| Hotline: 0983.970.780

Côn Đảo và bài toán rác thải nhựa:

[Bài 4] Liên kết các bên để giảm rác nhựa

Thứ Tư 09/07/2025 , 12:39 (GMT+7)

TP.HCM Côn Đảo đang kiến tạo mô hình phát triển xanh: kết nối cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức… hướng đến đảo không nhựa và chiến lược quốc gia bền vững.

“Cuộc chiến” không đơn độc

Đặc khu Côn Đảo cách đất liền hơn 180km, không có nhà máy xử lý rác, chỉ có một bãi rác duy nhất tồn đọng gần 100.000 tấn khiến việc giải quyết bài toán rác thải nhựa chưa bao giờ là dễ. Với bộ máy quản lý môi trường khiêm tốn, ngân sách hạn chế và thiếu hạ tầng phân loại cơ bản, Côn Đảo từng đứng trước lựa chọn khó: tiếp tục "xoay xở từng ngày" hoặc thay đổi tư duy.

Và Côn Đảo đã chọn cách thứ hai: bắt đầu thay đổi tư duy người dân. Khi không thể đi nhanh một mình, Côn Đảo chọn đi xa cùng nhiều lực đẩy: cộng đồng, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, hệ thống bảo tồn và cả những nhóm tình nguyện viên trẻ.

Hội thi Giỏ lễ xanh được tổ chức nhằm truyền thông, giảm nhựa tại các địa chỉ tâm linh, truyền thống Cách mạng tại Côn Đảo. Ảnh: UBND đặc khu Côn Đảo.

Hội thi Giỏ lễ xanh được tổ chức nhằm truyền thông, giảm nhựa tại các địa chỉ tâm linh, truyền thống Cách mạng tại Côn Đảo. Ảnh: UBND đặc khu Côn Đảo.

Đóng vai trò dẫn dắt, UBND huyện Côn Đảo (trước đây) không chỉ điều hành hành chính đơn thuần, mà chủ động đứng ra thiết kế cấu trúc hợp tác đa bên. Chính quyền là nơi kết nối tổ chức quốc tế với hội đoàn thể, đặt cộng đồng làm trung tâm trong mọi chính sách, đồng thời giữ vững vai trò kiến tạo chứ không chỉ điều phối trong toàn bộ tiến trình.

Năm 2022, UBND huyện ban hành Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn giai đoạn 2022 -2025, lấy giảm rác nhựa làm trọng tâm và liên kết làm phương pháp. Ông Trần Thanh Huyền, Phó Chủ tịch UBND đặc khu Côn Đảo cho hay, đề án không chỉ liệt kê mục tiêu, mà còn xác định rõ vai trò của từng nhóm tác nhân. “Các mô hình mới đều được tích hợp vào bản đồ chiến lược chung, không bị rơi vào rời rạc, phong trào”, ông Huyền chia sẻ.

Các hội đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc đã triển khai nhiều mô hình có hiệu quả: “Ngôi nhà xanh”, “Đổi rác lấy quà”, “Vườn thuốc Nam phủ xanh điểm rác”, “Ngày hội không nhựa”... Hơn 5,5 tấn rác tái chế được thu gom, hàng trăm túi vải được phát miễn phí, hàng ngàn lượt người dân và học sinh được tập huấn và tham gia.

Đến nay, Côn Đảo đã có khoảng 20 sáng kiến giảm nhựa, trong đó nhiều sáng kiến đã trở thành mô hình tiêu biểu. Ảnh: Lê Bình.

Đến nay, Côn Đảo đã có khoảng 20 sáng kiến giảm nhựa, trong đó nhiều sáng kiến đã trở thành mô hình tiêu biểu. Ảnh: Lê Bình.

Tổ chức WWF Việt Nam là một trong những đối tác sớm nhất đồng hành cùng huyện. WWF cùng địa phương thực hiện khảo sát dòng chảy rác nhựa, lần theo hành trình của rác từ nơi phát sinh đến điểm tắc nghẽn. Từ đó, các bên có cái nhìn lần đầu tiên mang tính hệ thống: rác từ đâu ra, chảy qua đâu và mắc kẹt ở đâu trong chuỗi thu gom - xử lý.

Không dừng lại ở nghiên cứu, WWF còn phối hợp xây dựng bộ chỉ số giám sát, tổ chức hơn 30 lớp tập huấn cho cán bộ, doanh nghiệp và trường học, và hỗ trợ triển khai mô hình giảm nhựa thí điểm ở từng khu dân cư.

Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo hiện đang quản lý gần 20.000 ha rừng và biển cũng thay đổi cách tiếp cận. Không chỉ bảo vệ rùa, rạn san hô, Vườn Quốc gia đang tích cực truyền thông về lối sống xanh, hướng dẫn du khách không sử dụng đồ nhựa dùng một lần khi tham quan đảo nhỏ.

“Một số tour thả rùa và lặn ngắm san hô nay đã gắn thêm quy định không rác và bắt buộc mang rác trở về điểm tập kết trên bờ. Cán bộ chuyên trách của Vườn giờ đây không chỉ giữ rừng mà còn trở thành người dẫn dắt du khách về trách nhiệm môi trường”, ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo trao đổi.

