| Hotline: 0983.970.780

Côn Đảo và bài toán rác thải nhựa:

[Bài 2] Khi người dân làm chủ ‘cuộc chiến’ giảm nhựa

Thứ Hai 07/07/2025 , 10:45 (GMT+7)

TP.HCM Không chờ công nghệ hay chế tài, Côn Đảo chuyển mình từ cộng đồng. Người dân trở thành trung tâm sống xanh, từ chiếc túi đi chợ đến cách trẻ con học phân loại rác.

Từ thói quen vô thức đến hành động trách nhiệm

Trước khi chương trình giảm nhựa được triển khai vào năm 2022, rác nhựa gần như là một phần “tự nhiên” trong đời sống thường nhật của người dân Côn Đảo. Không ít người xem việc sử dụng túi nilon, hộp xốp hay chai nhựa là điều hiển nhiên, không có lý do gì để thay đổi.

Tại các chợ truyền thống như chợ Côn Đảo, chỉ cần mua một bó rau, người bán cũng đưa kèm hai ba lớp túi nilon để “đỡ rớt nước”, “cho sạch sẽ”. Mua trái cây được gói riêng, cá thịt gói riêng, đồ khô lại có thêm túi nhỏ để chia. Trung bình mỗi hộ dân có thể thải ra 5 -10 túi nilon mỗi ngày, mà không ai thấy phiền.

Người dân Côn Đảo thích thú với các sản phẩm túi tái chế khi đi chợ để hạn chế sử dụng túi nilon. Ảnh: Lê Bình.

Người dân Côn Đảo thích thú với các sản phẩm túi tái chế khi đi chợ để hạn chế sử dụng túi nilon. Ảnh: Lê Bình.

Một khảo sát nhanh cho thấy: Hơn 90% hộ gia đình không phân loại rác tại nguồn, 72% người dân không biết phân biệt giữa rác tái chế và rác hữu cơ và gần 60% tiểu thương chưa từng nghe về “kinh tế tuần hoàn” hay “giảm thiểu rác nhựa” trong buôn bán.

Ngay cả trong lễ viếng tại nghĩa trang Hàng Dương - nơi thiêng liêng bậc nhất của Côn Đảo cho thấy: rác thải nhựa cũng hiện diện tràn lan. Nhiều người dân mang theo nước đóng chai, bó hoa bọc nilon, thậm chí đốt cả giấy nilon trong các mâm lễ, vô tình để lại hàng trăm ký rác sau mỗi dịp lễ lớn. Có đợt, công nhân vệ sinh phải thu gom tới 500 kg rác nhựa chỉ sau một đêm Rằm.

Không chỉ là thiếu kiến thức, mà còn là rào cản tâm lý: nhiều người tin rằng sống xanh là điều... “dành cho người có điều kiện”, còn người dân lao động thì “ăn sao sống vậy”, “xài gì tiện là dùng”.

Hệ thống thu gom rác trên đảo cũng khiến hành vi khó thay đổi. Rác sau khi phân loại tại nhà, nếu không có xe chuyên dụng để tiếp nhận riêng cũng bị trộn lẫn khi đưa về bãi rác. Điều này khiến nhiều người hoài nghi: “Phân loại làm gì cho mất công, rồi cũng đổ chung thôi”.

Bên cạnh đó, thiếu lựa chọn thay thế là rào cản đáng kể. Bà Hoa, tiểu thương chuyên bán xôi tại chợ Côn Đảo phân trần: “Không dùng hộp xốp thì dùng gì? Hộp giấy thì đắt gấp đôi, lại dễ rỉ. Còn khách thì chỉ thích nhanh, gọn, không đợi lâu để gói lá chuối”.

Những yếu tố này tạo thành một vòng lặp tiêu dùng vô thức: từ người bán đến người mua, từ gia đình đến trường học… ai cũng biết rác nhiều, nhưng không ai đủ lý do để là người đầu tiên thay đổi.

Các bãi biển Côn Đảo từng bị rác thải, nhất là rác thải nhựa từ đại dương bủa vây, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Ảnh: Lê Bình.

