| Hotline: 0983.970.780

Lạnh kéo dài, gần 260ha lúa xuân bị 'điếc'

Thứ Hai 05/05/2025 , 04:26 (GMT+7)

ĐẮK LẮK Tại huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk), gần 260ha lúa vụ xuân bị nghẽn đòng, lép hạt do gieo sạ sớm, gặp thời tiết lạnh kéo dài.

Ông Nguyễn Ngọc Pháp, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, vụ đông xuân 2024 - 2025, toàn huyện gieo sạ được 4.435ha lúa, đạt 101% kế hoạch. Diện tích trà lúa chính vụ sinh trưởng và phát triển tương đối tốt.

Tuy nhiên, đối với các trà gieo sạ sớm hơn lịch thời vụ, toàn huyện Krông Bông có gần 260ha lúa bị thiệt hại, không trổ bông do gặp thời tiết lạnh kéo dài. Phần lớn trong số gần 260ha lúa thiệt hại đều bị mất trắng.

Hơn một nửa trong số 260ha lúa bị thiệt hại tại huyện Krông Bông có mức độ thiệt hại trên 70%, người dân phải cắt làm thức ăn cho gia súc. Ảnh: Trần Thọ.

Hơn một nửa trong số 260ha lúa bị thiệt hại tại huyện Krông Bông có mức độ thiệt hại trên 70%, người dân phải cắt làm thức ăn cho gia súc. Ảnh: Trần Thọ.

Xã Ea Trul là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trong huyện Krông Bông. Ông Đỗ Trọng Giáp, Chủ tịch UBND xã Ea Trul cho biết: Tổng diện tích lúa đông xuân bị thiệt hại trên địa bàn xã lên đến 251ha. Trong đó có 45ha thiệt hại từ 10 - 30%, 55ha thiệt hại 30 - 70% và 151ha thiệt hại trên 70%. Diện tích bị thiệt hại trên 70% là diện tích ngoài kế hoạch sản xuất của xã.

Theo ông Giáp, khác với những xã trong huyện có nguồn nước từ công trình thủy lợi, đặc thù lúa vụ đông xuân của xã Ea Trul phần lớn phụ thuộc nước trời. Do đó, người dân gieo sạ sớm để tranh thủ nguồn nước thiên nhiên, từ sau Tết Nguyên Đán Ất Tỵ gặp thời tiết lạnh, sương muối, gió Bắc thổi mạnh nên đến khi trổ đòng lúa bị lép hạt, thiệt hại gần như hoàn toàn, bà con phải cắt làm thức ăn cho gia súc.

“Hiện trên địa bàn xã chưa có nguồn nước chủ động, bà con phụ thuộc vào nước trời nên phải gieo sạ sớm để tận dụng nguồn nước mưa. Những năm trước, người dân trong xã vẫn gieo sạ sớm nhưng không gặp thời tiết lạnh kéo dài như năm nay. Đối với diện tích lúa bị thiệt hại, UBND xã đã báo cáo Phòng Nông nghiệp và Môi trường xin hỗ trợ cho bà con trong thời gian tới”, Chủ tịch UBND xã Ea Trul thông tin.

Là một trong những hộ dân chịu ảnh hưởng nặng nề, anh Y Sôp Mdrang (buôn Cư Mil, xã Ea Trul) cho biết, gia đình anh xuống giống 1,6ha lúa vụ đông xuân 2024 - 2025, tất cả đều bị hư hại, không thể khắc phục.

Cán bộ xã Ea Trul cùng bà con kiểm tra diện tích trồng lúa bị ảnh hưởng do thời tiết. Ảnh: Trần Thọ.

Cán bộ xã Ea Trul cùng bà con kiểm tra diện tích trồng lúa bị ảnh hưởng do thời tiết. Ảnh: Trần Thọ.

Theo anh Y Sôp Mdrang, vụ đông xuân gia đình anh bắt đầu gieo sạ vào giữa tháng 10/2024 vì thời điểm đó mới có nguồn nước tưới tự nhiên, nhưng sang đến đầu năm 2025, do ảnh hưởng không khí lạnh mạnh và kéo dài hơn so với mọi năm nên lúa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngoài ra, lúa xuống giống sớm bị sâu đục thân rất nhiều cũng là một phần nguyên nhân gây mất mùa nặng.

Anh Y Sôp Mdrang cũng như nhiều hộ dân xã Ea Trul mong được các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ để bà con vượt qua giai đoạn khó khăn do mất mùa.

Cùng với xã Ea Trul, xã Hoà Sơn (huyện Krông Bông) cũng có 7ha lúa đông xuân bị thiệt hại (mức độ thiệt hại từ 10 - 30%) do ảnh hưởng không khí lạnh kéo dài. Đây là những diện tích lúa sản xuất ngoài kế hoạch của xã.

Theo ông Nguyễn Ngọc Pháp, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, đối với các vùng lúa bị thiệt hại do không khí lạnh kéo dài trong vụ đông xuân 2024 - 2025, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra, thống kê các vùng đủ điều kiện để có kế hoạch hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại.

Xem thêm
Khởi công trang trại heo 300 tỷ đồng

GIA LAI Dự án sau khi đi vào hoạt động sẽ là mô hình hiện đại, thân thiện với môi trường, góp phần vào phát triển kinh tế và an sinh xã hội tại địa phương.

Cháu bé 3 tuổi tử vong do bệnh dại

GIA LAI Bị chó hoang cắn, tuy nhiên gia đình không đưa đến cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm phòng vacxin khiến cháu bé 3 tuổi tử vong ngay sau đó.

Đi giữa ngàn xanh

GIA LAI Khoát hơn nửa vòng tay, Rô Krik nói: ‘Giờ đây, xã Đất Bằng đã khoác lên mình một màu xanh bất tận, màu xanh của ấm no, đủ đầy và ngập tràn hạnh phúc".

Sống chung với khô hạn: [Bài 2] Tưới tiên tiến giảm áp lực nguồn nước

Những năm qua, người dân Ninh Thuận đua nhau lắp đặt các thiết bị tưới tiên tiến nhằm tiết kiệm nước, thích ứng với nắng nóng, khô hạn kéo dài.

Biến lá khóm thành tơ sợi

TIỀN GIANG Mỗi ngày, anh Nguyễn Ngọc Quyền ở Tiền Giang thu gom 2 tấn lá khóm để sản xuất 15kg tơ sợi cung ứng cho các nhà máy đánh bông, dệt vải.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường vùng nuôi trồng thủy sản: [Bài 1]  Áp dụng kiến thức tập huấn vào thực tiễn

Những kiến thức từ các lớp tập huấn được người dân tiếp thu, vận dụng vào quá trình nuôi trồng thủy sản của gia đình, giúp gia tăng hiệu quả hơn trước.

'Cuộc chiến' giữ rừng phòng hộ: [Bài 4] Nhân rộng diện tích rừng FSC

Đồng Nai Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc là đơn vị lâm nghiệp đầu tiên trong tỉnh Đồng Nai được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế FSC.