Lặn biển không còn là trải nghiệm
Cuối tháng 6/2024, 21 thành viên của Trung tâm lặn Viet Divers (TP HCM) đã có mặt tại vùng biển quanh Hòn Trứng và Hòn Tài. Họ không đến để ngắm san hô hay chơi đùa với rùa biển mà để thực hiện nghĩa cử cao cả hơn.
Viet Divers phối hợp cùng dự án Koral Asia - Save the Ocean trong hành trình này, với mong muốn “gieo mầm xanh” cho thế hệ trẻ. Họ đến để thu gom rác thải đại dương, gỡ lưới ma khỏi rạn san hô, bắt sao biển gai - loài đang phá hủy hệ sinh thái san hô khi biển mất cân bằng.

Hàng tấn rác thải đại dương được các tổ chức lặn chuyên nghiệp "trục xuất" khỏi những rặn san hô sau mỗi chuyến lặn biển, trả lại sự trong lành cho biển cả. Ảnh: Nguyễn Văn Vững.
Sau ba ngày, nhóm đã thu về 520 kg lưới ma, bắt 50 con sao biển gai và gom hơn 3 m³ rác thải nhựa, chủ yếu là vỏ chai nước, thùng xốp, bao nilon và cả các mảnh ngư cụ dạt vào từ biển xa. Điều đặc biệt là trong đoàn có 5 bạn nhỏ từ 11 đến 17 tuổi, đeo bình lặn, tự tay cắt lưới, kéo rác… không phải để vui, mà để hiểu đại dương cần được cứu sống.
“Các em tận mắt thấy san hô bị tẩy trắng, thấy cá không còn dày đặc như ảnh trên sách, thấy bao nilon vướng quanh rạn đá. Đó là bài học không thể nào quên”, chị Ngọc Anh, đại diện Viet Divers xúc động kể lại.
Ở Côn Đảo, một lực lượng thợ lặn chuyên trách cũng đang thầm lặng gánh trách nhiệm giữ đáy biển sạch. Anh Đặng Thanh Tùng, 32 tuổi, từng là hướng dẫn viên lặn, nay cũng tình nguyện là người “chuyên gỡ rác”.
“Từ năm 2022, tôi bỏ nghề hướng dẫn, chuyển sang làm toàn thời gian cho việc dọn rác đáy biển cho một công ty dịch vụ. Một túi nilon kẹt vào san hô có thể mất cả giờ để gỡ. Có hôm lặn sâu 15 m, nước đục, không thấy gì, chỉ lần mò mà cắt lưới”, anh Tùng kể.
Theo số liệu từ Vườn Quốc gia Côn Đảo và WWF Việt Nam, từ năm 2022 đến nay, nhóm thợ lặn chuyên trách đã thu gom được hơn 6 tấn rác dưới đáy biển, 70% là nhựa và vật liệu không phân hủy. Các “điểm đen” là Hòn Cau, Hòn Tre Lớn, Hòn Bảy Cạnh… những nơi vừa có hệ sinh thái rạn san hô phong phú, vừa là nơi tiếp nhận lượng rác khổng lồ trôi dạt từ đất liền.

