| Hotline: 0983.970.780

Người 'giải khát' cho cây trồng ở Lý Sơn

Thứ Sáu 16/05/2025 , 09:44 (GMT+7)

QUẢNG NGÃI Một nông dân ở Lý Sơn đã khắc phục vấn đề nước tưới để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Sinh ra và lớn lên ở Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), ông Nguyễn Thành Dũng (52 tuổi, thôn Đông An Vĩnh) không gắn bó đời mình trên những con tàu mà lựa chọn bám những thửa ruộng trồng hành, tỏi để phát triển kinh tế.

Ông Dũng là người tiên phong sử dụng béc phun tưới cho cây trồng trên huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: Văn Hà.

Ông Dũng là người tiên phong sử dụng béc phun tưới cho cây trồng trên huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: Văn Hà.

Sở hữu hơn 20 sào đất nông nghiệp chuyên sản xuất hành, tỏi, chừng chục năm trước, ông cũng từng tưới nước cho cây trồng theo phương pháp truyền thống là sử dụng ống mềm, kéo lê trên mặt ruộng để tưới.

“Cách làm này vừa tốn thời gian, vừa tốn sức lại không đều, chỗ thừa nước, chỗ thiếu nước. Trong khi đó, nguồn nước ngọt ở Lý Sơn không dồi dào, nhất là mùa nắng nóng nông dân phải mua nước để tưới với giá từ 70 - 100 nghìn đồng/giờ”, ông Dũng nhớ lại.

Từ cái khó này, ông Dũng quyết tâm cải tạo hệ thống tưới hiệu quả hơn. Nghĩ là làm, ông vượt biển vào đất liền tìm đến những cánh đồng sử dụng béc phun và thấy rõ hiệu quả.

Từ 15 năm trước, ông Dũng đã mạnh dạn đầu tư hàng chục triệu đồng để khoan giếng, bắt mạch nước ngầm để tưới cây. Ảnh: Văn Hà.

Từ 15 năm trước, ông Dũng đã mạnh dạn đầu tư hàng chục triệu đồng để khoan giếng, bắt mạch nước ngầm để tưới cây. Ảnh: Văn Hà.

Khi trở lại Lý Sơn, ông quyết định đầu tư 4 - 5 triệu đồng/sào để thuê người lắp đặt hệ thống béc phun trên diện tích đất trồng hành, tỏi của gia đình. Ông là người tiên phong đầu tư hệ thống béc phun tưới cho cây trồng ở huyện đảo.

“Lúc bấy giờ ai cũng nói tôi làm vậy là phí tiền vô ích nhưng tôi vẫn quyết làm. Các ống phun cách nhau từ 2 - 2,5m, đảm bảo khi tưới nước phun giáp nhau, giúp hành, tỏi được nhận nước tưới đều. Phương pháp này cung cấp nước cho cây kịp thời, không bị úng, cũng không bị thiếu nước”, ông Dũng nói.

Từ thành công bước đầu của ông Dũng, nhiều hộ khác đã đến học hỏi và đầu tư hệ thống tưới béc phun. Hiện 100% diện tích sản xuất nông nghiệp ở Lý Sơn đều được tưới bằng béc phun.

Ngoài việc đảm bảo nguồn nước sản xuất cho gia đình, hiện ông Dũng đang cung cấp nước tưới cho hơn 200 hộ dân ở Lý Sơn. Ảnh: Văn Hà.

Ngoài việc đảm bảo nguồn nước sản xuất cho gia đình, hiện ông Dũng đang cung cấp nước tưới cho hơn 200 hộ dân ở Lý Sơn. Ảnh: Văn Hà.

Trở về khoảng thời gian xa hơn trước thời điểm dùng béc phun, hiểu rõ đặc thù sản xuất nông nghiệp ở Lý Sơn khó khăn nhất là thiếu nước tưới, cách đây 15 năm, ông Dũng còn mạnh dạn đầu tư hàng chục triệu đồng để khoan giếng, bắt mạch nước ngầm tưới cho cây trồng.

Hiện mỗi năm ông Dũng thu hoạch hơn 20 tấn hành và 3 - 4 tấn tỏi, là một trong những hộ có diện tích sản xuất lớn nhất và đạt hiệu quả cao ở huyện Lý Sơn. 

Ngoài việc đảm bảo nguồn nước sản xuất cho gia đình, hiện ông Dũng đang cung cấp nước tưới cho hơn 200 hộ dân ở Lý Sơn. Giữa thời tiết nắng gắt, nhiều khu vực ở Lý Sơn thiếu nước sản xuất nhưng khu vực giếng khoan của ông Dũng vẫn dồi dào, đủ cung cấp tưới cây cho những ruộng hành, tỏi. 

Hành, tỏi là cây trồng chủ lực trên đất đảo Lý Sơn. Ảnh: Văn Hà.

Hành, tỏi là cây trồng chủ lực trên đất đảo Lý Sơn. Ảnh: Văn Hà.

“Gia đình tôi có 3 sào trồng hành, tỏi. Vì chi phí đầu tư giếng khoan lớn nên tôi không làm mà nhờ ông Dũng cho thuê giếng, hỗ trợ nước tưới. Nhờ vậy, tôi không bị thiếu nước trong sản xuất”, ông Trần Kim Bửu (thôn Đông An Vĩnh) cho biết.

Bản lĩnh, không ngại áp dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp, ông Dũng không chỉ tạo thu nhập tốt cho gia đình mà còn giúp nhiều hộ dân ở địa phương cùng phát triển kinh tế. Hiện ông giải quyết việc làm cho 3 - 5 lao động với thu nhập khoảng 300.000 đồng/người/ngày.

Xem thêm
Trang trại lợn nằm trong khu dân cư, xả thải ra môi trường

THANH HÓA Nước thải phân lợn được đẩy qua cống, xả thẳng ra ao tù chứa nằm ngay trong khu dân cư thôn Xuân Quan (xã Thiệu Công, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa).

Chăn nuôi an toàn không dịch bệnh là 'chìa khóa' cho sinh kế bền vững

TUYÊN QUANG Chăn nuôi an toàn dịch bệnh không chỉ là giải pháp bảo vệ đàn vật nuôi mà còn là chìa khóa ổn định sản xuất, giữ vững sinh kế cho người dân ở Tuyên Quang.

Hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ canh tác sầu riêng

ĐẮK LẮK Chiều 12/5, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk ký hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong canh tác sầu riêng.

Tối ưu vận hành liên hồ chứa bằng công nghệ và dữ liệu

Khi tài nguyên nước trở nên khan hiếm và biến động khó lường, ngành thủy lợi chủ động tái cấu trúc cách thức quản lý dựa trên nền tảng công nghệ và dữ liệu.

Đồng Tháp tập huấn về AI cho cán bộ và người dân

Đồng Tháp tổ chức tập huấn AI nhằm nâng cao nhận thức chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn tỉnh.

Thủ phủ tôm giống công nghệ cao: [Bài 1] Chiếm hơn 30% sản lượng con giống cả nước

Ninh Thuận được mệnh danh là thủ phủ tôm giống của cả nước, bởi địa phương này có 460 cơ sở sản xuất và chiếm hơn 30% sản lượng tôm giống toàn quốc.

Thực hiện chiến lược lâm nghiệp bền vững từ hoạt động trồng cây

Bình Dương Từ phong trào trồng cây nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh nhật Bác, tỉnh Bình Dương đã đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn mới.