Một làn gió mới khác đến từ Tái Sinh Zone - một điểm tập kết và sáng tạo với rác thải nhựa, do nhóm tình nguyện viên trẻ sáng lập. Nơi đây không chỉ thu gom rác tái chế mà còn biến chúng thành vật phẩm hữu ích: nắp chai thành tranh treo tường, vỏ hộp sữa thành chậu trồng cây, túi nilon dệt thành giỏ xách. Nhỏ bé, tự phát nhưng Tái Sinh Zone đang khơi lại mạch sống xanh từ chính những gì từng bị bỏ đi.

Từng mắt xích riêng lẻ ấy nếu đứng một mình sẽ không đủ sức giải bài toán rác của Côn Đảo. Nhưng khi kết nối lại, một hệ sinh thái hành động đã hình thành. Mỗi mô hình không còn đơn lẻ, mà trở thành một phần trong bức tranh tổng thể. Người dân Côn Đảo cũng là vai trò chủ thể thay vì chỉ là đối tượng thụ hưởng.

Từ đảo nhỏ đến khát vọng lớn

Đặc khu Côn Đảo không chỉ là địa chỉ đỏ lưu giữ ký ức lịch sử, nơi có rừng nguyên sinh, rạn san hô, cỏ biển và rùa biển. Giờ đây, hòn đảo đang thể hiện là địa phương dẫn đầu xu thế phát triển xanh: không nhựa, không đánh đổi và không ngắn hạn.

Các khách sạn, cơ sở lưu trú tại Côn Đảo cũng hưởng ứng chương trình giảm rác thải nhựa, vật dụng dùng 1 lần. Ảnh: Lê Bình.

Các khách sạn, cơ sở lưu trú tại Côn Đảo cũng hưởng ứng chương trình giảm rác thải nhựa, vật dụng dùng 1 lần. Ảnh: Lê Bình.

Không phải ngẫu nhiên mà WWF chọn Côn Đảo là một trong những địa phương đầu tiên xây dựng thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn ở quy mô huyện đảo. Bởi Côn Đảo hội đủ những yếu tố đặc biệt: diện tích vừa đủ để kiểm soát, cộng đồng còn gắn bó, thiên nhiên còn nguyên vẹn, và quan trọng là chính quyền dám lựa chọn con đường khác biệt.

Chiến lược phát triển Côn Đảo đến năm 2030 xác định: không mở rộng đô thị ồ ạt, không phát triển công nghiệp, mà phát triển theo hướng chất lượng, sinh thái và bảo tồn. Trong tầm nhìn đó, chương trình “giảm rác thải nhựa - du lịch không nhựa - cộng đồng sống xanh” không chỉ là chiến dịch, mà là nền móng của một mô hình phát triển bền vững.

Nếu đi đến cùng, Côn Đảo hoàn toàn có thể trở thành “ngọn cờ đầu” cho mô hình đảo tuần hoàn: nơi thử nghiệm các chính sách không phát thải, phân loại tại nguồn toàn dân, du lịch trách nhiệm, và bảo tồn biển gắn liền với sinh kế xanh. Đây cũng là cơ sở để nhân rộng sang các huyện đảo khác như Lý Sơn, Phú Quý, Cù Lao Chàm, Phú Quốc - những nơi đang đối mặt với áp lực môi trường tương tự.

Giảm thải nhựa tại Côn Đảo lấy người dân làm tâm điểm: từ thay đổi nhận thức đến đối tượng được hưởng thụ. Ảnh: Phan Thị Tím.

Giảm thải nhựa tại Côn Đảo lấy người dân làm tâm điểm: từ thay đổi nhận thức đến đối tượng được hưởng thụ. Ảnh: Phan Thị Tím.

Quan điểm này cũng trùng khớp với định hướng của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, khi xây dựng Chiến lược quốc gia về quản lý chất thải nhựa đến năm 2030, đặt mục tiêu giảm 75% rác nhựa đại dương và có ít nhất một mô hình đảo không nhựa hoàn chỉnh làm điểm. “Nếu giữ được tốc độ chuyển đổi như hiện nay, Côn Đảo hoàn toàn có thể là địa phương đầu tiên bước vào vòng tròn xanh ấy”, ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam khẳng định.

Hơn cả một chiến dịch truyền thông, hành trình Côn Đảo không nhựa là minh chứng sống động cho một triết lý phát triển: xanh không phải là thứ tô điểm, mà là lối sống và nền tảng để đi đường dài.

Xem thêm
TP.HCM sắp xóa sổ xe xăng khỏi các app xe công nghệ

TP.HCM TP.HCM đang xúc tiến kế hoạch chuyển đổi 400.000 xe xăng sang xe điện, tiến tới xóa sổ xe xăng của tài xế công nghệ khỏi các app xe công nghệ.

Hành trình xanh của doanh nghiệp Việt

Nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã và đang từng bước thể hiện vai trò tiên phong, hành động cụ thể, bền bỉ để lan tỏa hành trình xanh.

Mưa lớn liên tiếp gây thiệt hại ở xã biên giới Na Loi

Nghệ An Trong những ngày qua, xã Na Loi xảy ra mưa lớn làm hư hỏng đường giao thông, chia cắt một số bản làng, một số nhà dân bị sạt lở phải di dời khẩn cấp.

5 Luật mới định hình tương lai khoa học công nghệ Việt Nam

Quốc hội thông qua 5 đạo luật nhằm tháo gỡ điểm nghẽn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Thanh Hóa kết thúc 26 đảng bộ huyện, thành lập 166 đảng bộ xã phường

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ 46 thống nhất kết thúc hoạt động 26 đảng bộ cấp huyện và thành lập 166 đảng bộ xã, phường mới.

Bình luận mới nhất