Đan chổi để tặng lại
Tại khu dân cư Lý Nam Đế 3, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, ngôi nhà của ông Trịnh Thanh Phi là địa chỉ quen thuộc được nhiều người dân biết và sẵn lòng chỉ dẫn cho khách tìm đến. Ông Phi được nhiều người tới "thăm" bởi họ nhận được từ ông món quà hữu ích. Đó là những chổi được làm từ tàu cau vua, với bàn tay khéo léo, tỉ mẩn của ông Phi.
Ông Phi nghỉ hưu vào năm 2008 với quân hàm Đại tá và cương vị Trưởng đoàn Kịch nói Quân đội thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Tưởng rằng đến lúc được an nhàn lúc tuổi già, người cựu chiến binh ấy lại bận rộn thêm các công việc khác, ông vẫn tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội tại địa phương.
Hơn 15 năm qua, mỗi buổi sáng và chiều muộn, cựu chiến binh Trịnh Thanh Phi đều đạp xe dọc các tuyến phố rợp bóng cây như Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Điện Biên Phủ để nhặt những tàu cau vua rơi xuống từ hàng cây cổ thụ. Người dân nơi đây đã quá quen với bóng dáng ông cụ cặm cụi nhặt từng tàu cau, rũ sạch bụi, buộc gọn sau xe. Không phải để bán, càng không vì mưu sinh – ông giữ lại để đan chổi.

Ông Trịnh Thanh Phi cặm cụi bên những chiếc chổi tàu cau vua. Ảnh: Hà Trang
“Hằng ngày, tôi đi tập nhìn thấy tàu cau vua rơi xuống đường, chợt thấy thêm vất vả cho mấy cô vệ sinh môi trường. Chi bằng tôi mang về, phơi khô, kết hợp cùng mấy chiếc săm thủng không còn dùng được làm thành chổi, vừa nối dài "tuổi thọ" cho tàu cau vua, vừa góp phần nhỏ bé làm sạch cho phố phường Thủ đô tươi đẹp”- ông Phi chia sẻ.
Về đến nhà, ông rửa sạch tàu cau, phơi khô rồi kiên nhẫn đan từng cây chổi một cách tỉ mỉ. Không vội vã, không qua loa. Đôi tay từng cầm súng, giờ đây gò lưng uốn từng sợi lá, tết từng nếp buộc để chổi chắc chắn, gọn gàng.
Khi được hỏi sẽ bán hay tặng ai, ông cười: “Tôi để dành tặng những người lao công, các bác bảo vệ, các đồng chí canh gác dọc phố Phan Đình Phùng, Lý Thường Kiệt – những người âm thầm giữ gìn nếp sống và trật tự cho thành phố.”
Trên phố Phan Đình Phùng – con đường vốn nổi tiếng bởi vẻ đẹp cổ kính và hàng cây xanh rợp bóng – nhiều cô lao công, anh bộ đội gác cổng nay đã quen thuộc với món quà giản dị ấy. Một cây chổi không có giá trị tiền bạc lớn, nhưng lại nặng nghĩa tình.

Những cây chổi của ông Trịnh Thanh Phi góp phần làm sạch phố Phan Đình Phùng. Ảnh: Hà Trang
“Chổi của ông Phi dùng bền lắm, quét sạch mà nhẹ tay. Nhưng điều quý nhất là cái tình của ông. Nhận chổi mà thấy lòng ấm hơn”, chiến sĩ tại vọng gác đường Phan Đình Phùng xúc động nói.
Lan tỏa lối sống đẹp
Không ồn ào, không phô trương, ông Phi chọn cách sống trầm lặng, cống hiến từng việc nhỏ trong khả năng của mình. “Tôi già rồi, không làm được gì to tát. Nhưng mỗi người làm một việc nhỏ có ích, thì thành phố sẽ đẹp hơn, nghĩa tình hơn”, ông Phi chia sẻ.
Việc làm của ông đã lan tỏa cảm hứng cho nhiều người. Một số bạn trẻ sống gần đó đã xin học ông cách đan chổi, xin đi nhặt tàu cau cùng ông vào mỗi cuối tuần. “Chúng cháu gọi đó là 'đi tuần cau', vừa rèn luyện sức khỏe, vừa học cách sống đẹp từ ông Phi”, bạn Nguyễn Minh Thuý, Đoàn viên thanh niên phường Cửa Đông chia sẻ.

Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên phường Cửa Đông tổng vệ sinh sáng Chủ nhật hàng tuần. Ảnh: Hà Trang
Đặc biệt, những chiếc chổi thủ công từ tàu cau ấy còn tiếp tục được sử dụng trong các buổi tổng vệ sinh của khu vực. Đoàn thanh niên phường Cửa Đông đã phối hợp cùng Hội Cựu chiến binh tổ chức các đợt ra quân vệ sinh môi trường, lựa chọn chính những cây chổi của ông Phi làm dụng cụ lao động. Hình ảnh các bạn trẻ và những cựu chiến binh cùng nhau quét dọn trên các con phố trở thành nét đẹp đầy cảm xúc giữa lòng phố cổ.
Có những việc làm không cần phải lớn lao, không cần phải ghi danh mà vẫn đủ sức lay động lòng người. Việc làm của cựu chiến binh Trịnh Thanh Phi là một ví dụ như thế – một con người bình dị, sống giữa lòng Hà Nội, vẫn miệt mài góp phần giữ cho thành phố này thêm sạch đẹp, nhân văn.