| Hotline: 0983.970.780

Thủy sản bền vững, trách nhiệm: [Bài 2] Nuôi thủy sản kết hợp du lịch

Thứ Tư 16/10/2024 , 08:36 (GMT+7)

Nuôi trồng thủy sản trên mặt sông, biển kết hợp với du lịch đang là hướng đi mới, bền vững cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong những năm gần đây.

'Đảo hàu' và cá lồng bè Long Sơn. Ảnh: Lê Bình.

"Đảo hàu" và cá lồng bè Long Sơn. Ảnh: Lê Bình.

Nuôi thủy sản lồng bè gắn với du lịch

Xã đảo Long Sơn, đoạn cửa sông Chà Và (thành phố Vũng Tàu) được biết đến như vương quốc của hàu. Nơi đây được coi là "vựa hàu" cung cấp cho thị trường Đông Nam bộ. Hàu Long Sơn không chỉ nhiều thịt, ngon, béo mà còn giàu dinh dưỡng, an toàn vệ sinh.

Ước tính, chỉ tính riêng tại xã Long Sơn có khoảng hơn 300 cơ sở nuôi với gần 14.000 lồng nuôi trên sông Chà Và, sông Dinh và sông Rạng. Nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như hàu, cá bớp, cá chim vây vàng, cá mú trân châu. Sản lượng ước đạt trên 20.000 tấn/năm.

Trong đó, hàu là loài được nuôi chủ yếu tại các lồng bè tại đây. Mỗi vụ, một hộ nuôi hàu cũng thu hoạch được 50-60 tấn hàu nguyên vỏ. Giá bán dao động khoảng 20.000-22.000 đồng/kg. Trừ hết các chi phí, người nuôi cũng còn được khoảng 40% tổng doanh thu.

Ông Nguyễn Quý Trọng Bình, Giám đốc HTX Như Ý Long Sơn, cho biết, đơn vị đang nghiên cứu và đầu tư công nghệ để chế biến hàu bán mang về và xuất khẩu.

Vài năm trở lại đây, Long Sơn còn được biết đến như điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của Bà Rịa - Vũng Tàu. HTX Như Ý Long Sơn đã đưa vào vận hành khu ẩm thực, nghỉ dưỡng trên sông, ngay tại chính vùng nuôi gần chân cầu Chà Và.

Khu du lịch, ẩm thực Làng bè Như Ý trên sông Chà Và. Ảnh: Lê Bình.

Khu du lịch, ẩm thực Làng bè Như Ý trên sông Chà Và. Ảnh: Lê Bình.

Đến đây, khách du lịch sẽ được tham quan vùng nuôi thủy sản trên sông, được trải nghiệm việc nuôi hàu, cá các loại. Ngoài việc được thưởng thức trực tiếp các loại thủy sản nơi đây, khách tham quan có thể trải nghiệm dịch vụ chèo thuyền sup, lưu trú qua đêm…

Thành phố Vũng Tàu cũng đang định hướng mở các tour du lịch về nguồn tại xã đảo Long Sơn với bộ ba điểm nhấn: nhà lớn Long Sơn, trải nghiệm làm muối và tham quan, thưởng thức ẩm thực trên sông Chà Và.

“Với mô hình này, HTX Như Ý Long Sơn đang thực hiện tốt đồng thời việc bao tiêu sản phẩm nuôi trồng thủy sản mà vừa thu hút du khách du lịch, tạo điểm nhấn du lịch. Mô hình không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương mà quảng bá về nông nghiệp trách nhiệm cho tỉnh”, bà Trần Thị Thu Hường, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Vũng Tàu cho biết.

Nuôi biển còn nhiều dư địa

Bà Rịa - Vũng Tàu được đánh giá là nơi có đối tượng nuôi, vùng nuôi đa dạng. Được thiên nhiên ưu đãi, tỉnh có khoảng 306km bờ biển, chủ yếu là bãi ngang. Nhiều vị trí rất thích hợp để nuôi biển.

Tuy nhiên, hiện nay, mới chỉ có 6 hộ đang nuôi biển với diện tích 2ha tại khu vịnh Bến Đầm, huyện Côn Đảo. Các giống thủy sản nuôi chủ yếu của 6 hộ này là cá mú, bớp, chim, tôm bông, tôm mũ ni… Thường, thủy sản nơi đây sau 4-8 tháng là cho thu hoạch.     

