
Cây ca cao sinh trưởng, phát triển tốt trên vùng đất khô cằn xã Pờ Tó. Ảnh: Tuấn Anh.
Phủ xanh vùng đất khô cằn
Xã Pờ Tó (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) từng được mệnh danh là “hốc Pờ Tó”, nơi cuộc sống gần như tách biệt với bên ngoài, không điện, không đường, không trường học. Khoảng 10 năm trở lại đây, Pờ Tó được đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng với hệ thống điện, đường, trường, trạm. Đồng thời, Pờ Tó thực hiện kế hoạch giãn dân, xây dựng các tuyến đường nông thôn, cấp đất cho người dân canh tác. Tuy nhiên, nơi đây vẫn được biết đến là vùng đất khô cằn, nắng và gió, người dân chủ yếu trồng mía, khoai mì (sắn), đời sống còn nhiều khó khăn.
Nhưng rồi, giữa vùng đất khô cằn đó, vài năm trở lại đây xuất hiện nông trại rộng hàng chục ha xanh mướt với đủ loại cây trái. Và ở đó, có một cây trồng chủ lực mang đến hi vọng trong tương lai cho người dân, đó là cây ca cao.
Vùng đất “hốc Pờ Tó dễ vào khó ra” ngày ấy đang rất thành công với mô hình trồng cây ca cao do Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (tỉnh Đồng Nai) triển khai từ giữa năm 2021 trên diện tích 18ha.
Anh Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức bộc bạch: “Cây ca cao bén rễ với đất Pờ Tó như một cơ duyên và thực tế cây trồng này đang chứng minh có thể phát triển rất tốt trên vùng đất mà nhiều người vẫn còn hoài nghi”.

Cây ca cao cho thu hoạch quanh năm. Ảnh: Tuấn Anh.
Anh Khanh kể, cơ duyên đưa cây ca cao về vùng đất Pờ Tó thật tình cờ. Năm 2016, sau lần đi giao cây giống ca cao sang Lào và Campuchia, anh có dịp ghé qua xã Pờ Tó, nơi mà diện tích đất trống còn nhiều, có thể thực hiện việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp rất thuận lợi. Bên cạnh đó, vùng đất Pờ Tó có nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm rất cao, lượng mưa ít, điều này rất phù hợp cho việc chế biến ca cao.
Càng đi sâu vào khảo sát, anh Khanh nhận thấy vùng đất Pờ Tó có hơn 90% là người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, anh quyết tâm đưa cây ca cao về vùng đất này để chứng minh cho người dân thấy được nếu biết đầu tư làm bài bản sẽ có thể phát triển bền vững, cho lợi nhuận cao. Mặt khác, anh cũng muốn giúp người dân từng bước chuyển đổi cây trồng như mía, khoai mì kém hiệu quả sang trồng ca cao.
“Đến nay, có thể khẳng định cây ca cao phát triển rất tốt trên vùng đất xã Pờ Tó, cho năng suất trung bình từ 15 - 20 tấn quả tươi/ha. Cùng với giá đang tăng cao (khoảng 15.000 đồng/kg), cây ca cao cho thu nhập trung bình hơn 200 triệu/ha, cao hơn rất nhiều so với nhiều cây trồng khác”, anh Khanh chia sẻ.

