nẻ, người nông dân không thể trồng cấy, nếu không có mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Lúa khỏe, người khỏe, chi phí giảm nhờ drone

Nông dân ngày nay có thể kiểm soát dịch hại từ xa bằng drone, vừa giảm công lao động, tăng hiệu quả, hạn chế rủi ro về sức khỏe và ô nhiễm môi trường.

Uông Bí tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững

QUẢNG NINH Năm 2025, TP Uông Bí đặt mục tiêu trồng mới 2.000 ha rừng, trong đó 101 ha là rừng cây gỗ lớn, bản địa.