| Hotline: 0983.970.780

Côn Đảo và bài toán rác thải nhựa: [Bài 1] Hành trình thoát khỏi ‘vòng xoáy nhựa’

Chủ Nhật 06/07/2025 , 09:03 (GMT+7)

TP.HCM Từng đối mặt nguy cơ ngập rác, Côn Đảo đang dần định hình mô hình đảo xanh nhờ loạt chương trình giảm thiểu và tái chế rác nhựa.

Khi “thiên đường” nghẹt thở vì rác

Đặc khu Côn Đảo (TP.HCM) là hòn đảo thiêng giữa Biển Đông, được biết đến với vẻ hoang sơ và giá trị lịch sử. Trong suốt thời gian dài, hòn đảo này lại phải quay cuồng trong vòng xoáy rác thải. Du khách tăng nhanh, khiến mỗi ngày phát sinh 25-27 tấn rác sinh hoạt, trong đó khoảng 4-4,3 tấn là nhựa.

Đây là mức phát sinh cao bất thường với một huyện đảo (khi còn thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũ) dân số dưới 10.000 người, chưa kể mùa du lịch cao điểm, lượng rác tăng gấp đôi. Sau mỗi đợt gió mùa, hàng tấn lưới, chai nhựa trôi từ biển vào các bãi cát và rừng ngập mặn, cảnh báo hệ sinh thái “lá phổi” của vùng biển đảo đang bị bức bối.

Côn Đảo đã và đang đối mặt với thách thức về rác thải sinh hoạt lên tới khoảng 27 tấn/ngày. Ảnh: Lê Bình.

Côn Đảo đã và đang đối mặt với thách thức về rác thải sinh hoạt lên tới khoảng 27 tấn/ngày. Ảnh: Lê Bình.

Theo ông Trần Thanh Huyền, Phó Chỉ tịch UBND đặc khu Côn Đảo, trên đảo chỉ có một bãi rác duy nhất, xây dựng từ năm 1985, nằm sát khu dân cư, diện tích chỉ 3.800m². “Sau gần 40 năm, bãi rác đã quá tải nghiêm trọng, không còn khả năng tiếp nhận, với tổng lượng rác tồn đọng lên đến gần 100.000 tấn, tương đương gần 4.000 container tiêu chuẩn xếp chồng lên nhau giữa rừng phòng hộ”, ông Huyền cho hay.

Khảo sát của WWF-Việt Nam cho thấy, rác thải nhựa tại Côn Đảo 634 tấn chiếm 15,86% tổng lượng rác thải sinh hoạt với tỷ lệ thu gom chỉ đạt 98%. Bà Nguyễn Thị Diệu Thuý, Giám đốc Chương trình Giảm Nhựa, WWF-Việt Nam chỉ ra rằng, điều đáng nói là tỷ lệ thất thoát khoảng 32,4 tấn được tống trôi ra đại dương.

“Rác không tràn vào đảo - đảo tràn vào rác. Bởi vậy, những hệ sinh thái quý như rạn san hô, thảm cỏ biển, hay rùa biển, đang dần mai một là đáng tiếc cho một hòn đảo đã được công nhận là khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam.

Tại Côn Đảo, không nhà máy xử lý, không dây chuyền ép, đốt, rác tại đây chỉ được phân theo cảm tính: cái gì dễ cháy thì đốt, còn lại chôn. Mùa khô, rác khô bốc mùi. Mùa mưa, nước rỉ rác đen ngòm chảy vào suối, lấn vào đất dân. Không có hàng rào ngăn, không có lót đáy, không hệ thống thoát nước leachate… mọi thứ phó mặc cho tự nhiên.

Bãi rác duy nhất của Côn Đảo hiện đang kêu cứu, với tổng lượng rác tồn đọng lên đến gần 100.000 tấn. Ảnh: Lê Bình.

Bãi rác duy nhất của Côn Đảo hiện đang kêu cứu, với tổng lượng rác tồn đọng lên đến gần 100.000 tấn. Ảnh: Lê Bình.

Chưa dừng lại ở đó, rác từ biển cũng liên tục tấp vào. Do ảnh hưởng của gió mùa và dòng hải lưu, Côn Đảo trở thành “điểm hứng” của rác đại dương. Những bãi biển đẹp như An Hải, Đầm Trầu, Bãi Nhát... từng không ít lần bị phủ trắng bởi vỏ chai, lưới ma, xốp vụn và cả rác nhựa công nghiệp từ nhiều quốc gia trôi dạt.

