Đặc điểm thực vật và công dụng: Muồng hoàng yến (các tỉnh Nam bộ còn gọi là cây bò cạp nước) có tên khoa học là Cassia fistolusa L.là loại cây gỗ trung bình, cao 2-6m, có khi cao tới 10-15m; đường kính thân 40-45cm, thường xanh hay rụng lá, tán rộng, thưa. Hoa vàng màu hoàng yến, mọc thành chùm dài 20-40cm, rủ xuống như hoa phong lan rất đẹp. Quả hình trụ, lúc còn non có màu xanh, khi già màu nâu đen nhạt và mở ra dài 20-60cm, rộng 1,5-2cm, chứa nhiều hạt. Hạt dẹt, cứng, hình bầu dục, màu nâu, dài 8-9mm, rộng 5mm. Muồng hoàng yến thuộc loại cây họ đậu, gốc nhiệt đới, ở nước ta chủ yếu phân bố trong các cánh rừng nửa khô hạn và rừng rụng lá mùa khô có nhiệt độ bình quân 250C, nhiệt độ trung bình thấp nhất 20,50C (vào tháng Giêng), nhiệt độ trung bình cao nhất 280C (tháng 5), tối cao 38-400C và nhiệt độ tối thấp 14-180C; lượng mưa bình quân cao hơn 1.250mm và mùa khô kéo dài 4 tháng ở 3 tỉnh vùng Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai và Đắc Lắc. Muồng hoàng yến có thể mọc trên nhiều loại đất khác nhau: Từ đất tốt, thường xuyên ẩm đến đất khô định kỳ nhưng phải thoát nước tốt, không chịu được úng ngập.
Do là loài cây gỗ cho hoa đẹp, có hương thơm hấp dẫn nên hiện nay muồng hoàng yến bắt đầu được trồng nhiều như một loại cây cảnh để trang trí cho đường phố, công viên ở các thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Bình Dương… Ngoài giá trị làm cây cảnh, muồng hoàng yến còn cho gỗ tốt, có giác, lõ phân biệt, cứng và nặng nên được sử dụng làm các công cụ, đồ gia dụng, trong xây dựng. Vỏ chứa nhiều chất tannin được sử dụng làm dược liệu. Là loại cây họ đậu nên muồng hoàng yến còn được sử dụng làm cây chắn gió cho các đai rừng trồng cây ăn quả hoặc cây cải tạo đất rất tốt.
Kỹ thuật gieo trồng:
- Thu hạt: Vào cuối năm, khi thấy quả có màu nâu đậm, khô là lúc thu hạt tốt nhất. Hạt khá nhẹ (5.700-10.400 hạt/kg), có thể bảo quản được tới 2-3 năm trong lọ kín. Kinh nghiệm cho thấy gieo hạt muồng bảo quản sau 1-2 năm nẩy mầm tốt hơn hạt tươi. Ngâm hạt trong nước nóng 48-520C (2 sôi, 3 lạnh) khoảng 5 phút, vớt ra rửa sạch, đem ủ trong vảI ẩm cho nứt nah rồi mới gieo.
- Gieo ươm cây con: Gieo hạt trên luống với khoảng cách 25 x 25cm hoặc trong các túi bầu nilon 10 x 12cm có chứa hỗn hợp đất, phân chuồng hoai mục. Thường xuyên tưới đủ ẩm, làm cỏ, chăm sóc và làm giàn che bớt ánh sáng trực xạ cho tới khi cây con cao 50-60cm, đường kính thân 0,3-0,5cm, có 2-3 cặp lá ổn định (khoảng 1 năm) thì đem trồng. Nếu nhân giống với số lượng ít có thể lấy đoạn stump có chiều dài chồi 25cm, rễ dài 20cm, đường kính cổ rễ xấp xỉ 1cm hoặc bằng đoạn chồi rễ dài 10cm, đường kính khoảng 1cm.
Cách trồng: Nếu trồng thành rừng thuần để lấy gỗ thì trồng với khoảng cách ban đầu 1,5 x 1,5m hoặc 2,5 x 2,5m rồi dần dần tỉa thưa; nếu trồng thành cây cảnh ở đường phố, công viên thì có thể trồng với khoảng cách cây cách nhau 5-7m. Có thể trồng quanh năm nếu điều kiện tưới tiêu và che chắn được đảm bảo (trồng làm cảnh) hoặc thời vụ tốt nhất là các tháng đầu mùa mưa (với trồng thành rừng thuần loài hay làm đai rừng chắn gió, cải tạo đất…).
Nguyên Khê