| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh kiến tạo kinh tế xanh bền vững

Thứ Tư 02/07/2025 , 10:28 (GMT+7)

Hơn 22.700 ha rừng đã được trồng mới sau bão Yagi. Quảng Ninh không chỉ phủ xanh đất trống mà còn dựng xây một nền kinh tế rừng đa giá trị.

Người dân tham gia Tết trồng cây năm 2025. Ảnh: Nguyễn Thành.

Người dân tham gia Tết trồng cây năm 2025. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hồi sinh màu xanh những cánh rừng

Quảng Ninh vốn tự hào sở hữu hơn 434.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, tỷ lệ che phủ gần 55%. Thế nhưng bão Yagi càn quét khiến toàn tỉnh giảm 15% độ che phủ, để lại những triền núi trơ gốc và nỗi lo sinh kế cho hàng vạn hộ dân. Hết bão, tỉnh lập tức đặt mục tiêu trồng mới hơn 32.000 ha rừng trong năm 2025. Đến hết tháng 5, con số hoàn thành đã chạm mốc 22.700 ha.

Chị Vi Thị Hiền ở xã Hải Hòa đã trồng xong 2ha keo trong những ngày mưa cuối tháng 5. “Trời ẩm là phải tranh thủ, cây giống khoẻ hơn, lại đỡ tốn công tưới. Có rừng là có tương lai, mình không thể chậm tay”, chị Hiền chia sẻ.

Tại huyện Ba Chẽ cũ (nay là xã Ba Chẽ, một phần xã Kỳ Thượng và Lương Minh), “thủ phủ” trồng rừng của tỉnh Quảng Ninh, công cuộc tái thiết rừng được tập trung triển khai từ đầu năm. Trong quý I, các xã đã trồng trên 4.000 ha, đạt 80% kế hoạch cả năm và gấp gần 3 lần cùng kỳ.

Ông Chìu Văn Quỳnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Chẽ, cho biết, đơn vị sẽ trồng mới 400ha rừng trong năm nay, đồng thời ươm khoảng 8 triệu cây giống từ vườn ươm của chính công ty, phần còn lại mua ngoài để “lấp” gần 3.500 ha rừng gãy đổ sau bão: “Rừng chết ở đâu, chúng tôi trồng lại ở đó và trồng thêm cây gỗ lớn, cây bản địa để rừng mạnh hơn, bền vững hơn,” ông Quỳnh nói.

Từ cây giống đến chiến lược kinh tế rừng

Quảng Ninh hiện có 144 vườn ươm, công suất ước đạt 100 triệu cây giống mỗi năm. Riêng Trung tâm Khoa học và Sản xuất lâm, nông nghiệp tỉnh đang đẩy mạnh sản xuất 2,5–3 triệu cây mô, trong đó 1,5 triệu cây đưa thẳng ra vườn ươm.

Quảng Ninh tập trung sản xuất và nâng cao chất lượng giống cây lâm nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thành.

Quảng Ninh tập trung sản xuất và nâng cao chất lượng giống cây lâm nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thành.

Nguồn giống dồi dào tạo đà cho chiến dịch trồng rừng, nhưng mục tiêu không dừng ở con số. “Chúng tôi kiểm soát chặt chất lượng giống, ưu tiên keo lai mô, quế, thông và cây bản địa năng suất cao. Rừng phải vừa xanh vừa nuôi sống dân”, ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Ninh, khẳng định.

Theo ông Văn, Sở đang phối hợp các địa phương rà soát hồ sơ, trình tỉnh thanh lý nhanh diện tích rừng hư hại để dọn hiện trường trồng mới. Mọi khâu mua bán giống đều “soi” kỹ, ngăn đầu cơ giá, tránh cây kém chất lượng len lỏi vào 32.000 ha trồng mới. “Khâu giống mà lỏng tay thì rừng gãy đổ lần thứ hai. Chúng tôi tuyệt đối không cho phép”, Phó Giám đốc Sở nhấn mạnh.

Trong khi đó, lĩnh vực rừng phòng hộ và đặc dụng cũng được làm giàu bằng cây bản địa, cây gỗ lớn theo Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh. Dự án trồng rừng ngập mặn tại các địa phương ven biển giúp tăng khả năng chắn sóng, chống xói lở và tạo sinh kế nuôi thủy sản dưới tán đước, sú. Những cánh rừng đa mục tiêu này từng bước hiện thực hóa kinh tế dưới tán rừng, từ khai thác mật ong, trồng dược liệu, tới dịch vụ homestay, du lịch sinh thái.

Đến thời điểm hiện tại, bão Yagi chỉ còn là ký ức đau đáu của một giai đoạn. Trên những sườn núi, cây giống đã ngậm chồi non xanh mướt. Bức tranh tái sinh không chỉ là gam màu của cây cối mà còn là câu chuyện đổi đời của bao phận người gắn với rừng.

Quảng Ninh đang chứng minh rằng trồng rừng không chỉ để xanh lại bề mặt, mà để kiến tạo một nền kinh tế rừng bền vững. Khi 32.000 ha rừng mới trút bóng mát và chứng chỉ FSC được gắn lên sản phẩm gỗ, những chuyến xuất khẩu sẽ mang lại nguồn thu lớn cho đất mỏ Quảng Ninh. Và người dân sẽ là nhân chứng sống cho hành trình hồi sinh ấy.

Xem thêm
Nuôi con 'quẳng quẳng' đẻ ra con 'nẽ'

Đến xứ Mường Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ tôi mới biết đến nghề nuôi con “quẳng quẳng” để đẻ ra con “nẽ”, thứ đặc sản ở đây mà người Kinh gọi là con sâu cọ.

Bám bản, bám dân đẩy lùi dịch bệnh cho gia súc

HÀ GIANG Suốt 5 năm qua, Hà Giang không xuất hiện dịch lở mồm long móng nhờ làm tốt công tác tiêm phòng, bám sát từng thôn bản, hộ chăn nuôi.

Nông nghiệp sinh thái: Cần thu hẹp khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn

Chuyển đổi nông nghiệp sinh thái là hướng đi tất yếu cho ngành hàng lúa gạo ĐBSCL, song để hiện thực hóa cần chính sách hỗ trợ đủ mạnh cho lực lượng sản xuất nòng cốt.

Mô hình thâm canh ngô khiến nông dân Lào mê tít

Tháng 10/2024, Trung tâm Khuyến nông Bình Định sang tỉnh Salavan (Lào) xây dựng mô hình thâm canh cây ngô. Mô hình đã làm thay đổi thói quen canh tác của người dân nước bạn.

Hải Phòng tìm cách phát huy các 'mỏ vàng' nông nghiệp

Sở hữu tiềm năng lớn từ vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên đến con người, nhưng phát triển sản xuất nông nghiệp Hải Phòng được đánh giá chưa tương xứng với tiềm năng.

Trồng nấm linh chi cho lợi nhuận như mơ nhờ làm chủ công nghệ

HẢI PHÒNG Bằng công nghệ tự động và sản xuất theo quy trình VietGAP, một mô hình trồng nấm linh chi tại quận An Dương đã cho lợi nhuận ngoài mong đợi.

Phát hiện 2 tàu cá công suất lớn vi phạm 'kép' trên vịnh Bắc Bộ

Hai tàu cá công suất lớn ở Quảng Ngãi vi phạm vùng lộng, nghề kéo đôi tại vịnh Bắc Bộ bị Kiểm ngư Vùng I phát hiện và bàn giao cho địa phương xử lý.

Bình luận mới nhất