Rác đã “chạm đáy”
Nằm ở phía đông của đặc khu Côn Đảo, hòn Bảy Cạnh được bao bọc bởi rừng nguyên sinh rộng lớn với thành phần động, thực vật phong phú. Bảy Cạnh là nơi có số lượng rùa đến làm tổ và đẻ trứng mỗi năm nhiều nhất Đông Nam Á.
Thế nhưng, hòn Bảy Cạnh cũng chính là bãi biển hứng chịu nhiều đợt rác thải từ đại dương, trôi dạt vào. Rác tấp vào những bãi biển, kẹt vào những hốc đá, rễ cây hay thậm chí bị sóng đánh dạt lên các khu vực rừng. Do đó, việc thu gom và xử lý rác, làm sạch môi trường biển tại hòn Bảy Cạnh luôn được chú trọng.

Hòn Bảy Cạnh là một trong những khu vực bị rác thải đại dương tấn công mạnh mẽ nhất, từ bờ biển, đáy đại dương đến khu vực rừng. Sau mỗi đợt thủy triều, không khó bắt gặt rác thải lại bị treo lên cây. Ảnh: Lê Hồng Sơn.
Từ 2020-2025, Dự án "Giảm thiểu rác thải đại dương tại Việt Nam" được WWF phối hợp cùng Cục biển và Hải đảo Việt Nam thực hiện tại đặc khu Côn Đảo đã thu gom được 151,8 tấn rác thải nhựa đại dương. Tổng khối lượng rác thải nhựa thu gom từ đại dương vào khoảng 0,15 tấn/ngày. Ước tính, mỗi năm, các tổ chức tại đặc khu Côn Đảo thu gom và xử lý từ 30-36 tấn rác thải nhựa đại dương.
Trong số đó, phần lớn rác là túi nilon, dây thừng, lưới đánh cá hỏng (còn gọi là lưới ma), chai lọ, lon bia và thùng xốp vỡ. Nhiều loại rác nằm sâu trong các rạn san hô hoặc vướng vào rễ cây trong rừng ngập mặn ven đảo.
Những cơn sóng mùa gió Tây Nam từ tháng 6 đén tháng 9 hằng năm càng khiến Côn Đảo trở thành điểm “hứng” của rác biển khu vực. Nhiều vỏ chai dán nhãn chữ Thái Lan, Trung Quốc hay thậm chí là Campuchia. Rác không chỉ của Côn Đảo, mà của cả khu vực! Theo khảo sát của WWF vào năm 2020, trung bình trên mỗi mét chiều dài bờ biển Côn Đảo có: 62 mảnh nhựa và 1,3 kg rác thải nhựa - cao nhất trong 11 khu bảo tồn biển trên toàn quốc.
Đáng chú ý, các loại lưới ma bị đứt trong quá trình khai thác hải sản bị bỏ lại giữa biển đã trở thành “cạm bẫy vô hình” đối với nhiều loài sinh vật lớn, đặc biệt là rùa biển. Theo Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo, từ 2021 đến nay đã ghi nhận ít nhất 14 trường hợp rùa mắc kẹt trong lưới ma, trong đó 5 cá thể đã chết do đuối nước hoặc thương tích nghiêm trọng.

Theo WWF, tại Côn Đảo, mỗi năm có khoảng 32,4 tấn rác thải được tống trôi ra đại dương. Ảnh: Lê Bình.
Ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo nhận định: “Những tấm lưới bỏ lại trở thành 'cỗ máy giết chóc' hoạt động thầm lặng dưới đáy biển. Không ai kiểm soát, không ai thu hồi, nhưng ngày ngày vẫn tiếp tục gây hại”.
Trong nhiều cuộc lặn khảo sát, cụm san hô tại các rạn ven hòn Tre Lớn, hòn Bảy Cạnh… đã bắt đầu có hiện tượng bị “phủ trắng” bởi rác nhựa và lưới ma. Biển đang mang lại giá trị lớn cho ngư dân trong hoạt động đánh bắt hải sản, nhưng không ít ngư dân lại đang “bạo hành” đại dương bằng những hành động thiếu ý thức.
Thay đổi nhận thức là điều bắt buộc
Trong những tấm lưới bị bỏ lại giữa biển, không ít là của ngư dân địa phương - những người từng vô tình trở thành một phần nguyên nhân trong vòng xoáy ô nhiễm.
Ông Trần Văn Phong (54 tuổi), một ngư dân kỳ cựu sống ở cảng Bến Đầm, không giấu giếm: “Trước kia tụi tôi chỉ nghĩ đơn giản là lưới rách thì cắt bỏ, thùng xốp bể thì thả xuống biển cho nhẹ tàu. Ai cũng làm, riết thành thói quen. Giờ thấy rùa chết, cá mắc vào mới biết mình sai”.
Thực trạng ngư dân vứt lưới hư, thùng xốp, rác sinh hoạt xuống biển từng là vấn đề nhức nhối. Do đặc thù đánh bắt xa bờ dài ngày, thiếu điểm thu gom rác trên tàu, không ít người chọn cách tiện tay xả rác xuống biển.