Hiện, Bà Rịa - Vũng Tàu có 6 hộ nuôi biển tại Côn Đảo với tổng diện tích 2ha. Ảnh: Lê Bình.

Hiện, Bà Rịa - Vũng Tàu có 6 hộ nuôi biển tại Côn Đảo với tổng diện tích 2ha. Ảnh: Lê Bình.

Theo ông Lê Văn Phong, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, các hộ nuôi biển này phải cam đoan sử dụng thực phẩm nuôi cá hoàn toàn từ 100% cá tạp thiên nhiên, không sử dụng thực phẩm công nghiệp hay hóa chất trong quá trình nuôi tại các bè hiện hữu.

“Huyện đặc biệt quan tâm là kinh tế du lịch biển gắn với bảo tồn và việc là nuôi để khai thác hải sản biển, nó không xung đột về môi trường. Cái này là một vấn đề lớn cho nên cũng đang được nghiên cứu đánh giá tổng thể”, ông Phong trao đổi.

Nhiều chuyên gia thủy sản cho rằng Bà Rịa - Vũng Tàu cần tăng cường nuôi biển để xứng tầm với điều kiện thuận lợi và bổ sung sản lượng cho mảng đánh bắt đang bị hao hụt.

Hộ anh Lê Văn Quân đang sử dụng lồng nuôi từ vật liệu HDPE kết hợp mái che trong nuôi biển. Ảnh: Lê Bình.

Hộ anh Lê Văn Quân đang sử dụng lồng nuôi từ vật liệu HDPE kết hợp mái che trong nuôi biển. Ảnh: Lê Bình.

Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Thi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển tổng hòa kinh tế biển nên rất khó để mở rộng diện tích, vùng nuôi.

“Lượng tàu thuyền cá, vận chuyển hàng hóa ra vào các cảng nhiều nên ảnh hưởng khá nhiều đến việc nuôi biển. Nuôi biển phải hài hòa với vấn đề du lịch và an ninh quốc gia nên cần phải tính toán kĩ, trọng tâm và bền vững”, ông Thi cho hay.

Nuôi biển tại Bà Rịa - Vũng Tàu được định hướng gắn với bảo vệ môi trường tuyệt đối và phải kết hợp với du lịch để hướng đến là du lịch sinh thái trên biển. Khách du lịch có thể đến check-in tại các loại hình nuôi trồng thủy sản này.

Xem thêm
Nuôi con đặc sản, thị trường ngách cho chăn nuôi nông hộ: [Bài 2] Trang trại gà Lượng Huệ lớn nhất Tây Ninh

Trang trại gà Lượng Huệ 'khủng' của gia đình anh Nguyễn Năng Cường ở thị trấn Tân Châu (Tây Ninh) là niềm mơ ước của nhiều nông hộ…

Hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vacxin dại chó và 50% bệnh viêm da nổi cục

QUẢNG BÌNH Trong 2025, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) tiếp tục bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vacxin dại chó, 50% vacxin viêm da nổi cục và tụ huyết trùng trâu, bò.

'Quy tắc vàng' giúp nông dân trồng rau ít sâu bệnh, an toàn

LÀO CAI Nông dân vùng cao ở Lào Cai ngày càng tuân thủ nghiêm những 'nguyên tắc vàng' để sản xuất rau an toàn, giảm nguy cơ tiếp xúc hóa chất, bảo vệ môi trường.

Tổ khuyến nông cộng đồng 'gần dân, sát ruộng, am hiểu thực tiễn'

TRÀ VINH Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã là lực lượng nòng cốt trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Ruộng đồng nứt nẻ, nguy cơ hạn hán diện rộng tại Bắc Kạn

Bắc Kạn Nhiều cánh đồng tại tỉnh Bắc Kạn không có nước, mặt đất nứt nẻ, người nông dân không thể trồng cấy, nếu không có mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Lúa khỏe, người khỏe, chi phí giảm nhờ drone

Nông dân ngày nay có thể kiểm soát dịch hại từ xa bằng drone, vừa giảm công lao động, tăng hiệu quả, hạn chế rủi ro về sức khỏe và ô nhiễm môi trường.

Uông Bí tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững

QUẢNG NINH Năm 2025, TP Uông Bí đặt mục tiêu trồng mới 2.000 ha rừng, trong đó 101 ha là rừng cây gỗ lớn, bản địa.