Nhằm hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, những năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Điện Biên đã tích cực triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, nhu cầu thị trường và khả năng tiếp cận của người dân.
Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 14 mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nông dân.

Mô hình trồng táo lê Đài Loan cho hiệu quả cao. Ảnh: Hoàng Châu.
Trong đó, Hội Nông dân tỉnh đã trực tiếp triển khai mô hình trồng táo Đài Loan theo hướng an toàn tại xã Thanh Yên và mô hình trồng nho hạ đen tại xã Thanh Nưa. Đây là những cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, phù hợp với khí hậu địa phương và được thị trường ưa chuộng.
Cùng với đó, nông dân các xã đã phối hợp xây dựng 12 mô hình sản xuất nông nghiệp khác như: Trồng cà chua, dưa lưới, bí xanh; áp dụng làm mạ khay - cấy máy; nuôi gà, giun quế; xử lý phân bón hữu cơ… Tại mỗi mô hình, hội nông dân đều phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi và hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Bà Lường Thị Hoa, hội viên nông dân xã Thanh Nưa chia sẻ: "Trước đây gia đình chủ yếu trồng ngô, lúa, thu nhập bấp bênh. Khi được tham gia mô hình trồng nho hạ đen theo hướng an toàn, tôi được tập huấn bài bản, có cán bộ hỗ trợ kỹ thuật, lại được bao tiêu sản phẩm. Đến nay, thu nhập từ vườn nho đã gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa trước kia".

Nông dân Điện Biên chú trọng áp dụng các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản. Ảnh: Hoàng Châu.
Không chỉ mang lại thu nhập cao, các mô hình còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất. Nông dân chuyển từ sản xuất tự cung tự cấp sang hàng hóa, biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, theo dõi thị trường và chú trọng chất lượng nông sản. Từ các mô hình điểm, nhiều hộ dân xung quanh đã học tập và làm theo. Một số địa phương đã thành lập tổ hợp tác sản xuất, nhóm hộ liên kết để mở rộng quy mô, tạo vùng sản xuất tập trung, từng bước hình thành chuỗi giá trị.
Ông Lò Văn Chuyên, hội viên nông dân ở xã Thanh Yên cho biết: "Tôi áp dụng mô hình trồng táo Đài Loan 2 vụ mỗi năm, năng suất ổn định, giá bán tốt. Quan trọng nhất là được Hội Nông dân xã hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên nên yên tâm sản xuất".

Mô hình trồng nho hạ đen giúp người dân nâng cao thu nhập. Ảnh: Hoàng Châu.
Bên cạnh những kết quả tích cực, việc triển khai các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp vẫn còn gặp không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất hiện nay là hạn chế về nguồn lực, đặc biệt là vốn đầu tư ban đầu. Một số mô hình còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, chưa đủ điều kiện để đánh giá hiệu quả lâu dài. Ngoài ra, đầu ra sản phẩm chưa thực sự ổn định do thiếu sự đồng hành của các doanh nghiệp trong khâu bao tiêu.
Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục khảo sát, lựa chọn những mô hình phù hợp với từng địa phương. Đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã và ngành chức năng nhằm đảm bảo đầu ra ổn định và nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời chú trọng đào tạo kỹ năng quản lý, vận hành mô hình cho hội viên, góp phần phát triển nông nghiệp sạch, hiệu quả và bền vững.