Những bãi biển đẹp nhất của Côn Đảo như Đầm Trầu, Bãi Nhát... từng không ít lần bị phủ trắng bởi vỏ chai, lưới ma, xốp vụn và cả rác nhựa công nghiệp từ nhiều quốc gia trôi dạt vào. Ảnh: Lê Bình.
Theo báo cáo năm 2023 của UBND huyện Côn Đảo (khi ấy), khoảng 60-70% lượng rác thải trên biển quanh đảo có nguồn gốc từ hoạt động đánh bắt và sinh hoạt của tàu thuyền. Trong số đó, lưới cũ, dây cước, thùng xốp, chai nước suối chiếm tỷ lệ cao nhất.
Tuy nhiên, sự thay đổi đang dần diễn ra. Sau nhiều đợt tuyên truyền của chính quyền và tổ chức WWF, một bộ phận ngư dân đã bắt đầu thay đổi nhận thức và hành vi.
Chính quyền địa phương cũng đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích ngư dân giữ biển sạch như: hỗ trợ chi phí thu gom rác, phát bao tải đựng rác miễn phí, tổ chức các đợt đổi rác lấy nhu yếu phẩm. Ngoài ra, Vườn Quốc gia Côn Đảo đang xây dựng bản cam kết “không xả rác, không thả lưới ma” áp dụng cho tất cả tàu cá đăng ký hoạt động tại khu bảo tồn biển.
Nhiều thuyền cá đã tự nguyện mang theo bao đựng rác trên tàu, cam kết không xả thải ra biển và mang rác về đất liền xử lý. Trong đó, hàng tấn rác nhựa từ các chuyến biển, phần lớn được chuyển cho mô hình Tái Sinh Zone để tái chế.
Ông Trần Thanh Huyền, Phó Chủ tịch UBND đặc khu Côn Đảo cho biết: “Muốn giải quyết tận gốc vấn đề rác biển, không thể thiếu vai trò của ngư dân. Họ không chỉ là người sống nhờ biển, mà cần trở thành người giữ gìn biển”.

Lưới ma bị ngư dân bỏ lại hiện diện tại khá nhiều rạn san hô, bóp nghẹt hệ sinh thái dưới đại dương. Ảnh: Nguyễn Văn Vững.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít thách thức. Một bộ phận ngư dân chưa mặn mà với việc thay đổi vì cho rằng xử lý rác “mất công”, trong khi điều kiện tàu thuyền nhỏ, chật hẹp, chưa có nơi lưu trữ rác an toàn. Thêm vào đó, việc giám sát, xử phạt các hành vi xả rác vẫn còn lỏng lẻo, thiếu thiết bị giám sát và nguồn lực kiểm tra thường xuyên.
Từ đáy biển với những rạn san hô bị bóp nghẹt, đến những con rùa vướng lưới mà chết lặng, rác thải đại dương đang để lại những vết cắt sâu hoắm lên hệ sinh thái của Côn Đảo. Nhưng đồng thời, từ trong lòng cộng đồng ngư dân đang bắt đầu xuất hiện những người tiên phong thay đổi.
Muốn giữ Côn Đảo xanh, không thể chỉ có các chiến dịch lặn vớt rác ngắn hạn. Cần chiến lược lâu dài, có chính sách hỗ trợ ngư dân thay đổi thói quen, tăng cường giám sát rác thải nghề cá, và tạo ra những mô hình “ngư dân bảo vệ biển” thực sự bền vững.
Bởi lẽ, chỉ khi ngư dân trở thành đồng minh của đại dương, thì những con rùa mới có thể bơi an toàn giữa rạn, và những mảnh lưới ma mới ngừng giết chóc trong lặng thầm.