Một cửa, một điểm đến – thuận tiện cho dân
Sáng nay (1/7), anh Lò Văn Thuận – hộ nghèo ở bản Bánh, xã Thanh Luông cũ (nay thuộc xã Thanh Nưa), là người đầu tiên đến UBND xã Hua Thanh để xin xác nhận bảng giá vật liệu làm nhà. Không giấy mời, không ngần ngại, anh đến, nộp giấy tờ, chờ xác nhận.
Anh bày tỏ: “Giờ chỉ cần đến một nơi là làm được hết, đỡ phải đi lòng vòng. Càng ít cấp càng tiện cho dân, chỉ cần đến một nơi là giải quyết được mọi việc, không phải mất công đi lại nhiều.”

Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính trong ngày đầu tiên vận hành chính quyền hai cấp tại trung tâm phục vụ hành chính công xã Thanh Nưa. Ảnh: Trần Hương.
Tại xã Thanh Nưa – địa bàn mới được sáp nhập từ 5 xã cũ, với gần 30.000 dân và 73 thôn, bản, chính quyền đã bố trí ba điểm hành chính: Trung tâm xã Thanh Nưa, Hua Thanh và Thanh Hưng. Tại mỗi điểm, đều có công chức túc trực để giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo không ai bị bỏ sót hay phải đi xa hơn mức cần thiết.
Ông Chu Xuân Bách, Chủ tịch UBND xã Thanh Nưa, cho biết: “Chúng tôi tính toán khoảng cách dân cư, bố trí cán bộ hợp lý. Không phải cứ gom hết vào một chỗ mới là tinh gọn. Phục vụ tốt mới là gọn.”
Từ thành thị đến miền xa – bộ máy mới dần đi vào ổn định
Tại phường Điện Biên Phủ – đơn vị hành chính mới hợp nhất từ 4 phường và 1 xã, trụ sở chính đặt tại cơ sở cũ của UBND và Thành ủy thành phố. Các phòng ban được sắp xếp đầy đủ: Đảng ủy, chính quyền, đoàn thể, trung tâm dịch vụ hành chính công, trung tâm dịch vụ tổng hợp, cả văn phòng đăng ký đất đai và đơn vị sự nghiệp chuyên ngành.
“Việc sáp nhập không chỉ để tinh gọn bộ máy mà còn là cách thức mới để đổi mới tư duy quản trị, cơ cấu lại nguồn lực, phục vụ người dân chuyên nghiệp hơn,” ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch UBND phường Điện Biên Phủ, chia sẻ.

Cán bộ Trung tâm phục vụ hành chính công xã Pú Nhung, hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục trong ngày đầu tiên triển khai chính quyền hai cấp. Ảnh: Trần Hương.
Cách trung tâm tỉnh hơn 130km, xã Pú Nhung (huyện Tuần Giáo) là đơn vị hành chính mới được sáp nhập từ hai xã Rạng Đông và Ta Ma. Với địa bàn rộng hơn 209km², gần 13.000 dân, việc bố trí trụ sở và các khối cơ quan được tính toán tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có.
“Chúng tôi chia các khối công năng rõ ràng: UBND dùng lại trụ sở cũ, Đảng – đoàn thể dùng khu lớp học mầm non, HĐND và sự nghiệp văn hóa dùng nhà văn hóa xã. Không xây mới, chỉ điều chỉnh, tiết kiệm và hiệu quả,” ông Nguyễn Văn Bách – Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Sinh, người được giới thiệu giữ chức Chủ tịch UBND xã Pú Nhung, cho biết.

Trung tâm phục vụ hành chính công xã Thanh Nưa, nơi triển khai mô hình chính quyền hai cấp phục vụ người dân. Ảnh: Trần Hương.
Ngày đầu đi vào hoạt động, bộ máy chính quyền 2 cấp ở 45 xã mới của tỉnh Điện Biên không tránh khỏi những lúng túng ban đầu. Nhưng điều dễ nhận thấy là sự sẵn sàng của cán bộ, sự chủ động của địa phương và sự đồng thuận từ người dân.
Tinh thần đổi mới đang lan tỏa – từ trung tâm hành chính tỉnh đến tận vùng núi cao biên giới. Mỗi xã, mỗi phường là một điểm kết nối, một cánh tay nối dài của chính quyền, với mô hình tinh gọn, linh hoạt, phục vụ đa chức năng, vì mục tiêu chung: Dân đến là được việc. Dân cần là có mặt.