Các bãi biển Côn Đảo từng bị rác thải, nhất là rác thải nhựa từ đại dương bủa vây, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Ảnh: Lê Bình.

Tuy nhiên, điều đáng mừng là: chính từ những nhận diện đúng đắn về hành vi, huyện Côn Đảo (trước đây) không áp đặt các mô hình kỹ thuật, mà bắt đầu từ việc khơi dậy niềm tin rằng người dân có thể hành động với những việc làm có giá trị.

Các chương trình truyền thông không dừng ở khẩu hiệu, mà kể những câu chuyện cụ thể: người phụ nữ xách túi vải đến chợ, cậu học sinh nhắc mẹ không dùng ống hút nhựa, cán bộ xóm tự tay thu gom rác mỗi sáng... Dần dần, hành vi có trách nhiệm không còn là “mục tiêu” mà trở thành một phần văn hóa sống.

Việc phân loại rác tại nguồn đạt 51% sau một năm không chỉ là một con số, mà là minh chứng cho một sự thay đổi thầm lặng nhưng bền bỉ: từ chỗ không biết, đến biết, rồi làm và làm đều đặn.

Cộng đồng làm chủ: thói quen nhỏ tạo chuyển biến lớn

Ở khu dân cư số 9, chị Nguyễn Thị Bích, một hội viên phụ nữ, cùng xóm biến mảnh đất từng là điểm đổ rác tự phát thành vườn thuốc Nam phủ xanh, rộng gần 800 m², trồng hơn 100 loại cây thuốc. Không kinh phí lớn, không kỹ thuật cao… chỉ cần bàn tay người dân và quyết tâm làm mới môi trường sống.

Từ một mô hình đầu tiên, “Vườn thuốc Nam phủ xanh điểm rác” lan ra 13 điểm rác khác, tạo nên 7.500 m² mảng xanh, thay đổi diện mạo không gian sống của cả khu phố. Việc cải tạo bãi rác trở thành vườn cây đã khiến người dân chủ động giữ gìn, không còn vứt rác bừa bãi.

Mô hình 'Vườn thuốc Nam phủ xanh điểm rác' được triển khai đã giúp thay đổi diện mạo không gian sống của những điểm rác truyền thống trên Côn Đảo. Ảnh: Phan Thị Tím.

Mô hình "Vườn thuốc Nam phủ xanh điểm rác" được triển khai đã giúp thay đổi diện mạo không gian sống của những điểm rác truyền thống trên Côn Đảo. Ảnh: Phan Thị Tím.

Ở cấp hộ gia đình, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã triển khai 9 mô hình “Ngôi nhà xanh” thu gom rác tái chế tại khu dân cư và 6 mô hình tại khu di tích, khuyến khích người dân đổi rác lấy quà. Trong năm 2023 và 9 tháng đầu 2024, mô hình này thu gom được hơn 5.500 kg rác tái chế, gây quỹ 34,5 triệu đồng hỗ trợ phụ nữ khó khăn.

Cũng chính Hội Phụ nữ đã tái chế 130 m² pano quảng cáo cũ thành hơn 200 túi xách vải, phát miễn phí cho hội viên, vận động 100% phụ nữ cam kết không sử dụng túi nilon khi đi chợ. Từ những chiếc túi ấy, hành vi tiêu dùng dần thay đổi. Giờ đây, chuyện “xách giỏ đi chợ” ở Côn Đảo đã không còn là chuyện lạ.

Trong trường học, 100% học sinh tại 6 trường học trên đảo đã được học về phân loại rác, tham gia câu lạc bộ môi trường, ngoại khóa vẽ tranh, thực hành tái chế. Em Ngọc Lan, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc kể: “Tụi con thi đua ai mang ít rác nhựa nhất. Ai đem hộp xốp đến trường là bị nhắc nhở, thậm chí là bị phạt tùy theo mức độ!”.

Chính từ những thay đổi nhỏ trong trường, hành vi của phụ huynh cũng thay đổi. Người dân Côn Đảo bắt đầu phân loại rác tại nhà, từ chối túi nilon, không dùng khay xốp khi mua đồ ăn. Những hành động này không vì bị bắt buộc, mà vì chính con em họ nhắc nhở.