“Có những lúc thu gom rác cả tuần vẫn không hết. Hết nhóm tình nguyện đến lực lượng chức năng, nhưng rồi rác cứ về tiếp. Không làm thì ô nhiễm, làm mãi thì kiệt sức”, một cán bộ đặc khu Côn Đảo thừa nhận.

Trớ trêu thay, muốn đưa rác vào đất liền xử lý cũng chẳng dễ. Giá vận chuyển bằng tàu cao gấp 5-7 lần đất liền, phải thuê container lạnh bảo quản, chưa kể rủi ro thời tiết khiến tàu ngưng hoạt động nhiều ngày.

Nguồn lực của địa phương thì hạn hẹp, ngân sách cũng không đủ để thuê vận chuyển rác hoặc đầu tư hệ thống xử lý mới. Nhân sự làm môi trường cũng chỉ có vài cán bộ kiêm nhiệm. Công tác thống kê, giám sát chất thải còn mang tính thủ công. Việc phân loại rác tại nguồn, mặc dù có khởi động, nhưng chưa có hạ tầng đi kèm, khiến phần lớn rác sau phân loại vẫn “trộn chung”.

Trong khi đó, tốc độ phát triển du lịch tại Côn Đảo lại đi rất nhanh. Năm 2023, Côn Đảo đón hơn 500.000 lượt khách, tức mỗi ngày có thêm vài nghìn lượt phát sinh rác, phần lớn là túi nylon, chai nước, ống hút, hộp xốp… những thứ chỉ dùng một lần nhưng để lại hậu quả hàng thập kỷ.

Thách thức cứ dồn lớp này sang lớp khác. Nếu không hành động, hòn đảo từng được xem là "thánh địa xanh" của Việt Nam có thể trượt dần thành vùng ô nhiễm: mất rừng, mất rạn san hô, mất cả niềm tin!

Một hòn đảo đang tự làm mới mình

Nhằm ứng phó với thực trạng nêu trên, từ năm 2022, khi ấy là UBND huyện Côn Đảo đã triển khai Đề án ứng dụng kinh tế tuần hoàn vào phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, trọng tâm là giảm rác thải nhựa, tăng cường phân loại và tái chế tại nguồn. Đến nay, nhiều mô hình cộng đồng đã phát huy hiệu quả rõ rệt, bước đầu chuyển dịch cách tiếp cận từ “thu gom - xử lý” sang “giảm thiểu - tái sử dụng”.

Ông Đặng Minh Thông, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, tham quan các mô hình góp phần giảm thải nhựa tại Côn Đảo. Ảnh: UBND đặc khu Côn Đảo.

Ông Đặng Minh Thông, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, tham quan các mô hình góp phần giảm thải nhựa tại Côn Đảo. Ảnh: UBND đặc khu Côn Đảo.

Theo bà Phan Thị Tím, Phó trưởng phòng Kinh tế đặc khu Côn Đảo, một trong những kết quả nổi bật là tỷ lệ phân loại rác tại nguồn đạt 51%, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung cả nước. Nhờ đó, lượng rác vô cơ giảm mạnh từ 3,38 m³/ngày còn 0,52 m³/ngày, tức giảm tới 85%. Rác hữu cơ cũng giảm nhẹ, từ 5,72m³ xuống còn 5,47 m³/ngày, qua đó góp phần giảm tải đáng kể áp lực lên bãi rác chính.

Cùng với đó, chính quyền địa phương đã phối hợp WWF triển khai mô hình xử lý rác hữu cơ thành phân compost, thu nhận khoảng 700 kg/tuần từ các chợ, nghĩa trang, hộ dân. Compost được dùng cho vườn ươm cây xanh đô thị và phủ xanh điểm rác, tạo ra một chu trình khép kín có giá trị sinh thái.

Ở cấp cộng đồng, các hội đoàn thể đã tạo nên nhiều sáng kiến đáng chú ý. Chẳng hạn, mô hình “Ngôi nhà xanh” do Hội Phụ nữ triển khai đã thu gom được hơn 5 tấn rác tái chế trong năm 2023 và 9 tháng đầu 2024, gây quỹ cộng đồng gần 35 triệu đồng hỗ trợ phụ nữ khó khăn.

