Hồ Hòa Bình là một trong những hồ chứa nước ngọt lớn nhất miền Bắc với tổng diện tích gần 9.000ha, sức chứa hơn 9 tỷ m3 nước. Tận dụng lợi thế này, cùng với các chính sách kích cầu của tỉnh, nhiều đơn vị, hộ dân trên địa bàn đã đầu tư phát triển nuôi cá lồng đặc sản gắn với phát triển du lịch, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nuôi cá lồng kết hợp với du lịch giúp Hải Đăng Group thu được "lợi kép". Ảnh: Trung Quân.
Ông Hà Văn Quân, Phó Giám đốc Công ty TNHH thủy hải sản Hải Đăng (Hải Đăng Group) - đơn vị tiên phong trong việc phát triển nuôi cá lồng đặc sản theo các tiêu chuẩn VietGAP, an toàn kết hợp với du lịch sinh thái, chia sẻ, nguồn nước trong mát, lượng oxy, phù du lớn của hồ Hòa Bình là điều kiện lý tưởng cho các loài cá sinh trưởng và phát triển.
Nhờ lợi thế này, Hải Đăng từ một hộ nuôi cá thể đã phát triển nhanh chóng thành hợp tác xã, rồi thành lập công ty. Từ chỗ quy mô số lồng nuôi đếm trên đầu ngón tay, hiện tại, công ty đang sở hữu 280 lồng cá các loại (lăng chấm, lăng vàng, tầm, chép giòn, trắm đen…), sản lượng trung bình hằng năm gần 1.000 tấn.
Để công tác tiêu thụ thuận lợi, ngoài phát triển chuỗi liên kết với các đơn vị, nhà hàng, chế biến nhiều dòng sản phẩm đóng hộp từ cá, công ty đã cải tạo khuôn viên khu vực nuôi, đầu tư tàu du lịch, hình thành chuỗi trải nghiệm thú vị phục vụ du khách gần, xa.
Đặc biệt, trong đàn cá nuôi, công ty luôn duy trì hơn 1.000 con đặc sản như lăng, tầm, trắm đen… có trọng lượng trên 20kg vừa phục vụ nhu cầu của đối tượng khách hàng cao cấp vừa tạo điểm nhấn, không gian thu hút khách du lịch.
Theo anh Quân, việc phát triển nuôi cá lồng kết hợp với du lịch giúp các cơ sở nuôi thu được "lợi kép". Sản phẩm tạo ra không cần phải “đỏ mắt” tìm kiếm kênh tiêu thụ, thuận lợi đạt được giá bán đảm bảo người nuôi không bị lỗ. Từ đó, an tâm đầu tư nâng cao quy mô cũng như chất lượng sản phẩm. Đồng thời, các cơ sở nuôi có thêm nguồn thu từ các dịch vụ du lịch như chụp ảnh, ăn uống, nghỉ ngơi, trải nghiệm, bán sản phẩm…

Những con cá có trọng lượng khủng nuôi tại hồ Hòa Bình thu hút được sự quan tâm rất lớn của khách du lịch. Ảnh: Quang Dũng.
Anh Nguyễn Xuân Sang, xã Thung Nai, hộ nuôi cá lồng phục vụ khách du lịch tại cảng Thung Nai cho rằng, khách tham quan thường có xu hướng khám phá các địa danh nổi tiếng, sau đó ăn, nghỉ trên thuyền hoặc ngay trên lồng bè nuôi cá, thưởng thức cá bắt trực tiếp từ dưới lồng nuôi. Đây là điểm thú vị khi du lịch tại hồ Hòa Bình mà nhiều nơi không thể có được.
Nhiều vị khách sau khi trải nghiệm tỏ ra “nghiện” hương vị cá nơi đây, khi trở về vẫn gọi điện đặt hàng. Nếu các hộ nuôi duy trì được chất lượng sản phẩm và dịch vụ chăm sóc thì những vị khách này sẽ là kênh quảng bá, tiêu thụ lý tưởng để đưa thương hiệu "Tôm sông Đà Hòa Bình" và "Cá sông Đà Hòa Bình" đi xa.
Tuy nhiên, theo anh Sang, để có thể đón được khách du lịch, trước hết các cơ sở phải luôn chăm chuốt cho từng hoạt động của mình, kiểm soát chặt chẽ toàn bộ chuỗi, nhất là vấn đề bảo vệ môi trường và chất lượng sản phẩm. Bởi lẽ, toàn bộ quá trình từ sản xuất đến bàn ăn được công khai để khách du lịch theo dõi, thậm chí cùng tham gia.
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Hòa Bình có khoảng 5.000 lồng cá, sản lượng trên 7.000 tấn/năm. Những chiếc lồng được làm bằng tre, luồng đã được thay thế bằng khung sắt, kẽm, ống nhựa HDPE có độ bền cao, thân thiện với môi trường.

Tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều chính sách nhằm kích cầu phát triển hoạt động nuôi cá lồng và du lịch trải nghiệm trên lòng hồ Hòa Bình. Ảnh: Trung Quân.
Với tiềm năng lớn, UBND Hòa Bình đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án phát triển thủy sản hồ chứa thủy điện Hòa Bình gắn với du lịch đến năm 2030. Theo đó, xây dựng 8 vùng nuôi trồng thủy sản lồng bè tập trung gắn với các tour, tuyến, điểm du lịch khu vực hồ Hòa Bình (không xung đột với giao thông thủy, đảm bảo vệ sinh môi trường, chất lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt và không tác động tiêu cực đến vận hành thủy điện). Số lồng nuôi 10.000 lồng, sản lượng đạt 16.000 tấn/năm; giá trị sản xuất thủy sản đạt 500 tỷ đồng/năm.
80% cơ sở nuôi cá lồng áp dụng quy trình sản xuất nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) hoặc tương đương kết hợp với các hoạt động du lịch như tham quan, học tập, câu cá giải trí và trải nghiệm về nuôi thủy sản, tạo ra sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, góp phần thu hút khoảng 1,6 triệu lượt khách du lịch đến với khu du lịch hồ Hòa Bình; giải quyết việc làm cho khoảng 4.000 lao động.