Thứ sáu 16/05/2025 - 10:12
Trồng trọt
Người 'giải khát' cho cây trồng ở Lý Sơn
Thứ Sáu 16/05/2025 - 09:44
Một nông dân ở Lý Sơn đã khắc phục vấn đề nước tưới để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
- Tỏi Lý Sơn được mùa, được giá
- Tỏi Lý Sơn được bao tiêu để sản xuất nước chấm
- Sản phẩm nước mắm ớt tỏi sản xuất từ 100% tỏi Lý Sơn
- Vụ tỏi buồn trên huyện đảo Lý Sơn
Sinh ra và lớn lên ở Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), ông Nguyễn Thành Dũng (52 tuổi, thôn Đông An Vĩnh) không gắn bó đời mình trên những con tàu mà lựa chọn bám những thửa ruộng trồng hành, tỏi để phát triển kinh tế.

Ông Dũng là người tiên phong sử dụng béc phun tưới cho cây trồng trên huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: Văn Hà.
Sở hữu hơn 20 sào đất nông nghiệp chuyên sản xuất hành, tỏi, chừng chục năm trước, ông cũng từng tưới nước cho cây trồng theo phương pháp truyền thống là sử dụng ống mềm, kéo lê trên mặt ruộng để tưới.
“Cách làm này vừa tốn thời gian, vừa tốn sức lại không đều, chỗ thừa nước, chỗ thiếu nước. Trong khi đó, nguồn nước ngọt ở Lý Sơn không dồi dào, nhất là mùa nắng nóng nông dân phải mua nước để tưới với giá từ 70 - 100 nghìn đồng/giờ”, ông Dũng nhớ lại.
Từ cái khó này, ông Dũng quyết tâm cải tạo hệ thống tưới hiệu quả hơn. Nghĩ là làm, ông vượt biển vào đất liền tìm đến những cánh đồng sử dụng béc phun và thấy rõ hiệu quả.

Từ 15 năm trước, ông Dũng đã mạnh dạn đầu tư hàng chục triệu đồng để khoan giếng, bắt mạch nước ngầm để tưới cây. Ảnh: Văn Hà.
Khi trở lại Lý Sơn, ông quyết định đầu tư 4 - 5 triệu đồng/sào để thuê người lắp đặt hệ thống béc phun trên diện tích đất trồng hành, tỏi của gia đình. Ông là người tiên phong đầu tư hệ thống béc phun tưới cho cây trồng ở huyện đảo.
“Lúc bấy giờ ai cũng nói tôi làm vậy là phí tiền vô ích nhưng tôi vẫn quyết làm. Các ống phun cách nhau từ 2 - 2,5m, đảm bảo khi tưới nước phun giáp nhau, giúp hành, tỏi được nhận nước tưới đều. Phương pháp này cung cấp nước cho cây kịp thời, không bị úng, cũng không bị thiếu nước”, ông Dũng nói.
Từ thành công bước đầu của ông Dũng, nhiều hộ khác đã đến học hỏi và đầu tư hệ thống tưới béc phun. Hiện 100% diện tích sản xuất nông nghiệp ở Lý Sơn đều được tưới bằng béc phun.

Ngoài việc đảm bảo nguồn nước sản xuất cho gia đình, hiện ông Dũng đang cung cấp nước tưới cho hơn 200 hộ dân ở Lý Sơn. Ảnh: Văn Hà.
Trở về khoảng thời gian xa hơn trước thời điểm dùng béc phun, hiểu rõ đặc thù sản xuất nông nghiệp ở Lý Sơn khó khăn nhất là thiếu nước tưới, cách đây 15 năm, ông Dũng còn mạnh dạn đầu tư hàng chục triệu đồng để khoan giếng, bắt mạch nước ngầm tưới cho cây trồng.
Hiện mỗi năm ông Dũng thu hoạch hơn 20 tấn hành và 3 - 4 tấn tỏi, là một trong những hộ có diện tích sản xuất lớn nhất và đạt hiệu quả cao ở huyện Lý Sơn.
Ngoài việc đảm bảo nguồn nước sản xuất cho gia đình, hiện ông Dũng đang cung cấp nước tưới cho hơn 200 hộ dân ở Lý Sơn. Giữa thời tiết nắng gắt, nhiều khu vực ở Lý Sơn thiếu nước sản xuất nhưng khu vực giếng khoan của ông Dũng vẫn dồi dào, đủ cung cấp tưới cây cho những ruộng hành, tỏi.

Hành, tỏi là cây trồng chủ lực trên đất đảo Lý Sơn. Ảnh: Văn Hà.
“Gia đình tôi có 3 sào trồng hành, tỏi. Vì chi phí đầu tư giếng khoan lớn nên tôi không làm mà nhờ ông Dũng cho thuê giếng, hỗ trợ nước tưới. Nhờ vậy, tôi không bị thiếu nước trong sản xuất”, ông Trần Kim Bửu (thôn Đông An Vĩnh) cho biết.
Bản lĩnh, không ngại áp dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp, ông Dũng không chỉ tạo thu nhập tốt cho gia đình mà còn giúp nhiều hộ dân ở địa phương cùng phát triển kinh tế. Hiện ông giải quyết việc làm cho 3 - 5 lao động với thu nhập khoảng 300.000 đồng/người/ngày.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/nguoi-giai-khat-cho-cay-trong-o-ly-son-d752117.html