Đây cũng là đơn vị đứng ra tái chế 130m² pano thải thành hơn 200 túi xách đi chợ, khuyến khích người dân giảm dùng túi nylon. Huyện đoàn thì đều đặn tổ chức các đợt “Đổi rác lấy quà”, thu hút hàng ngàn học sinh và người dân tham gia, xây dựng thói quen phân loại rác từ nhỏ.

Một sáng kiến khác tạo dấu ấn là mô hình “Vườn thuốc Nam phủ xanh điểm rác”. Thay vì để các bãi rác tự phát hoang hóa, các khu dân cư đã cùng nhau cải tạo, trồng hơn 1.000 cây thuốc và cây hoa trên diện tích 7.500 m², vừa cải thiện cảnh quan vừa nâng cao nhận thức cộng đồng.

Các pano cũ được Hội Phụ nữ đặc khu Côn Đảo chế tạo thành túi xách, phát miễn phí cho Hội viên để đi chợ. Ảnh: Lê Bình.

Các pano cũ được Hội Phụ nữ đặc khu Côn Đảo chế tạo thành túi xách, phát miễn phí cho Hội viên để đi chợ. Ảnh: Lê Bình.

Toàn bộ 145 cơ sở lưu trú trên đảo đã ký cam kết tham gia chương trình “Du lịch giảm nhựa”. Nhiều khách sạn đã ngừng sử dụng ly nhựa, thay bằng hệ thống nước RO, túi giấy và bộ kit thân thiện môi trường. Côn Đảo cũng phát hành sổ tay hành trình xanh cho du khách, nhằm truyền cảm hứng sống xanh ngay trong mỗi chuyến đi.

Nhìn lại quá trình chuyển mình của Côn Đảo trong vòng chưa đầy ba năm, có thể thấy sự thay đổi không chỉ đến từ chính quyền mà bắt nguồn từ chính cộng đồng. Người dân đã không còn đứng ngoài câu chuyện môi trường mà trở thành trung tâm của giải pháp. Rác không chỉ được thu gom, mà được phân loại, tái sử dụng, quy đổi thành giá trị vật chất và tinh thần cho cộng đồng.

Tất nhiên, khó khăn vẫn còn. Việc thiếu cơ sở hạ tầng xử lý hiện đại, cơ chế tài chính xanh chưa rõ ràng, nhân lực địa phương mỏng… là những rào cản cần tháo gỡ. Nhưng điều quan trọng là: Côn Đảo đã có lựa chọn đúng: chọn thay đổi từ gốc, thay vì tiếp tục “đuổi theo rác”.

Có thể nói, Côn Đảo không "đấu tranh" với rác bằng công nghệ, mà bằng niềm tin, cộng đồng và văn hóa sống xanh.

Xem thêm
TP.HCM sắp xóa sổ xe xăng khỏi các app xe công nghệ

TP.HCM TP.HCM đang xúc tiến kế hoạch chuyển đổi 400.000 xe xăng sang xe điện, tiến tới xóa sổ xe xăng của tài xế công nghệ khỏi các app xe công nghệ.

Hành trình xanh của doanh nghiệp Việt

Nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã và đang từng bước thể hiện vai trò tiên phong, hành động cụ thể, bền bỉ để lan tỏa hành trình xanh.

Phố phường Đà Nẵng chìm trong biển nước sau trận mưa xối xả giữa mùa hè

Trận mưa giông giữa mùa hè khiến nhiều tuyến phố trung tâm Đà Nẵng chìm trong biển nước, nhiều người dân phải bì bõm đẩy xe trong nước ngập.

VNPT sẵn sàng cho cổng dịch vụ công Quốc gia vận hành từ 1/7/2025

 VNPT đã hoàn tất công tác chuẩn bị, đảm bảo cổng dịch vụ công Quốc gia (Cổng DVCQG) sẵn sàng vận hành chính thức theo chế độ 'một cửa số' duy nhất từ ngày 1/7/2025.

Thanh Hóa kết thúc 26 đảng bộ huyện, thành lập 166 đảng bộ xã phường

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ 46 thống nhất kết thúc hoạt động 26 đảng bộ cấp huyện và thành lập 166 đảng bộ xã, phường mới.

Đọc nhiều nhất

Bình luận mới nhất