Cây ca cao rất phù hợp với khi hậu, thổ nhưỡng ở Pờ Tó. Ảnh: Tuấn Anh.
Giữa cái nắng chói chang của ngày hè tháng 4, chúng tôi có dịp ghé thăm nông trại ca cao của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức. Cây ca cao nơi đây đã được mở rộng diện tích lên 30ha và được trồng xen với nhiều cây ăn quả khác.
Dẫn chúng tôi dạo quanh nông trại, anh Võ Văn Quý, quản lý khu vực Gia Lai của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức cho biết, ca cao là cây có rễ yếu, không thích hợp với vùng gió mạnh, Vì vậy, đơn vị đã trồng xen nhiều loại cây để vừa chắn gió vừa giúp lấy ngắn nuôi dài.
Anh Quý cho biết, cây ca cao khá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại Pờ Tó, dễ chăm sóc, chỉ cần bỏ ít phân chuồng hoặc phân hữu cơ và sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt sẽ phát triển rất tốt. Đặc biệt, cây ca cao rất ít sâu bệnh, chủ yếu chỉ có bọ xít và rệp sáp nên có thể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học diệt trừ hiệu quả.
Anh Khanh cho biết, với nhu cầu sản phẩm từ ca cao của các nước trên thế giới ngày càng tăng, Công ty sẵn sàng hợp tác đầu tư, hỗ trợ giống, kỹ thuật, liên kết sản xuất với các hộ dân trên địa bàn xã Pờ Tó để ổn định vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.
Liên kết, nhân rộng ở vùng đông nam Gia Lai
Nhận thấy lợi thế, tiềm năng cho thu nhập cao từ cây ca cao, một số hộ dân trên địa bàn xã Pờ Tó cũng đã liên kết, trồng thử nghiệm.
Gia đình ông Phạm Văn Quyết (thôn 4, xã Pờ Tó) sau khi tham quan mô hình trồng ca cao của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức đã xuống giống hơn 1.000 cây ca cao xen trong vườn điều rộng hơn 1ha.
Ông Quyết cho biết, thời điểm quyết định trồng, gia đình ông được Công ty hỗ trợ vài trăm cây giống cùng phân bón và hướng dẫn kỹ thuật bài bản.

Nhiều hộ dân trong vùng đã bước đầu liên kết để trồng ca cao. Ảnh: Tuấn Anh.
Tuy nhiên, do thời gian đầu gia đình chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc, không có người thường xuyên có mặt tại vườn nên cây phát triển kém. Sau này, nhận thấy cây ca cao rất có tiềm năng, gia đình đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm để đảm bảo nguồn nước tưới và phân bón cho cây phát triển.
“Sau gần 1 năm xuống giống, cây ca cao sinh trưởng tốt, dự kiến qua đầu năm sau sẽ cho thu hoạch, mang lại nhiều hi vọng cho gia đình”, ông Quyết chia sẻ.
Anh Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức cho biết, khảo sát thực tế cho thấy cây ca cao có thể liên kết phát triển bền vững tại 4 huyện phía đông nam của tỉnh Gia Lai. Thực tế đã chứng minh triển vọng này khi đến thời điểm hiện tại, nhiều hộ dân ở xã Pờ Tó đã liên kết trồng ca cao được hơn 6ha và ở huyện Krông Pa trồng được 22ha.
“Mục tiêu trong 10 năm tới, Công ty sẽ liên kết cùng các hộ dân của 4 huyện đông nam Gia Lai trồng khoảng 2.000ha cây ca cao. Để hiện thực hóa điều này, Công ty sẽ hỗ trợ giống, phân bón cũng như cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm cho người dân để giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm”, anh Khanh chia sẻ.
Ông Trần Đình Đức, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Ia Pa cho biết, những năm gần đây, bên cạnh việc thúc đẩy phát triển sản xuất các cây trồng truyền thống như lúa, mía, khoai mì..., huyện cũng đã đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng của địa phương.
Theo đó, huyện đã tổ chức nhiều hội nghị mời gọi các doanh nghiệp đến khảo sát, đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó có cây ca cao. Qua theo dõi cho thấy, cây ca cao sinh trưởng và phát triển tốt, mở ra nhiều triển vọng cho người dân trên vùng đất Pờ Tó.
“Việc phát triển sản xuất ca cao trên địa bàn sẽ là hướng đi mới phù hợp với định hướng, chủ trương của huyện về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất. Đồng thời liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai của huyện giai đoạn 2021 - 2025, từng bước xây dựng ngành nông nghiệp xanh, phát triển theo chiều sâu”, ông Đức chia sẻ.