Tại các lễ hội cộng đồng, chính quyền và Mặt trận tổ quốc đặc khu đã áp dụng mô hình “5 không”: không túi nilon, không ly nhựa, không khay xốp, không ống hút, không đồ nhựa dùng một lần. Mô hình này hiện đã được duy trì tại tất cả các sự kiện lớn của huyện, từ hội chợ đến tưởng niệm liệt sĩ.

Học sinh cũng là đối tượng hưởng ứng và hành động tích cực trong 'cuộc chiến' chống rác thải nhựa của Côn Đảo. Ảnh: Lê Bình.

Học sinh cũng là đối tượng hưởng ứng và hành động tích cực trong "cuộc chiến" chống rác thải nhựa của Côn Đảo. Ảnh: Lê Bình.

Đặc biệt, chương trình “Đổi rác lấy quà” do Đoàn thanh niên tổ chức đã trở thành điểm nhấn truyền thông cộng đồng. Mỗi năm tổ chức 12 - 15 đợt, thu hút hàng nghìn lượt người tham gia, từ học sinh đến người bán vé số. Không khí “gom rác như đi hội” khiến việc sống xanh trở nên vui vẻ, không còn khô cứng.

“Nhờ những nỗ lực ấy, hiện 51% hộ dân đã phân loại rác tại nguồn, tỷ lệ cao hơn nhiều địa phương đất liền. Lượng rác vô cơ giảm đến 85%, rác hữu cơ giảm gần 1m³/ngày và hơn 700 kg rác hữu cơ mỗi tuần được xử lý thành phân compost dùng cho vườn ươm cây xanh đô thị”, bà Phan Thị Tím, Phó trưởng phòng Kinh tế đặc khu cho hay.

Cuộc chuyển mình tại Côn Đảo không ồn ào, không màu mè, nhưng mang tính căn cơ. Không ai bị ép buộc, nhưng ai cũng hiểu nếu không thay đổi, chính mình sẽ là người chịu hậu quả.

Từ chiếc túi vải đi chợ đến một vườn thuốc xanh, từ hộp sữa tái chế đến lớp học không nilon, từ “một người làm gương” đến “cả xóm cùng làm”… hành vi sống xanh dần trở thành một nền nếp văn hóa cộng đồng, bắt rễ từ thói quen, lan ra từ niềm tin.

Côn Đảo đã và đang chứng minh: chống rác nhựa không nhất thiết phải bắt đầu từ công nghệ, mà có thể khởi đầu bằng một cộng đồng tin vào mình có thể làm được điều tốt đẹp.

Xem thêm
TP.HCM sắp xóa sổ xe xăng khỏi các app xe công nghệ

TP.HCM TP.HCM đang xúc tiến kế hoạch chuyển đổi 400.000 xe xăng sang xe điện, tiến tới xóa sổ xe xăng của tài xế công nghệ khỏi các app xe công nghệ.

Hành trình xanh của doanh nghiệp Việt

Nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã và đang từng bước thể hiện vai trò tiên phong, hành động cụ thể, bền bỉ để lan tỏa hành trình xanh.

Mưa lớn liên tiếp gây thiệt hại ở xã biên giới Na Loi

Nghệ An Trong những ngày qua, xã Na Loi xảy ra mưa lớn làm hư hỏng đường giao thông, chia cắt một số bản làng, một số nhà dân bị sạt lở phải di dời khẩn cấp.

VNPT sẵn sàng cho cổng dịch vụ công Quốc gia vận hành từ 1/7/2025

 VNPT đã hoàn tất công tác chuẩn bị, đảm bảo cổng dịch vụ công Quốc gia (Cổng DVCQG) sẵn sàng vận hành chính thức theo chế độ 'một cửa số' duy nhất từ ngày 1/7/2025.

Thanh Hóa kết thúc 26 đảng bộ huyện, thành lập 166 đảng bộ xã phường

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ 46 thống nhất kết thúc hoạt động 26 đảng bộ cấp huyện và thành lập 166 đảng bộ xã, phường mới.

Bình luận mới nhất