Nhiều hoạt động "cứu biển" được thực hiện tại Côn Đảo với hàng tấn rác để đưa vào bờ xử lý hoặc làm đạo cụ để tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng. Ảnh: Nguyễn Văn Vững.
Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo cho hay, có khoảng 14 cá thể rùa biển bị chết vì nuốt nhựa hoặc mắc vào lưới ma. Trong đó, một cá thể rùa xanh trôi dạt vào Hòn Bà có hơn 300g rác nhựa trong dạ dày. Hình ảnh ấy khiến nhiều thợ lặn bỏ cả thời gian kiếm tiền để “cứu rùa, cứu biển”.
Theo ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo, các hòn đảo thuộc khu vực vườn thường xuyên bị “tấn công” bởi rác thải trôi dạt từ đại dương, đặc biệt là trong mùa gió Tây Nam. Dù lực lượng kiểm lâm tại chỗ duy trì việc thu gom rác định kỳ, nhưng ở các khu vực xa và đi lại khó khăn, công tác vệ sinh môi trường gần như quá sức.
“Việc các tổ chức, cá nhân cùng chung tay thu gom rác thải đại dương giúp các loài sinh vật biển tại Côn Đảo phần nào đỡ bị uy hiếp. Hơn hết, chúng tôi kêu gọi ngư dân và toàn cộng đồng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường không chỉ vì sinh vật biển mà còn vì chính không gian sống của chúng ta”, ông Pho nhấn mạnh.
Cứu đại dương là cứu chính mình
Thực trạng rác đại dương ở Côn Đảo không còn là cảnh báo, mà là khủng hoảng hiện hữu. Điều đáng lo ngại hơn, rác dưới đáy không chỉ làm xấu cảnh quan hay giết sinh vật, mà còn âm thầm đi vào chuỗi thức ăn của con người.
Theo nghiên cứu công bố năm 2023 trên tạp chí Marine Pollution Bulletin, nhiều loài cá biển có giá trị kinh tế cao đã chứa vi nhựa trong mô. Một khảo sát sơ bộ của nhóm sinh viên tại Côn Đảo cho thấy 100% mẫu cá cơm thu được tại chợ đều có dấu hiệu vi nhựa dưới kính hiển vi. Do đó, cứu biển không chỉ vì rùa, vì san hô mà là vì chính bữa cơm của mình. Nhựa không tiêu hủy. Nó sẽ đi vòng qua cá, rồi đến bụng người.

Các tình nguyện viên đang thu gom rác đại dương tại khu vực Hòn Trứng. Ảnh: Lê Hồng Sơn.
Trước bối cảnh đó, tháng 6/2022, UBND huyện Côn Đảo và Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” (WWF) đã cùng nhau chung tay để giải quyết vấn đề này.
Sau 3 năm triển khai dự án, Côn Đảo đang trở thành một hình mẫu về liên kết nhiều bên để giảm rác thải nhựa. Trong nỗ lực bảo vệ môi trường biển và phát triển du lịch bền vững, huyện đảo đã ký kết thực hiện mô hình “Du lịch giảm nhựa” với WWF Việt Nam và hơn 40 cơ sở kinh doanh trên đảo.
Theo báo cáo từ UBND đặc khu Côn Đảo, mỗi năm đảo phát sinh khoảng 634 tấn rác nhựa, trong đó phần lớn đến từ các hoạt động du lịch và dịch vụ. Cam kết mới đặt mục tiêu giảm ít nhất 30% lượng nhựa thất thoát vào năm 2025, tiến tới loại bỏ hoàn toàn nhựa dùng một lần tại các cơ sở du lịch vào năm 2030.
Điểm đặc biệt của mô hình Côn Đảo là sự đồng lòng giữa nhiều nhóm: chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và các tổ chức bảo tồn quốc tế. Các nhóm cùng tham gia vào chuỗi giải pháp: truyền thông - giáo dục, phân loại tại nguồn, thay thế vật liệu thân thiện, mở rộng “Chợ không rác”, “Ngôi nhà xanh”, cùng hoạt động giám sát định kỳ và thu gom rác dưới nước.
Hơn cả những khẩu hiệu, các hành động cụ thể đang được ghi nhận: nhiều khách sạn và nhà hàng chuyển sang dùng chai thủy tinh, ống hút giấy; học sinh tham gia “Chủ nhật không rác”; ngư dân gom lưới ma mang về bờ; và tổ chức quốc tế hỗ trợ đào tạo thu gom rác đại dương.

Đội thi công thu gom rác thải đại dương đang mang rác thải từ hòn Bảy Cạnh về bãi rác để xử lý. Ảnh: Lê Hồng Sơn.
Ông Nguyễn Văn Đa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP HCM đánh giá cao nỗ lực của Côn Đảo trong hành trình đẩy lùi rác thải đại dương. Từ một đảo du lịch chịu áp lực rác nhựa, Côn Đảo đang trở thành biểu tượng của liên kết hành động - nơi mà cam kết không chỉ nằm trên giấy, mà được thực hiện bằng hành vi của cả cộng đồng.
San hô đã trắng, rùa đã chết vì nhựa và rác thì vẫn tiếp tục trôi. Nhưng chính những bàn tay âm thầm ấy đang dần kéo Côn Đảo thoát khỏi làn sóng nhựa dữ dội. Trái tim của đại dương không tự đập lại. Thế nên, giữ đại dương, chính là giữ lấy mình!